Stephen Wilkins là Phó Giáo sư Quản trị Kinh doanh tại Đại học Anh ở Dubai, UAE. E-mail: stephen.wilkins@buid.ac.ae.
Giáo dục đại học xuyên quốc gia liên quan đến các chương trình và các nhà cung cấp. Nhà cung cấp có nhiều hình thức với các cấu trúc sở hữu, mục tiêu, chiến lược, ngành học và nguồn sinh viên khác nhau. Mục đích của bài viết này là xác định các dạng nhà cung cấp giáo dục xuyên quốc gia, để các tổ chức này có thể được phân loại và được bảo vệ. Trọng tâm bài nghiên cứu chỉ tập trung vào tính di động của tổ chức, và do đó tính di động của chương trình – chẳng hạn như giáo dục từ xa, chương trình nhượng quyền và cấp bằng đôi – nằm ngoài phạm vi của bài viết.
Trong một bài công bố trước đây của tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế (Số 93, Mùa xuân 2018), Wilkins và Rumbley đã đề xuất một định nghĩa cho phân hiệu đại học quốc tế (International Branch Campus) như sau: “Cơ sở phân hiệu quốc tế là một thực thể thuộc sở hữu của một tổ chức giáo dục đại học nước ngoài cụ thể, có một số mức độ trách nhiệm đối với chiến lược tổng thể và đảm bảo chất lượng trong phân hiệu. Cơ sở phân hiệu hoạt động dưới tên của trường nước ngoài và cung cấp chương trình và/hoặc thông tin đăng nhập mang tên của trường nước ngoài. Phân hiệu có cơ sở hạ tầng cơ bản như thư viện, phòng máy tính truy cập mở và các cơ sở ăn uống, và nói chung, sinh viên tại phân hiệu có trải nghiệm học tập tương tự như sinh viên tại khuôn viên trường mẹ”.
Cho đến nay, thuật ngữ “cơ sở phân hiệu quốc tế” được áp dụng cho hầu hết các hoạt động giáo dục xuyên quốc gia liên quan đến việc giảng dạy tại các cơ sở thuộc sở hữu của một trường đại học nước ngoài, nơi các cơ sở đào tạo và bằng cấp của sinh viên mang tên của trường nước ngoài. Tuy nhiên, định nghĩa được cung cấp ở trên không thực sự áp dụng hoặc không phù hợp với phần lớn các nhà cung cấp giáo dục đại học xuyên quốc gia.
Cơ sở vất chất
Phần lớn các tổ chức giáo dục đại học xuyên quốc gia có dưới 1000 sinh viên theo học. Do đó, các tổ chức này không bắt buộc phải sở hữu một khuôn viên bao gồm đất đai, cơ sở vật chất như phòng học, phòng máy tính, thư viện, địa điểm phục vụ ăn uống, thể thao và giải trí, cũng như khu vực làm việc cho giảng viên và nhân viên hành chính. Thay vào đó, phần lớn các tổ chức giáo dục xuyên quốc gia sử dụng một số phòng trong một tòa nhà văn phòng, và nhiều tổ chức chỉ cung cấp một chương trình trình đào tạo duy nhất hoặc một vài chương trình đào tạo. Một số tổ chức khác tuyển dụng rất ít, hoặc thậm chí không có giảng viên cơ hữu tại chỗ.
Phần lớn các tổ chức giáo dục đại học xuyên quốc gia có dưới 1000 sinh viên theo học |
Một tổ chức đào tạo đại học xuyên quốc gia có quy mô chưa đủ lớn để được xếp loại là một phân hiệu quốc tế có thể được gọi là một trung tâm đào tạo quốc tế (International Study Center), và được định nghĩa như sau: “Trung tâm đào tạo quốc tế là một thực thể được sở hữu ít nhất là một phần bởi một tổ chức giáo dục đại học nước ngoài cụ thể, có một số mức độ trách nhiệm đối với chiến lược tổng thể và đảm bảo chất lượng của trung tâm. Trung tâm hoạt động dưới tên của trường nước ngoài và cung cấp chương trình và/hoặc thông tin đăng nhập mang tên của trường mẹ. Trung tâm hoạt động với quy mô nhỏ, ít hơn 1000 sinh viên. Trung tâm chỉ đào tạo một chuyên ngành hoặc một chương trình duy nhất và có thể sử dụng một số ít hoặc không có giảng viên cơ hữu”.
Sinh viên
Các phân hiệu quốc tế và các trung tâm đào tạo quốc tế chủ yếu tuyển sinh ở các quốc gia sở tại, nơi họ hoạt động. Những sinh viên này có thể là công dân của nước sở tại hoặc người nước ngoài sống tại đây. Một số tổ chức cũng thành công trong việc tuyển dụng sinh viên từ các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, một số tổ chức giáo dục đại học xuyên quốc gia không đặt mục tiêu cung cấp giáo dục cho sinh viên của nước sở tại hoặc các quốc gia lân cận, mà mục tiêu chính là cung cấp trải nghiệm du học cho sinh viên trường mẹ.
Trong những năm 1950 và 1960, một số trường đại học Hoa kỳ đã thành lập các trung tâm đào tạo ở nước ngoài và từ đó các trường đại học từ các quốc gia khác cũng mở các trung tâm tương tự. Mục tiêu chung của các trung tâm này là cải thiện kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu ‘tại thực địa”một số môn học; và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc và trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, điều này có thể thúc đẩy một tư duy toàn cầu và góp phần vào hòa bình thế giới.
Một tổ chức giáo dục đại học xuyên quốc gia có hoạt động chủ yếu là cung cấp trải nghiệm du học cho sinh viên trường mẹ có thể được gọi là một trung tâm du học quốc tế (International Study Abroad Center), và được định nghĩa như sau: “Trung tâm du học quốc tế là một thực thể thuộc sở hữu của một tổ chức giáo dục đại học nước ngoài cụ thể, thường với mục đích cung cấp cho sinh viên trường mẹ kinh nghiệm du học. Trung tâm hoạt động dưới tên của trường mẹ và cung cấp chương trình và/hoặc thông tin đăng nhập mang tên của trường mẹ. Thông thường, sinh viên dành thời gian tương đối ngắn để học tại trung tâm (ví dụ một học kỳ) và hầu hết sinh viên đều đạt được tín chỉ học tập”.
Chủ sở hữu
Trong những năm gần đây, các trường đại học ở các nước khác nhau đã hình thành nhiều loại quan hệ đối tác để thành lập các trường mới có tư cách pháp lý riêng và thông thường lấy tên bao gồm tên của cả hai trường mẹ (ví dụ Đại học Yale – NUS hoặc Đại học Xi’an Jiatong Liverpool), hoặc một trường với tên hoàn toàn khác (ví dụ United International College là sự hợp tác giữa Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Baptist Hồng Kông). Những loại quan hệ đối tác này đặc biệt phổ biến với các trường hàng đầu xếp hạng cao.
Một tổ chức giáo dục đại học xuyên quốc gia thuộc sở hữu của hai trường, mỗi trường trong đó đều chịu trách nhiệm đáng kể đối với việc ra quyết định chiến lược và chia sẻ lợi nhuận hoặc tổn thất có thể được gọi là một trường liên doanh quốc tế (International Joint Venture Institution), và được định nghĩa như sau: “Trường liên doanh quốc tế là một tổ chức giáo dục đại học thuộc sở hữu chung của hai hoặc nhiều trường có trụ sở tại các quốc gia khác nhau. Mỗi trường đối tác có một số trách nhiệm đối với chiến lược tổng thể và đảm bảo chất lượng của trường lên doanh, và các trường mẹ chia sẻ lợi nhuận và tổn thất của liên doanh”.
Hợp tác và liên kết quốc tế luôn tồn tại trong giáo dục đại học. Ngày nay có rất nhiều ví dụ về các trường đại học độc lập có liên kết với hệ thống giáo dục đại học nước ngoài và dựa vào các tổ chức nước ngoài để được tư vấn, sử dụng chương trình, tài nguyên giảng dạy và đảm bảo chất lượng. Ví dụ về các trường như vậy bao gồm Đại học Mỹ ở Emirates và Đại học Anh tại Dubai. Đại học Anh tại Dubai là liên minh hợp tác của bốn trường đại học hàng đầu của Anh (Cardiff, Edinburgh, Glasgow và Manchester), mỗi trường tư vấn hoặc hợp tác về các vấn đề liên quan đến thiết kế chương trình, phân phối chương trình, hoạt động nghiên cứu và đảm bảo chất lượng.
Một trường đại học độc lập hoạt động theo mô hình giáo dục đại học nước ngoài và liên kết với ít nhất một trường nước ngoài có thể được gọi là trường được nước ngoài hậu thuẫn (Foreign-backed Institution), và được định nghĩa như sau:“Trường được nước ngoài hậu thuẫn là một tổ chức giáo dục đại học độc lập, hoạt động theo mô hình giáo dục đại học nước ngoài và được liên kết với ít nhất một trường nước ngoài, và qua đó nhận được tư vấn, dịch vụ và/hoặc chương trình tài nguyên giảng dạy”.
Các trường đại học độc lập hoạt động theo hệ thống giáo dục đại học nước ngoài nhưng không liên kết với một tổ chức nước ngoài (ví dụ như Đại học Mỹ Beirut và Đại học Mỹ Cairo) không phải là các tổ chức được nước ngoài hậu thuẫn vì không có sự chuyển giao giáo trình, giảng viên hoặc tài nguyên giảng dạy xuyên quốc gia.
Kết luận
Giáo dục đại học xuyên quốc gia hoạt động theo nhiều hình thức và phương thức. Bài viết này xác định loại hình các nhà cung cấp xuyên quốc gia phổ biến nhất và đưa ra định nghĩa khả dĩ cho từng loại. Việc phân loại các trường xuyên quốc gia sẽ hữu ích cho các nhà nghiên cứu và các nhà xuất bản dữ liệu về giáo dục xuyên quốc gia, nhưng phải thừa nhận rằng trong thực tế, các tổ chức liên quan đến giáo dục xuyên quốc gia tự sử dụng nhiều thuật ngữ để mô tả hoạt động của họ. Ví dụ, mốt hiện nay là các trường gọi cơ sở chi nhánh quốc tế của họ là Học xá toàn cầu (global campus), đồng thời cũng là cách nhấn mạnh rằng đó không phải là một phân hiệu (branch). Những hành động như vậy có thể là phản ứng trước những cáo buộc trước đó về chủ nghĩa thực dân hàn lâm, nhưng thường được thực hiện với sự chấp thuận của chính phủ và các nhà quản lý.