Phản đối của giới trẻ ở Lebanon

Adnan El Amine là Giáo sư về giáo dục tại Đại học Lebanon, Lebanon, và là thành viên của Hiệp hội nghiên cứu giáo dục Lebanon (LAES) và Mạng thông tin giáo dục Ả Rập (Shamaa). E-mail: elamine.adnan@gmail.com.

Tóm tắt

Vào ngày 17 tháng mười năm 2019, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Lebanon, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước – những người đã thống trị đời sống chính trị trong ba thập kỷ, thông qua bảo trợ và tham nhũng – từ chức. Chương trình nghị sự của người biểu tình bao gồm các yêu sách về một chính phủ độc lập và một nhà nước dân sự. Giới trẻ chiếm phần lớn trong số người biểu tình, trong đó sinh viên đóng vai trò chủ chốt. Những sinh viên tham gia vào các cuộc biểu tình kêu gọi sự ủng hộ của khối đại học công lập và tham gia tích cực vào các nhóm thảo luận hàng ngày được tổ chức tại các địa điểm công cộng.

Trong ba thập kỷ, từ 1990 đến 2019, sáu nhà lãnh đạo được bầu đã kiểm soát hệ thống kinh tế và chính trị của Lebanon. Nhiều người trong số họ từng là thủ lĩnh quân đội thời nội chiến (1975-1990), với quyền lực cho phép họ né tránh giải trình trách nhiệm. Có thể áp dụng lý thuyết trò chơi để hiểu được điều gì dẫn đến tình trạng này. Mỗi người chơi chính giả vờ rằng anh ta đang bảo vệ quyền lợi của cộng đồng đảng phái của mình thông qua chia sẻ quyền lực, với sự đe dọa ngầm rằng anh ta có thể huy động người của mình chống lại những người khác. Trên thực tế, chính những nhà lãnh đạo này đã từng thành lập các chính phủ dưới ngọn cờ “đoàn kết quốc gia” để hợp pháp hóa sự lãnh đạo chuyên quyền của họ trong mỗi cộng đồng.

“Chia sẻ quyền lực” trong hệ thống chính trị Lebanon có nghĩa là các nhà lãnh đạo chấp nhận sự can thiệp chính trị của nhau vào tất cả các tổ chức công, ở tất cả các cấp chính quyền, từ lãnh đạo cấp cao xuống các quan chức cấp cơ sở, và trong tất cả các loại giao dịch công. Sự bảo trợ và tính chất bè phái này đã tạo điều kiện để tham nhũng lan tràn trên diện rộng, góp phần làm xói mòn liên tục tất cả dịch vụ công và dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Biểu tình bùng nổ

Không ai có thể hình dung được rằng, vào ngày 16 tháng mười năm 2019, các nhà lãnh đạo quyền lực này phải đối mặt với những tiếng hô vang “Tất cả nghĩa là tất cả. Biến đi!” Khẩu hiệu này đã cổ vũ những cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước, là một bước tiến mới trong lịch sử gần đây của đất nước này.

Cuối chiều thứ năm, ngày 17 tháng mười, chính phủ quyết định áp loại thuế mới đối với các cuộc gọi qua Giao thức Internet (VoIP), như các cuộc gọi qua FaceTime, Facebook và WhatsApp. Chỉ trong vòng nửa giờ, đường phố đầy kín những người biểu tình. Đến 11 giờ tối cùng ngày, thủ tướng đã tuyên bố hủy bỏ thuế này, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trong nhiều tháng sau đó.

Với việc đánh thuế các cuộc gọi VoIP, chính phủ dường như đang tấn công vào giới trẻ của đất nước. Các dịch vụ như WhatsApp là phương tiện liên lạc miễn phí, để trao đổi tin nhắn, hình ảnh, bài hát, tin tức, truyện cười, v.v… nơi đồng nghiệp vui chơi, giao lưu, hẹn hò, tổ chức các sự kiện xã hội và liên lạc với người thân của họ, vì mọi gia đình Lebanon đều có ít nhất một thành viên ở nước ngoài.

Những người đầu tiên xuống đường là những người bị rớt lại phía sau: những thanh niên bên lề xã hội, thất nghiệp và bỏ học. Nói cách khác, đó là những người mà, vào chiều ngày 17 tháng mười, lẽ ra đang tụm năm tụm ba ngoài đường phố hoặc tại một quán cà phê bình dân. Một điều trớ trêu là chính vị quan chức đề xuất đánh thuế, bộ trưởng bộ truyền thông, lại là một trong những ông trùm của tầng lớp doanh nhân Lebanon và gần đây đã bị các phương tiện thông tin đại chúng cáo buộc tham gia vào các hoạt động tham nhũng cùng với một trong hai công ty viễn thông của đất nước này.

Xuống đường tiếp theo là giới trẻ thuộc những nền tảng xã hội khác – sinh viên đã tốt nghiệp và đang học đại học, nam và nữ, từ khắp đất nước. Ở Lebanon, thanh niên từ 15 đến 30 tuổi, không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa lập gia đình, chiếm một phần đáng kể trong tổng dân số (30%). Ngoài sự phẫn nộ đối với toàn bộ hệ thống chính trị, tỷ lệ thất nghiệp trong số họ rất cao (17,3% vào năm 2018), khiến việc xuất ngoại trở thành lựa chọn duy nhất cho nhiều người hòng kiếm được việc làm khả dĩ. Thực tế này được phản ánh trong các khẩu hiệu của người biểu tình, như “Chúng tôi không muốn ước mơ nhận thị thực” và “Các người không thể buộc chúng tôi xuất ngoại.” Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng Lebanon chi rất nhiều tiền cho giáo dục (gần 13% GDP) và gửi nguồn vốn nhân lực được đào tạo của họ sang các quốc gia khác. Trong giai đoạn diễn ra các cuộc biểu tình, nhiều chuyến bay đã đưa thanh niên về nước chỉ để tham gia các cuộc tuần hành, và những thanh niên đang xa xứ cũng xuống đường ủng hộ ở nhiều thành phố trên thế giới. Trong số này, phụ nữ còn có thêm một lý do khác để bất bình: họ không được phép chuyển quốc tịch Lebanon cho con cái nếu kết hôn với những người đàn ông không phải là người Lebanon.

Những cuộc biểu tình của sinh viên

Điều kiện vật chất tồi tệ, tính cách nổi loạn, biết sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, sự năng động cùng các yếu tố khác, tạo thành động lực cho cuộc nổi dậy của giới trẻ vào ngày 17 tháng mười ở Lebanon. Những thành phần dân số khác cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy, bao gồm cả những người đàn ông và phụ nữ mang theo con cái của họ, các bác sĩ, luật sư và nhân viên của các trường đại học. Tất cả các thành phần tham gia đều có chung một tầm nhìn chính trị – lên án tầng lớp chính trị đương nhiệm và kêu gọi một chính phủ “độc lập” và một “nhà nước dân sự”.

Sinh viên là nhóm nòng cốt trong giới trẻ. Sinh viên đại học và học sinh trung học bỏ học giữa buổi hoặc không đến lớp để tham gia vào các cuộc mít tinh lớn trên khắp đất nước. Họ tham gia vào cái được gọi là “trường học phản kháng”: hàng chục lều bạt được dựng lên tại các địa điểm công cộng ở các thành phố chính, là nơi mà các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp lý và giáo dục đại học được thảo luận hàng ngày giữa các sinh viên, giáo sư, nhà báo và các nhà hoạt động. Họ tuyên bố: “Ở đây chúng tôi học về quyền công dân bằng cách thực hành, không phải từ những lời dối trá được tuyên truyền trong sách giáo khoa”, và “ở đây, chúng tôi học lịch sử thực sự, không phải thứ lịch sử của các nhà lãnh đạo tham nhũng.”

Sinh viên đại học và học sinh trung học bỏ học giữa buổi hoặc không đến lớp để tham gia vào các cuộc mít tinh lớn trên khắp đất nước.

Sinh viên biểu tình hát vang quốc ca, giương cao quốc kỳ và bày tỏ sự phẫn nộ tập thể đối với tầng lớp chính trị. Họ kêu gọi việc tuyển dụng dựa trên thành tích học tập, kêu gọi sự tự chủ của Đại học Lebanon khỏi những can thiệp chính trị và yêu cầu được trả học phí bằng đồng tiền của Lebanon – mà không phải bằng đô la Mỹ – trong các tổ chức giáo dục tư nhân. Điều quan trọng hơn là những hoạt động này được tổ chức thông qua các nhóm độc lập và đối lập với các ủy ban chính thức và các đoàn thể sinh viên vốn bị chi phối bởi các thành viên trẻ tuổi của các đảng chính trị cầm quyền. Một số hoạt động này diễn ra tại các trường đại học cụ thể, nhưng phần lớn được tổ chức xuyên suốt các trường đại học, chủ yếu là Đại học Hoa Kỳ Beirut, Đại học Saint-Joseph và Đại học Lebanon.

Phản công

Cuộc biểu tình của các bà mẹ đã diễn ra vào ngày 27 tháng mười một năm 2019, nhằm phản đối việc những thân binh trẻ của hai nhà lãnh đạo chính trị Hồi giáo xâm nhập vào khu vực người Kitô giáo vào tối hôm trước. Đối với các bà mẹ, những người đổ ra đường từ khu vực Hồi giáo và Kitô giáo, vụ việc này gợi nhớ đến cuộc nội chiến và họ muốn ngăn chặn sự quay trở lại của loại hình bạo lực giữa các giáo phái này.

Những nguy cơ về các cuộc xung đột “ngang” hoặc xung đột bè phái như thế này, xuất hiện mỗi khi những “kẻ ngoại lai” đột nhiên tấn công những người biểu tình ôn hòa, hay thậm chí tấn công lực lượng an ninh, những người hầu như lúc nào cũng giữ sự trung lập. Vụ việc ngày 26 tháng mười một là một trong những cách phô diễn trò chơi của giới lãnh đạo chính trị nhằm chuyển hướng sự phản đối của giới trẻ hoặc gây áp lực cho nhau. Tuy nhiên, mặc dù các nhà lãnh đạo chính trị tiếp tục chơi trò chơi quen thuộc của họ, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy hiện tại họ khó huy động được các cộng đồng giáo phái gây ra một xung đột bạo lực công khai.

Cuộc nổi dậy chưa đạt được những mục tiêu chính. Tuy nhiên, mọi thứ đã không còn giống như vào ngày 16 tháng mười. Một quá trình thay đổi xã hội đã bắt đầu từ ngày 17 tháng mười. Các cuộc biểu tình không cho phép bất kỳ người nào trong tầng lớp chính trị cầm quyền được bình an vô sự, dù được che chắn trong phe đảng của họ. Nhưng tương lai của toàn bộ hệ thống chính trị vẫn cần được viết lại.