Simon Marginson là Giáo sư ngành Giáo dục Đại học tại Đại học Oxford, là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học toàn cầu ESRC/OFSRE ở Anh, là Nhà nghiên cứu hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế ở Moscow và là Tổng biên tập tập san Giáo dục Đại học . E-mail: simon.marginson@education.ox.ac.uk.
Tóm tắt
Trong 40 năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có quan hệ hợp tác sâu trong khoa học và công nghệ. Sự hợp tác này đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc và trong những nghiên cứu thúc đẩy lợi ích chung toàn cầu. Sự hợp tác này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các động thái đơn phương từ phía Mỹ.
Sau một thời gian dài hợp tác với Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Mỹ đã thay đổi. Các chính sách và tổ chức của Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến địa-chính trị lâu dài nhằm giành vị trí thống trị toàn cầu, đặc biệt ở Đông Á, và cả những nơi khác. Gắn mác “Chiến tranh lạnh mới” cho tình trạng này là hoàn toàn chính xác. Điều này thể hiện trong việc Trump áp thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong cuộc chiến giành quyền lãnh đạo trong công nghệ 5G, Mỹ cố gắng phá vỡ vị thế toàn cầu của công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc, và trong các động thái thù địch ở những lĩnh vực khác, bao gồm khoa học và giáo dục đại học.
Mặc dù Đảng Dân chủ phản đối phần lớn chương trình nghị sự của Trump, nhưng Hoa Kỳ lại có sự đồng thuận rộng rãi trong việc “kiềm chế Trung Quốc”. Lý do thường được đưa ra là Trung Quốc thiếu các hình thức dân chủ tự do, nhưng điều này đã không còn mới nữa. Hệ thống chính trị tập trung của Trung Quốc không có bất kỳ điểm chung nào với di sản chính trị phương Tây, vốn dựa trên sự tách biệt nhà nước với thị trường và xã hội dân sự và sự phân chia quyền lực giữa hành pháp, lập pháp, tư pháp và quân sự. Quan niệm rằng một Trung Quốc mở cửa quốc tế có thể dần dần trở thành một xã hội Mỹ hóa luôn là một ảo tưởng. Lý do cho Chiến tranh Lạnh mới không nhiều, đến nỗi Hoa Kỳ đã từ bỏ ý đồ Mỹ hóa, cũng như không muốn chia sẻ sự lãnh đạo toàn cầu và sẵn sàng chịu đựng nỗi đau kinh tế ngắn hạn của chính mình trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tăng trưởng.
Thiệt hại kèm theo
Khi vị trí thống trị đang nắm giữ bị đe dọa, các cường quốc hàng đầu thường thực hiện những động thái mà sau này bị coi là phản tác dụng (đế quốc Anh mới vẫn đang thực hiện các động thái phản tác dụng như Brexit sau khi mất vị trí dẫn đầu toàn cầu!) Thật không may, lần này, các trường đại học và khoa học phải gánh chịu những thiệt hại kèm theo. Truyền thông toàn cầu, ngày nay đã hội nhập sâu sắc, phải đối mặt với viễn cảnh có hai hệ thống tách biệt do Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đầu, được đặt tên là “splinternet” – thế giới mạng bị chia cắt. Điều này có thể là phù hợp với hệ thống an ninh quốc gia ở cả hai nước, nhưng sẽ gây tổn hại cho hợp tác giáo dục đại học. Mối đe dọa đối với hợp tác nghiên cứu cũng tương tự. Những sự việc xảy ra gần đây:
- Rút ngắn thời hạn thị thực Mỹ cho sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao từ 5 năm xuống còn 1 năm.
- Điều tra có chọn lọc nhiều nhà khoa học tại Hoa Kỳ, tất cả các nhà khoa học gốc Trung Quốc, vì bị nghi ngờ vi phạm an ninh trong chia sẻ thông tin về các ứng dụng tài trợ của Viện Y tế Quốc gia. Một số nhà khoa học đã mất chức vị. Những điều tra này chỉ có thể được mô tả là dựa trên hồ sơ chủng tộc.
- Nhiều trường hợp trong đó các học giả Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ (ngay cả các học giả trong các lĩnh vực địa-chiến-lược-quân-sự cũng như giáo dục!). Có dấu hiệu trả đũa bằng cách từ chối thị thực, làm ảnh hưởng đến những người Mỹ muốn vào Trung Quốc.
Những động thái này của Hoa Kỳ làm đảo ngược hoàn toàn các chính sách trong 40 năm qua. Sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng mở cửa Trung Quốc vào năm 1978, một cơ sở hạ tầng dày đặc cho sự hợp tác khoa học Hoa Kỳ – Trung Quốc đã được phát triển. Thỏa thuận Hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bao gồm 50 thỏa thuận liên ngành và hỗ trợ hàng ngàn chương trình hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Khối lượng và chất lượng của những dự án chung đã mở rộng nhanh chóng. Dữ liệu của Ủy ban Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ từ Scopus cho thấy năm 2016 có 43.968 công trình là công bố chung của Trung Quốc và Mỹ, so với 5.406 công bố chung trong năm 2006.
Các nhà khoa học Mỹ có “ngây thơ” không?
Một số nhà phê bình người Mỹ cho rằng đồng tác giả ở quy mô này chỉ đơn thuần cho thấy các nhà khoa học Mỹ rất “ngây thơ”. Dưới vỏ bọc hợp tác, Trung Quốc đã “sử dụng” và “đánh cắp” khoa học của Hoa Kỳ. Những lời lẽ công kích của Marvel kiểu này cho thấy các hiện tượng tương tự trong thế giới thực có thể mang những ý nghĩa trái ngược tùy thuộc vào việc sử dụng câu chuyện ý thức hệ nào để giải thích chúng.
Mọi sự hợp tác lành mạnh trong khoa học đều dựa trên chia sẻ mở, không liên quan đến những mục đích cá nhân có thể được sử dụng đối với kho kiến thức chung. Những tuyên bố đơn phương về “gián điệp” đã chính trị hóa các mối quan hệ khoa học, phá vỡ trao đổi tự do và phá hủy lòng tin.
Không có gì phải hoài nghi về việc Trung Quốc đã sử dụng chiến lược quốc tế hóa với Hoa Kỳ để xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc. Vào thời điểm đó cả hai bên đều thấy điều này là tốt, mặc dù họ có thể có những kỳ vọng khác nhau. Ví dụ, từ năm 1995 đến năm 2015, 68.379 sinh viên đến từ Trung Quốc đã nhận được học vị tiến sĩ của Mỹ. Những sinh viên Trung Quốc này cũng đóng góp cho các nghiên cứu của Hoa kỳ tại các trường đại học Hoa Kỳ nơi họ theo học. Một số ở lại, những người khác trở về nước.
Tuy nhiên, quan hệ đối tác không còn là con đường một chiều nữa, dù có thể đã từng như vậy. Khoa học Trung Quốc, đặc biệt là STEM, hiện đang rất mạnh. Một nghiên cứu bởi Jenny Lee và John Haupt tại Đại học Arizona cho thấy trong số 500 bài báo hợp tác Trung Quốc – Hoa Kỳ được trích dẫn nhiều nhất năm 2014 – 2018, có nhiều tác giả chính gốc Trung hơn là gốc Hoa Kỳ. Hơn nữa, trong số 10 cơ quan tài trợ nghiên cứu hàng đầu của chính phủ tài trợ cho những nghiên cứu có các công bố hợp tác, bảy cơ quan là của Trung Quốc và họ đã tài trợ gấp 3,5 lần so với các đối tác Hoa Kỳ. Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc đã hỗ trợ 74.827 bài báo trong khi Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, ở vị trí thứ hai, hỗ trợ 15.489 bài.
Nói cách khác, khoa học Hoa Kỳ cũng mất mát nhiều như khoa học Trung Quốc nếu sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không còn nữa. |
Tất cả chúng ta đều thua thiệt
Nói cách khác, khoa học Hoa Kỳ cũng mất mát nhiều như khoa học Trung Quốc nếu sự hợp tác giữa hai quốc gia không còn nữa. Phần còn lại của thế giới cũng bị thiệt hại. Sự hợp tác Trung – Mỹ, một số hợp tác còn liên quan đến các nhà khoa học từ các nước khác, đã thúc đẩy rất nhiều nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu.
Hầu hết những ai còn nhớ đến Chiến tranh lạnh trước đây, trong đó chính sự ganh đua cũng chấm dứt, đều không muốn quay lại hai trại thù địch, mà ở khoảng giữa không có quyền con người; một thế giới chi tiêu khổng lồ cho quân sự, luôn đứng trước sự đe dọa của thảm họa; nơi quyền tự do trao đổi khoa học bị áp đảo bởi các định kiến tư tưởng và an ninh quốc gia.
Một khi các động thái gây hấn bắt đầu, chúng có thể kích hoạt một quá trình leo thang các động thái và các biện pháp đối phó trong đó sự thù địch trở thành cố thủ. Những giai đoạn đầu thường thiết lập các khuôn mẫu về sau. Tại thời điểm này, điều quan trọng là cần bảo vệ những liên kết hiện có, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, và giữ cho biên giới mở cửa – để giảm thiểu mức độ các trường đại học và khoa học, không chỉ ở Hoa Kỳ và Trung Quốc mà ở mọi nơi, bị cuốn vào vòng xoáy của một cuộc xung đột vô nghĩa, nơi không ai thắng. Điều đặc biệt quan trọng là các trường đại học và khoa học bên ngoài Hoa Kỳ cần từ chối tham gia vào cuộc tẩy chay của Chiến tranh lạnh, và duy trì cũng như tăng cường quan hệ tự do và cởi mở với các trường đại học và khoa học ở cả hai nước.