Đại học đẳng cấp quốc tế và lợi ích chung

Lin Tian là Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Các Trường Đại học Đẳng cấp Thế giới (CWCU), Đại học Giao thông Thượng Hải; Wu Yan là Trợ lý giáo sư tại CWCU; và Nian Cai Liu là Giáo sư và là Giám đốc CWCU, và là Hiệu trưởng Trường Đào tạo sau đại học tại Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung quốc. E-mail: lintian@sjtu.edu.cn; wuyan@sjtu.edu.cn; và ncliu@sjtu.edu.cn.

Bài viết này là phiên bản chỉnh sửa của bài “Sự chuyển dịch sang lợi ích chung toàn cầu trong giáo dục đại học” của Lin Tian, Yan Wu, và Nian Cai Liu (2017) trong tạp chí University World News; bài này cũng dựa vào nội dung chương “Các trường đại học đẳng cấp thế giới: Nhận dạng kép liên quan tới lợi ích chung toàn cầu” của Lin Tian trong cuốn sách chưa công bố của CWCU cho Hội nghị WCU-7.

Toàn cầu hóa và phát triển quốc tế hóa, tiến bộ khoa học và công nghệ, tăng cường học tập suốt đời, và xu hướng thị trường hóa và tư nhân hóa, tất cả những điều đó góp phần làm thay đổi liên tục bức tranh giáo dục đại học toàn cầu. Trong bối cảnh đó, thuật ngữ “dịch vụ công/công ích” từng thống trị trong lĩnh vực giáo dục đại học, hiện đang bị nghi ngờ. Năm 2015, UNESCO đã công bố một báo cáo có tựa đề Xem xét lại Giáo dục hướng tới lợi ích chung toàn cầu, và đề xuất dùng cụm từ “lợi ích chung” như một thuật ngữ có tính xây dựng thay thế cho thuật ngữ “dịch vụ công/công ích” (vốn được coi là liên quan mật thiết tới giáo dục và đầu ra của giáo dục), với đặc điểm riêng biệt là giá trị nội tại và cùng chia sẻ (UNESCO, 2015). Bài viết này tìm hiểu mối quan hệ giữa các trường đại học đẳng cấp thế giới (WCU) và khái niệm lợi ích chung toàn cầu mới được đề xuất này. Bài viết nêu rõ các WCU, với tư cách là một mạng lưới hoặc một nhóm, đang có vai trò như một lợi ích chung toàn cầu, tạo ra và góp phần vào những dịch vụ chung toàn cầu, mang lại lợi ích không chỉ cho cá nhân sinh viên, mà còn cho một xã hội toàn cầu lớn hơn.

Từ “Công ích” tới “Lợi ích chung” trong giáo dục đại học

Nhiều học giả thừa nhận “tính chất công cộng” của giáo dục đại học và các trường đại học: tạo ra và phân phối tri thức, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người được giáo dục, mang tới những đổi mới cho công nghiệp, và đào tạo công dân biết cách đưa ra những quyết định dân chủ. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh của khái niệm này còn chưa được thống nhất.

Người ta cho rằng sự phát triển tư nhân hóa và thị trường hóa giáo dục đại học, trong một chừng mực nhất định nào đó đã làm hỏng tính chất “công” của giáo dục đại học và làm mờ ranh giới giữa “ công” và “tư”. Ngoài ra, bối cảnh toàn cầu thay đổi đang chú trọng vào tính chất “chung” nhiều hơn là tính chất “công” của quá trình giáo dục. Theo báo cáo của UNESCO, học tập “chung” khuyến khích mọi người chủ động trong quá trình học tập, chia sẻ nỗ lực qua các kênh khác nhau, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả những người tham gia và thay đổi quá trình từ giáo dục sang học tập. Mặt khác, giáo dục “công” thường do chính phủ đảm nhận, dễ tạo ra thói quen không phải trả tiền (bởi vì chính phủ thường cung cấp giáo dục công lập miễn phí, ít nhấn mạnh vào mối tương quan giữa việc trả tiền và việc sử dụng của các cá nhân). Trong một số trường hợp tiếp nhận nền giáo dục trở thành một quá trình thụ động, trong đó mọi người không được khuyến khích đóng vai trò chủ động.

Người ta cho rằng sự phát triển tư nhân hóa và thị trường hóa giáo dục đại học, trong một chừng mực nhất định nào đó đã làm hỏng tính chất “công” của giáo dục đại học và làm mờ ranh giới giữa “công” và “tư”.

Do đó, chuyển khái niệm giáo dục đại học là “công ích” sang khái niệm “lợi ích chung” là hợp lý hơn. Điều này ngụ ý rằng “kết quả” của giáo dục (hiện thực hóa những quyền cơ bản cho tất cả mọi người) được chú trọng nhiều hơn so với “phương thức cung cấp” (cho dù do trường công hay trường tư). Ngoài ra, ở một mức độ nhất định, quan niệm về giáo dục đại học như một lợi ích chung khiến xã hội dễ chấp nhận ý tưởng giáo dục đại học có thể có nhiều nhà cung cấp và nhiều nguồn tài trợ khác nhau, điều này trong một số trường hợp có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Hơn nữa, khi chúng ta nghĩ đến các nhu cầu học tập tích cực và suốt đời hiện nay, rõ ràng khái niệm lợi ích chung bổ sung cho khái niệm công ích. Công ích không kết nối việc trả tiền (sự tham gia của một người vào việc cung ứng dịch vụ công) với việc sử dụng (việc người đó sử dụng dịch vụ công): dịch vụ công cho phép dùng miễn phí, trong khi đó dịch vụ chung phản ánh nỗ lực tập thể của tất cả những người tham gia và lợi ích được tạo ra qua hành động chung; đồng thời, việc mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập qua nhiều kênh khác nhau tạo ra khái niệm học tập suốt đời.

Vai trò của các WCU (World Class University) liên quan đến lợi ích chung

Trong thực tế, giáo dục đại học phục vụ lợi ích chung thông qua việc nuôi dưỡng tài năng, thúc đẩy nghiên cứu và cung cấp dịch vụ cho xã hội. Kỷ nguyên mới này, được đặc trưng bởi toàn cầu hóa và quốc tế hóa, các công nghệ thông tin mới, mối quan tâm đến môi trường, và những thay đổi chính sách mạnh mẽ như Brexit, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho các tổ chức giáo dục đại học trên thế giới. Ngoài việc tạo cơ hội để người học tự phát triển, các WCU – các trường đại học hàng đầu hoặc ưu tú nhất thế giới, cần tự đặt mình vào vị trí tiên phong trong việc tìm kiếm các giải pháp mang tính khái niệm và thực tiễn cho những vấn đề cấp bách của thời đại của chúng ta vì lợi ích của nhân loại.

Một điều được thừa nhận rộng rãi là các WCU, gồm các trường đại học hàng đầu trên thế giới, cả công và tư, đang sử dụng những giảng viên có trình độ tốt nhất và thu hút được những sinh viên giỏi nhất và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới; họ tập trung xây dựng môi trường quốc tế và tự điều chỉnh liên tục theo thế giới bên ngoài; họ cam kết giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu và tích cực phối hợp với các tổ chức khác. Ở khía cạnh này, các WCU đã vượt ra ngoài khái niệm “công” và “tư”, đóng vai trò như một lợi ích chung toàn cầu với trọng tâm vì sự phát triển toàn cầu và liên kết lẫn nhau và hạnh phúc cho cộng đồng toàn cầu.

Điều này được thể hiện qua ba nhiệm vụ chính của các trường WCU: nuôi dưỡng tài năng, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội. Sau khi phân tích sứ mạng và tầm nhìn của 20 trường đại học hàng đầu – được công nhận là WCU – trong Xếp hạng Học thuật Các Trường Đại học Thế giới (2016), có thể tổng hợp các từ khóa chính liên quan đến ba nhiệm vụ trên như sau:

• Nuôi dưỡng tài năng: quốc tế/toàn cầu; đẳng cấp thế giới/xuất sắc/tốt nhất/vượt trội; dẫn đầu nghiên cứu/dựa trên nghiên cứu; kỹ năng/chuyên nghiệp; đổi mới/sáng tạo; đa dạng; truyền cảm hứng; liên ngành; hòa nhập/mở/miễn phí.

• Nghiên cứu khoa học: xuất sắc/đẳng cấp thế giới/mức cao nhất; quốc tế/toàn cầu/thế giới; hợp tác/quan hệ đối tác; mới/tiên tiến/đầu tiên; kiến thức/học bổng; đa ngành/liên ngành/xuyên ngành; thách thức/khó khăn.

• Phục vụ xã hội: có tính xã hội/xã hội; thế giới/quốc tế/toàn cầu; cộng đồng; quốc gia/có tính quốc gia; hợp tác/phối hợp/quan hệ đối tác/tương tác; tham gia/cam kết; thử thách/thách thức; xuất sắc/đáng kể; nhân loại/chúng sanh; cuộc sống/hạnh phúc/lợi ích.

Về nuôi dưỡng tài năng, các WCU đang nỗ lực xây dựng nguồn nhân lực gồm những tài năng xuất sắc và nổi bật nhất – để trở thành nguồn tài nguyên quốc gia và toàn cầu quan trọng nhất. Với nghiên cứu khoa học, WCU dự kiến tiến hành những nghiên cứu tiên tiến nhất và khám phá những tri thức mới nhất, giải quyết những vấn đề thách thức ở tầm quốc tế để nâng cao hạnh phúc cho nhân loại. Về mặt phục vụ xã hội, WCU sẵn sàng đối đầu với những thử thách toàn cầu phức tạp và khó khăn nhất vì lợi ích của xã hội loài người, có tác động sâu sắc đến sự phát triển và tiến bộ của thế giới, góp phần vào sự phát triển bền vững và hòa bình cho toàn thể nhân loại và toàn thế giới.

Kết luận

Là những trường đại học nghiên cứu hàng đầu với định hướng toàn cầu, các WCU không chỉ tạo ra lợi ích toàn cầu, mà còn phát triển những dịch vụ chung toàn cầu như tri thức tiên tiến và nghiên cứu xuất sắc, và do đó đóng góp vào lợi ích chung (ví dụ như sự phát triển hòa bình) mà tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Do đó, các WCU là một nguồn lợi ích chung toàn cầu vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các WCU có khả năng làm mọi thứ thành công. Khái niệm về lợi ích chung toàn cầu thường được hiểu là một tầm nhìn hoặc một triển vọng để định hướng và dẫn dắt những nỗ lực của các trường này trong việc mở rộng cung cấp giáo dục đẳng cấp quốc tế, nghiên cứu và dịch vụ phong phú cho xã hội, nắm bắt các cơ hội, đối phó với những thách thức và tăng cường sự phát triển bền vững của toàn thế giới.