Damtew Teferra là Giáo sư giáo dục đại học tại Đại học Kwazulu ở Nirth và là Giám đốc sáng lập của Mạng lưới giáo dục đại học quốc tế ở châu Phi, WEB: www.inhea.org), E-mail: teferra@bc.edu hoặc teferra@ukzn.ac.za.
Tóm tắt
Đã có nhiều cuộc thảo luận về việc các mục tiêu phát triển bền vững (SDG – Sustainable Development Goal) chú trọng nhiều hơn đến giáo dục đại học. Tuy nhiên, khi so sánh với các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đó, khung mới này thực sự có rất ít tài liệu tham khảo về giáo dục đại học. Châu Phi tốt nhất nên tập trung nỗ lực phát triển những chính sách địa phương và khu vực phù hợp hơn, và nhìn nhận vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong quá trình phát triển.
Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG – Millennium Development Goal), tiền thân của các SDG, vẫn bị chỉ trích rộng rãi vì không coi giáo dục đại học là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển. Sau nhiều thập kỷ bị các tổ chức quốc tế và các chính phủ trong nước bỏ rơi, nền giáo dục đại học châu Phi đã phải vật lộn để lấy lại vị thế của mình và sự thiếu quan tâm đến giáo dục đại học trong chiến dịch quốc tế này khiến cho thiệt hại càng thêm trầm trọng.
Trước khi các SDG ra mắt vào năm 2015, nhiều nhà bình luận dự đoán rằng khung giải pháp mới này – được quốc tế thống nhất để đối phó với các vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng, bệnh tật và biến đổi khí hậu – cuối cùng cũng sẽ thừa nhận vai trò thích đáng của giáo dục đại học trong quá trình nhận thức kinh tế, xã hội và tiến bộ kỹ thuật, giảm nghèo đói và tạo sự phồn vinh, phát triển toàn cầu bền vững. Nhưng hóa ra các SDG chỉ là một phiên bản nhỏ của các MDG.
Ngược lại, những chiến dịch và chính sách địa phương, do các tổ chức ở châu Phi khởi xướng, lại chú trọng nhiều hơn đến tầm quan trọng cốt yếu của giáo dục đại học và, có lẽ, sẽ là đòn bẩy để thu hút sự tài trợ cần thiết và trực tiếp cho các tổ chức giáo dục trên khắp châu lục này.
Tầm quan trọng giả định của các SDG
Năm 2015, ngay trước khi ra mắt các SDG, các nước thành viên Liên hiệp quốc đã đề xuất một loạt những chính sách toàn diện theo bản thỏa thuận đột phá của Chương trình hành động Addis Ababa, gồm hơn 100 biện pháp cụ thể nhằm tài trợ cho phát triển bền vững, chuyển đổi kinh tế toàn cầu, và để đạt được các SDG. Thỏa thuận này quy định nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Nó cũng cung cấp một khuôn khổ toàn cầu mới tài trợ cho sự phát triển bền vững bằng cách cân đối mọi dòng tài chính và chính sách với những ưu tiên về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ ngữ trong bản thỏa thuận, điều sẽ ảnh hưởng đến mức được tài trợ của hầu hết các quốc gia châu Phi cận Sahara, nhấn mạnh đến thực tế là các nguồn tài nguyên trên khắp lục địa sẽ trực tiếp hỗ trợ cho những nội dung ưu tiên của các SDG – mà trong đó, thật không may, giáo dục đại học một lần nữa chỉ giữ một vị trí rất mong manh.
Giáo dục đại học trong các SDG và trên thực tế
Khi phân tích 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu của các SDG, điều đáng chú ý là các từ “giáo dục đại học”, “giáo dục giai đoạn ba”, và “trường đại học”, chỉ xuất hiện mỗi từ một lần, và từ “trường đại học”, trong thực tế được nhắc đến một cách hời hợt. Mục tiêu duy nhất trong đó giáo dục đại học được đề cập đến rõ ràng là Mục tiêu 4, quy định về giáo dục công bằng và hòa nhập và các cơ hội học tập suốt đời. Ngoài ra, những vấn đề cụ thể của giáo dục đại học hoàn toàn bị bỏ qua. Ví dụ, tài liệu chỉ nói về đảm bảo quyền tiếp cận như nhau, mà không đề cập đến mở rộng quyền tiếp cận hoặc thúc đẩy giáo dục đại học. Mặc dù giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng tất cả các mục tiêu, việc không có những người vận động hành lang tích cực và dày dạn cho giáo dục đại học trong quá trình thảo luận thống nhất các SDG hiển nhiên sẽ dẫn đến sự vắng mặt chính thức của giáo dục đại học trong chương trình lớn này.
Quả như dự kiến, dưới tác động của Chương trình hành động Addis Ababa, có bằng chứng cho thấy sự vắng mặt này đã ảnh hưởng tới những quyết định tài trợ quan trọng. Chẳng hạn, Bộ trưởng bộ khoa học và giáo dục đại học của Ethiopia gần đây nhận xét rằng, mặc dù sự hỗ trợ cho các lĩnh vực khác của hệ thống giáo dục đang tăng lên, thì lĩnh vực mà bà quản lý vẫn bị nhiều người coi là xa xỉ và chỉ nhận được rất ít sự hỗ trợ.
Một góc nhìn khác về giáo dục đại học
Trong khi đó, điều mang lại chút hy vọng là các tổ chức khác bắt đầu thảo luận về vai trò của giáo dục đại học. Đầu tháng 7 năm 2019, trong một sự kiện toàn cầu do Sáng kiến bền vững giáo dục đại học tổ chức, ba tổ chức đại học đại diện cho hơn 2000 trường đại học trên toàn cầu (Hiệp hội các trường đại học khối thịnh vượng chung, Cơ quan phụ trách về Đại học của khối các nước nói tiếng Pháp và Hiệp hội các trường đại học quốc tế) đã sử dụng uy tín tập thể của họ để bảo vệ tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với SDGs. Trong sự kiện đó, họ tuyên bố rằng, mặc dù các tài liệu tham khảo về giáo dục đại học trong khuôn khổ các SDG tương đối hạn chế, không SDG nào có thể đạt được nếu thiếu sự đóng góp của giáo dục đại học thông qua nghiên cứu, giảng dạy và gắn kết cộng đồng. Tương tự, tại các hội nghị riêng của mỗi tổ chức vào năm 2019, Hiệp hội các trường đại học châu Phi và Mạng lưới quốc tế về giáo dục đại học ở châu Phi đã tập trung đặc biệt vào giáo dục đại học và các SDG trong các cuộc thảo luận của mình.
Những lập luận gần đây hơn ủng hộ quan điểm của một số tổ chức địa phương từng kêu gọi hỗ trợ cho giáo dục đại học trong vài năm gần đây. Ví dụ, năm 2016, chủ tịch Liên minh châu Phi công bố thành lập một Ủy ban gồm mười nguyên thủ quốc gia, còn gọi là C-10, để đấu tranh cho giáo dục đại học, khoa học và công nghệ ở châu Phi. Trong cuộc họp bất thường đầu tiên năm 2018, Ủy ban này nhấn mạnh rằng giáo dục đại học, khoa học và công nghệ là phương tiện chính cho phép châu Phi thực hiện tầm nhìn dài hạn của Chương trình chuyển đổi 2063 (Liên minh châu Phi) một cách hiệu quả, mặc dù còn nhiều thách thức trong quá trình phát triển châu lục. Trong cuộc họp cấp cao này, các chính phủ châu Phi đã thúc giục – không biết là lần thứ bao nhiêu – nâng mức đầu tư nghiên cứu của họ lên 1%.
Các quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia. Vì châu Phi đã chuyển từ “một lục địa vô vọng” như mô tả của tạp chí The Economist năm 2000, sang một “lục địa đầy hy vọng” và “một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới”, như mô tả của tạp chí The Economist năm 2013, bối cảnh phát triển quan hệ đối tác trong giáo dục đại học châu Phi đã và đang được mở rộng – cả với những đối tác “trước đây” và những đối tác “mới nổi”. Có lẽ vì lợi ích địa chính trị nhiều hơn là vì một điều gì đó liên quan cụ thể đến các SDG, một số quốc gia đang dần bước lĩnh vực giáo dục đại học của châu Phi thông qua sự can thiệp trực tiếp và gián tiếp. Trung Quốc hiện là một trong những nơi tập trung nhiều sinh viên châu Phi nhất trên toàn cầu và đang cố gắng mở rộng số lượng các Học viện Khổng Tử ở Châu Phi, đồng thời cũng đang tiến hành xây dựng trường sở (về mặt vật lý) – một điều hiếm thấy. Ấn Độ cũng là nơi tiếp nhận một trong những đội ngũ sinh viên châu Phi lớn nhất, mặc dù nước này đang phải vật lộn để giữ được các cam kết với Liên minh châu Phi, nhằm đóng góp vào sự phát triển giáo dục đại học trên lục địa châu Phi. Hàn Quốc đang nổi lên thành một nhân tố tích cực trên sân chơi, trong khi những nước khác, chẳng hạn như Nga, ngủ quên suốt hai thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, cũng cho thấy ngày càng quan tâm.
Kết luận
Trong khi vẫn phải nỗ lực toàn cầu mạnh mẽ hơn để bảo đảm một vị trí thuận lợi cho giáo dục đại học trong khuôn khổ các SDG, thì châu Phi đồng thời phải định hướng theo Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, đặc biệt là những chiến lược phái sinh có thời hạn, ví dụ như Chiến lược giáo dục ở tầm lục địa cho châu Phi (CESA) và Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo cho châu Phi (STISA 2024).
Mặc dù sự hỗ trợ của các đối tác phát triển – trong khuôn khổ các SDG hoặc do các nhu cầu địa chính trị – vẫn có ý nghĩa quan trọng, các nước châu Phi không thể tiếp tục thuê khoán thực hiện những khát khao, tham vọng và mục tiêu phát triển của mình trong lĩnh vực giáo dục đại học hay nói cách khác là giao phó việc đó cho các thực thể bên ngoài, cho dù họ có hào phóng, tốt bụng, hoặc phi vụ lợi đến mức nào chăng nữa.