Maria Yudkevich là Giáo sư cộng tác ngành kinh tế và là Phó Hiệu trưởng tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia, Đại học Kinh tế, Moscow, Nga. E-mail: yudkevich@hse.ru.
Tóm tắt
Bài viết này xem xét những nguyên nhân dẫn đến vai trò ngày càng tăng của nguyên tắc “xuất bản hay là chết” và cả những hậu quả của nó trong các hệ thống học thuật hiện đại. Cụ thể, bài viết thảo luận về cách thức các trường đại học diễn giải nguyên tắc này và vì sao điều đó dẫn đến sự khác biệt giữa các hệ thống học thuật.
Trong những thập kỷ gần đây, áp lực phải xuất bản – nguyên tắc “xuất bản hay là chết” – đã trở thành một nét đặc trưng của đời sống học thuật. Nguyên tắc này có ý nghĩa gì và tại sao nó bị giới học thuật coi là nguy hiểm và mang tính phá hoại?
Tại các trường đại học nghiên cứu hàng đầu cũng như trong các tổ chức chuyên giảng dạy, giảng viên liên tục phàn nàn về gánh nặng ngày càng tăng của những yêu cầu chính thức và những kỳ vọng không chính thức liên quan đến năng suất, sự nghiệp học thuật, sự thăng tiến và an toàn học thuật của họ.
Tuy nhiên, ở các trường đại học và các quốc gia khác nhau giảng viên than phiền về những vấn đề khác nhau. Trong các trường đại học ưu tú của Hoa Kỳ, điều kiện để được ký hợp đồng làm việc không thời hạn ngày càng cao hơn và những hợp đồng có thời hạn đòi hỏi giảng viên phải có bài công bố trong một số ít tạp chí chất lượng hàng đầu. Trong khi đó, ở nhiều tổ chức khác, nguyên tắc “xuất bản hay là chết” tạo áp lực phải tăng số lượng xuất bản, mà rất ít liên quan đến chất lượng và mức độ tác động của công bố. Đối với phần lớn giới hàn lâm, tín hiệu cho thấy xu hướng số lượng xuất bản học thuật quan trọng hơn chất lượng đang chiếm lĩnh.
Xu hướng này có hại cho ngành học thuật nói chung và cho từng cá nhân học giả nói riêng. Khi khối lượng công việc nhiều hơn trước và số lượng sinh viên ngày càng tăng, hoạt động giảng dạy không được nhiều người coi trọng như nghiên cứu. Thêm nữa, khi nhu cầu kích thích tăng nguồn cung, các tạp chí không có tiếng tăm và không ai đọc mọc lên như nấm hiện nay chỉ phục vụ một mục đích duy nhất – nhu cầu của những tác giả cần báo cáo số lượng các bài viết được công bố. Áp lực xuất bản gây ra hiện tượng phân rã và cá nhân hóa trong cộng đồng học thuật: giảng viên có xu hướng dành ít thời gian và công sức hơn cho việc cung cấp dịch vụ học thuật, chẳng hạn như làm việc trong các ủy ban học thuật hoặc làm cố vấn giảng viên, mà chuyển sự ưu tiên của họ sang những nghiên cứu có thể xuất bản và những công việc được tài trợ từ bên ngoài (cũng rất quan trọng cho sự thăng tiến và cần được xuất bản, vừa có thể thêm vào lý lịch khoa học vừa là đầu ra nghiên cứu). Cuối cùng, ngay từ những bước đầu tiên trong sự nghiệp học thuật, các học giả trẻ có thể nhận ra rằng mục tiêu quan trọng nhất của những gì họ đang làm không phải là tìm kiếm chân lý, mà là xuất bản, như một sự kết thúc tự thân. Điều này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức học thuật, tiêu chuẩn chất lượng và thực hành nghiên cứu của họ.
Áp lực xuất bản gây ra hiện tượng phân rã và cá nhân hóa trong cộng đồng học thuật |
Đại chúng hóa
Vì sao áp lực xuất bản đối với giới học thuật ngày càng tăng? Dường như có những lý do khác nhau, tùy thuộc vào việc hệ thống học thuật được định hướng theo thị trường hay do nhà nước kiểm soát.
Trong các hệ thống học thuật định hướng thị trường, đại chúng hóa là một yếu tố chính tạo ra áp lực này bởi vì nó kích hoạt một số quy trình liên quan. Tỷ lệ hợp đồng ngắn hạn ngày càng tăng và số lượng học giả không có triển vọng được ký hợp đồng lâu dài đang tăng lên. Để được gia hạn hợp đồng, họ phải chứng minh năng suất của mình trong từng giai đoạn hợp đồng – thường là những hợp đồng ngắn hạn. Do hệ quả của các hợp đồng ngắn hạn và sự thiếu đảm bảo, nhiều giảng viên lựa chọn cách xuất bản liên tục, đôi khi “nhanh hơn” mà không phải “tốt hơn”.
Ngoài ra, xã hội ngày càng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ các hệ thống giáo dục đại học đại chúng: các trường đại học bắt buộc phải báo cáo với xã hội rằng họ sử dụng nguồn tài trợ công cho lợi ích chung. Các ấn phẩm (và trước hết là số lượng nói chung) dường như là một chỉ số minh bạch về tác động này đối với xã hội.
Sự quan liêu
Trong những hệ thống học thuật chủ yếu do chính phủ chiếm kiểm soát nguyên tắc “xuất bản hay là chết” lại tạo ra một kiểu áp lực khác. Các cơ quan chính phủ, các bộ và các ngành khác khi muốn đo lường sự thành công của các tổ chức giáo dục đại học, thường sử dụng những chỉ số chính thức, dễ tính toán và dễ so sánh, và hiếm khi tham khảo ý kiến chuyên gia. Nếu lấy đầu ra xuất bản để đo lường mức độ hoạt động của một trường đại học, thì đây là một thước đo không hoàn hảo và khá hạn chế, nhưng đo lường chất lượng giảng dạy thậm chí còn khó hơn. Bởi vì các cơ quan bên ngoài chỉ dựa vào các chỉ số chính thức, nên số lượng có xu hướng đóng vai trò quan trọng hơn chất lượng. Khi các quy tắc và các chỉ số chính thức có thể bị thao túng, chúng ta nhận thấy những tín hiệu đáng báo động về sự thao túng đó ở một số quốc gia nơi chính phủ khởi xướng và cung cấp hỗ trợ tài chính cho những sáng kiến kích thích sự xuất sắc. Trong một bối cảnh rộng hơn, người ta có thể thấy rằng sự nghiệp học thuật, như một đối tượng được đo lường, tự điều chỉnh theo các công cụ đo lường đó và sự điều chỉnh này ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà nghiên cứu, đến chính sách và thực tiễn nghiên cứu của các tổ chức.
Những áp lực khác
Trong cả hai loại hệ thống – định hướng thị trường hoặc do chính phủ kiểm soát – cuộc đua xếp hạng toàn cầu tạo ra áp lực xuất bản đáng kể đối với các tổ chức quốc gia. “Cơn sốt xếp hạng” ngày càng tăng buộc các tổ chức học thuật tập trung vào việc xuất bản, vì đây là một chỉ số chính. Vị trí trong danh sách xếp hạng đại học phụ thuộc vào các ấn phẩm, vì thế các tổ chức thường quan tâm nhiều hơn đến số lượng công bố của họ, mà không phải đến chất lượng. Áp lực đó thúc đẩy các nhà nghiên cứu không chỉ thỏa hiệp về chất lượng, mà đôi khi còn tìm cách xuất bản trong các lĩnh vực có yếu tố tác động cao hơn và các tiêu chí chính thức khác, bằng cách điều chỉnh các chủ đề nghiên cứu và chiến lược xuất bản để có nhiều triển vọng được công bố và đạt được nhiều tiêu chí xếp hạng hơn. Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn trong những tình huống khi mệnh lệnh “xuất bản hay là chết” lấn át mọi thứ khác và đòi hỏi nỗ lực xuất bản thậm chí ở cả những giảng viên không làm công tác nghiên cứu mà chỉ giảng dạy. Nhiều tổ chức giảng dạy hiện nay có tham vọng trở thành các tổ chức nghiên cứu, hoặc bị chính phủ của họ ép phải tăng cường thành phần nghiên cứu của họ.
Kết luận
Theo nghĩa rộng, nguyên tắc “xuất bản hay là chết” thường liên quan đến hiện tượng hoạt động học thuật phải chịu sự kiểm soát phi học thuật. Mặc dù chúng tôi biết tại sao nó xảy ra và hậu quả có hại như thế nào, câu hỏi cần làm gì để ngăn chặn áp lực này vẫn còn bỏ ngỏ. Một điều chúng ta có thể tin chắc là sẽ có nhiều bài báo về chủ đề này được công bố.