Lòng tin công chúng và lợi ích công

Patti McGill Peterson là Cố vấn Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ về những sáng kiến toàn cầu từ 2010 đến 2016. Bà từng lãnh đạo Hội đồng Trao đổi Học giả quốc tế và là Chủ tịch danh dự Đại học Wells và St. Laurence.

Tóm tắt

Giáo dục đại học Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ đánh mất sự tín nhiệm từ công chúng. Các tổ chức giáo dục phần lớn phản ứng trước sự suy giảm lòng tin này bằng phong trào tăng cường trách nhiệm, tập trung vào các lợi ích cá nhân, riêng biệt. Tuy nhiên, lòng tin của công chúng đòi hỏi sự chủ động gắn kết với xã hội để hình thành những động lực kích thích giáo dục đại học đóng góp cho lợi ích công. Những thách thức này dù chỉ được xem xét từ góc độ của Hoa Kỳ, chúng có ý nghĩa toàn cầu.

Giáo dục đại học Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ đánh mất sự tín nhiệm từ công chúng. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi vì sự hỗ trợ mạnh mẽ cho giáo dục đại học là đặc trưng quan trọng của một xã hội dân sự tốt. Cũng như tự do báo chí và tòa án độc lập, giáo dục đại học là một phần thiết yếu của nền tảng xã hội dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng của những thiết chế quan trọng này phụ thuộc vào quan điểm của cộng đồng về việc họ cũng như các tổ chức xã hội khác đóng góp cho lợi ích công.

Các cuộc thăm dò đều cho thấy sự suy giảm. Khảo sát Gallup cho biết từ năm 2015 đến 2018, lòng tin của công chúng vào các trường cao đẳng và đại học giảm gần 10%. Nhiều người Mỹ vẫn khao khát ghi danh vào đại học, nhưng lòng tin của họ ngày càng giảm đi vì những hoài nghi về cơ hội tiếp cận và kết quả nhận được sau khi tốt nghiệp. Chi phí cho giáo dục đại học và những giá trị được công nhận là nguyên nhân chính khiến công chúng mất lòng tin. Học phí cao và các khoản vay để học tập thách thức lòng tin của sinh viên và gia đình họ. Rốt cuộc, “có đáng không?” là một dấu hỏi lớn.

Chi phí, giá trị và trách nhiệm

Câu hỏi về giá trị nhận được so với chi phí bỏ ra đóng vai trò trung tâm trong phong trào yêu cầu tăng thêm trách nhiệm ở Hoa Kỳ. Nhận thêm trách nhiệm cũng được coi là một cách nhằm khôi phục lòng tin của công chúng. Trong khi chỉ 48% người trưởng thành trong cuộc thăm dò của Gallup tin tưởng vào giáo dục đại học, 76% cho rằng cần yêu cầu các trường đại học công khai tỷ lệ tốt nghiệp. Việc cung cấp thêm thông tin cho người ứng tuyển ở cấp độ trường hoặc thông qua các phương tiện của chính phủ như Thẻ điểm Đại học đều có mục đích làm cho giáo dục đại học trở nên thân thiện và đáng tin cậy hơn.

Những trách nhiệm mới sẽ tập trung giải quyết vấn đề nợ của sinh viên, bằng cách công khai chương trình học tập và thu nhập ngắn hạn của sinh viên tốt nghiệp. Những công bố này được thiết kế để tăng cường tính minh bạch cũng như củng cố niềm tin của công chúng. Kết quả của việc này không chỉ là quan điểm giới hạn đầu ra dự định của giáo dục đại học, mà còn là dấu hiệu cho thấy quan hệ gắn kết của giáo dục đại học với công chúng ngày càng được xây dựng dựa trên tiền đề rằng đó là lợi ích cá nhân được nhận trên cơ sở lợi tức đầu tư của cá nhân.

Học phí và nợ vay tăng nhanh là những vấn đề cần được giải quyết, nhưng niềm tin xã hội bền vững cần được liên kết với nhiều thứ hơn ngoài lợi ích cá nhân. Đây sẽ là một thách thức. Một cuộc khảo sát từ Khoa Sư phạm, Đại học Columbia cung cấp những hiểu biết sâu sắc. Nó cho thấy bối cảnh chính trị và nhân khẩu học hiện tại ở Hoa Kỳ làm phức tạp thêm mối liên kết giữa niềm tin của công chúng và lợi ích công.

Xóa bỏ sự cách biệt

Chia rẽ về chính trị làm phương hại đến lòng tin của công chúng. Các nhà phê bình bảo thủ tấn công các trường cao đẳng và đại học về các vấn đề tự do ngôn luận, giảng viên thiên vị chính trị và chương trình giảng dạy chính trị. Họ gọi giáo dục đại học là “câu lạc bộ của giới thượng lưu”, tách biệt với những công dân bình thường. Dữ liệu xác nhận sự chia rẽ chính trị sâu sắc, nhưng đó cũng chỉ là một vết nứt sâu dựa trên những thành công giáo dục của những người được hỏi. Đối với các câu hỏi liên quan đến đóng góp của giáo dục đại học cho các tiến bộ khoa học có lợi cho xã hội, cho sự thịnh vượng và phát triển quốc gia, và cho sự giàu có và phát triển cá nhân của sinh viên tốt nghiệp, sự khác biệt giữa ý kiến của sinh viên tốt nghiệp đại học và những người không có bằng cấp là rất đáng kể. Nhóm thứ hai có cái nhìn tiêu cực hơn nhiều về lợi ích của giáo dục đại học.

Giáo dục đại học có mối liên hệ chủ yếu với những bên trực tiếp liên quan đến việc cung cấp hoặc thụ hưởng các lợi ích của nó. Đối với các tổ chức giáo dục truyền thống, mối quan hệ này được xây dựng dựa trên văn hóa riêng của trường và thường là bí ẩn đối với công chúng. Người ngoài cuộc khó lòng hiểu được những thực tiễn và ngôn ngữ phản ánh văn hóa đó. Những bê bối gần đây trong tuyển sinh và hỗ trợ tài chính ở một số trường hàng đầu cần được giải trình minh bạch. Việc những cư dân của giáo dục đại học thường sử dụng quá nhiều thuật ngữ làm vấn đề càng thêm trầm trọng. Các thuật ngữ như tự chủ về thể chế, đánh giá ngang hàng, tự do học thuật, quốc tế hóa và giáo dục khai phóng có xu hướng phóng đại sự bí ẩn.

Xây dựng lòng tin

Lòng tin dựa trên sự đánh giá cao đóng góp của giáo dục đại học cho lợi ích cộng đồng, bắt đầu bằng sự thừa nhận rằng những việc các tổ chức làm và vì sao họ làm điều đó đòi hỏi lời giải thích rõ ràng hơn và cuộc trò chuyện cởi mở hơn với công chúng. Điều này bắt đầu trong các cộng đồng nơi các trường cao đẳng và đại học cư ngụ, nhưng nó cần vượt ra ngoài việc xây dựng các mối quan hệ địa phương để trở thành đối thoại quốc gia.

Một số ý kiến chỉ trích giáo dục đại học là xác đáng và cần được đưa vào nghị trình thảo luận với công chúng. Lúc này chính là thời điểm chín muồi cho một cuộc đối thoại cởi mở hơn. Các nhà khoa học về khí hậu là một ví dụ điển hình về những học giả biết viết và nói về một vấn đề cấp bách và phức tạp theo cách đơn giản để những người không có chuyên môn dễ dàng hiểu được. Họ nhận thức được rằng tiếp cận được số đông công chúng là vô cùng quan trọng để tạo ra câu chuyện có tính thuyết phục. Có nhiều điều giáo dục đại học cần thảo luận với công chúng. Các yếu tố của sự kết nối đó phải dựa trên những quan hệ thể chế mạnh mẽ, minh bạch, cuối cùng có thể tạo thành tiếng nói tập thể, đồng thuận ở cấp quốc gia về giá trị mà các trường cao đẳng và đại học mang lại, không chỉ cho từng cá nhân, mà còn cho sự phồn thịnh chung của cả xã hội.

Đáp lại những luận điệu chủ nghĩa dân tộc thống trị đang coi giáo dục đại học là tinh hoa, không thực tiễn hoặc nguy hiểm cho công chúng, cần phải có những phản ứng mạnh mẽ.

Bối cảnh toàn cầu

Không chỉ riêng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với vấn đề công chúng mất lòng tin và hoài nghi giá trị của giáo dục đại học. Ở các nước khác, quan hệ gắn kết giữa giáo dục đại học và xã hội cũng bị tổn hại. Những quốc gia trước đây từng bao cấp cho giáo dục đại học, sau đó chuyển sang chính sách chia sẻ chi phí với sinh viên, giờ đây bước vào cơ chế thị trường, coi giáo dục là hàng hóa, và giá trị nhận được theo mức chi phí bỏ ra. Trong kịch bản này kết quả đầu ra, tính minh bạch và nguyên tắc đạo đức là những kỳ vọng quan trọng và chính đáng, nhưng vẫn không đủ tạo ra một mô hình mạnh mẽ để gắn kết giáo dục đại học với lợi ích công. Mặc dù mọi trường đại học đều có nghĩa vụ trách nhiệm đối với từng sinh viên, nhưng đó vẫn không thể coi là một sứ mệnh toàn diện trong đó các lĩnh vực hoạt động của trường – nghiên cứu, giảng dạy và dịch vụ – đều đóng góp tích cực cho toàn xã hội.

Cần phải có những phản ứng mạnh mẽ đáp lại những luận điệu chủ nghĩa dân tộc thống trị đang coi giáo dục đại học là tinh hoa, không thực tiễn hoặc nguy hiểm cho công chúng. Đối mặt với những tấn công vào thể chế dân chủ, trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và làn sóng chống toàn cầu hoá, tiếng nói phản đối sẽ có ý nghĩa gắn kết với công chúng nhiều hơn so với cách làm truyền thống của các trường đại học. Nhiệm vụ cấp thiết của giáo dục đại học toàn cầu là chủ động tạo ra mối liên hệ giữa công việc của mình và lợi ích công, để giữ vững lòng tin của công chúng.