Cách mạng cận biên: Các phân hiệu đại học ở Trung Quốc

Xiaojiong Ding là Giáo sư của Học viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế và So sánh, Đại học Sư phạm Thượng Hải, Trung Quốc. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Giáo dục liên kết quốc tế (transnational education – TNE) ở Trung Quốc liên quan mật thiết đến khái niệm xây dựng năng lực. Tuy nhiên, những điểm yếu về học thuật, và cách thức vận hành cản trở việc chuyển giao tri thức cũng như sự học hỏi của tổ chức. Sau 30 năm phát triển, TNE vẫn chỉ giữ vai trò ngoại vi trong hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc, tác động rất ít đến việc xây dựng năng lực.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, giáo dục liên kết quốc tế (TNE) bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc từ những năm 1980. TNE hoạt động dưới hai hình thức: trường liên kết quốc tế và chương trình liên kết quốc tế. Một trường liên kết quốc tế có ít nhất ba chương trình liên kết. Theo trang web của Bộ Giáo dục (MoE), vào tháng ba năm 2016 có 73 trường liên kết quốc tế và 1100 chương trình liên kết quốc tế bậc đại học và sau đại học tại 28/34 tỉnh. Chính phủ Trung Quốc cho phép các tổ chức giáo dục đại học nước ngoài mở TNE với điều kiện phối hợp với các đại học Trung Quốc: hiện có 1173 cơ sở và chương trình quốc tế do 611 đại học nước ngoài đến từ 35 quốc gia, phối hợp với 414 đại học Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, giáo dục liên kết quốc tế (TNE) đồng nghĩa với xây dựng năng lực. Vào cuối những năm 1970, trong thời kỳ cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng, hệ thống giáo dục đại học quốc gia tỏ ra lỗi thời và bất cập. TNE nổi lên như một sức mạnh non trẻ và được kỳ vọng sẽ giúp chuyển đổi căn bản hệ thống. Chính phủ Trung Quốc coi trọng các trường TNE hơn các chương trình TNE. Các chương trình TNE chịu sự quản lý của khoa/trường địa phương, còn các trường TNE hoạt động bình đẳng như các khoa/trường của Trung Quốc. Chính phủ kỳ vọng “nhập khẩu” mô hình quản trị và giảng dạy từ các đối tác nước ngoài. Năm 2013, Bộ GD&ĐT bắt đầu đánh giá TNE tại 23 tỉnh. Một trong những chỉ số đánh giá là “những lợi ích trong giảng dạy, nghiên cứu và học thuật mà những khoa/trường địa phương tham gia liên kết quốc tế nhận được”.

Điểm yếu học thuật của giảng viên TNE

Trái với mong đợi của chính phủ, TNE không đóng vai trò là vườn ươm cho những thay đổi về tổ chức và ngành.  Trong bài viết “Lạc lối trong không gian quốc tế hóa: thách thức của việc duy trì giảng viên giảng dạy ở nước ngoài”, Shelda Debowski kể câu chuyện về các giảng viên khoa Kinh doanh của một trường đại học Úc tham gia chương trình liên kết quốc tế có kết quả nghiên cứu kém hơn vì họ phải dành nhiều thời gian để giảng dạy ở nước ngoài, dẫn đến việc có số lượng công bố ít hơn so với các đồng nghiệp ở các trường kinh doanh khác. Điều tương tự cũng xảy ra với các giảng viên Trung Quốc tham gia TNE.

Các trường/chương trình liên kết quốc tế chủ yếu tập trung vào giảng dạy, trong khi các trường địa phương đặt ưu tiên hàng đầu cho nghiên cứu. Một tiêu chí để tuyển dụng giảng viên TNE là họ mong muốn và có khả năng giảng dạy, trong khi tuyển dụng vào các trường địa phương phải căn cứ vào thành tích nghiên cứu khoa học của họ. Tiêu chí tuyển dụng nghiên cứu viên của TNE tỏ ra lỏng lẻo hơn so với các trường địa phương, và giảng viên của các TNE có thể bị các trường địa phương từ chối với lý do yếu kém về học thuật.

Các trường/chương trình quốc tế chủ yếu tập trung vào giảng dạy, trong khi các trường địa phương đặt ưu tiên hàng đầu cho nghiên cứu.

Giảng dạy bằng ngoại ngữ làm tăng khối lượng công việc đối với giảng viên địa phương. Nhiều giảng viên TNE có kinh nghiệm trao đổi quốc tế và/hoặc có bằng cấp của đại học nước ngoài. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nội dung giảng dạy, thiết kế bài thi và đánh giá sinh viên cuối kỳ bằng ngoại ngữ vẫn chiếm mất phần lớn thời gian mà họ có thể dành cho nghiên cứu. Các giáo viên TNE thường phàn nàn rằng nghiên cứu khoa học là quá xa xỉ đối với họ trong bối cảnh họ đã bị quá tải bởi khối lượng công việc giảng dạy. Kết quả là, giảng viên TNE bị coi là yếu kém về mặt học thuật và ở thứ bậc thấp hơn so với những đồng nghiệp không tham gia TNE.

Điểm yếu học thuật của TNE

Bản thân các TNE bị coi là yếu về mặt học thuật, bất chấp thực tế là một số trường/ chương trình quốc tế hoạt động theo phương thức hợp tác với các trường đại học hàng đầu. Nhiều tổ chức TNE chủ yếu chỉ thực hiện công việc quản trị hàng ngày, công tác giảng dạy của họ phụ thuộc nhiều vào giảng viên bán thời gian đến từ các trường địa phương. Vì thế họ luôn đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt giảng viên, vì lực lượng chuyên môn của họ không phải là “nội sinh”, mà được “vay mượn” từ các trường địa phương. Thiếu sức mạnh học thuật độc lập, các trường liên kết quốc tế thường không được đặt tên theo chuyên môn học thuật (chẳng hạn như Đại học Khoa học Kỹ thuật), mà theo sự hợp tác quốc tế (chẳng hạn Trường Cao đẳng Anh-China, hoặc Trường Quốc tế Âu-Hoa). Đôi khi các chương trình khoa học xã hội-nhân văn, chương trình khoa học-kỹ thuật được liên kết với cùng một trường khi các đối tác đại học nước ngoài đều trong cùng một quốc gia (ví dụ, một TNE hợp tác với nhiều trường đại học Pháp để đào tạo về kinh tế, quảng cáo và khoa học máy tính).

Tuy nhiên, mô hình trường TNE vẫn trở nên phổ biến trong những năm gần đây. So với các chương trình liên kết quốc tế nằm rải rác trong nhiều trường đại học, trường liên kết quốc tế có sức thu hút lớn hơn nhờ lợi thế về quy mô. Điều này hấp dẫn sinh viên quốc tế và cho phép các trường đại học địa phương liên quan (liên kết TNE) được thể hiện mình là nhà cải cách.

Các chương trình TNE cũng tương tự như các trường TNE. Liên kết với các trường/khoa địa phương, có quy mô tương đối nhỏ, hợp tác chặt chẽ với các khoa ở địa phương để tổ chức đào tạo. Tương tự như các trường liên kết quốc tế, các chương trình liên kết quốc tế cũng đối mặt với rủi ro thiếu hụt nhân lực chuyên môn.

Tác động hạn chế của thực tiễn TNE

Hầu hết các trường và chương trình liên kết quốc tế sử dụng một lực lượng lớn giảng viên từ các trường địa phương theo hình thức bán thời gian, những người được kỳ vọng sẽ tiếp thu và áp dụng thực tiễn giảng dạy quốc tế vào công việc giảng dạy địa phương. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Trong thực tế, giảng viên thực hiện việc giảng dạy tại các TNE một cách qua loa mà không hề quan tâm đến việc phổ biến những thực tiễn mới mẻ.

Hơn nữa, một số trường/chương trình liên kết quốc tế chủ yếu hướng đến việc đáp ứng nhu cầu thị trường và có vai trò như một bàn đạp để sinh viên đi du học năm thứ ba/thứ tư tại những đại học đối tác nước ngoài.  Mặc dù giảng viên của các trường đại học đối tác Trung Quốc và các đồng nghiệp nước ngoài cùng dạy trong một trường/chương trình TNE, nhưng cho đối tượng khác nhau: giảng viên địa phương dạy năm thứ nhất và năm thứ hai, cho những sinh viên sẽ hoàn tất chương trình đào tạo (năm 3-4) tại Trung Quốc và chủ yếu học các khóa nền tảng; trong khi giảng viên nước ngoài dạy năm thứ ba/ thứ tư cho những sinh viên sẽ đi nước ngoài và học các khóa nâng cao. Mặc dù giảng viên địa phương có nhiều cơ hội tham gia TNE, nhưng họ hiếm khi tham gia các hoạt động ở nước ngoài.

Cuộc cách mạng cận biên

Tình trạng và tác động của TNE đối với giáo dục đại học Trung Quốc có thể được mô tả như một cuộc cách mạng cận biên. Do Ronald Harry Coase và Ning Wang đề xướng, thuật ngữ “Cách mạng cận biên” mô tả một quá trình thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua. Sự thay đổi được kích hoạt ở những lĩnh vực ngoại vi của nền kinh tế, với sự tái sinh của khu vực tư nhân hoạt động bên ngoài những ràng buộc của khuôn khổ thể chế hiện có. Các lực lượng cận biên này cuối cùng đã hòa vào dòng chính kinh tế và chuyển đổi căn bản hệ thống kinh tế quốc gia.

Giống như các khu vực tư nhân khác khi bắt đầu cải cách kinh tế, TNE hoạt động bên ngoài khuôn khổ thể chế chính quy của giáo dục đại học. Tuy nhiên, TNE đã không đạt được sự chuyển đổi sâu rộng như những ngành khác. Do sự yếu kém về học thuật của các TNE và của giảng viên, các trường/chương trình liên kết quốc tế thường đứng ở vị trí cuối cùng trong bảng đánh giá đại học hàng năm, vốn luôn đề cao nghiên cứu. TNE đã trở thành yếu thế trong bối cảnh giáo dục đại học Trung Quốc, không thể là kiểu mẫu đối với các trường đại học địa phương. Vì nhiều lý do, chuyên môn nhập khẩu từ nước ngoài cũng hiếm khi đến được với các trường/khoa địa phương. Cuối cùng, sau 30 năm tăng trưởng nhanh chóng về số lượng, TNE vẫn nằm ở ngoại vi của hệ thống giáo dục đại học và chỉ có tác động rất yếu.