Jane Knight là Giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario, Đại học Toronto, Canada. E-mail: jane.knight@utoronto.ca.
Bài viết này được rút gọn từ báo cáo của Knight, J. (2019) Ngoại giao tri thức trong hành động. Hội đồng Anh. Xem https://www.britishcouncil.org/research-policy-insight/research-reports/knowledge-diplomacy-action
Tóm tắt
Ngoại giao tri thức là một cách tiếp cận mới để hiểu vai trò của giáo dục đại học quốc tế, nghiên cứu và đổi mới trong việc củng cố quan hệ giữa các quốc gia và giải quyết những thách thức chung toàn cầu. Bài viết này xem xét những đặc điểm chính của cách tiếp cận ngoại giao tri thức – cộng tác, tương tác và hỗ trợ – và cung cấp các ví dụ về cách giáo dục đại học và nghiên cứu có thể đóng góp cho quan hệ quốc tế và giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trong thế giới toàn cầu hóa và hỗn loạn ngày nay, có những lý do, lợi ích, rủi ro và cơ hội mới gắn liền với sự đóng góp mà giáo dục đại học và nghiên cứu mang đến cho quan hệ quốc tế. Nghiên cứu vai trò của giáo dục đại học quốc tế trong việc xây dựng quan hệ giữa hai hoặc nhiều quốc gia không phải là việc làm mới. Tuy nhiên, sử dụng khung ngoại giao tri thức để phân tích, thay vì sử dụng quyền lực mềm hoặc lăng kính ngoại giao văn hóa và khoa học truyền thống, là một cách tiếp cận mới.
Có những động lực khác nhau thúc đẩy và điều chỉnh ngoại giao tri thức. Ví dụ, các vấn đề toàn cầu hiện nay trở thành vấn đề quốc gia và nhiều vấn đề quốc gia cũng đồng thời là vấn đề toàn cầu. Những thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, di cư, dịch bệnh, người tị nạn và di cư, giảm nghèo và an ninh nguồn nước đều là những vấn đề không còn biên giới. Ngoại giao tri thức là một quá trình hai chiều. Nó liên quan đến vai trò của giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới quốc tế (International Higher Education, Research, and Innovation – IHERI) trong việc xây dựng và củng cố quan hệ quốc tế và ngược lại, đến vai trò của quan hệ quốc tế trong việc tạo điều kiện và cải thiện IHERI. Có một số thuật ngữ được sử dụng để mô tả vai trò của giáo dục đại học quốc tế trong quan hệ quốc tế. Để giúp loại bỏ sự nhầm lẫn các thuật ngữ khác nhau, bài viết này tập trung vào những đặc điểm chính của ngoại giao tri thức, đặc biệt trong mối liên quan đến việc giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách. Khi xác định các khía cạnh cơ bản của ngoại giao tri thức, luôn có nguy cơ đặt ra giới hạn quá hẹp và khắt khe hoặc quá rộng và quá nhiều. Danh sách các đặc điểm sau đây là một sự khởi đầu. Đây không phải là một danh sách toàn diện, mà chỉ gồm những khía cạnh quan trọng và chiến lược của ngoại giao tri thức.
Ngoại giao tri thức dựa trên những chức năng cơ bản của giáo dục đại học – dạy/học, nghiên cứu, sản xuất/đổi mới tri thức và phục vụ xã hội. |
Những đặc điểm chính của ngoại giao tri thức
- Tập trung vào giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới: Ngoại giao tri thức dựa trên những chức năng cơ bản của giáo dục đại học – dạy/học, nghiên cứu, sản xuất/đổi mới tri thức và phục vụ xã hội. Quá trình ngoại giao tri thức liên quan đến nhiều hình thức của IHERI do được quyết định bởi bản chất và sự phức tạp của vấn đề đang được giải quyết. Những hoạt động IHE riêng lẻ (ví dụ, du học, trao đổi học giả, hội nghị chung) đúng là những hoạt động quốc tế hóa, nhưng khi được kết nối với hàng loạt những hoạt động lớn hơn liên quan đến nhiều yếu tố và chiến lược, chúng trở thành một phần của ngoại giao tri thức. Khi đứng độc lập, những hoạt động IHE riêng lẻ không nhất thiết cấu thành ngoại giao tri thức.
- Chủ thể và đối tác đa dạng: Chủ thể tham gia vào ngoại giao tri thức rất đa dạng. Ngoài các trường đại học và cao đẳng là những chủ thể chính, còn có một loạt các thành phần khác tham gia. Bao gồm các trung tâm xuất sắc quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, các tổ chức nghiên cứu, các viện chính sách, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức giáo dục phi chính phủ và các bộ ngành/cơ quan chính phủ. Các tổ chức giáo dục đại học cũng cộng tác với các lĩnh vực và/hoặc ngành khác, tùy thuộc vào bản chất của sáng kiến. Các đối tác phổ biến bao gồm ngành công nghiệp, các nhóm xã hội dân sự, các hiệp hội, và các cơ quan chính phủ. Do đó, một đặc điểm chính của ngoại giao tri thức là sự đa dạng của các đại diện giáo dục đại học cộng tác với các đối tác từ nhiều ngành khác.
- Nhận diện các nhu cầu khác nhau và sử dụng nguồn tài nguyên chung: Ngoại giao tri thức tập hợp một mạng lưới các đối tác khác nhau từ các lĩnh vực khác nhau để giải quyết các vấn đề chung, nên những động cơ và mục tiêu của các chủ thể tham gia thường khác nhau. Mỗi quốc gia và tổ chức tham gia có những nhu cầu khác nhau và đóng góp những nguồn lực cụ thể cho quan hệ đối tác. Những nhu cầu này cần được tôn trọng và đàm phán, để đảm bảo tối ưu hóa những điểm mạnh và cơ hội cho từng đối tác. Điều này được thực hiện thông qua hình thức hợp tác theo chiều ngang – thừa nhận các nhu cầu và nguồn lực dù khác nhau nhưng là chung của một tập thể các đối tác. Lãnh đạo để nhận ra và hợp tác giải quyết các nhu cầu và nguồn lực khác nhau là rất quan trọng, nhưng không phải dưới hình thức thống trị hay độc đoán (là đặc trưng của cách tiếp cận quyền lực).
- Tương tác – hỗ trợ nhau, nhưng để đạt những lợi ích khác nhau: Nhu cầu và nguồn lực khác nhau của các chủ thể sẽ dẫn đến những lợi ích khác nhau (và rủi ro tiềm ẩn) cho các đối tác. Sự tương hỗ giữa các lợi ích không có nghĩa là tất cả các chủ thể/quốc gia sẽ nhận được những lợi ích như nhau. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là nguyên tắc tương tác và các bên đều được lợi sẽ hướng dẫn quá trình. Hợp tác mở ra sẽ đem lại cả lợi ích chung và những lợi ích cụ thể tùy theo bối cảnh cho các tổ chức và quốc gia tham gia. Điều này dựa trên cơ sở đàm phán và giải quyết xung đột và được xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận nền tảng của ngoại giao tri thức là các bên đều có lợi.
- Xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia: Khái niệm trung tâm của ngoại giao tri thức là vai trò của IHERI trong việc tăng cường quan hệ tích cực và hữu ích giữa các quốc gia. Điều này dựa trên – và vượt xa hơn – sự đóng góp của các hiệp định song phương và đa phương giữa các tổ chức giáo dục đại học. Rõ ràng là, những đóng góp mà ngoại giao tri thức đem đến cho quan hệ quốc tế có thể thay đổi theo chiều rộng và chiều sâu, nhưng làm việc để giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách tác động đến mỗi quốc gia là một hướng quan trọng.
Những ví dụ về ngoại giao tri thức
Đại học Pan African University, Mạng Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, Mạng Nghiên cứu và Giáo dục Nhật – Anh, Các Sáng kiến Kinh tế Tri thức và các Dự án Cứu trợ Nhân đạo của Đại học Brown là một vài trường hợp tiêu biểu về ngoại giao tri thức được đề cập đến gần đây trong Báo cáo Ngoại giao Tri thức Trong Hành động của Hội đồng Anh. Những sáng kiến này được lựa chọn cẩn thận để minh họa cho tính cấp thiết và hiệu quả của việc sử dụng phương pháp ngoại giao tri thức, nó bao gồm (và rộng hơn) những hoạt động quốc tế hóa điển hình. Ngoại giao tri thức liên quan đến sự đa dạng của các chủ thể giáo dục đại học cộng tác với các đối tác từ các ngành khác để giải quyết các vấn đề toàn cầu và quốc gia thông qua hợp tác, đàm phán và tôn trọng lợi ích lẫn nhau, không phải hình thức cạnh tranh từ trên xuống mà người thắng cuộc vơ hết phần thưởng.