Quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu ở các phân hiệu đại học quốc tế

Jason E. Lane là Hiệu trưởng School of Education và là Giáo sư về Chính sách giáo dục của Đại học Bang New York tại Albany, Hoa Kỳ, đồng thời là đồng Giám đốc của nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên biên giới. E-mail: Jason.lane@suny.edu. Hans Pohl là Giám đốc Quỹ Thuỵ Điển Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu và Giáo dục đại học (STINT) và là một Nhà nghiên cứu của nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên biên giới. E-mail: hans.pohl@stint.se.

Tóm tắt: Bài viết này căn cứ vào dữ liệu khoa học chính thức khảo sát năng suất nghiên cứu ở các phân hiệu đại học quốc tế (International Branch Campus – IBC). Dữ liệu cho thấy một phần ba các IBC có năng suất nghiên cứu đạt mức tối thiểu, với thành tích cao nhất là trên 400 công bố/năm. Mặc dù năng suất nghiên cứu không cao, nhưng dữ liệu cũng cho thấy các IBC có vai trò đáng kể trong tiến trình quốc tế hóa nghiên cứu và góp phần tăng năng suất nghiên cứu của quốc gia sở tại.

Các phân hiệu đại học quốc tế (IBC) thường chỉ thực hiện hoạt động đào tạo, và bị phê phán là bản sao mờ nhạt của trường mẹ. Đúng là các IBC tập trung chủ yếu vào giảng dạy, với mức độ chất lượng khác nhau, một phần bởi vì là các tổ chức khởi nghiệp, họ phải phát triển và thực hiện chương trình giảng dạy cũng như tuyển dụng giảng viên và sinh viên để phát triển nguồn thu nhập. Tương tự như các trường đại học tư, đại đa số IBC vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào giảng dạy.

Số liệu cho thấy, sau hơn 20 năm phát triển toàn cầu, một phần ba các IBC bắt đầu tham gia vào nghiên cứu, một số đã hình thành văn hoá nghiên cứu riêng. Mặc dù vẫn có những khác biệt lớn giữa các IBC về chất lượng giảng dạy và năng suất nghiên cứu, chúng tôi chọn khảo sát khoảng một phần ba những IBC có hoạt động nghiên cứu, thể hiện bằng số lượng bài công bố trên Scopus.

Phân tích căn cứ vào kết quả tìm kiếm những bài được công bố trong giai đoạn từ 1996 đến 2016 của 250 IBC nằm trong danh sách do Cross-Border Education Team xác định ở giai đoạn này. Trong số đó 149 IBC có ít nhất 1 bài; khoảng 1/3 (93 IBC) có ít nhất 10 bài công bố trên Scopus.

Mặc dù loại hình IBC đã tồn tại gần một thế kỷ, nhưng chỉ từ giữa đến cuối những năm 1990 các IBC mới lan rộng toàn cầu – ra ngoài mẫu quốc. Năm đầu tiên của giai đoạn nghiên cứu này (1996) không ghi nhân bất kỳ công bố học thuật nào của các IBC. Vào năm 2000, khi toàn thế giới có 82 IBC, nhiều cơ sở trong số đó chỉ mới được thành lập, dữ liệu cho thấy năng suất nghiên cứu của các IBC là ít hơn 50 ấn phẩm. Đến năm 2009, số bài công bố hàng năm tăng lên hơn 500, và sau đó tăng vọt thành 3500 bài vào năm 2016. Trong năm đó, tổng số ấn phẩm tích lũy của IBC đạt gần 20 ngàn.

Xu hướng toàn cầu

IBC hiện diện rải rác ở 82 quốc gia. Một số nước có 1 IBC, vài quốc gia có hơn 10 IBC. Bốn quốc gia có nhiều hơn 10 những IBC công bố được từ 10 bài báo trở lên: Trung quốc (14), Các Tiểu vương quốc Ả Rập (13), Malaysia (10) và Qatar (10). Dù vậy những con số này không thể hiện được những khác biệt lớn giữa các quốc gia. Malaysia và Qatar có số lượng công bố thấp nhất trong nhóm nhưng chúng là sản phẩm của hầu hết các IBC ở hai quốc gia này. Trong trường hợp Qatar, các IBC đóng góp từ 25% đến 40% năng suất xuất bản hàng năm của toàn quốc trong các năm 2006-2016. Trong khi Trung quốc với số IBC đông nhất, và số lượng công bố nhiều nhất (1996-2016), lại hoàn toàn khác. Các IBC tại Trung Quốc đã công bố 5000 công trình trong giai đoạn được xem xét. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 1% năng suất nghiên cứu của toàn quốc.

Các IBC tại Trung Quốc đã công bố 5000 công trình trong giai đoạn được xem xét.

Xem xét tác động trích dẫn của các công bố cho thấy rõ hơn sự đóng góp của các IBC. Với bốn quốc gia được đề cập ở trên, chỉ số tác động trích dẫn (FWCI) của họ lúc lên lúc xuống, nhưng có xu hướng tăng trong một thập kỷ gần đây. Khi tách riêng các công bố của IBC và công bố của các trường bản địa để xem xét, chúng tôi nhận thấy tác động trích dẫn của các công bố do IBC cao hơn đáng kể so với các trường bản địa; dù sao cũng cần khảo sát kỹ hơn để xác định kết quả này có được là do chất lượng của công bố hay nhờ vào hiệu ứng lan tỏa danh tiếng của trường mẹ.

Năng suất của các IBC

Số lượng công bố của các IBC rất khác nhau. Như đã nêu trên, hai phần ba các IBC có ít hơn 10 công bố tính từ khi thành lập. Trong khi đó mỗi IBC trong tốp 5 đứng đầu về năng suất có hơn 1000 bài tổng cộng, còn trong tốp 3 có hơn 2500 bài tổng cộng. Các IBC thuộc tốp 5, xếp từ trên xuống gồm: Monash University (Malaysia); Texas A&M Qatar; The University of Nottingham, Malaysia Campus; Xi’an Jiaotong Liverpool University (China); và Weill Cornell Medical College in Qatar. Số lượng bài đăng của các IBC tốp 5 có xu hướng gia tăng, mỗi tổ chức có trên 100 bài/năm- trong tốp 3 là 400 bài/IBC/năm 2016.

Quốc tế hoá nghiên cứu

Một trong những phát hiện của nghiên cứu này là IBC có thể là một cơ chế hữu ích để quốc tế hoá nghiên cứu, cho cả quốc gia tiếp nhận và trường mẹ.

Xem xét 4 quốc gia nêu trên, tỷ lệ bài đăng của các IBC có đồng tác giả quốc tế cao hơn đáng kể so với tỷ lệ bài đăng (có đồng tác giả quốc tế) của trường bản địa. Ở Qatar, khoảng 85% bài đăng năm 2016 của IBC có đồng tác giả quốc tế. Tỷ lệ này ở các trường bản địa Qatar là thấp hơn. Ở Trung Quốc các tỷ lệ tương ứng là 68% của IBC và 40% của các trường bản địa.

Chuyển sang xem xét dữ liệu 5 IBC có năng suất nghiên cứu cao nhất, chúng tôi nhận thấy một xu hướng tương tự. Tỷ lệ các bài đăng (của IBC) đồng tác giả với một cộng tác viên quốc tế đã vượt quá tỷ lệ này của trường mẹ. Texas A & M ở Qatar dẫn đầu với 90% các bài đăng có sự hợp tác quốc tế, trong khi trường mẹ chỉ khoảng 40%.

Khi phân tích mạng lưới hợp tác, chúng tôi có 2 phát hiện thú vị. Thứ nhất, hợp tác quốc tế phổ biến nhất là giữa các phân hiệu và trường mẹ, cho thấy các IBC có ảnh hưởng trực tiếp đến việc quốc tế hóa các hoạt động nghiên cứu của trường mẹ. Thứ hai, hiếm khi các IBC hợp tác với những tổ chức đối tác của trường mẹ. Điều này cho thấy các IBC đang mở ra những quan hệ hợp tác mới, thường là với các trường bản địa ở những khu vực gần.

Tương lai

Dữ liệu cho thấy các IBC toàn cầu đang khác biệt hoá, tương tự những gì chúng ta thấy trong giáo dục đại học tư thục nói chung. Trong khi đại đa số các IBC vẫn tập trung vào việc cung cấp những thực tiễn giáo dục khác biệt với các trường bản địa hoặc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục đại học, một số IBC dường như dồn nỗ lực vào việc thúc đẩy văn hóa nghiên cứu mạnh mẽ hơn, gia nhập đội ngũ những tổ chức bán ưu tú.

Nghiên cứu tăng trưởng vì rất nhiều nguyên do khác nhau, và những nguyên do đó cũng có phần khác biệt giữa các IBC ở các quốc gia khác nhau. Đó có thể là sự trưởng thành của văn hóa học thuật, tuyển dụng được những học giả có trình độ cao hơn và báo cáo dữ liệu minh bạch hơn (ví dụ tác giả của IBC được định danh). Cần có thêm những nghiên cứu để xác định những yếu tố nào đang góp phần phát triển nghiên cứu trong một phần ba các IBC và những yếu tố nào cản trở hai phần ba các IBC còn lại. Ngoài ra, cần mở rộng nghiên cứu về tác động của văn hóa nghiên cứu tại các IBC đối với chương trình giảng dạy, sinh viên và văn hóa học thuật nói chung, nhất là đối với những nơi không có văn hoá này.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng là một số IBC có đủ năng lực nghiên cứu, và đang tích cực tham gia vào hoạt động xuất bản ấn phẩm học thuật; mặc dù chưa thể minh định được hoạt động này là chức năng của doanh nghiệp nói chung hay là trọng tâm chiến lược của các trường.