Quốc tế hóa giáo dục đại học và tương lai của hành tinh

Laura E. Rumbley là Phó Giám đốc chương trình Nghiên cứu & Phát triển Tri thức, tại Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Châu Âu (EAIE). E-mail: rumbley@eaie.org.

Tóm tắt

Du học quốc tế, hoạt động nổi bật của quốc tế hóa giáo dục đại học, phụ thuộc rất nhiều vào vận chuyển hàng không là ngành trực tiếp góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cộng đồng giáo dục đại học quốc tế cần đưa ra những cam kết thực hiện các giải pháp tức thời và sáng tạo để bù đắp cho những tác động môi trường bất lợi này.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo chúng ta về những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái của trái đất, với sự hiểu biết xoay quanh ý tưởng rằng trình trạng biến đổi khí hậu đã thực sự nghiêm trọng.

Đối với các chuyên gia giáo dục đại học, những người quan tâm đặc biệt đến các vấn đề quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những hướng phát triển này nêu bật hai sự thật cực kỳ quan trọng và mâu thuẫn. Cụ thể là, quốc tế hóa giáo dục đại học là quá trình diễn ra toàn cầu đã góp phần trực tiếp vào sự suy thoái khí hậu mà chúng ta đang chứng kiến xung quanh. Trong khi đó, hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học có thể và phải đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hành tinh này. Câu chuyện này sẽ diễn ra như thế nào trong vài thập kỷ tới?

Quốc tế hóa có mục đích

Có vô số động lực thúc đẩy quốc tế hóa. Các nghiên cứu từ Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ, Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Châu Âu, Hiệp hội Các trường Đại học Quốc tế và các tổ chức khác chỉ ra rằng các tổ chức giáo dục đại học trên thế giới thực hiện quốc tế hóa với mong muốn đạt được mọi thứ, từ nâng cao kết quả học tập và triển vọng việc làm của sinh viên, thu hút tài năng học thuật hàng đầu, đến thúc đẩy các chương trình nghiên cứu, nâng cao tầm nhìn và uy tín của tổ chức, và còn nhiều mục tiêu khác.

Trong khi đó, một chương trình nghị sự về lợi ích công rộng lớn hơn, từ lâu đã được coi là liên quan đến quốc tế hóa, đang dần trở nên rõ ràng hơn. Một định nghĩa quốc tế hóa được sử dụng rộng rãi, do Hans de Wit, Fiona Hunter, Eva Egron-Polak và Laura Howard đưa ra trong ấn phẩm Nghiên cứu của Nghị viện châu Âu năm 2015, Quốc tế hóa Giáo dục Đại học, khẳng định rằng quốc tế hóa nên là một quá trình được thực hiện “nhằm tăng cường chất lượng giáo dục và nghiên cứu cho tất cả sinh viên và cán bộ giảng viên và đóng góp ý nghĩa cho xã hội”.

Nói chung, mong muốn tạo được ảnh hưởng tích cực đến các nhân tố chính và đến xã hội là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, những người bênh vực cho quốc tế hóa giáo dục đại học khó hy vọng sẽ thành công trong việc cải thiện tình trạng của loài người nếu tham gia vào thực tế của thế giới tự nhiên đang suy thoái xung quanh chúng ta mà không có chủ đích rõ ràng.

Bí mật nhỏ bé ghê tởm của quốc tế hóa

Trớ trêu thay, sự dịch chuyển của du học sinh, biểu hiện đặc trưng của quốc tế hóa trên toàn thế giới, đang gây hại cho hành tinh này. Ước tính gần đây đưa ra con số 5 triệu sinh viên dịch chuyển trên toàn thế giới. Những lợi ích của hoạt động này được ghi nhận chi tiết. Ví dụ, chương trình trao đổi sinh viên Erasmus ở Châu Âu cho thấy bằng chứng về một loạt các lợi ích trong khía cạnh cá nhân, xã hội, học thuật và nghề nghiệp mà sinh viên nhận được khi tham gia chương trình trải nghiệm học tập quốc tế Erasmus. Một số lượng lớn các tài liệu nghiên cứu khảo sát trong nhiều thập kỷ qua cũng khẳng định những phát hiện này. Đồng thời, việc dịch chuyển còn mang lại lợi ích cho những người không trực tiếp tham gia trải nghiệm. Ví dụ, sinh viên quốc tế có thể tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ cho các tổ chức cá nhân và toàn bộ nền kinh tế; thực tế, tác động của sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ ước tính đã vượt qua 42 tỷ đô la trong năm 2017.

Nhưng tình trạng sinh viên dịch chuyển toàn cầu có gây ra tác hại nào không? Khi nói đến sức khỏe của hành tinh, rất có thể là có. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí về Sản phẩm Sạch hơn đã xem xét các số liệu dịch chuyển quốc tế của sinh viên theo học các chương trình bằng cấp theo tính toán của Viện Thống kê UNESCO và đặc biệt xem xét các tuyến đường hàng không nhiều khả năng liên quan với sự dịch chuyển này. Nghiên cứu cho thấy “lượng khí thải nhà kính toàn cầu liên quan đến sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế ở trong khoảng từ 14,01 đến 38,54 megatons CO2 tương đương mỗi năm trong năm 2014”. Những con số này nói chung đều gấp đôi con số ước tính của năm 1999 và, ở những khu vực có mức dịch chuyển cao, tương đương với lượng phát thải khí nhà kính của một số quốc gia, như Croatia và Tunisia. Đối với cộng đồng những nhà giáo dục tin vào tiền đề tổng quát rằng quốc tế hóa đang giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, đây là viên thuốc đắng khó nuốt.

Nghiên cứu cho thấy “lượng khí thải nhà kính toàn cầu liên quan đến sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế ở trong khoảng từ 14,01 đến 38,54 megatons CO2 tương đương mỗi năm trong năm 2014”.

Con đường cứu rỗi

May mắn thay, đã xuất hiện một phong trào hướng đến việc chỉnh đốn giáo dục đại học nói chung, cụ thể hơn là chỉnh đốn những tham vọng quốc tế hóa, với một chương trình nghị sự thân thiện với trái đất. Một loạt các tổ chức và các trường đại học hào hứng cân nhắc tham gia vào những sáng kiến về tính bền vững. Bao gồm Sáng kiến Bền vững Giáo dục Đại học, Mạng lưới Các Trường đại học Bền vững Quốc tế và Hiệp hội vì Sự Tiến bộ Bền vững Trong Giáo dục Đại học. Nhiều cá nhân cũng đưa ra những giải pháp sáng tạo. Ví dụ, áp phích chiến thắng được trưng tại hội nghị thường niên EAIE 2018, của tác giả Scott Blair và Laura Howard, đưa ra lời kêu gọi “phủ xanh quốc tế hóa toàn diện”. Dù chỉ có phạm vi khá nhỏ so với những thách thức mà họ đặt mục tiêu giải quyết, những nỗ lực này đang nâng cao nhận thức và thể hiện sự cam kết hành động của các cá nhân và các tổ chức theo những cách mới và sáng tạo. Một dấu hiệu rõ ràng về sức hút mà chủ đề này đã đạt được trong những năm gần đây là từ năm 2010, Trường đại học Indonesia bắt đầu giám sát bảng xếp hạng đại học quốc tế UI GreenMetric – là tổ chức đặt mục tiêu thu hút sự quan tâm đến những trường đại học trên thế giới đang nỗ lực nuôi dưỡng các cơ sở xanh và theo đuổi chương trình nghị sự bền vững.

Tuy nhiên, cam kết quốc tế hóa tại chỗ có thể mang lại cho nỗ lực này tiềm năng thay đổi cuộc chơi sâu sắc hơn nhiều. Tập trung vào những cách thức có thể giảm bớt sự dịch chuyển, nhưng vẫn đảm bảo tính chuyển đổi, đa văn hóa và quốc tế trong học tập thông qua các nguồn lực cộng đồng địa phương, đổi mới công nghệ và các chiến lược sáng tạo khác – đây là hướng đi cực kỳ quan trọng.

Trong khi đó, suy nghĩ tập thể của chúng ta về trao đổi học thuật quốc tế cho sinh viên (và giảng viên) cũng cần được xem xét lại một cách cẩn thận. Ở mức tối thiểu, đặc biệt là ở các khu vực có mật độ cao/tần suất dịch chuyển cao, chẳng hạn như châu Âu, cần có những biện pháp khuyến khích sử dụng các giải pháp thay thế cho việc đi lại bằng đường hàng không. Những tổ chức giáo dục đại học có du học sinh quốc tế ngày càng lưu tâm nhiều hơn và đưa ra những hành động nhằm giảm thiểu khí thải carbon dioxite; những nỗ lực này nên được triển khai rộng khắp và tích cực.

Quốc tế hóa giáo dục đại học, khi được thiết kế và triển khai một cách thông minh và có trách nhiệm, có thể mang lại kết quả tích cực mạnh mẽ trên thế giới. Tuy nhiên, cộng đồng các cá nhân, các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách và những người khác, những người tin tưởng vào vai trò tiềm năng của quốc tế hóa trong việc xây dựng cầu nối tri thức sâu sắc hơn và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn của con người, phải nhanh chóng hợp tác để hiểu tác động của hành tinh và thay đổi thói quen của chúng ta. Tương lai chung của chúng ta đang bị đe dọa.