Gerard A. Postiglione là Giáo sư danh dự và là Điều phối viên của Hiệp hội nghiên cứu giáo dục đại học ở châu Á, Đại học Hồng Kông, Trung Quốc. E-mail: gerry.hku@gmail.
Tóm tắt
Các trường đại học trở thành trung tâm của phong trào phản kháng ở Hồng Kông, còn Hồng Kông trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Cũng như những thành phố khác trên thế giới có các trường đại học hàng đầu – Hong Kong có lý do để hy vọng rằng các trường đại học của họ sẽ hoàn toàn phục hồi.
Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong các phong trào xã hội trên thế giới. Một số trở thành pháo đài của sự cải cách. Một số dẫn đầu các cuộc nổi dậy. Số khác bị lôi kéo vào những cuộc bạo loạn tàn phá chính những thành phố nơi trường tọa lạc. Một số thành phố và các trường đại học tại đó có thể phục hồi và trở nên mạnh mẽ hơn; số khác mất đi sức sống. Những cuộc phản kháng đầu tiên là cuộc nổi dậy ở Đại học Paris năm 1229 (không tính đến tình trạng bất ổn đầy kịch tính gần đây vào tháng năm năm 1968) và Phong trào Bắc Kinh ngày 4 Tháng năm năm 1919 do Đại học Bắc Kinh và các trường đại học khác dẫn đầu. Phong trào Tự do Ngôn luận của Đại học California ở Berkeley năm 1964 đã ảnh hưởng đến San Francisco ở gần đó, còn phong trào Chiếm phố Wall ở thành phố New York đã lôi kéo Đại học New York tham gia. Những trường đại học và những thành phố tiên phong này vẫn giữ được vị thế nổi bật của họ trên toàn cầu. Tham gia vào phong trào phản kháng ở Hồng Kông năm 2019 có tám trường đại học được xếp hạng toàn cầu, ba trong số đó thuộc tốp 100. Liệu Hồng Kông và các trường đại học ở đó có thể phục hồi được không?
Đối đầu
Năm 1997, Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc sau 155 năm là thuộc địa của Anh và trở thành Đặc khu hành chính (SAR) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo thể chế “một quốc gia, hai chế độ” có tính tự trị cao trong 50 năm cho đến năm 2047. Đặc khu hành chính Hồng Kông có hiến pháp riêng, bao gồm cả tự do ngôn luận và hội họp. Các trường đại học ở đó có quyền tự chủ và tự do học thuật cao hơn so với các nước láng giềng.
Căng thẳng trở thành đỉnh điểm vào ngày 29 tháng ba năm 2019, khi đặc khu trưởng Hồng Kông công bố dự luật cho phép dẫn độ một người từ Hồng Kông sang lục địa Trung Quốc để xét xử. Điều này đã khiến một triệu trong số bảy triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình ôn hòa. Khi đặc khu trưởng từ chối rút lại dự luật, hai triệu người đã tham gia biểu tình ôn hòa vào ngày 17 tháng sáu. Chính phủ vẫn tỏ ra cứng rắn và sự tức giận càng sục sôi. Những cuộc biểu tình bạo lực, phá hoại và đụng độ với cảnh sát đã nhấn chìm thành phố. Cuối cùng, vào ngày 23 tháng mười, dự luật đã được rút lại. Khi đó, phong trào phản kháng đã đạt đến mức độ cao nhất, đi kèm những yêu cầu: đặc khu trưởng từ chức, một ủy ban độc lập điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát, hủy bỏ việc coi người biểu tình là người nổi loạn, ân xá cho những người biểu tình bị bắt giữ, và quyền bầu cử phổ thông để bầu đặc khu trưởng và quyền lập pháp đầy đủ.
Một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới để học tập đã cận kề sự sụp đổ. Hầu hết những người biểu tình đều dưới 30 tuổi và lo lắng cho tương lai của Hồng Kông sau năm 2047. Phong trào không chỉ định người lãnh đạo và dựa hoàn toàn vào phương tiện truyền thông xã hội. Người biểu tình chia thành các nhóm 10 hoặc 20 người, họ chặn các đường cao tốc, đóng cửa những nhà ga trung chuyển lớn, khu vực làm thủ tục tại sân bay và các trường đại học. Họ phá hàng trăm chi nhánh ngân hàng, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu của những người ủng hộ chính phủ. Mặc dù Hồng Kông có một triệu người sống dưới mức nghèo khổ, nhưng không xảy ra cướp bóc. Mọi người đều thể hiện sự kiên nhẫn trước những xáo trộn và các nhân viên văn phòng cũng tham gia biểu tình vào giờ nghỉ trưa. Một số người chỉ trích việc phá hoại và tuần hành ủng hộ cảnh sát.
Các khuôn viên trường đại học trở thành nơi đối đầu bạo lực. Trong một học xá, cảnh sát mặc áo giáp bắn 1500 viên hơi cay và 1200 viên đạn cao su vào những người biểu tình là sinh viên và không phải là sinh viên. Ở một trường khác, hàng ngàn quả bom xăng đã bị thu hồi trước khi được sử dụng chống lại cảnh sát. Khi các trường đại học biến thành chiến trường, chín vị hiệu trưởng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi chính phủ giải quyết bế tắc chính trị, trong đó nêu rõ: “…Yêu cầu các trường đại học tự giải quyết vấn đề là hoàn toàn phi thực tế. Tình huống phức tạp và nhiều thách thức này không bắt nguồn từ các trường đại học, cũng không thể giải quyết bằng các quy định của trường”. Các khóa học đều bị gián đoạn.
Tình trạng hỗn loạn tiếp diễn trong gần sáu tháng, cho đến cuộc bầu cử hội đồng quận vào ngày 24 tháng mười một. Hơn 70% cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử long trời lở đất của lịch sử Hồng Kông. Các đảng ủng hộ dân chủ đã giành được gần 90% trong tổng số 452 ghế. Chính phủ vẫn chưa giải quyết các yêu cầu còn lại của người biểu tình.
Những triển vọng nào cho tương lai?
Mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là một ý tưởng đột phá, nhưng tương lai phụ thuộc vào việc mô hình này có thể đồng thời làm hài lòng cả người dân Hồng Kông lẫn phần còn lại của đất nước hay không. Chính phủ trung ương cho rằng dân chủ mà không có hàng rào bảo vệ vững chắc là mối đe dọa đối với sự ổn định. Kể từ năm 1978, hơn 5 triệu người Trung Quốc đã học tập trong các nền dân chủ ở phương Tây. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc có 800 triệu dân thoát nghèo. Giới lãnh đạo đặt 7 triệu người Hồng Kông lên bàn cân so với 1,4 tỷ người ở Đại lục và kết luận rằng lợi ích lớn hơn nghĩa là kiểm soát chặt hơn.
Mặc dù không phải lúc nào cũng có bức tranh đầy đủ và chính xác về quan điểm của công dân Hồng Kông, chính phủ Bắc Kinh nhận thức được sự bất mãn của sinh viên trong các trường đại học. Nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng đó được cho là thiếu chương trình giáo dục quốc gia cũng như giá nhà ở quá cao trong một xã hội nhiều bất bình đẳng. Họ chỉ trích các ông trùm bất động sản ở Hồng Kông đã đặt sự thịnh vượng của mình cao hơn lợi ích chung. Họ tin rằng Sáng kiến Khu vực Vịnh Lớn nhằm kết nối kinh tế và tài năng đại học của Hồng Kông gần hơn với vùng Nam Trung Quốc, sẽ thu hút giới trẻ Hồng Kông tham gia vào sự phát triển của quốc gia. (Đa số sinh viên không thể hiện sự quan tâm đến sáng kiến này hoặc đến những nỗ lực triển khai chương trình giáo dục quốc gia).
Việc cai quản Hồng Kông đã trở nên phức tạp hơn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là trong lúc đang diễn ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Chính phủ Trung quốc khẳng định rằng một số “thế lực nước ngoài” đang hỗ trợ phong trào phản kháng. Một số sinh viên biểu tình mang theo cờ Mỹ đi tuần hành, và vào ngày 15 tháng mười năm 2019, Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông.
Tuy nhiên, có một số lý do để hy vọng rằng các trường đại học Hồng Kông vẫn còn khả năng phục hồi. Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ sẽ hạn chế quyền tự do nghiên cứu, viết bài, và giảng dạy của các nhà khoa học, học giả, và giảng viên các trường đại học ở Hồng Kông. Nếu bị tước mất tự do học thuật, giới học giả sẽ chống đối và thứ hạng toàn cầu của các trường đại học sẽ nhanh chóng rớt xuống. Lãnh đạo cấp cao của các trường đại học đã đưa ra cam kết đối thoại với sinh viên. Luật pháp đảm bảo cho các trường đại học mức độ tự chủ cao về thể chế và tự do học thuật. Các trường đại học ở Hồng Kông có truyền thống thu hút được sinh viên, các nhà khoa học và học giả tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Chính phủ trung ương nhận thức sâu sắc tính chất đặc biệt của Hồng Kông và các trường đại học ở đó – vươn ra toàn cầu và kết nối quốc tế. Họ sẽ không muốn đóng cánh cửa đó lại vì chính họ đang cố gắng mở rộng cánh cửa của mình bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Hồng Kông và các trường đại học từng phục hồi sau cuộc nổi dậy năm 1967, khiến cho 51 người chết và hàng trăm người bị thương. Các trường đại học của thành phố New York cũng phục hồi sau những cuộc biểu tình phản chiến nhấn chìm thành phố năm 1968. Nên các trường đại học Hồng Kông có thể lạc quan đi theo con đường tương tự để chữa lành và hồi phục.