Ảnh hưởng của chính sách “Chine Reset” đến du học toàn

Rahul Choudaha là Nghiên cứu viên chính và là đồng sáng lập của DrEducation, LLC. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Trong những giai đoạn khi số lượng sinh viên đại học giảm sút và ngân sách bị thu hẹp, du học sinh đến từ Trung Quốc từng là vận may kinh tế đối với các trường đại học Mỹ. Xu hướng gần đây cho thấy nhiều trường đại học đang có tình trạng trì trệ và thậm chí giảm sút trong tuyển sinh sinh viên đại học từ Trung Quốc. Chính sách “Trung Quốc điều chỉnh” đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các trường đại học và thúc đẩy họ tái đầu tư vào việc đa dạng hóa đối tượng sinh viên và vào việc hỗ trợ để giúp sinh viên thành công.

Tháng mười năm 2019 tạp chí Inside Higher Education nhận định: “Tiếp theo sự bùng nổ chưa từng thấy trong tuyển sinh sinh viên đại học từ Trung Quốc, các trường đại học sẽ chứng kiến sự sụt giảm”. Tuyên bố này trái ngược với báo cáo tháng mười một năm 2011 của Chronicle of Higher Education: “Mong muốn du học mạnh mẽ của học sinh Trung Quốc vẫn không giảm xuống”. Vậy thì vì sao chúng ta lâm vào tình cảnh này, và nó tác động thế nào đến các trường đại học Hoa kỳ?

Cơn sóng tăng trưởng sinh viên Trung Quốc

Điều mà ai cũng nhận ra là nhiều trường đại học ở các vùng khác nhau của nước Mỹ đang phải đối mặt với sự thay đổi nhân khẩu học, dẫn đến việc mỗi trường đều tuyển được ít sinh viên hơn. Đồng thời, tài trợ công cho giáo dục đại học cũng bị thu hẹp. Dưới áp lực của việc nguồn sinh viên và ngân sách đều giảm, nhiều tổ chức giáo dục đại học Mỹ tìm cách tăng tuyển sinh quốc tế như một nguồn thu mới để duy trì hoạt động và bù đắp cho khoản ngân sách thâm hụt.

Trong bối cảnh này, nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên Trung Quốc được tiếp cận giáo dục đại học Mỹ đáp ứng đúng lúc các mục tiêu tuyển sinh, bởi vì nguồn thu này cao hơn gấp hai đến ba lần so với học phí thu từ sinh viên nội địa. Khát vọng học tập của tầng lớp trung lưu mới ở Trung Quốc tạo nên phần lớn mức tăng trưởng giáo dục đại học ở Hoa Kỳ và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tăng tuyển sinh đại học của các trường.

Do đó, số lượng sinh viên đại học đến từ Trung Quốc đã tăng thêm 132143 người trong giai đoạn giữa niên khóa 2007-2008 và 2017-2018 – tương đương mức tăng 800% trong 10 năm. Trái ngược với xu hướng sinh viên đại học từ Trung Quốc tăng lên là sự suy giảm 132996 học sinh tốt nghiệp trung học thuộc các cộng đồng không phải gốc Tây Ban Nha và da trắng trong cùng thời kỳ, theo Knocking at the College Door, một báo cáo của Ủy ban Giáo dục Đại học Phương Tây (WICHE).

Trong thập kỷ vừa qua, tác động kinh tế của sự tăng trưởng số lượng sinh viên đại học từ Trung Quốc là rất lớn. Ước tính của tôi dựa trên báo cáo NAFSA về Giá trị kinh tế của sinh viên quốc tế cho thấy sự đóng góp của sinh viên đại học từ Trung Quốc đã tăng từ 410 triệu đô la Mỹ trong năm 2007-2008 lên 5,3 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017-2018.

Các trường land-grant hưởng lợi nhiều hơn

Một số trường đại học, chẳng hạn như các trường đại học land-grant (trường được ưu đãi cấp đất theo đạo luật Morrill), được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tuyển sinh viên đại học từ Trung Quốc so với những trường khác. Mặc dù không có dữ liệu quốc gia về số lượng sinh viên Trung Quốc trong từng trường, Foreign Policy đã phân tích thị thực F-1 được cấp từ năm 2014 đến tháng ba năm 2015 và xác định rằng hầu hết các trường đại học trong số 25 trường nhận nhiều sinh viên từ Trung Quốc nhất đều là các trường công lớn, trừ một vài trường hợp ngoại lệ như Đại học Columbia và Đại học Boston.

Một số trường đại học, chẳng hạn như các trường đại học land-grant, được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tuyển sinh viên đại học từ Trung Quốc so với những trường khác.

Cụ thể hơn, các trường đại học công land-grant được hưởng lợi từ nhu cầu tiếp cận nền giáo dục đại học Hoa Kỳ của sinh viên Trung quốc nhờ sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm vị trí xếp hạng và chi phí sinh hoạt và học phí tương đối thấp. Ví dụ, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC), nằm trong số 50 trường hàng đầu thế giới theo Xếp hạng Đại học Thế giới, được Foreign Policy xác nhận là trường dẫn đầu về số lượng sinh viên Trung Quốc có visa F-1. Số lượng tuyển sinh sinh viên đại học từ Trung Quốc tại UIUC tăng từ 96 trong năm học 2007-2008 thành 3202 vào năm 2017-2018.

Chỉ sau một thập kỷ, các trường đại học land-grant như UIUC đã có thể tăng học phí đối với sinh viên nước ngoài, nhưng nhu cầu của sinh viên từ Trung Quốc vẫn mạnh mẽ. Ví dụ, học phí trung bình đối với sinh viên ngoài tiểu bang, học toàn thời gian tại UIUC tăng từ 22526 đô la Mỹ lên thành 31681 đô la Mỹ trong giai đoạn từ năm học 2007-2008 đến 2017-2018 – tăng gần 41%. Doanh thu ước tính từ sinh viên đại học quốc tế tại UIUC đã tăng từ 2,2 triệu đô la Mỹ trong năm 2007-2008 lên thành 101,4 triệu đô la Mỹ trong năm 2017- 2018.

Trong bối cảnh tác động kinh tế mạnh mẽ của dòng sinh viên đại học từ Trung Quốc, không có gì phải ngạc nhiên khi năm 2017, UIUC đã ký một chính sách bảo hiểm trị giá 60 triệu đô la Mỹ để đề phòng việc mất nguồn thu học phí đột ngột trong trường hợp sinh viên Trung Quốc giảm sút. Tuy nhiên, vạch ra một chính sách bảo hiểm phản ánh cách tiếp cận quản lý rủi ro ngắn hạn mà không phải là phương pháp đầu tư dài hạn.

Tác động của chính sách “Chine Reset”

Trong bài viết “Du học sinh đại học đến từ Trung Quốc và Ấn Độ” được xuất bản bảy năm trước trên IHE, tôi dự đoán rằng số lượng sinh viên đại học từ Trung Quốc sẽ giảm do thay đổi nhân khẩu học, do cải cách giáo dục địa phương và những lo ngại về năng lực tại các cơ sở. Tuy nhiên, những cơn gió ngược liên quan đến căng thẳng địa chính trị và suy thoái kinh tế không có trong bức tranh vào thời điểm đó, và do đó không được xem xét trong dự báo.

Chính sách “Trung Quốc điều chỉnh” (China Reset) sẽ làm tổn thương nhiều trường đại học công land-grant trước tiên. Những trường đại học này không chỉ có giá học phí cao mà hầu như không cấp học bổng. Đồng thời, việc thắt chặt các lựa chọn công việc đối với sinh viên quốc tế tốt nghiệp, cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các điểm đến mới ở châu Âu và châu Á, sẽ gây khó khăn cho việc tăng cường tuyển sinh từ những quốc gia nhạy cảm với học phí như Ấn Độ, Nepal, Nigeria và Việt Nam.

Cần tái đầu tư vào thành công và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên

Một trong những khuyến cáo quan trọng nhất đối với các trường đại học Mỹ là họ không nên tự mãn sau những thành công đã có. Họ cần xác định cách thức tái đầu tư vào việc đa dạng hóa đối tượng sinh viên của mình thông qua tiếp cận chủ động và hỗ trợ tài chính. Họ cần nhận thức tầm quan trọng của cơ hội tiếp cận và khả năng chi trả học phí của sinh viên quốc tế và hỗ trợ để sinh viên thành công trong quá trình học tập.

Trong thập kỷ qua, phần lớn mức tăng trưởng tuyển sinh có được nhờ nhu cầu tăng. Nói cách khác, nhu cầu học tập tăng lên nhanh chóng của sinh viên đại học từ Trung Quốc được các trường đại học đáp ứng một cách thụ động. Để duy trì mức tăng trưởng tuyển sinh trong tương lai và đảm bảo sự đa dạng đối tượng sinh viên, các trường đại học cần có cách tiếp cận chủ động và quốc tế. Trong thập kỷ vừa qua việc tuyển sinh đại học tại nhiều trường của Hoa Kỳ cũng làm bộc lộ sự thiếu chuẩn bị trong việc thu hút và hỗ trợ sinh viên quốc tế. Tại nhiều trường đại học, các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên quốc tế hầu hết chỉ giới hạn ở việc thực hiện các quy định cấp thị thực và nhập cư. Vẫn tiếp tục tăng học phí và lệ phí đối với sinh viên quốc tế mà không tái đầu tư tương xứng vào thành công của họ, một số tổ chức đang đứng chênh vênh trên bờ vực khi coi sinh viên quốc tế là những “con bò sữa”.

Giáo dục đại học Mỹ vẫn hấp dẫn sinh viên quốc tế nhờ danh tiếng mạnh mẽ về sự xuất sắc và chất lượng. Những tổ chức chỉ xem xét vế doanh thu mà không đầu tư tương xứng vào sự chuẩn bị của trường và trải nghiệm của sinh viên không chỉ đe dọa làm phương hại đến danh tiếng của Hoa Kỳ như một điểm đến, mà còn đang theo đuổi cách thức phát triển tuyển sinh quốc tế thiếu bền vững.

Tóm lại, chính sách “China Reset” đã trở thành một thách thức đối với nhiều trường đại học, vì họ phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách và giảm sút tuyển sinh. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một cơ hội để đánh giá lại phương pháp tiếp cận tuyển sinh quốc tế của họ và tái đầu tư vào việc tạo ra cơ hội tiếp cận và hỗ trợ sinh viên thành công.