Kai Yu là CEO của China Education Group Holdings – một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. E-mail: kai.yu@chinaeducation.hk.
Giáo dục đại học như một ngành dịch vụ đang đối mặt với những thách thức khó lường ở quy mô toàn cầu do gia tăng cạnh tranh và yêu cầu hiệu quả cao hơn. Khu vực đại học tư Trung Quốc đang chứng kiến một xu hướng hội tụ bằng việc mua lại, nghĩa là các tập đoàn giáo dục đang thôn tính các trường đại học tư nhỏ lẻ.
Thời đại hoàng kim của thị trường giáo dục
Trung Quốc là thị trường giáo dục đại học lớn nhất thế giới, tiếp đến là Ấn Độ và Hoa Kỳ. Tổng số sinh viên đại học ở Trung Quốc đạt 37 triệu vào năm 2016. Một xã hội trung lưu đang phát triển tạo ra những cơ hội lớn cho lĩnh vực kinh doanh này, giáo dục đại học đã trở thành một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn ở Trung Quốc. Một báo cáo của Deloitte cho rằng lúc này đang là “thời kỳ vàng son của thị trường giáo dục Trung Quốc”. Đã có sự gia tăng nhanh chóng nguồn vốn tư nhân đổ vào ngành giáo dục cả về số lượng lẫn tần suất. Theo Deloitte, năm 2015, vốn đầu tư vào ngành giáo dục Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2014; tổng trị giá các thương vụ sáp nhập và mua lại tăng 165% và số lượng tổ chức lên sàn chứng khoán (IPO) tăng 76% so với năm trước.
Theo Frost&Sullivan, tổng doanh thu của khu vực đại học tư thục Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 69,6 tỷ NDT (10,11 tỷ USD) năm 2012 lên 95,4 tỷ NDT (13,86 tỷ USD) năm 2016 và dự kiến sẽ tăng lên 139,0 tỷ NDT (20,2 tỷ USD) vào năm 2021. Tổng số sinh viên theo học tại các trường đại học tư thục ở Trung Quốc tăng từ 5,3 triệu năm 2012 lên 6,3 triệu năm 2016 và dự kiến sẽ tăng lên 8 triệu vào năm 2021. Hiện nay, khoảng 22% tổng số sinh viên đại học đang học tại các trường tư. Trong ba năm tới, tỷ lệ này có thể tăng lên 24%.
Một đặc điểm của ngành công nghiệp giáo dục đại học Trung Quốc là đặt ra nhiều rào cản đối với việc thành lập trường mới. |
Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện giáo dục tiểu học và trung học, tăng cả quy mô lẫn chất lượng, và đang gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp vẫn cần sự tham gia của các nhà cung cấp giáo dục tư nhân đáng tin cậy nhằm tăng thêm các dịch vụ có chất lượng và với mức giá phải chăng. Hiện tại Trung Quốc có hơn 740 cơ sở giáo dục đại học tư và hàng ngàn trườngdạy nghề và kỹ thuật tư thục, hầu hết đều được thành lập, đầu tư và điều hành bởi các cá nhân. Hiện trạng cho thấy nhiều trường trong số này cần cải thiện hiệu quả và chất lượng giảng dạy. Dịch vụ giáo dục đại học tư đang còn manh mún dự kiến sẽ trải qua một làn sóng hợp nhất trong thập kỷ tới, điều đó cho phép kỳ vọng gia tăng cơ hội để sinh viên được tiếp cận giáo dục đại học chất lượng tốt, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự thịnh vượng chung và bền vững kinh tế trong các khu vực lân cận.
Một đặc điểm của giáo dục đại học Trung Quốc là đặt ra nhiều rào cản đối với việc thành lập trường mới. Một trong số rào cản là yêu cầu chủ đầu tư phải sở hữu đất đai và nhà cửa. Ở những nơi khác trên thế giới, rất phổ biến việc các trường đại học thuê đất và các tòa nhà để hoạt động; nhưng ở Trung Quốc, sở hữu đất đai và cơ sở vật chất là điều kiện tiên quyết để xin giấy phép hoạt động. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn đầu tư ban đầu và tiêu tốn nhiều thời gian chuẩn bị cho việc xin giấy phép. Mua lại các trường có sẵn là một lựa chọn hiệu quả hơn để tham gia vào ngành dịch vụ này.
Các ngành công nghiệp dịch vụ khác như chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, ô tô và điện tử đã chứng kiến những làn sóng sáp nhập và mua lại. Dù bối cảnh khác nhau, mục tiêu của các các thương vụ sáp nhập/mua lại cũng tương tự như những gì chúng ta sẽ chứng kiến trong giáo dục đại học: đảm bảo liên tục tăng trưởng và tầm ảnh hưởng, cải thiện hiệu quả, gia tăng quy mô kinh doanh, nâng cao chất lượng, danh tiếng và năng lực cạnh tranh.
Chuyển đổi đạt mức cao kỷ lục
Các thương vụ mua lại trong giáo dục đại học tư ở Trung Quốc gần đây đạt mức cao kỷ lục, và vẫn đang đà tăng trong bối cảnh các tập đoàn giáo dục đại học tranh giành thị phần. China Education Group đã lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào tháng 12 năm 2017. Bốn nhà đầu tư chính đăng ký khi IPO là International Finance Corporation của World Bank, the Singapore Government Investment Corporation, Công ty cổ phần tư nhân Trung quốc Greenwoods, và Value Partners of Hong Kong. Sau sáu tháng niêm yết, giá cổ phiếu đã tăng hơn 80%.
Khi một ngành công nghiệp dịch vụ được hợp nhất và sự cạnh tranh nóng lên, những tay chơi lớn có thặng dư cân đối mạnh sẽ nhảy vào mua lại các trường đại học để dành thế cạnh tranh. China Education Group đã huy động được 420 triệu USD trong đợt IPO vừa qua. Ba tháng sau, họ đã mua lại hai trường ở Trịnh Châu và Tây An, Trung Quốc. Trường Trịnh Châu là trường dạy nghề lớn nhất Trung Quốc với 24 ngàn sinh viên. Quy mô của nó tương đương với trường lớn ở vị trí từ thứ hai đến thứ năm gộp lại. Còn Trường Tây An là trường cao đẳng kỹ thuật lớn nhất Trung Quốc với 20 ngàn sinh viên. Trịnh Châu là trung tâm của miền Trung, Tây An là trung tâm của miền Tây Trung Quốc. Đây là những khu vực kinh tế phát triển nhanh và có nhu cầu cao về giáo dục có chất lượng.
Hợp nhất là chìa khóa thành công
Trước khi mua trường, cần nghiên cứu kỹ để xác định những trường có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất. Chủ đầu tư thường đánh giá tiềm năng dựa vào vị trí, cấp đào tạo, quy mô sinh viên, ngành đào tạo và các yếu tố kinh doanh khác. Công việc tích hợp để đạt được các mục tiêu sau khi mua lại luôn đặt ra những thách thức to lớn. Trong thực tế, phần lớn các vụ sáp nhập và mua lại không đạt được lợi ích kỳ vọng. Một số ước tính cho biết tỷ lệ thành công là dưới 20%. China Education Group được ghi nhận là đã phát triển thành công, trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của họ đạt chứng chỉ ISO 9001 của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế về hệ thống quản lý giáo dục. Hai trường đại học thuộc tập đoàn đã được xếp hạng là trường đại học tư thục số 1 ở Trung Quốc trong chín năm liên tiếp và trường đại học tư thục số 1 ở tỉnh Quảng Đông trong 10 năm liên tiếp.
Về chương trình đào tạo, một trường thành viên có thể xây dựng các chương trình đào tạo mới dựa vào nguồn lực và kinh nghiệm từ các trường khác trong cùng hệ thống, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí phát triển chương trình. Nhờ đó, các trường hợp nhất có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng tuyển sinh, quy mô sinh viên và đa dạng chương trình đào tạo. Nhìn về tương lai, thị trường lao động thấy trước nhu cầu ngày càng cao đối với sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng chuyên nghiệp. Theo Frost&Sullivan, tỷ lệ sinh viên mới tốt nghiệp đại học trong tổng số lao động thất nghiệp ở Trung Quốc đã tăng từ 35% năm 2005 lên 45% năm 2016. Để thu hút người học, các trường đại học tư cần củng cố uy tín của họ bằng cách tập trung vào giáo dục hướng nghiệp. Sự thành công của những thương vụ sáp nhập/mua lại phụ thuộc nhiều vào khả năng khai thác các nguồn lực của cả hệ thống nhằm hỗ trợ các trường thành viên đáp ứng tốt nhu cầu thay đổi của thị trường.