Công nhận bằng cấp chuyên môn toàn cầu

Stamenka Uvalić-Trumbić là Cựu Trưởng ban Giáo dục đại học, UNESCO, và là Cố vấn cao cấp về các vấn đề quốc tế, Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học – CHEA. E-mail: suvalictrumbic@gmail.

Tóm tắt: Vào tháng mười một năm 2019, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước toàn cầu về Công nhận Bằng cấp. Công ước này là kết quả sau tám năm làm việc của các chuyên gia, những sửa đổi do chính phủ các nước đề xuất và sự thống nhất trên văn bản. Bài viết này cung cấp thông tin về nguồn gốc của Công ước, những đổi mới mà nó mang lại cho việc dịch chuyển và di cư quốc tế, và các bước tiếp theo cần thực hiện.

Vào ngày 25 tháng mười một năm 2019, tại Paris, đại diện chính phủ của 193 quốc gia thành viên UNESCO đã thông qua Công ước toàn cầu về Công nhận Bằng cấp Liên quan đến Giáo dục Đại học. Sự việc những quốc gia – thành viên UNESCO – rất khác nhau có thể đạt được thỏa thuận cho thấy không nên coi nhẹ những nội dung vốn là đặc quyền quốc gia như việc công nhận bằng cấp và đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học.

Tuy nhiên, giá trị chính của Công ước nằm ở những nguyên tắc cơ bản. Nó nhấn mạnh những quyền lớn hơn của ứng viên được đánh giá trình độ kiến thức cho mục đích tiếp tục học tập nghiên cứu hoặc làm việc. Việc công nhận phải không phân biệt đối tượng và được thực hiện một cách công bằng, minh bạch và kịp thời. Sự công nhận chỉ có thể bị rút lại nếu cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận cung cấp được bằng chứng về sự khác biệt đáng kể giữa hai hệ thống giáo dục đại học của quốc gia gửi và quốc gia tiếp nhận.

Những yếu tố mới của Công ước là tính xác thực, nhất quán và bổ sung cho nhau của việc công nhận bằng cấp, đảm bảo chất lượng và khung bằng cấp. Nó hướng đến các hình thức học tập phi truyền thống, chú trọng vào kết quả học tập và thừa nhận những quá trình học tập trước đó. Trọng tâm lớn nhất là thông tin minh bạch và mạng lưới, nhờ đó hình thành một cộng đồng quốc tế các chuyên gia công nhận và thúc đẩy họ hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia đảm bảo chất lượng quốc tế (những người thông thạo hơn về mạng lưới quốc tế). Trong những năm 1990, công nhận bằng cấp và đảm bảo chất lượng hoạt động trên hai kênh riêng rẽ, còn hiện nay, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau là những yếu tố cơ bản để thành công.

Mặc dù là một công ước quốc tế – và hiện là công ước duy nhất về giáo dục đại học, các quy định của công cụ pháp lý này không mang tính siêu quốc gia như thường thấy. Trong hầu hết các điều khoản, phiên bản được thông qua luôn nhấn mạnh rằng các quy định cần dựa trên luật pháp hiện hành của các quốc gia và khuyến cáo về việc thực thi “trong phạm vi có thể.” Bản thân công ước này cung cấp một khuôn khổ toàn cầu rất cần thiết cho hoạt động công nhận bằng cấp, với quyền kháng cáo của các quốc gia thành viên.

Công bằng hơn cho những người dễ bị tổn thương nhất

Chú trọng đến vấn đề công bằng, Công ước hướng đến việc giải quyết nhu cầu của một bộ phận dân số dễ bị tổn thương, người tị nạn và người di cư, bằng cách tạo cho họ cơ hội tiếp tục học tập tại những quốc gia tiếp nhận họ (theo UNESCO, đã có 70,8 triệu người trên thế giới bị buộc phải di dời  vào năm 2018, chỉ 3% người tị nạn có đầy đủ văn bằng học vấn được tiếp cận giáo dục đại học một cách công bằng). Công ước đi kèm với một công cụ cụ thể, Hộ chiếu Trình độ Chuyên môn của UNESCO Dành cho Người Tị nạn và Người Di cư Dễ bị tổn thương (UQP), dựa trên phương pháp của sáng kiến Hộ chiếu Bằng cấp châu Âu do Cơ quan Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Na Uy (NOKUT) đề xuất.

Công ước hướng đến việc giải quyết nhu cầu của một bộ phận dân số dễ bị tổn thương, người tị nạn và người di cư, bằng cách tạo cho họ cơ hội tiếp tục học tập tại những quốc gia tiếp nhận họ.

UNESCO đã hợp tác với Cơ quan kiểm định chất lượng Zambia, NOKUT và UNHCR triển khai thành công đợt cấp phát UQP đầu tiên vào tháng 9 năm 2019 tại Zambia,. Ba mươi ứng viên đã được kiểm tra trình độ và 12 người được nhận UQP. UQP không thay thế cho bằng cấp còn thiếu, nhưng có giá trị trong 5 năm, điều này mang đến cho những người mang loại hộ chiếu này cơ hội thích nghi với môi trường mới.

Những bước tiếp theo

Những bước tiếp theo của Công ước toàn cầu này bao gồm phân phối các bản sao được chứng thực của công ước cho các quốc gia thành viên và bắt đầu quá trình phê chuẩn và có hiệu lực, sau khi công cụ phê chuẩn thứ 20 được chấp nhận tại UNESCO. Những quốc gia tiếp nhận nhiều sinh viên quốc tế như Úc và Canada và một số lớn các nước châu Âu, trong đó Na Uy là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất, đã bày tỏ sự đồng tình đối với Công ước và mong muốn đẩy nhanh quá trình phê chuẩn. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) thể hiện sự ủng hộ nhiều nhất, cũng như hầu hết các nước châu Phi. Đáng tiếc là Hoa Kỳ, do không còn là thành viên của UNESCO, sẽ không tham gia vào Công ước này.

Hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn?

Vì sao một công ước toàn cầu lại được thông qua vào thời điểm quốc tế hóa giáo dục đại học đang thay đổi dưới tác động của chủ nghĩa dân túy và bài ngoại và sự mất niềm tin chung vào các trường công? Một trong những lý do là ý thức về quyền sở hữu. Công ước toàn cầu sẽ được thực hiện trong sự hợp tác chặt chẽ với Hội đồng châu Âu/công ước Công nhận Lisbon 1997 của UNESCO và những công ước khu vực mới được sửa đổi gần đây (Công ước Tokyo 2011 cho châu Á-Thái Bình Dương; Công ước Addis Ababa 2014 cho châu Phi; Công ước Buenos Aires cho Mỹ và vùng Caribê, thay thế cho những công ước khu vực từ những năm 1970). Lý do thứ hai là cần thừa nhận việc tách biệt giáo dục đại học và số hóa giáo dục, bao gồm cả việc cấp chứng chỉ mới, thông qua khuôn khổ công nhận toàn cầu. Lý do thứ ba là số lượng người di cư ngày càng tăng. Theo Báo cáo Di cư Quốc tế, năm 2017 ước tính có khoảng 258 triệu người sống bên ngoài tổ quốc của họ, tăng 49% kể từ năm 2000. Lý do cuối, công ước này hoàn thành mục tiêu của UNESCO về phổ cập toàn cầu công nhận văn bằng giáo dục đại học và tôn vinh những hoạt động xác định giá trị tương đương của bằng cấp bắt đầu ngay từ khi chương trình đào tạo đại học về công nhận được hình thành vào năm 1947.

Mặc dù có thể chưa hoàn hảo, hiệu quả và tác động của nó cũng chưa chắc chắn, việc áp dụng công ước đặc biệt này mang lại nhiều hy vọng. Vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, trên thế giới còn tồn tại nhiều bất bình đẳng và các xã hội đang tự cô lập mình, Công ước này mở ra một thế giới tốt hơn cho du học sinh, cho các nhà nghiên cứu và giảng viên. Thành công của nó sẽ phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia tham gia, nhưng còn phụ thuộc nhiều hơn vào sự sẵn sàng chia sẻ thực hành xuyên biên giới của các chuyên gia công nhận.