Ayenachew A. Woldegiyorgis là một Nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ và là Trợ giảng tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: woldegiy@bc.edu.
Từ những năm đầu thế kỷ 21, hiệp hội các sinh viên tốt nghiệp đã trở thành một hiện tượng lan rộng trong các trường đại học tư thục trên toàn Hoa Kỳ. Cũng nằm trong bối cảnh rộng hơn của hoạt động sinh viên và được điều chỉnh bởi luật pháp của các bang tương ứng, hiệp hội sinh viên tốt nghiệp trong các trường đại học công lập có lịch sử lâu hơn và phạm vi lan tỏa rộng hơn. Tại các trường tư thục – mặc dù phong trào đã bắt đầu vào những năm 1950 – những phán quyết nối tiếp nhau của Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) trong 15 năm qua đã thúc đẩy nhu cầu thành lập các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp. Đòi hỏi thành lập hiệp hội ngày càng lan rộng và mạnh mẽ hơn, và sự cản trở từ ban quản trị các trường đại học tạo thành những căng thẳng và thậm chí khiến hoạt động ở một số trường bị gián đoạn. Tronng khi vấn đề này vẫn tiếp tục gây tranh cãi ở Hoa Kỳ, bài viết này tìm cách xác định những thực tế tương tự ở các nước khác.
Đặc điểm chung
Nói chung, hiệp hội sinh viên tốt nghiệp có thể được chia thành hai loại chính. Một mặt, theo nghĩa truyền thống của “hiệp hội sinh viên”, chúng ta có thể nhận diện đó là một tập thể kết nối sinh viên với nhau, thường bao gồm cả sinh viên đã tốt nghiệp và sinh viên đang học đại học. Các hiệp hội như vậy, được gọi bằng các tên gọi khác nhau ở các quốc gia khác nhau (như hiệp hội, liên đoàn, hội liên hiệp, hội đồng, hội đoàn, tổ chức, v.v…) nói lên những mối quan tâm chung của sinh viên không chỉ về các vấn đề liên quan trực tiếp đến bản thân mà còn về hàng loạt các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị rộng lớn hơn. Mặt khác, hiệp hội sinh viên tốt nghiệp, đôi khi còn được gọi là công đoàn sinh viên tốt nghiệp – là loại hiệp hội hiện đang là chủ đề nóng trong các trường đại học tư thục ở Hoa Kỳ – đại diện cho lợi ích của một loại đối tượng sinh viên tốt nghiệp đại học. Họ đặc biệt quan tâm đến lợi ích và quyền lao động của những sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đang cung cấp dịch vụ cho các trường đại học của họ để nhận thù lao.
Cách tổ chức
Ở một số quốc gia châu Âu, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển, nghiên cứu viên bậc tiến sĩ được coi là nhân viên chứ không phải là sinh viên. Do đó, họ có thể trở thành thành viên của các công đoàn tương ứng. Ví dụ, Hiệp hội Giảng viên Đại học Thụy Điển (là một liên hiệp hội gồm 23 công đoàn độc lập) và Liên đoàn Các nhà Nghiên cứu và Giảng viên Đại học Phần Lan (một tổ chức lớn nhất cả nước) đều hoan nghênh các nghiên cứu viên bậc tiến sĩ gia nhập khi họ đáp ứng các yêu cầu nhất định. Ví dụ, trong trường hợp Phần lan, nghiên cứu sinh phải có ít nhất một hợp đồng làm việc một năm với trường đại học.
Trong các trường hợp khác, các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học có thể được tổ chức dưới dạng là phần mở rộng của các liên đoàn lao động trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như United Auto Workers tại Hoa Kỳ và Liên minh Công nhân Canada tại Canada. Ở những nơi khác, như ở Úc và Vương quốc Anh, các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học đều nhận được sự bảo trợ của các tổ chức sinh viên, và thường được chính các trường đại học của họ hỗ trợ.
Cả ở Úc và Vương quốc Anh, trở thành hội viên của tổ chức sinh viên tốt nghiệp đại học là tự động khi sinh viên đăng ký vào bất kỳ chương trình sau đại học nào của các trường đại học tương ứng, bao gồm các chương trình nghiên cứu bậc Thạc sĩ. |
Mục đích
Tại Hoa Kỳ, các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học coi mình là phần mở rộng của các công đoàn lao động mà họ nhận được sự hỗ trợ. Họ tìm kiếm ủy nhiệm pháp lý để đại diện cho sinh viên tốt nghiệp trong thương lượng tập thể, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán hợp đồng, về tiền lương, quyền lợi và điều kiện làm việc và những vấn đề khác. Để so sánh, trong trường hợp Canada, một số trường đại học hàng đầu đã có các hiệp hội giảng viên và trợ lý nghiên cứu từ những năm 1970. Hiệp hội đầu tiên được thành lập năm 1973 tại Đại học Toronto, từ năm 1975 đến 1977 đã thương lượng hiệu quả để giảm đáng kể sự chênh lệch trong tiền lương và thiết lập các quy trình thuê mướn lao động, khiếu kiện và giải quyết tranh chấp.
Trong khi mục tiêu chính của các hiệp hội sinh viên ở hầu hết các nước là đại diện và bảo vệ lợi ích của sinh viên nói chung, một số ít hiệp hội của sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn đặt ra các mục tiêu khác ngoài nỗ lực liên kết các sinh viên tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ. Ví dụ, Hiệp hội sinh viên tốt nghiệp của Đại học Cambridge (một trong số rất ít các hiệp hội sinh viên tại Vương quốc Anh dành riêng cho sinh viên tốt nghiệp đại học) nói rằng mục tiêu chính của họ là “sự tiến bộ giáo dục” của các hội viên. Liên minh này hướng đến thúc đẩy lợi ích và phúc lợi của các hội viên, là một kênh kết nối giữa các hội viên với trường đại học và các cơ chế bên ngoài trường đại học và cung cấp các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao và giải trí. Các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học tại các trường hàng đầu khác ở Vương quốc Anh như Đại học York, Đại học Hoàng gia Luân Đôn và Đại học Kent… đều có mục tiêu và trọng tâm giống nhau.
Tương tự như vậy, tại Úc, các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học tại các tổ chức nổi tiếng như Đại học Melbourne, cũng như Hội đồng Hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học Úc, đều đặt mục tiêu thúc đẩy lợi ích giáo dục và phúc lợi chung của sinh viên. Là tiếng nói đại diện toàn quốc cho sinh viên tốt nghiệp, Hội đồng được coi là một nguồn thông tin có thẩm quyền về các vấn đề liên quan và làm việc với chính phủ và các cơ quan phi chính phủ để tác động đến các chính sách giáo dục đại học.
Tuy nhiên, không công bằng nếu cho rằng các hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến lợi ích của các hội viên của mình. Mặc dù đảm bảo lợi ích kinh tế và sự an toàn công việc là mục tiêu chính, các nhà tổ chức chiến dịch vận động thành lập hiệp hội sinh viên ở các trường đại học khác nhau cũng nêu lên các vấn đề của giáo dục và ngoài giáo dục, bao gồm chất lượng giáo dục, quan hệ giới tính, đa dạng và hòa nhập, bản sắc tình dục, người nhập cư và sinh viên không có thị thực v.v…
Tư cách hội viên
Cả ở Úc và Vương quốc Anh, trở thành hội viên của tổ chức sinh viên tốt nghiệp đại học là tự động khi sinh viên đăng ký vào bất kỳ chương trình sau đại học nào của các trường đại học tương ứng, bao gồm cả các chương trình nghiên cứu bậc thạc sĩ. Không có yêu cầu phải làm việc cho trường đại học trong quá trình học tập. Trong thực tế, tại một số trường đại học (ví dụ, Đại học Cambridge), các nghiên cứu viên sau đại học và sau tiến sỹ không phải là sinh viên tại trường, hoặc là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học khác và vợ/chồng hoặc đối tác của các hội viên chính thức đều là “hội viên liên kết” và được hưởng lợi từ các dịch vụ khác nhau do hiệp hội cung cấp. Ở những trường khác (ví dụ Đại học York), sinh viên chỉ cần tốt nghiệp là đủ điều kiện trở thành hội viên và có thể nắm giữ các vị trí lãnh đạo hiệp hội. Các hiệp hội này thường liên kết với các trường đại học và nhận được hỗ trợ giống như bất kỳ tổ chức sinh viên khác.
Tại Hoa Kỳ, điều kiện để trở thành hội viên của hiệp hội bị hạn chế bởi yêu cầu làm việc. Trong thực tế, trong nhiều thập kỷ, câu hỏi liệu những sinh viên tốt nghiệp làm công việc trợ lý giảng dạy và trợ lý nghiên cứu có thể trở thành hội viên công đoàn hay không phụ thuộc vào câu hỏi họ có được coi là nhân viên hay không. Trong phán quyết gần đây nhất, NLRB trong năm 2016 đã mở rộng định nghĩa để cho phép bất kỳ ai, kể cả sinh viên đại học, thực hiện thỏa thuận lao động tập thể miễn là họ cung cấp dịch vụ cho trường đại học để được trả lương. Điều này có thể sẽ tiếp tục gây tranh cãi về các yêu cầu đối với tư cách hội viên.
Nói chung, các tài liệu về sự hình thành hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy ba xu hướng: sinh viên tốt nghiệp có hợp đồng lao động được coi là nhân viên và có thể tham gia các công đoàn (ví dụ: Phần Lan, Thụy Điển v.v…); sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn bị coi là sinh viên và chỉ được đại diện bởi các hiệp hội/liên hiệp hội sinh viên (ví dụ Úc và Vương quốc Anh); và sinh viên tốt nghiệp được coi vừa là sinh viên vừa là nhân viên và có thể tham gia vào các công đoàn (ví dụ Canada và Hoa Kỳ). Điều khác biệt duy nhất của Hoa Kỳ, dù gây ra nhiều tranh cãi, có lẽ là nỗ lực công đoàn hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự ác cảm trước xu hướng tập trung hóa ngày càng tăng của các tổ chức giáo dục đại học, xu hướng gắn liền với việc “bóc lột” sức lao động của các sinh viên tốt nghiệp đại học và trợ lý giảng dạy. Có thể thấy trước rằng, điều này sẽ ngày càng trầm trọng hơn bởi chi phí học tập ngày càng tăng khiến sinh viên khi tốt nghiệp phải gánh chịu một đống nợ, và bởi những chia rẽ trong môi trường chính trị nói chung.