Betty Leask là Giáo sư danh dự (Emerita) ngành Quốc tế hóa tại Đại học La Trobe, Melbourne, Úc và là Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: leaskb@bc.edu.
Tóm tắt
Hai mươi lăm năm nghiên cứu đã dạy chúng ta nhiều điều về quốc tế hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi muốn chỉ ra rằng phạm vi hiểu biết của chúng ta bị giới hạn bởi một số yếu tố. Tôi đề nghị tập trung vào việc xây dựng một quan điểm xã hội mới về quốc tế hóa giáo dục đại học bằng cách nhận thức khác đi.
Gần đây một bài viết của Tamsin Haggis trong ấn bản Nghiên cứu về Giáo dục Đại học (Tập 34, Số 4, Tháng 6 năm 2009, 377- 390) đã nhắc nhở tôi rằng sự hiểu biết của chúng ta về quá trình học tập của sinh viên trong giáo dục đại học ngày nay là kết quả trực tiếp của những câu hỏi chúng ta đặt ra, và ở nơi chúng ta tìm kiếm câu trả lời. Và hơn nữa, rằng những câu chúng ta hỏi và những nơi chúng ta tìm kiếm câu trả lời liên quan đến quá trình học tập của sinh viên – bị ảnh hưởng bởi những mục đích và những mối quan tâm cụ thể của chúng ta, cũng chính là sản phẩm của bối cảnh không gian và thời gian của chúng ta. Tamsin Haggis nhận thấy rằng việc tập trung vào một phạm vi hẹp những quan điểm và phương pháp nhất định trong hơn 40 năm đã hạn chế sự hiểu biết của chúng ta về việc dạy và học ngày nay và dẫn đến những kết luận và hành động nhất định và quan trọng là dẫn chúng ta đi xa khỏi những quan điểm khác.
Điều này có liên quan đến giáo dục đại học quôc tế ngày nay vì hai lý do. Thứ nhất, một số nghiên cứu về dạy và học tập trung vào các vấn đề liên quan đến giảng dạy sinh viên quốc tế, đến việc hỗ trợ họ trong học tập và các vấn đề bao gồm quốc tế hóa chương trình giảng dạy. Thứ hai, trong 25 năm qua, quốc tế hóa giáo dục đại học đã phát triển và trở thành một lĩnh vực nghiên cứu, một nhánh kiến thức được nghiên cứu và được giảng dạy, và đã có những tài liệu học thuật, những công trình nghiên cứu về nội dung này được xuất bản. Tại thời điểm này, điều quan trọng phải xem xét là: Chúng ta đã đặt ra những câu hỏi nào? Những giả định nào thúc đẩy chúng ta đặt những câu hỏi đó? Và điều gì tác động đến sự hiểu biết mà chúng ta đã có?
Chúng ta đã đặt ra những câu hỏi nào? Chúng ta biết được những gì?
Chúng ta đã đặt những câu hỏi về ý nghĩa của quốc tế hóa và nó là thế nào trong thực tế, chúng ta đã tìm hiểu và thảo luận về một loạt các phương pháp khác nhau trong 25 năm qua. Khi làm như vậy, chúng ta cũng hình thành được cách thức tranh luận “quốc tế hóa”, văn hóa và bản sắc riêng của chúng ta. Là một cộng đồng đang phát triển, chúng ta đã thảo luận rất lâu về ý nghĩa, khả năng tương tác và những hạn chế của các khái niệm liên quan như toàn cầu hóa, công dân toàn cầu và năng lực liên văn hóa. Chúng ta đã sáng tạo ra hàng loạt thuật ngữ mới. Hãy xem xét ví dụ về vô vàn các tính ngữ mà chúng ta vẫn gắn với thuật ngữ “quốc tế hóa”, chẳng hạn như “toàn diện”, “biến đổi”, “bao hàm”, “tài năng”, “bị ép buộc”, “có chủ định”, và “không chủ định”. Chúng ta cũng nghiên cứu nhiều quy trình quốc tế hóa, ví dụ “chương trình giảng dạy”, “dạy và học”, “du học tại chỗ”, “du học nước ngoài”, và tìm hiểu về chính quá trình”toàn cầu hóa quốc tế hóa”. Chúng ta cũng nghiên cứu hàng loạt những vấn đề gây cản trở và những gì thúc đẩy quá trình quốc tế hóa. Chúng ta đã bày tỏ quan điểm trong nhiều vấn đề liên quan, ví dụ như công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, tuyển sinh viên quốc tế vì lợi nhuận và đại chúng hóa. Và chúng ta đã đi đến kết luận rằng quốc tế hóa giáo dục đại học tự nó là một quá trình phức tạp, được thúc đẩy bởi các lý do khác nhau, phụ thuộc nhiều vào bối cảnh, vừa phổ biến lại vừa gây tranh cãi, liên quan với hàng loạt các khái niệm, ý tưởng và lý thuyết. Thực tiễn và những quan điểm được xem xét thận trọng của chúng ta đã được thể hiện bằng các công trình học thuật và nghiên cứu. Vì vậy, chúng ta có thể tự tin nói rằng sau 25 năm, chúng ta biết rất nhiều về quốc tế hóa giáo dục đại học, về cách thức thực hành và những thách thức và cơ hội mà nó mang lại cho các cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Không có gì nghi ngờ rằng vẫn còn nhiều thứ cần tìm hiểu, và chúng ta nên tiếp tục thực hiện những nghiên cứu sẽ soi sáng và định hình tương lai.
Chúng ta đã đặt ra những câu hỏi nào? Những giả định nào thúc đẩy chúng ta đặt những câu hỏi đó? Và điều gì tác động đến sự hiểu biết mà chúng ta đã có? |
Nhưng liệu những câu hỏi mà chúng ta đặt ra, những nghiên cứu mà chúng ta đã thực hiện và những kết luận mà chúng ta rút ra có bị giới hạn bởi những nguồn lực về ngôn ngữ và văn hóa của những cá nhân và tập thể được trao nhiệm vụ nghiên cứu và thảo luận? Có phải chúng ta, bằng cách giám sát, đã tự hạn chế khả năng hiểu biết của chính mình? Chúng ta có thể đạt được gì, với tư cách cá nhân và tư cách cộng đồng các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, trong việc thu hút sự chú ý đến những giả định mà chúng ta đã thực hiện trong quá trình và đến hướng đi mà những giả định đó dẫn dắt? Cho phép tôi minh họa quan điểm của mình bằng cách thảo luận về một ví dụ, một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có tôi, đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu trong 10 năm qua.
Làm thế nào để thu hút giảng viên tham gia vào các hoạt động quốc tế hóa?
Câu hỏi này đã thúc đẩy các dự án nghiên cứu lớn và nhỏ. Những rào cản và những yếu tố kích thích giảng viên tham gia vào quốc tế hóa đã được xác định. Có ý kiến cho rằng giảng viên không muốn tham gia vào các hoạt động quốc tế hóa trong hoặc ngoài nước bởi vì họ không quan tâm hoặc thiếu các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc quốc tế và liên văn hóa. Các chiến lược và nguồn lực khác nhau đã được phát triển để khơi dậy sự quan tâm của giảng viên và phát triển các kỹ năng của họ. Nhiều chiến lược đã được áp dụng và đánh giá. Và theo thời gian, những người làm việc trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục đại học đã hình thành một quan niệm phổ biến rằng giảng viên là một “vấn đề khó”, một trở ngại đối với quá trình quốc tế hóa, và cần phải có một giải pháp cho vấn đề này. Một vài năm trước, tôi đã nhận ra rằng trong trường đại học nơi tôi đang làm việc lúc đó, Đại học La Trobe, có những giảng viên thực sự tham gia sâu và hiệu quả vào các hoạt động có ý nghĩa quốc tế (ví dụ như làm việc với các nhóm di cư hoặc bản địa), nhưng theo cách mà Đại học La Trobe không nhìn nhận là “quốc tế hóa”. Khi định vị giảng viên là một nhóm thờ ơ với quốc tế hóa vì lý do thiếu động lực, kiến thức hoặc kỹ năng, tôi nhận ra rằng tôi đã đối xử bất công với họ và tự giới hạn phạm vi kiến thức của mình. Thật vậy, điều này đã giải phóng tôi để thách thức giả định rất cơ bản đó, lần ngược lại nguồn cội của nó và xem xét lại suy nghĩ của mình. Điều này đã khiến tôi, cùng các đồng nghiệp, chuyển từ giả định tiêu cực sang tìm kiếm những cách khác nhau để giảng viên tham gia vào các hoạt động quốc tế và liên văn hóa. Chúng tôi đã đặt mình vào những “vị trí” khác nhau, đặt ra những câu hỏi khác nhau, chẳng hạn như “Thế nào là sự tham gia của giảng viên?”, “Làm thế nào để nhận ra và học hỏi từ công việc mà giảng viên thực hiện trong quốc tế hóa?” và “Có cách nào để đặt giảng viên vào vị trí kiến trúc sư và đại sứ quốc tế hóa trong các diễn ngôn và cả trong thực tiễn? Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này dẫn chúng tôi đến những tài liệu mới về một loạt các ngành học và khám phá những lý thuyết và quan điểm mới về sự tham gia.
Nhưng việc thách thức các giả định của chính chúng ta thông qua sự chiêm nghiệm cẩn trọng là vô cùng khó khăn. Về cơ bản, những gì chúng ta biết và cách chúng ta nhìn nhận – thái độ nhận thức và bản thể – đã thấm nhuần và bắt rễ trong mỗi cá nhân và trong tất cả chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta chiêm nghiệm cẩn trọng nghĩa là ta đánh thẳng vào bản sắc của mình. Điều này khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương và bị phơi bày bởi vì nó không chỉ thách thức tính hợp lý của những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết, mà còn là chúng ta là ai. Dù vậy, chung cuộc, điều này mang lại sự giải thoát. Nó mở ra những khả năng lý thuyết và thực tiễn mới để tiếp tục nghiên cứu. Trong khía cạnh này, nó giúp chúng ta trở nên trung thực đối với học thuyết của chính chúng ta với tư cách những nhà giáo dục, rằng chính chúng ta phải là người học, phải chiêm nghiệm cẩn trọng những hoạt động thực hành của mình.
Về lĩnh vực rộng hơn của quốc tế hóa
Về lĩnh vực rộng hơn của quốc tế hóa giáo dục đại học thì sao? Liệu có phải những câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra với tư cách một cộng đồng lớn hơn, những nghiên cứu chúng ta đã thực hiện và những kết luận chúng ta đã rút ra bị giới hạn bởi các giả định vững chắc? Do đâu mà những câu trả lời cho những câu hỏi chúng ta đặt ra lại bị giới hạn bởi những nguồn tài nguyên ngôn ngữ và văn hóa cá nhân và tập thể được huy động cho nghiên cứu và tranh luận, và bởi việc “chúng ta” là ai? Là một nhóm các nhà nghiên cứu, chúng ta bị giới hạn về độ tuổi, dân tộc, ngôn ngữ, quốc tịch và trong một chừng mực nhất định là về giới tính. Trong khi ủng hộ “quốc tế hóa toàn diện” và ủng hộ nhu cầu giao lưu với “nhóm khác”, chúng ta đã thực sự tham gia sâu và tích cực tìm kiếm những ý tưởng mới và cách tiếp cận nghiên cứu mới trong lĩnh vực của chúng ta hay chưa? Chúng ta có đồng nhất về ý thức hệ không? Có phải chúng ta đã cảm thấy quá thoải mái trong môi trường văn hóa của chính mình? Chúng ta đã quan tâm đúng mức đến những ý tưởng và quan điểm của những học giả không giống chúng ta chưa? Có phải chúng ta, do thiếu phân tích đánh giá kỹ lưỡng, đã âm thầm chấp nhận một lý lẽ tân tự do ủng hộ quốc tế hóa giáo dục đại học? Điều gì sẽ tác động đến tương lai của lĩnh vực này nếu khi xem xét các giả định nhận thức và bản thể học của cá nhân chúng ta và của tập thể, và thấy rằng chúng muốn điều đó? Tương lai của quốc tế hóa giáo dục đại học sẽ thế nào nếu trong 25 năm tới chúng ta không chỉ tập trung để hiểu biết nhiều hơn mà còn để hiểu biết theo cách khác đi? Tập trung vào việc sáng tạo ra những thứ mà Rizvi và Lingard, trong cuốn sách năm 2010 về toàn cầu hóa chính sách giáo dục, gọi là sự tưởng tượng xã hội thay thế?
Vì vậy, trở lại với những câu hỏi mà Haggis đặt ra, tôi muốn hỏi về quốc tế hóa giáo dục đại học. Những câu hỏi chúng ta đặt ra là gì? Những câu hỏi này phản ánh những giả định và vị trí giá trị của chúng ta đến mức độ nào? Chúng ta cần làm gì để mở rộng ranh giới sự hiểu biết của chính mình?