Beatrice Kohlenberg là Quản lý cấp cao của Chương trình WES Gateway Dịch vụ Giáo dục Thế giới (World Education Services – WES), Canada. E-mail: bkohlenberg@wes.org. Bryce Loo là Giám đốc nghiên cứu tại WES, Hoa Kỳ. E-mail: bloo@wes.org.
Tóm tắt: Cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn thế giới hiện nay đã thúc đẩy việc nghiên cứu cơ hội tiếp cận và hòa nhập của người tị nạn vào giáo dục đại học ở các nước tiếp nhận. Để tiếp cận giáo dục đại học việc có đủ bằng cấp, được đánh giá và công nhận trình độ học lực là vô cùng quan trọng. Những người có trình độ đại học muốn được tuyển dụng vào vị trí đúng chuyên môn cũng gặp khó khăn tương tự. Một số sáng kiến tỏ ra hứa hẹn, đặc biệt khi UNESCO và hệ thống Liên Hợp Quốc nói chung bắt đầu giải quyết những thách thức trên quy mô toàn cầu.
Trong số hàng triệu người tị nạn trên toàn thế giới, nhiều người có bằng cấp sau trung học hoặc đủ điều kiện học lực để học đại học. Ở Bắc Mỹ, châu Âu và các nơi khác, các tổ chức giáo dục đại học, hiệp hội nghề nghiệp, các chính phủ và các tổ chức khác đã cố gắng tìm cách giảm bớt hoặc loại bỏ những rào cản mà những người như vậy phải đối mặt khi họ mong muốn theo đuổi giáo dục đại học hoặc tìm những công việc cần đến những kỹ năng đã được đào tạo trước đó. Một trong số những rào cản này là việc đánh giá và công nhận năng lực học thuật khi họ không thể cung cấp những giấy tờ chính thức, đầy đủ. Bài viết này xem xét những nỗ lực giải quyết rào cản này ở Canada và Hoa Kỳ, cũng như của UNESCO.
Những thách thức mà người tị nạn là sinh viên hoặc có trình độ đại học phải đối mặt
Vì vô số lý do, người tị nạn, tị nạn chính trị và những người rời bỏ đất nước do thiên tai thường khó đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn đánh giá trình độ học thuật. Chẳng hạn, họ có thể không kịp mang theo giấy tờ chứng nhận khi buộc phải trốn chạy. Cũng rất khó lấy được các văn bằng chính thức từ những tổ chức phát hành do hệ thống giáo dục không đủ khả năng quản lý hồ sơ lưu trữ và đáp ứng các yêu cầu của sinh viên tốt nghiệp.
Đối với những cá nhân này, việc thiếu bằng chứng về trình độ học vấn là một thách thức phải vượt qua, khi họ tìm cách xây dựng cuộc sống mới ở một đất nước mới. Không có bằng chứng, việc tìm kiếm việc làm tương xứng hoặc tiếp tục học tập cao hơn để có được một sự nghiệp ý nghĩa thường là không thể. Nhiều người bị mắc kẹt trong những công việc không sử dụng hết những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của họ.
Công ước Công nhận Lisbon
Những nỗ lực của Bắc Mỹ và châu Âu nhằm loại bỏ những rào cản liên quan đến trình độ học vấn của người nhập cư xuất phát chủ yếu từ một thỏa thuận quốc tế năm 1997 gọi là Công ước về Công nhận Trình độ Chuyên môn Giáo dục Đại học ở Khu vực châu Âu, thường được gọi là Công ước Lisbon (LRC). Phần 7 của LRC cam kết các bên tham gia sẽ xây dựng “những quy trình được thiết kế để đánh giá một cách công bằng và nhanh chóng cho dù người tị nạn, người di cư và những người có hoàn cảnh tương tự không đáp ứng đủ những yêu cầu liên quan để tiếp cận giáo dục đại học, các chương trình sau đại học hay yêu cầu tuyển dụng, ngay cả trong trường hợp những đối tượng nêu trên không có đủ bằng chứng là văn bản để chứng minh trình độ chuyên môn họ đã được đào tạo”.
LRC cũng giúp hệ thống hóa một loạt các trung tâm thông tin quốc gia về trình độ giáo dục quốc tế, được gọi chung là Mạng NARIC ENIC. Theo quy định của LRC, mỗi quốc gia ký kết phải có một trung tâm thông tin quốc gia tham gia vào mạng lưới này. Chính những tổ chức này đã thực hiện phần lớn những thay đổi gần đây liên quan đến đánh giá và công nhận trình độ cho những người thiếu giấy tờ xác nhận chính thức. Ví dụ, Mạng NARIC ENIC toàn châu Âu đã hợp tác để phát triển Hộ chiếu Chứng nhận Năng lực Chuyên môn Châu Âu cho Người tị nạn (EQPR), một quy trình đánh giá thay thế cho việc đánh giá trình độ thông qua bằng cấp và phỏng vấn ứng viên.
Cách ứng phó của Canada trước thách thức đánh giá và công nhận
Từ khi bắt đầu thực hiện việc tái định cư quy mô lớn cho người tị nạn Syria vào cuối năm 2015, Canada đã có những bước tiến để cải thiện việc công nhận trình độ học vấn của người tị nạn. Canada chính thức phê chuẩn LRC năm 2018. Việc phê chuẩn buộc Canada phải phát triển các phương pháp đánh giá trình độ cho người tị nạn, ngay cả khi họ không có đầy đủ văn bằng chứng nhận chính thức.
Từ khi bắt đầu thực hiện việc tái định cư quy mô lớn cho người tị nạn Syria vào cuối năm 2015, Canada đã có những bước tiến để cải thiện việc công nhận trình độ học vấn của người tị nạn. |
Trước khi Canada phê chuẩn LRC, tổ chức thành viên mạng NARIC-ENIC của Canada, NICIC, Trung tâm Thông tin Quốc tế Canada (CICIC), đã tiến hành các cuộc thảo luận cấp cao với các bên liên quan chính ở khắp Canada về chủ đề đánh giá trình độ học vấn của người tị nạn. Sáng kiến Đánh giá Trình độ Chuyên môn của Người tị nạn do CICIC dẫn đầu đã tìm cách phát triển những thực tiễn đánh giá tốt nhất trong bối cảnh của Canada và được chính phủ liên bang tài trợ.
Sáng kiến chính mà Canada áp dụng để xác định và thực hiện các thực tiễn đó đến từ Dịch vụ Giáo dục Thế giới (WES), một tổ chức đánh giá trình độ hàng đầu hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ. Chương trình WES Gateway cung cấp đánh giá trình độ cho những cá nhân phải rời bỏ tổ quốc vì tình trạng bất ổn chính trị, xung đột hoặc thiên tai, và cũng là những người không thể cung cấp những loại giấy tờ có thể kiểm chứng.
Trong một dự án thí điểm một năm, WES đã hình thành phương pháp đánh giá dựa trên những giấy tờ thuộc sở hữu cá nhân của ứng viên và làm việc với các đối tác giới thiệu cộng đồng để giúp đưa ứng viên vào chương trình. Dựa trên hồ sơ lưu trữ về giáo dục và tài liệu mẫu có giá trị 45 năm trong cơ sở dữ liệu của mình và sử dụng chuyên môn về đánh giá trình độ, WES có thể truy cập đến những tài liệu có bảng điểm và “tái cấu trúc” bằng cấp và đưa ra những đánh giá trong trường hợp các ứng viên chỉ cung cấp được rất ít giấy tờ. Kết quả là, 337 người tị nạn Syria đã được đánh giá trình độ học thuật.
Sự thành công của dự án này đã khích lệ WES thiết lập một chương trình toàn diện dành cho những cá nhân đủ điều kiện từ các quốc gia khác. Chương trình WES Gateway đã được triển khai vào cuối mùa thu 2018 tại Canada, phục vụ những khách hàng có trình độ từ bảy quốc gia nơi việc tiếp cận các tài liệu xác nhận học thuật vẫn còn nhiều vấn đề: Afghanistan, Eritrea, Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Venezuela. Trong năm qua, 452 cá nhân đã nhận được đánh giá thông qua Chương trình WES Gateway. Sáu mươi trong số họ đã gửi những đánh giá này đến các trường đại học ở Canada.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ không có nhiều hành động nhằm giải quyết những thách thức trong việc đánh giá và công nhận trình độ. Tiến bộ bị cản trở bởi lĩnh vực giáo dục đại học của Hoa Kỳ lớn hơn và phân tán hơn, cũng như môi trường xã hội chính trị khắc nghiệt hơn liên quan đến nhập cư và người tị nạn. Một tổ chức giáo dục đại học Hoa Kỳ là Hiệp hội Đăng ký và Tuyển sinh Đại học Hoa Kỳ (AACRAO) đã lập ra một nhóm chuyên gia tập trung vào chủ đề nhập học (cụ thể là những yêu cầu về trình độ) để giúp người tị nạn theo đuổi giáo dục đại học Hoa Kỳ. Đầu năm 2019, AACRAO đã phát hành một báo cáo tổng hợp những hiểu biết và khuyến nghị của nhóm này nhằm loại bỏ những rào cản công nhận trình độ trong quá trình tiếp nhận sinh viên tị nạn vào các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ.
AACRAO cũng hợp tác với Đại học California, Davis và Đại học Hoa Kỳ Beirut ở Lebanon để phát triển chương trình lưu trữ trực tuyến đám mây dành cho các loại tài liệu xác nhận học thuật và chuyên môn của người tị nạn. Hệ thống lưu trữ này được gọi là Điều 26 Backpack (Điều 26 đề cập đến điều khoản trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Con người bảo đảm quyền học tập của mọi người). Những giấy tờ xác nhận được lưu trữ trong Backpack có thể truy cập được ở bất cứ đâu trên thế giới cho bất kỳ nhu cầu nào, bao gồm bản đánh giá của một tổ chức đánh giá trình độ, giấy nhập học đại học, hoặc xác nhận tuyển dụng. Cho đến nay, chương trình được thí điểm chủ yếu ở Lebanon với người tị nạn Syria. Và đã được lên kế hoạch triển khai rộng rãi hơn, bao gồm cả ở Hoa Kỳ.
Hướng tới sự hưởng ứng trên toàn thế giới
Ngày càng nhiều nước thể hiện sự quan tâm đến việc đảm bảo cho người di cư trên toàn cầu, bao gồm cả người tị nạn, có quyền tiếp cận sự đánh giá công bằng về trình độ học vấn. Vào tháng mười một năm 2019, UNESCO đã thúc đẩy việc ký kết Công ước Toàn cầu về Công nhận Bằng cấp Giáo dục Đại học. Giống như LRC và các công ước khu vực khác, Công ước Toàn cầu đòi hỏi những quốc gia tham gia đánh giá bằng cấp từ những quốc gia khác một cách công bằng. Công ước cũng đặt ra yêu cầu người tị nạn phải nhận được sự đánh giá công bằng trình độ của họ, ngay cả khi họ không có đầy đủ giấy tờ chứng thực. Với động lực này và bằng cách xác định và áp dụng những thực tiễn tốt nhất vào việc đánh giá và công nhận, nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục đại học có thể tìm ra cách đánh giá và công nhận trình độ học vấn cho những sinh viên và chuyên gia tị nạn xứng đáng, điều này đem lại lợi ích cho cả hai phía, những cá nhân này và quốc gia nơi tiếp nhận họ.