Các thách thức khôn cùng, những cơ hội quan trọng?

Có lẽ thực tế cơ bản nhất của giáo dục đại học trong 25 năm qua là sự kết hợp của nhiều tác động, một phía là quá trình đại chúng hóa giáo dục sau trung học trên toàn thế giới, và phía kia là những lực lượng mâu thuẫn của nền kinh tế tri thức toàn cầu mới xuất hiện. Chúng ta cũng đã trải nghiệm sự phát triển và trưởng thành của công nghệ thông tin, bao gồm Internet, trí tuệ nhân tạo và vô số các khía cạnh liên quan.

Những thay đổi to lớn này tác động mạnh mẽ và đặt ra những thách thức mới cho các hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới. Quá trình đại chúng hóa kích thích sự phát triển khu vực tư nhân và thương mại hóa. Nền kinh tế tri thức toàn cầu góp phần làm tiếng Anh trở thành ngôn ngữ khoa học thống trị toàn cầu, tăng đáng kể sự dịch chuyển của sinh viên và giảng viên, và thúc đẩy quốc tế hóa dưới nhiều hình thức.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng giáo dục đại học đã thất bại trong một số khía cạnh trước những thách thức quan trọng này. Khi cung cấp những cơ hội tiếp cận giáo dục chưa từng có trước đây, các trường đại học cũng góp phần vào sự phân hóa xã hội và làm tăng tình trạng bất bình đẳng. Nhiều quốc gia có số lượng lớn sinh viên không hoàn thành được chương trình đại học và ở hầu hết các nơi chi phí học tập tăng lên rất nhiều. Giáo dục đại học cũng đang đối mặt với những thách thức liên quan đến sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy trên toàn cầu. Phần lớn các trường đại học không quan tâm đến trách nhiệm xã hội.

Chúng tôi dành ấn bản số 100 của Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế cho các phân tích quan trọng về một số thách thức và những cơ hội chính trong thập kỷ tới và xa hơn nữa. Chúng tôi đã yêu cầu các chuyên gia phân tích và chỉ ra các giải pháp. Chúng tôi cũng yêu cầu thế hệ tiếp theo nhìn về tương lai, bằng cách mời các sinh viên và các học giả sau tiến sĩ tham gia cuộc thi viết bài cho tạp chí. Chúng tôi sẽ công bố bài đoạt giải nhất trong ấn bản này và bốn bài khác sẽ được công bố trên University World News. Cuối cùng, chúng tôi cũng tận dụng cơ hội này để phản ánh về 25 năm đóng góp cho Giáo dục Đại học Quốc tế.

Mỹ thoái vị dẫn đầu giáo dục đại học quốc tế

Về phía mình, ấn bản này là dịp để chúng tôi nhìn lại công việc của chính mình, suy ngẫm về thời gian khi sáng lập tạp chí. Trong số đầu tiên của Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế mùa xuân năm 1995, chúng tôi đã viết rằng Hoa Kỳ sẽ thoái vị dẫn dắt giáo dục đại học quốc tế. Lập luận của chúng tôi là “chủ nghĩa quốc tế là nhất thiết đối với bất kỳ hệ thống giáo dục đại học nào trong thế kỷ 21”. Điều đáng ngạc nhiên khi đó đối với chúng tôi là “trong khi các trường đại học của thế giới đang trở nên quốc tế hơn, Hoa Kỳ lại cho thấy không nhấn mạnh chủ nghĩa quốc tế trong hệ thống giáo dục đại học của mình”. Chúng tôi đã tuyên bố rằng “giáo dục đại học là một “ngành công nghiệp xuất khẩu lớn” – một ngành công nghiệp xứng đáng được khuyến khích và không bị thu hẹp”. Chúng tôi đã kết luận rằng “việc trượt dốc đã bắt đầu, và sự thờ ơ ngày càng tăng sẽ có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Chủ nghĩa quốc tế trong giáo dục đại học cho phép chúng ta hiểu phần còn lại của thế giới, cũng như hoạt động trong nền kinh tế quốc tế mới của thế kỷ 21. Những quốc gia khác hiểu được điều này – nước Mỹ cũng cần hiểu như vậy “.

Trong ấn bản số 100 này – sau 25 năm – chúng ta có thể viết gần như chính xác những từ ngữ này bởi vì bầu không khí chính trị nói chung ở Hoa Kỳ đã nhiễm tính dân tộc chủ nghĩa cao. Nhưng trong một phần tư thế kỷ qua đã có những thay đổi lớn. Số lượng sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ tăng từ 450 ngàn vào năm 1995 lên một triệu vào năm 2019 và giáo dục quốc tế hiện tạo ra hơn 40 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế Hoa Kỳ, so với 7 tỷ đô la Mỹ năm 1995. Nhiều trường đại học áp dụng chiến lược quốc tế để cố gắng đảm bảo rằng sinh viên của họ có cơ hội học tập ở nước ngoài nhiều hơn và hiểu được các nền văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ này, Hoa Kỳ đã tụt hậu so với phần lớn thế giới. “Thị phần” sinh viên quốc tế của Hoa Kỳ giảm dần, số lượng các trường đại học Hoa Kỳ chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng cũng giảm đi. Kiến thức về các nền văn hóa, ngôn ngữ, nền kinh tế và xã hội khác bị thu hẹp. Tình trạng này diễn ra từ trước khi Trump lên nắm quyền vào năm 2017, nhưng đã trở nên rõ ràng hơn trong ba năm qua.

Nếu so sánh 25 năm trước với viễn cảnh hôm nay, có thể khi đó chúng ta đã quá bi quan, nhưng giờ đây chúng ta cũng không lạc quan nhiều hơn.

Nhìn về phía trước

Nếu so sánh 25 năm trước với viễn cảnh hôm nay, có thể khi đó chúng ta đã quá bi quan, nhưng giờ đây chúng ta cũng không lạc quan nhiều hơn. Những xu hướng tiêu cực này không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ mà còn phản ánh các mối đe dọa rộng lớn hơn trên toàn thế giới đối với giáo dục đại học, với quốc tế hóa, và với tự chủ và tự do học thuật. Một số tác giả gửi bài đóng góp cho ấn bản số 100 đã viết về tầm quan trọng của việc giáo dục đại học đóng vai trò hàng đầu để giải quyết các Mục tiêu Phát triển Bền vững, trong khi những người khác bày tỏ sự lo ngại về quyền tự chủ và tự do học thuật, và các vấn đề cấp bách khác cho tương lai của giáo dục đại học trên toàn thế giới.