Bernhard Streitwieser là Giáo sư phụ tá về đào tạo quốc tế tại trường Đại học George Washington, Washington, DC, Hoa Kỳ. E-mail: streitwieser@gwu.edu. Lisa Unangst là Nghiên cứu sinh và Trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: unangstl@bc.edu.
Trong nhiều năm qua, việc tiếp cận giáo dục đại học của người tị nạn là một chủ đề quan trọng trong bối cảnh của nước Đức và là cơ hội để các trường đại học mở rộng dịch vụ cho tất cả sinh viên và không chỉ cho người tị nạn. Nghiên cứu định tính về quy trình quản trị trường đại học, bao gồm cả cơ cấu hỗ trợ thông qua các chương trình Integra và Welcome của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), đã phản ánh những rào cản chung mà sinh viên tị nạn phải đối mặt, bao gồm việc học tiếng Đức; vượt qua các khóa học chuẩn bị đại học (đa dạng về phạm vi và thời lượng) và trải qua các kỳ đánh giá chứng chỉ và kiểm tra năng lực chuyên môn. Những sinh viên này cũng phải cạnh tranh để vào đại học với sinh viên quốc tế không thuộc các nước EU, những người có thể đã có nhiều năm học tiếng Đức và làm quen với văn hóa. Rào cản cuối cùng, và có lẽ khó khăn nhất là người tị nạn phải chống chọi với những tổn thương về cảm xúc xã hội, tình trạng bấp bênh, và phản ứng tiêu cực từ một bộ phận dân chúng chống lại sự hiện diện của họ tại đây.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu ở quy mô lớn của Đức và quốc tế do các chính phủ, các trường đại học, các tổ chức và các nhà nghiên cứu thực hiện đã cung cấp những thông tin cực kỳ quan trọng để hiểu rõ hơn những tiến trình và thách thức xung quanh việc hội nhập của người tị nạn trong bối cảnh đại học. Trong số đó, nổi bật là dịch vụ cung cấp và hoạt động phân tích của DAAD. Trong vai trò kép rất quan trọng – vừa là nhà tài trợ chính hỗ trợ người tị nạn, vừa là nhà tổ chức, kết nối nhiều trường đại học để tạo ra những cơ hội giáo dục – con đường giúp người tị nạn và người di cư dễ dàng hội nhập, DAAD là tổ chức được thống nhất định vị để làm nổi bật lên vấn đề này.
Người tị nạn hội nhập trong các trường đại học Đức
Báo cáo gần đây nhất của DAAD – Sự hội nhập của người tị nạn tại các cơ sở giáo dục đại học ở Đức – rất quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, báo cáo này “trình bày những phát hiện dựa trên bằng chứng mới” về quy mô sự tiến bộ mà sinh viên tị nạn đạt được. Thứ hai, nó tạo ra “một cơ sở quan trọng để giám sát chặt chẽ” khoản tiền 100 triệu Euro mà các trường đại học đã sử dụng để hỗ trợ những sinh viên tị nạn đó trong các chương trình chuyển tiếp và những sáng kiến khác, đây là nội dung then chốt để giải trình trách nhiệm. Các dữ liệu này rất cần thiết để phản bác những chỉ trích của các nhóm đối lập chính trị như đảng cánh hữu của Đức, Alternative für Deutschland (AfD) về vấn đề trợ giúp người tị nạn.
Trong nghiên cứu này, DAAD chỉ ra một loạt vấn đề mà chúng tôi tin rằng không chỉ áp dụng trong bối cảnh của Đức mà còn hữu ích trong các môi trường quốc tế khác, nơi các nước đang cố gắng hỗ trợ người tị nạn. Một số điểm trong báo cáo cũng liên quan đến sinh viên có nguồn gốc di cư. Trong các phần tiếp theo, chúng tôi tập trung vào một số điểm quan trọng nhất của báo cáo và mối quan hệ của chúng với những thách thức chung lớn hơn đối với những hệ thống giáo dục hiện đang tiếp nhận người tị nạn và người di cư có nguy cơ rủi ro cao.
Quy trình đăng ký đại học đôi khi còn quan liêu nên sinh viên nhất thiết phải được tư vấn. |
Xử lý giấy tờ
Hoàn thành thủ tục giấy tờ phức tạp để được nhận vào đại học là một việc vô cùng khó khăn theo kinh nghiệm của sinh viên tị nạn, mặc dù giáo dục đại học Đức khá cởi mở, theo nghĩa miễn học phí đối với hầu hết sinh viên (ngoại trừ hai bang của Đức không miễn phí cho sinh viên quốc tế đến từ các khu vực ngoài châu Âu). Ví dụ, trong bối cảnh nước Mỹ, một nghiên cứu quan trọng được thực hiện cho thấy nhiều sinh viên, bao gồm cả sinh viên có tình trạng kinh tế xã hội thấp, không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất, cũng gặp khó khăn khi phải làm một Hồ sơ xin trợ cấp liên bang dành cho sinh viên. Quy trình đăng ký đại học đôi khi còn quan liêu nên sinh viên nhất thiết phải được tư vấn, thông qua các lớp định hướng hoặc như một phần bắt buộc của các chương trình chuyển tiếp đang được áp dụng.
Từ trường học đến cộng đồng
Ngoài ra, việc kết nối sinh viên với các trung tâm việc làm và các cơ quan dịch vụ xã hội khác cũng có nhiều vấn đề. Sinh viên có nguồn gốc tị nạn cần được kết nối với các dịch vụ xã hội khác nhau, và trường hợp của nước Đức cho thấy rõ nhu cầu thường phát sinh từ những đối tượng sinh viên mà các trường đại học không đủ khả năng giải quyết. Như các nhà nghiên cứu trong bối cảnh nước Úc đã gợi ý, ví dụ có một văn phòng điều phối tập trung đặt trong các cơ sở đại học có thể tư vấn và cung cấp thông tin tại chỗ cho sinh viên về nhà ở được trợ cấp và các nguồn tài nguyên quan trọng khác. Hoặc một cách khác là mỗi thị trấn hoặc thành phố đại học có thể chỉ định một đầu mối liên lạc làm điểm tiếp xúc đầu tiên cho những sinh viên có nhu cầu.
Rào cản kiểm định và hộ chiếu người tị nạn
Việc công nhận các chứng chỉ và tín chỉ mà sinh viên tị nạn mang theo từ quê hương của họ vẫn tiếp tục gây chú ý, mặc dù trong lĩnh vực này đã có những tiến bộ được ghi nhận. Thật vậy, chương trình có tên là “hộ chiếu tị nạn” sẽ được thí điểm vào năm 2018 – 2020 ở 9 quốc gia châu Âu và sẽ thu thập, đối chiếu thông tin về nền tảng giáo dục, kinh nghiệm làm việc và trình độ ngôn ngữ của sinh viên. Trong khi chương trình này cuối cùng có thể giải quyết một phần vấn đề chuyển đổi tín chỉ, các biện pháp trung gian vẫn cần được thực hiện và tăng cường. Trong trường hợp có nhiều tín chỉ không được chuyển đổi, sinh viên – dù thuộc diện tị nạn hay di cư – có nguy cơ phải ngừng hoặc trì hoãn việc học tập, mà điều đó trên thực tế thường chuyển thành quyết định rời bỏ hẳn trường đại học. Về vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách tương lai cần cân nhắc những phương thức chuyển đổi tín chỉ mang tính sáng tạo mà các tổ chức kiểm định, chính quyền tiểu bang và địa phương và các trường đại học có thể đề xuất để thay thế. Ở cấp độ trường đại học, “nghiên cứu độc lập” có thể coi là lộ trình để những sinh viên có kinh nghiệm chứng tỏ trình độ chuyên môn của mình trong môn học và đạt được tín chỉ mà không phải tốn thêm thời gian và tiền bạc để học lại môn học đó.
Chi tiêu hàng ngày
Cuối cùng, chi phí đi lại hàng ngày để đến trường đại học, đặc biệt là ở vùng nông thôn, dường như chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng cùng với những khó khăn thường nhật khác vẫn tạo thành thách thức không nhỏ đối với sinh viên thuộc diện nghèo. Trong thực tế, các trường đại học ở Canada và các nơi khác đang tăng cường cung cấp các kho thực phẩm trong khuôn viên trường học để phục vụ những sinh viên gặp khó khăn trong việc cân bằng chi phí. Một số trường đại học của Đức, bao gồm cả Đại học Bayreuth, cũng cung cấp những khoản hỗ trợ chi phí đi lại, nhưng những nguồn tài chính này khá giới hạn. Các cơ sở đào tạo và cơ quan dịch vụ xã hội cần khẩn trương có biện pháp giúp sinh viên vượt qua những rào cản thường nhật này.
Hỗ trợ 99% người tị nạn
Các bài học rút ra từ cách thức hệ sinh thái giáo dục đại học Đức xử lý các vấn đề liên quan đến người tị nạn không chỉ áp dụng được cho những quốc gia đang phải đối mặt với dòng chảy tị nạn, mà còn hữu ích đối với những môi trường toàn cầu, nơi sinh viên di cư tìm kiếm cơ hội tiếp cận nền giáo dục đại học. Danh sách này hôm nay đã mở rộng ra toàn cầu: số liệu mới nhất của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn cho biết có 65,6 triệu người di cư và 22,5 triệu người tị nạn trên khắp thế giới. Hầu hết những người này sẽ tìm đến giáo dục như một phương cách để trở lại cuộc sống bình thường, một số sẽ tìm đến giáo dục đại học, và một số nhỏ trong đó sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nhân loại như những người tị nạn nổi tiếng khác đã làm được trong lịch sử. Chúng ta không thể quay lưng lại với tiềm năng của họ và để mất đi cả một thế hệ hoặc nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu và các chuyên gia cùng lĩnh vực có thể nhìn vào trường hợp của nước Đức đương đại để học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất lẫn từ những thách thức chung. Trong quá trình học hỏi hợp tác này, cộng đồng lớn các nhà giáo dục bao gồm DAAD ở Đức, Viện Giáo dục quốc tế ở Mỹ và cơ quan Dịch vụ Dân số Thế giới của Canada, và những tổ chức khác, sẽ tiến thêm một bước gần hơn tới mục tiêu hỗ trợ không chỉ 1% người tị nạn trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, mà cả 99% còn lại.