Xây dựng giáo dục đại học toàn diện và cạnh tranh toàn cầu ở Ấn Độ

N.V. Varghese là Viện trưởng và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đại học, Viện Quy hoạch và Quản trị Giáo dục Quốc gia (CPRHE/NIEPA), New Delhi, Ấn Độ. E-mail: nv.varghese@niepa.ac.in.

Tóm tắt

Đại chúng hóa giáo dục đại học là một hiện tượng toàn cầu trong thế kỷ này. Đại chúng hóa giáo dục đại học định hướng thị trường ở Ấn Độ đã làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng khu vực và kinh tế, những bất bình đẳng xã hội và giới tính có sẵn. Cách tiếp cận toàn diện và những chiến lược thân thiện hướng đến một hệ thống giáo dục đại học chất lượng, nâng cao kỹ năng và cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của sinh viên tốt nghiệp là những yếu tố không thể thiếu trong chương trình phát triển giáo dục đại học.

Giáo dục đại học mở rộng toàn cầu là một hiện tượng của thế kỷ 21 với việc tăng thêm gần 7,5 triệu sinh viên mỗi năm. Các nước đang phát triển chiếm phần lớn trong số lượng bổ sung ròng này. Những mô hình đào tạo mềm dẻo và áp dụng công nghệ đã mở ra thêm những cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học toàn cầu. Sự mở rộng này thường do thị trường định hướng và kéo theo những bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận và sự khác biệt lớn về chất lượng của các chương trình đào tạo được cung cấp.

Ấn Độ không phải là ngoại lệ trong những xu hướng toàn cầu này. Từ đầu thế kỷ 21, giáo dục đại học Ấn Độ từ một ngành phát triển chậm, tuyển sinh thấp trở thành một hệ thống phát triển nhanh và đại chúng hoá. Từ năm 2000 đến 2018, tốc độ tăng trưởng đã lên đến hai chữ số, tỷ lệ nhập học chung (GER) tăng gấp ba lần, đạt 26,2%, số trường đại học tăng gấp ba lần, thành 960, số trường cao đẳng tăng gấp bốn lần (thành 42.000) và số sinh viên tăng hơn 4,5 lần thành 36,8 triệu. Ngành giáo dục đại học Ấn Độ đã vượt qua Hoa Kỳ, trở thành lớn thứ hai trên thế giới.

Những cải cách theo xu hướng thị trường đã thúc đẩy khu vực đại học tư sinh sôi nảy nở, chuyển một phần gánh nặng tài chính sang gia đình người học, do đó dẫn đến gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận và chất lượng giáo dục. Không phải nghi ngờ rằng những chính sách cải cách đã góp phần thúc đẩy tính toàn diện của giáo dục đại học. Tuy nhiên những xu hướng loại trừ tồn tại trong hệ thống đã góp phần làm tăng thêm bất bình đẳng về mặt xã hội và ngôn ngữ trong tiếp cận giáo dục đại học, đồng thời mở rộng khoảng cách bất bình đẳng trong các tầng lớp thấp.

Các bằng chứng cho thấy bất bình đẳng khu vực và kinh tế trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học gia tăng; bất bình đẳng xã hội vẫn tồn tại; trong khi đó, bất bình đẳng giới dù phổ biến, đã được thu hẹp. Thiếu quy hoạch trong việc phát triển các trường tư dẫn đến sự tập trung nhiều trường chỉ ở một số khu vực. Từ năm 2007 đến 2014, mức chênh lệch GER giữa nhóm thu nhập thấp nhất và nhóm thu nhập cao nhất đã tăng từ 43,6% lên 63,7%.

Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ học thuật và kinh doanh trên toàn cầu, ở Ấn Độ tiếng Anh là ngôn ngữ của các trường ưu tú. Học sinh từ các trường tư học phí cao, giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm tỷ lệ nhập học cao trong những trường đại học ưu tú. Tiếng Anh trở thành một rào cản đối với những tầng lớp thấp muốn theo đuổi giáo dục đại học. Để phát triển thành một hệ thống giáo dục đại học toàn diện hơn, Ấn Độ cần giải quyết những thách thức liên quan đến bình đẳng trong cơ hội tiếp cận và sự đa dạng đối tượng sinh viên.

Chất lượng giáo dục đại học và cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp

Chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất tạo nên danh tiếng cho một tổ chức giáo dục đại học, là một tiêu chí cơ bản quyết định sự lựa chọn của sinh viên và cũng là thứ tài sản giá trị mà các nhà tuyển dụng tranh giành trên thị trường toàn cầu. Ở Ấn Độ, giáo dục đại học nói chung có chất lượng kém và giữa các trường cũng có sự khác biệt lớn về chất lượng. Ấn Độ đã thành lập một cơ chế đánh giá bên ngoài (EQA) chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng các tổ chức giáo dục đại học và các tổ chức đảm bảo chất lượng nội bộ (IQAC) để giám sát chất lượng ở cấp trường. Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức giáo dục đại học ở Ấn Độ vẫn chưa được kiểm định chất lượng.

Tiến hành xếp hạng các trường đại học và các sáng kiến quốc gia thành lập các tổ chức giáo dục đẳng cấp thế giới cho thấy Ấn độ ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng. Các trường đại học Ấn Độ có thứ hạng thấp trên toàn cầu. Theo bảng xếp hạng QS mới nhất, chỉ 9 trường Ấn Độ lọt vào tốp 500 và chỉ 2 trường trong tốp 200. Năm 2015, Ấn Độ đã ban hành Khung xếp hạng Quốc gia và bắt tay vào phát triển các trường “đẳng cấp thế giới”.

Chất lượng kém dẫn đến việc các nhà tuyển dụng mất niềm tin vào năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Để cải thiện chất lượng và kỹ năng làm việc, các trường đại học dự kiến sửa đổi chương trình đào tạo dựa trên Khung trình độ giáo dục đại học quốc gia. Chính sách giáo dục quốc gia (NEP) 2019 cân nhắc việc ​​thành lập Hội đồng giáo dục Quốc gia để xác định chuẩn đầu ra và năng lực sau tốt nghiệp.

Quốc tế hoá giáo dục đại học Ấn Độ

Ấn độ thực hiện quốc tế hóa trong nước bằng việc thay đổi chương trình đào tạo, và ở nước ngoài thông qua việc trao đổi chương trình, sinh viên, nhà trường và giảng viên. Cải cách những chương trình được hoạch định ​​trong NEP 2019 sẽ thúc đẩy quốc tế hóa trong nước. Ấn Độ đứng thứ hai về số lượng sinh viên du học nước ngoài (300 ngàn sinh viên/năm) và theo học các chương trình online-MOOC. Ngoài ra, đã có những sáng kiến được thực hiện để cho phép các trường đại học nước ngoài thành lập phân hiệu độc lập ở Ấn Độ.

Cách tiếp cận quốc tế hóa của Ấn Độ hướng đến mở rộng quyền lực mềm và quan hệ ngoại giao hơn là lợi ích tài chính. Quốc gia này đang cân nhắc trở thành một trung tâm giáo dục và điểm đến học tập ưa thích của sinh viên nước ngoài. Ấn Độ đã khởi động một số chương trình nhằm tăng số lượng sinh viên quốc tế từ 46 ngàn hiện tại lên 500 ngàn vào năm 2024. Chương trình “Study in India” và một kế hoạch lớn nhằm tài trợ 50 ngàn suất học bổng vào năm 2023-2024 là những ví dụ điển hình cho việc thúc đẩy quốc tế hóa này.

Sáng kiến ​​toàn cầu về mạng học thuật, Đề án thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác học thuật, và các chương trình khuyến khích học giả Ấn Kiều trở về quê hương dự kiến ​​sẽ kích thích quá trình toàn cầu hóa. Ấn Độ có kế hoạch đầu tư khoảng 130 triệu đô la Mỹ vào các sáng kiến ​​quốc tế hóa, điều này có thể giúp họ nắm giữ một vai trò quan trọng trong giáo dục toàn cầu.

Đại chúng hoá giáo dục đại học định hướng thị trường ở các nước đang phát triển thường kèm theo một số yếu tố bất bình đẳng và thương mại hoá gia tăng, dẫn đến loại trừ người nghèo và tầng lớp thấp trong xã hội.

Tương lai

Các nước đang phát triển có tiềm năng cao hơn các nước công nghiệp trong việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học. Tuy nhiên, đại chúng hoá giáo dục đại học định hướng thị trường ở các nước đang phát triển thường kèm theo một số yếu tố bất bình đẳng và thương mại hoá gia tăng, dẫn đến loại trừ người nghèo và tầng lớp thấp trong xã hội. Thách thức đặt ra là giải quyết các vấn đề về công bằng và đa dạng mà vẫn xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học chất lượng toàn diện với chi phí phải chăng.

Mặc dù số lượng người trẻ tuổi rất đông và tỷ lệ gia nhập đại học còn thấp là những điều kiện thuận lợi để Ấn Độ trở thành hệ thống giáo dục đại học lớn nhất thế giới, xu hướng gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này đã giảm. Với hơn 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học ở Ấn Độ, giáo dục đại học khó có khả năng tăng trưởng nhanh chóng, trừ khi giáo dục trung học ở những tiểu bang lạc hậu đạt được sự tăng trưởng nhanh. Một cách khác để khắc phục tình trạng thiếu học tốt nghiệp phổ thông trung học là tăng cường tuyển sinh trong các độ tuổi lớn hơn. Trong mọi trường hợp, mở rộng hệ thống giáo dục đại học ngày càng phụ thuộc vào khả năng tài chính của cá nhân/hộ gia đình, các trường đại học mở và việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo.