Sinh viên quốc tế tại các đại học Trung Quốc

Nian Cai Liu là Giám đốc và là Giáo sư tại Trung tâm các Trường Đại học đẳng cấp thế giới (CWCU), Đại học Giao thông Thượng Hải, và là Trưởng khoa Giáo dục sau Đại học tại Đại học Giao Thông Thượng Hải, Trung Quốc. E-mail: ncliu@sjtu.edu.cn.

Tóm tắt

Trung Quốc – nguồn cung cấp sinh viên quốc tế lớn nhất thế giới – hiện đã trở thành một trong những quốc gia điểm đến hàng đầu cho du học sinh từ khắp nơi trên toàn thế giới và sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong việc cung cấp giáo dục đại học quốc tế trong tương lai gần.

Trung Quốc từ lâu đã là nguồn cung cấp sinh viên quốc tế lớn nhất thế giới, năm 2018 tổng số sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc sắp ra trường là 662 ngàn. Đồng thời, Trung quốc cũng nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia điểm đến hàng đầu trên toàn cầu: năm 2018, tổng số sinh viên quốc tế tại các trường đại học Trung Quốc là 492 ngàn.

Những con số tăng cao

Trước khi Trung Quốc mở cửa ra thế giới vào cuối những năm 1980, số lượng sinh viên quốc tế tại đây chỉ giới hạn ở mức vài trăm. Trong 20 năm đầu tiên sau cải cách, số lượng sinh viên quốc tế tăng nhanh, năm 2018 cao gấp 10 lần so với năm 1999 (44.711). Trong khi đó, số lượng các trường đại học tiếp nhận sinh viên quốc tế đã tăng vọt từ dưới 100 vào đầu những năm 1980 lên đến khoảng 1000 hiện tại, chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường đại học Trung Quốc.

Sự gia tăng nhanh chóng số lượng sinh viên quốc tế này là kết quả của các chiến lược quốc gia và các chính sách mục tiêu. Chẳng hạn, năm 2010, Đề cương Quốc gia về Cải cách và Phát triển Giáo dục Trung và Dài hạn (2010-2020) đã nêu rõ Trung Quốc cam kết tăng cường trao đổi và hợp tác quốc tế và nâng cao mức độ quốc tế hóa giáo dục đại học. Cùng năm đó, Kế hoạch Học tập tại Trung Quốc (2010) đưa ra chính sách quốc gia về mở rộng quy mô, tối ưu hóa cơ cấu, cải thiện quản lý và đảm bảo chất lượng, nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục quốc tế và xây dựng thương hiệu quốc tế cho giáo dục đại học của Trung Quốc. Kế hoạch này cũng phản ánh ý định của Trung Quốc trở thành quốc gia đích đến du học lớn nhất vào năm 2020.

Đa dạng hơn

Ngoài sự gia tăng đáng kể tổng số sinh viên quốc tế, số lượng các quốc gia nguồn cung cũng được mở rộng trên tất cả các châu lục. Trong năm 2018, có 196 quốc gia và khu vực – khoảng 90% các quốc gia và khu vực trên thế giới – đã gửi sinh viên đến Trung Quốc học tập. Các nước châu Á là nguồn cung cấp chính, tỷ lệ sinh viên châu Á ở Trung Quốc vẫn giữ ở mức 60% trong vài năm qua. Nguồn sinh viên đến từ các quốc gia châu Phi có sự tăng trưởng nhanh nhất, tỷ lệ sinh viên châu Phi đạt 16,6% trong năm 2018, đứng thứ hai sau sinh viên châu Á.

Mười quốc gia nguồn cung hàng đầu trong năm 2018 bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Indonesia, Lào, Nhật Bản và Kazakhstan. Tám trong số đó thuộc châu Á, điều này dường như liên quan đến dân số, mức độ phát triển kinh tế, tình trạng giáo dục, vị trí địa lý, thành phần dân tộc, phong tục và chính sách du học của từng nước. Sự gia tăng lớn nhất là từ Thái Lan và Pakistan, có thể liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Điều đáng chú ý là cho đến gần đây, Đức và Pháp vẫn nằm trong số mười quốc gia hàng đầu, giờ đây đã không còn như vậy nữa.

Trong một thời gian dài, ngôn ngữ Trung là ngành học phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế tại Trung Quốc. Sinh viên ngành ngôn ngữ Trung hiện chiếm khoảng một nửa tổng số sinh viên quốc tế, hầu hết họ theo học các chương trình ngắn hạn, không cấp văn bằng. Mặc dù tiếng Trung vẫn là phổ biến, nhưng tỷ lệ sinh viên học các ngành văn học Trung quốc, y học, kỹ thuật, kinh tế và quản trị cũng tăng lên.

Tỷ lệ sinh viên theo học các chương trình bằng cấp đang tăng đều đặn. Năm 2018, sinh viên theo đuổi các chương trình bằng cấp chiếm hơn một nửa tổng số sinh viên quốc tế. Trong số họ, tỷ lệ sinh viên trên đại học đã tăng đáng kể. Năm 2018, khoảng 10% sinh viên của các chương trình bằng cấp là ở bậc tiến sĩ, khoảng 23% ở bậc thạc sĩ và 67% ở bậc đại học.

Học bổng chính phủ

Năm 1996, Bộ Giáo dục đã thành lập Hội đồng Học bổng Trung Quốc, chuyên trách tổ chức, tài trợ và quản lý sinh viên quốc tế. Năm 2018, 63 ngàn sinh viên quốc tế (12,8% tổng số sinh viên quốc tế) đã nhận được học bổng của chính phủ Trung Quốc.

Một tỷ lệ lớn sinh viên quốc tế nhận học bổng của chính phủ Trung Quốc là sinh viên theo học các chương trình bằng cấp, và tỷ lệ này vẫn đang tăng lên trong những năm qua. Bởi vì số lượng sinh viên quốc tế tăng liên tục trong khi ngân sách dành cho học bổng chính phủ vẫn tương đối hạn chế, nhiều khả năng học bổng của chính phủ Trung Quốc trong tương lai sẽ chỉ dành cho sinh viên của các chương trình bằng cấp.

Ngoài chương trình của chính phủ, nhiều tổ chức của Trung Quốc cũng đã thiết lập các chương trình học bổng của riêng họ cho sinh viên quốc tế; các công ty quốc tế nhắm đến mục tiêu là các nhóm sinh viên quốc tế cụ thể, nhiều nhóm trong số đó liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sự hiện diện ngày càng tăng của sinh viên quốc tế tại Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách hệ thống giáo dục sẽ thích ứng thế nào với tình trạng đa văn hóa, kèm theo những khó khăn mà phần lớn sinh viên quốc tế đang học tiếng Trung gặp phải.

Đối xử bình đẳng?

Sự hiện diện ngày càng tăng của sinh viên quốc tế tại Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách hệ thống giáo dục sẽ thích ứng thế nào với tình trạng đa văn hóa, kèm theo những khó khăn mà phần lớn sinh viên quốc tế đang học tiếng Trung gặp phải. Các tổ chức giáo dục và chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng đối phó với những thách thức này. Trước đây, sinh viên quốc tế tại Trung Quốc thường được hưởng ưu đãi, hiện nay phần nào vẫn được ưu tiên hơn. Nhưng đã có sự vận động mạnh mẽ – và thậm chí là một cuộc tranh luận công khai vào năm 2019 – cho việc tuyển sinh sinh viên quốc tế với cùng những điều kiện như sinh viên Trung Quốc.

Những nhận xét cuối

Mặc dù chủ nghĩa dân tộc có những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể, nhưng xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học lâu dài sẽ không thay đổi, và khi các trường đại học Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh hơn, Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ trong việc cung cấp giáo dục đại học quốc tế.