Đo lường tác động của các chính sách hỗ trợ sự công bằng

Jamil Salmi là Chuyên gia giáo dục đại học toàn cầu, Giáo sư danh dự về Chính sách giáo dục đại học tại Đại học Diego Portales ở Chile, và là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected]

Tóm tắt: Bài viết này phân tích những yếu tố tác động đến sự bình đẳng ở 5 quốc gia: Úc, Áo, Colombia, Nam Phi và Việt Nam. Các nghiên cứu xác nhận rằng để đạt được những kết quả tích cực về công bằng cần có mức độ liên kết cao giữa lãnh đạo, mục tiêu chính sách, công cụ chính sách và nguồn lực. Nghiên cứu cũng cho thấy sự tương tác của các yếu tố cấu trúc ảnh hưởng đến sự khác biệt trong giáo dục đại học: sự phân luồng trong trường trung học, tính chọn lọc trong tuyển sinh đại học, sự phân tầng trong hệ thống giáo dục đại học và hỗ trợ tài chính cho các nhóm thiệt thòi.

Một nghiên cứu năm 2018 được tài trợ bởi Quỹ Lumina, All Around The World, đã xem xét những cam kết chính sách của chính phủ các quốc gia nhằm thúc đẩy sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận và thành công trong giáo dục đại học. Nghiên cứu cho thấy, ngoại trừ một vài quốc gia yếu ớt đang cố gắng phục hồi sau thảm họa tự nhiên hoặc khủng hoảng chính trị lớn, công bằng là một chủ đề ưu tiên trong các diễn ngôn về giáo dục đại học của hầu hết các chính phủ.

Để chuẩn bị cho Ngày Thế giới Tiếp cận Giáo dục Đại học (26 tháng 11 năm 2019) năm nay, Quỹ Lumina đã tài trợ cho một nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu những chính sách được xem là thành công nhất trong việc thúc đẩy sự công bằng. Nghiên cứu mới sử dụng phương pháp hỗn hợp kết hợp giữa tổng quan tài liệu về các phương pháp đo lường tác động của những chính sách công bằng trong giáo dục đại học và nghiên cứu tập trung vào một số mẫu nhỏ các quốc gia đại diện cho các châu lục: Úc, Áo, Colombia, Nam Phi và Việt Nam.

Có rất ít các nghiên cứu quốc tế về sự khác biệt trong giáo dục đại học giữa các nước. Việc lựa chọn các chỉ số để đo lường sự bất bình đẳng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thiếu dữ liệu về các nhóm vốn khác nhau về mức độ bình đẳng. Nhìn chung, các quốc gia có xu hướng tập trung chủ yếu vào dữ liệu đầu vào đại học hơn là kết quả tốt nghiệp. Tóm lại, giới tính và nền tảng kinh tế xã hội là hai biến thường được thu thập trên toàn cầu.

Kết quả nghiên cứu từng quốc gia

Úc nổi bật là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có chiến lược công bằng giáo dục đại học toàn diện được hỗ trợ bởi một loạt các chính sách, công cụ và biện pháp với cả hai yếu tố phổ quát và mục tiêu. Úc có hệ thống thông tin tốt cung cấp dữ liệu chi tiết được phân chia theo nhóm bình đẳng. Điều này cho phép nhắm mục tiêu phù hợp, xác định rõ trách nhiệm và tài trợ căn cứ vào hiệu quả. Với HECS-HELP – hệ thống cho vay dựa trên thu nhập – Úc đã đi tiên phong trong việc phát triển một hệ thống tài trợ toàn cầu, vừa bền vững về tài chính vừa công bằng về mặt xã hội. Cơ chế tài trợ HEPPP là một chất xúc tác dẫn đến những thay đổi về mặt tổ chức bằng cách khuyến khích các trường đại học chú trọng hơn vào các biện pháp đảm bảo sự công bằng cho sinh viên, thúc đẩy sự hiểu biết về những rào cản và hình thành một đội ngũ chuyên gia về các vấn đề công bằng.

Úc nổi bật là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có chiến lược công bằng giáo dục đại học toàn diện được hỗ trợ bởi một loạt các chính sách, công cụ và biện pháp với cả hai yếu tố phổ quát và mục tiêu.

Áo là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nhập học cao nhất, chủ yếu nhờ vào tính chất mở của hệ thống giáo dục đại học và không có rào cản tài chính. Tỷ lệ hai giới khá cân bằng, ngay cả trong các chương trình STEM. Việc thu thập và giám sát dữ liệu giới tính được thiết lập tốt. Phát hiện cuối cùng là các tổ chức giáo dục ở Áo phản ứng tích cực và hiệu quả trước cuộc khủng hoảng tị nạn gần đây.

Tại Colombia, sự hiện diện ngày càng tăng của các trường đại học công và tư trong khu vực đã giúp đạt được sự mở rộng tuyển sinh ấn tượng, với sự tham gia nhiều hơn của sinh viên có thu nhập thấp và từ các nhóm thiểu số. ICETEX – tổ chức cho vay học tập đầu tiên trên thế giới, là công cụ chính xúc tiến bình đẳng ở cấp quốc gia. Các trường đại học công lập hàng đầu thực hiện các hành động can thiệp thúc đẩy bình đẳng thông qua hỗ trợ tài chính và các công cụ phi tiền tệ. Một số trường đại học tư cũng đã thực hiện các chương trình duy trì bình đẳng đáng kể. Chính phủ Colombia đã công nhận các nhóm mục tiêu công bằng mới để nhận diện nạn nhân của bạo lực, các nhóm dân số di cư và đa dạng giới.

Ở Nam Phi, các cơ sở giáo dục đại học phân bố cân bằng hơn về mặt địa lý sau khi kết thúc nạn phân biệt chủng tộc đã giúp thu hút được các nhóm dân số bị thiệt thòi và tăng mạnh số lượng học sinh da đen. Cải thiện việc hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua các khoản tài trợ và gần đây hơn, việc miễn học phí cho các nhóm xã hội có thu nhập thấp nhất, đã tạo thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Chính phủ đã buộc các trường đại học đa dạng hóa thành phần chủng tộc,  và nói chung các trường đại học đã đáp ứng yêu cầu này bằng việc tuyển sinh và tuyển dụng nhân sự đa dạng hơn. Nhận xét cuối cùng là Nam Phi có trường đại học mở lớn nhất lục địa, tạo cơ hội cho những sinh viên không thể tiếp cận các tổ chức giáo dục đại học chính quy.

Tại Việt Nam, việc hệ thống giáo dục đại học mở rộng nhanh chóng đã giúp tăng số lượng sinh viên từ các nhóm dân tộc vốn bị thiệt thòi. Chính sách ưu tiên đã tạo thêm cơ hội vào đại học cho học sinh thuộc các dân tộc thiểu số. Việt Nam cũng đạt được kết quả tốt trong việc thu hẹp khoảng cách giới tính. Điều cuối cùng, việc miễn giảm học phí, cấp học bổng và các khoản cho vay có thể giúp sinh viên nghèo vượt qua những rào cản tài chính.

Những phát hiện chung ở cấp quốc gia

Nghiên cứu 5 quốc gia nói trên đã khẳng định một trong những phát hiện chính của Nghiên cứu Lumina 2018: để đạt được kết quả công bằng mạnh mẽ cần có sự liên kết chặt chẽ giữa tầm nhìn lãnh đạo, mục tiêu chính sách, công cụ chính sách và nguồn lực được phân bổ. Duy trì liên tục chính sách công bằng cũng rất cần thiết. Thường xuyên xảy ra tình trạng chính trị cản trở các chính sách hợp lý. Để cải thiện cơ hội tiếp cận và thành công cho các nhóm xã hội thiệt thòi trong thời gian dài, điều quan trọng là phải kiên định theo đuổi và tiếp tục thực hiện các chính sách công bằng có hỗ trợ tài chính và phi tiền tệ một cách nhất quán, độc lập với việc đảng phái nào đang cầm quyền. Ngoài ra, nghiên cứu ghi nhận rằng Áo là quốc gia duy nhất trong 5 nước được khảo sát chịu ảnh hưởng và được hỗ trợ bởi các thỏa thuận siêu quốc gia (quy trình Bologna và chương trình nghị sự xã hội của Ủy ban châu Âu).

Cuối cùng, nghiên cứu các trường hợp cụ thể trên đã xác nhận sự tương tác của bốn yếu tố cấu trúc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự khác biệt trong giáo dục đại học. Thứ nhất, sự phân biệt giữa luồng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề trong các trường trung học ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tiếp cận đại học của học sinh xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp. Chính sách tuyển sinh chọn lọc của các trường đại học là yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến cơ hội của học sinh từ các nhóm xã hội thiệt thòi. Yếu tố thứ ba là sự phân tầng trong các hệ thống giáo dục đại học. Yếu tố cuối cùng không kém phần quan trọng là sự hỗ trợ tài chính cho sinh viên từ các nhóm xã hội thiệt thòi.

Những phát hiện chính ở cấp độ tổ chức

Nghiên cứu năm trường hợp điển hình cũng đánh giá tổng quan các phương pháp và thực tiễn ở cấp độ trường trong việc thúc đẩy cơ hội tiếp cận và thành công của những sinh viên thiệt thòi. Nghiên cứu cho thấy các tổ chức giáo dục phải có chiến lược rõ ràng, có thể ở dạng tài liệu độc lập hoặc được nhúng trong kế hoạch chiến lược của tổ chức. Đại học Wollongong và Đại học Deakin ở Úc và Uniminuto ở Colombia là những ví dụ điển hình. Cả ba trường này đều chú trọng đến sự công bằng như một phần nhiệm vụ cốt lõi của họ. Để thành công trong nhiệm vụ này, cần hình thành một bộ phận chịu trách nhiệm về mọi hoạt động liên quan đến công bằng dưới quyền trực tiếp của một nhà lãnh đạo tổ chức. Ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, quan hệ đối tác đổi mới giữa các tổ chức giáo dục đại học, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp địa phương có thể huy động thêm nguồn lực để tài trợ học bổng cho sinh viên nghèo. Ngoài việc đảm bảo tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận, những trường đại học công lập hoặc tư thục mong muốn hòa nhập nhiều thành phần sinh viên hơn nên cố gắng tạo ra một môi trường thân thiện cho lứa sinh viên đầu tiên, những người thường cảm thấy không thoải mái trong văn hóa tổ chức tinh hoa.

Các lĩnh vực nghiên cứu tiếp theo

Những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học và những nhà nghiên cứu quan tâm đến việc thúc đẩy hơn nữa sự công bằng trong giáo dục đại học có thể cân nhắc một số kết quả của nghiên cứu này. Để đi tiếp, điều quan trọng là cần thực hiện những nghiên cứu tác động để đo lường những biện pháp can thiệp và cách thức kết hợp những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất, dựa trên nghiên cứu của Geven và Herbaut về các chiến lược hỗ trợ tài chính (IHE #99). Các quốc gia và các tổ chức giáo dục đại học cần điều chỉnh hệ thống thông tin toàn diện để xác định được tất cả các nhóm công bằng và đo lường sự tiến bộ của họ trong khía cạnh tiếp cận và tốt nghiệp. Liên quan đến chênh lệch giới tính, cần xác định các chính sách hiệu quả để cải thiện cân bằng giới trong các trường đại học và chương trình STEM, ở các vị trí học thuật hàng đầu và trong đội ngũ lãnh đạo trường đại học. Cuối cùng, không thể bỏ qua việc xác định rõ hơn nhu cầu của sinh viên khuyết tật, cung cấp cho họ đủ nguồn lực và trao quyền cho các trường đại học đưa nội dung này vào chương trình nghị sự về công bằng của họ (xem Thompson về các trường đại học dành cho mọi đối tượng trong IHE #100).