Lan He là Nghiên cứu viên Đại học Kinh tế Tài chính Yunnan, Kunming, Trung quốc. E-mail: 526934738@qq.com. Stephen Wilkins là Giáo sư của Đại học Anh tại Dubai, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. E-mail: stephen.wilkins@buid.ac.ae.
Tóm tắt: Phân hiệu đại học quốc tế (International Branch Campus – IBC) có vai trò như Học viện Platon thời cổ đại. Trong vài thập kỷ, các IBC đã tiến hoá từ vai trò ban đầu là phương tiện và công cụ triển khai kinh doanh giáo dục-đào tạo, đến vai trò hiện nay là trung tâm chuyển giao và ngoại giao tri thức. Trong tương lai, vai trò mới này có thể mang lại lợi ích cho các bên: quốc gia nguồn, quốc gia chủ nhà, các tổ chức, và người học.
Thành lập vào năm 387 trước công nguyên, Học viện Platon được xem là một cội nguồn văn minh và văn hoá của thế giới hiện đại. Ban đầu Học viện là một hiệp hội các trí thức Hy Lạp, gồm những triết gia, các nhà toán học và thiên văn học. Về sau nó trở thành một trung tâm phổ biến tri thức. Sau vài ngàn năm, những tư duy và ý tưởng rực rỡ của những triết gia cổ đại đã ăn sâu bén rễ vào mọi ngóc ngách của đời sống hiện đại.
Là một xu hướng mới có tính đột phá trong giáo dục đại học, các phân hiệu đại học quốc tế (IBC) thúc đẩy đáng kể tiến trình chia sẻ tri thức, đặc biệt đối với những nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và thúc đẩy ngoại giao tri thức giữa các quốc gia, tương tự như những gì Học viện Platon đã đạt được sau nhiều thế kỉ.
Chuyển đổi mô hình
Ngoại giao tri thức là một khái niệm ngày càng phổ biến và được coi là một sự thay thế cho quyền lực mềm. Ngoại giao tri thức có thể bao gồm những hoạt động giáo dục, nghiên cứu và đổi mới xuyên quốc gia để củng cố quan hệ giữa các quốc gia. Khung ngoại giao tri thức, do Jane Knight đề xướng, nhấn mạnh giá trị của ngoại giao là sự hiểu biết, thỏa hiệp, tương hỗ và có đi có lại. Ngược lại, các phương pháp tiếp cận của quyền lực mềm chủ yếu tác động đến lợi ích cá nhân để đạt được ảnh hưởng và kiểm soát (xem thêm bài Hiệp sĩ Ngoại giao Tri thức trong IHE #100).
Theo truyền thống, việc truyền bá kiến thức, công nghệ và đổi mới thông qua các IBC thường diễn ra một chiều, từ Bắc bán cầu thịnh vượng và phát triển xuống Nam bán cầu. Tương tự như các viện trợ quốc tế, IBC truyền thống được coi là một loại viện trợ giáo dục cho các quốc gia có nhu cầu cấp thiết về kiến thức mới và năng lực giáo dục đại học. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia Tây Âu khác vẫn là những quốc gia nguồn của nhiều IBC nhất, còn những quốc gia chủ nhà tiếp nhận nhiều IBC nhất thì rải rác khắp Đông Á, Đông Nam Á và Trung Đông. Các Đại học/Học viện Hoa Kỳ đã thành lập hơn 80 IBC trên toàn thế giới, Vương quốc Anh có hơn 40 IBC. Ngược lại, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là nơi tiếp nhận gần một phần tư tổng số IBC toàn cầu.
Tuy nhiên, một thay đổi thú vị đang diễn ra trong bối cảnh hiện tại. Từng là một nước chủ nhà lớn, Trung Quốc hiện được xếp trong số 10 quốc gia nguồn IBC lớn nhất. Ấn Độ, Malaysia và Nga cũng đang bắt kịp. Ngày càng có nhiều nền kinh tế mới nổi từng cấm cửa các IBC nước ngoài giờ đã mở rộng cửa chào đón họ. Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập cao, gồm Canada, Pháp và Vương quốc Anh hiện đang được liệt kê trong số 10 quốc gia tiếp nhận hàng đầu.
Môi trường ngoại giao tri thức
Internet đã làm cho thế giới trở nên “phẳng hơn”, thông qua những trao đổi nhanh chóng diễn ra hàng ngày giữa các quốc gia, các nền văn hoá khác nhau. Bối cảnh này khiến cho các IBC phát triển từ vai trò ban đầu chỉ là công cụ và phương tiện hỗ trợ giáo dục – và kinh doanh đào tạo – thành trung tâm chuyển giao và ngoại giao tri thức. Ngoại giao tri thức mang lại lợi ích tiềm năng cho nhiều bên, quốc gia nguồn, quốc gia chủ nhà, các tổ chức và người học.
Thế giới ngày nay đầy những mâu thuẫn và tình huống phức tạp nảy sinh do giao thoa ngày càng tăng giữa các nền văn hóa. Những hiểu lầm, diễn giải sai và sự nghi ngại làm sai lệch nhận thức về nhau. Thật không may, những mâu thuẫn này không thể dễ dàng giải quyết bằng con đường ngoại giao chính thức. Sẽ hiệu quả hơn nếu kết nối mọi người với nhau bằng những nét tương đồng và tăng cường lòng tin lẫn nhau. Tri thức và giáo dục, những di sản lớn nhất của nhân loại, là cách tiếp cận tốt nhất để tăng cường hiểu biết và cải thiện quan hệ quốc tế. Trong việc này, các IBC đóng vai trò chính.
Hoạt động của IBC có thể bị chi phối bởi các chính sách, nhóm quyền lực, nhóm học thuật và thông tin đại chúng; nhưng không nên coi nhẹ chức năng quan trọng của IBC như một phương tiện ngoại giao tri thức. Trong vai trò này, các IBC thúc đẩy trao đổi sinh viên, giảng viên, kiến thức, văn hóa và chuyên gia. Thế hệ sinh viên đang phát triển năng lực quốc tế và đa văn hóa sẽ là một lực lượng đảm bảo hòa bình thế giới trong tương lai.
Hoạt động của IBC có thể bị chi phối bởi các chính sách, nhóm quyền lực, nhóm học thuật và thông tin đại chúng; nhưng không nên coi nhẹ chức năng quan trọng của IBC như một phương tiện ngoại giao tri thức. |
Giáo dục đại học đã trở thành một công cụ quan trọng, được các quốc gia sử dụng để xây dựng và duy trì các mối quan hệ chính trị, xã hội và kinh tế một cách thuận lợi. Một quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Armenia không ngần ngại cung cấp đất miễn phí để trường Đại học Kinh tế Nga Plekhanov xây dựng một phân hiệu nhằm mang lại lợi ích chung. Mặc dù các phân hiệu đại học ở Châu Phi thường không mang lại lợi ích kinh tế, vẫn ngày càng có nhiều trường mở IBC ở đây.
Kinh tế tri thức và triển vọng tương lai
Đã có những bằng chứng cho thấy các IBC có thể giúp quốc gia chủ nhà xây dựng một nền kinh tế tri thức. Điều này được chứng minh bằng các kết quả nghiên cứu, các đăng ký sáng chế và các hoạt động khởi nghiệp. Nghiên cứu của Pohl và Lane vào năm 2017 cho thấy những IBC ở Qatar chiếm tới 38% tổng số ấn phẩm học thuật của Qatar. Đại học Amity (Ấn Độ) với 13 chi nhánh trên toàn thế giới, đã đăng ký hơn 800 bằng sáng chế.
Các IBC có thể mang đến chuyên môn, nghiên cứu và đổi mới cho quốc gia chủ nhà để giải quyết các vấn đề địa phương, khu vực và toàn cầu. Một số quốc gia đặc biệt mong muốn thu hút các trường đại học y, như Weill Cornell Medicine Qatar và Newcastle University Medicine Malaysia. Từ khi ra mắt vào năm 2012, Đại học Kỹ thuật Berlin El Gouna đã được lập kế hoạch và được xây dựng để trở thành một trung tâm nghiên cứu, đổi mới và hợp tác quốc tế ở Ai Cập. Để đáp ứng nhu cầu địa phương, trường này chuyên giảng dạy và nghiên cứu về kỹ thuật năng lượng và nước, và phát triển đô thị.
Mặc dù vẫn có một số ý kiến cho rằng các IBC đang suy yếu và chết dần, bằng chứng cho thấy điều ngược lại, nhiều IBC vẫn mạnh mẽ, thành công và tiếp tục phát triển. Ví dụ, ba IBC ở Dubai (Đại học Heriot-Watt, Học viện Công nghệ Rochester và Đại học Wollongong) đang xây dựng thêm cơ sở mới lớn hơn. Các phân hiệu này rõ ràng sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.
So sánh IBC với Học viện Platon có thái quá không? Chỉ thời gian mới có câu trả lời, nhưng không cần vài thiên niên kỷ như Học viện Platon, những đóng góp tích cực của IBC có thể được công nhận sớm hơn nhiều.