Sabina Siebert là Giáo sư ngành Quản trị tại trường Kinh doanh Adam Smith, Đại học Glasgow, Vương quốc Anh. E-mail: sabina.siebert@glasgow.ac.uk.
Từ sau thế chiến thứ II các ấn phẩm trong lĩnh vực khoa học đời sống tăng theo cấp số nhân. Trong khoảng thời gian giữa những năm cuối 1960 và 2000, số lượng ấn phẩm tăng gấp đôi trong 14 năm, và gần đây tốc độ tăng còn nhanh hơn, gấp đôi trong 12 năm. Một mặt, mức tăng trưởng này có thể được coi là tích cực, như biểu thị cho nỗ lực đầu tư vào khoa học, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, để dẫn đến những tiến bộ khoa học nhanh hơn. Mặt khác, sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các bài báo được công bố cũng có nghĩa là các biên tập viên tạp chí bị “ngập đầu” trong dòng lũ bản thảo gửi đến, và họ không kịp xử lý, còn các nhà khoa học chật vật để nắm bắt được thông tin. Càng nhiều sản phẩm khoa học, càng nhiều thông tin nhiễu loạn, và các nhà khoa học càng gặp nhiều khó khăn trong việc phân định điều gì đáng tin cậy và điều gì không. Do đó, các nhà khoa học ngày càng lo ngại liệu cộng đồng khoa học có đủ khả năng kiểm soát chất lượng của dòng lũ sản phẩm khoa học vẫn tiếp tục tăng hay không?
Không có gì lạ khi các tạp chí cho phép truy cập mở thường tính phí xuất bản khá cao. |
Khan hiếm không gian xuất bản trong các tạp chí hàng đầu
Được Học viện Anh tài trợ, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu bản chất của hiện tượng tràn ngập các ấn phẩm khoa học bằng cách đặt câu hỏi: các bài báo khoa học được phân bổ thế nào giữa các tạp chí. Không có gì lạ khi những bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí hàng đầu – Cell, Nature, Science – được xem như Chén Thánh của khoa học vì nó đảm bảo cho tác giả một vị trí học thuật, nguồn tài trợ và cơ hội trở thành thành viên ban biên tập. Sự thành công trong sự nghiệp của một nhà khoa học phụ thuộc vào việc có nhiều hay ít bài viết được công bố trên các tạp chí uy tín này. Ngoài ra, xuất bản trên các tạp chí hàng đầu tạo thêm cơ hội tiếp tục được xuất bản ở đó trong tương lai. Điều trớ trêu là các tạp chí này chỉ duy trì một số trang nhất định, tạo ra khan hiếm giả tạo, mà Neal Young và các cộng sự vào năm 2008 đã gọi là “lời nguyền của người chiến thắng” trong một bài báo có ảnh hưởng của họ. Các tác giả so sánh việc giới hạn số trang trong các tạp chí uy tín với sự khan hiếm giả tạo trong kinh tế nhằm đẩy giá hàng hóa lên cao. Trong quá khứ, trước thời của các tạp chí trực tuyến, sự khan hiếm không gian xuất bản có thể được biện minh bằng lý do số lượng trang in bị giới hạn. Ngày nay, tỷ lệ bị từ chối cao chỉ có thể được lý giải là mức độ chấp nhận càng thấp thể hiện mức độ thành công càng cao của tác giả.
Phân tầng trong các tạp chí khoa học đời sống
Vậy điều gì xảy ra với các nghiên cứu bị ba tạp chí hàng đầu này từ chối? Theo truyền thống, hầu hết các tác giả sẽ gửi bản thảo đến những tạp chí ở tầng thấp hơn, các tạp chí chuyên ngành nhỏ hơn để được xuất bản. Gần đây, xuất hiện một cơ chế phân tầng mới và đã trở thành phổ biến. Một số tạp chí tự chuyển các bài báo bị từ chối, với sự cho phép của tác giả, đến các “tạp chí chị em” mang cùng thương hiệu ở tầng thấp hơn. Ví dụ gia đình tạp chí Cell, Nature và Science hiện bao gồm các tạp chí nhỏ hơn cùng thương hiệu, là nơi xuất bản những bài báo có chất lượng tốt nhưng bị các tạp chí hàng đầu từ chối. Chẳng hạn với sự cho phép của tác giả, tạp chí Science chuyển những bài bị từ chối cho các tạp chí chị em như Science Immunology, Science Advances, Science Robotics hoặc Science Signalling. Cơ chế chuyển giao này giúp các tác giả tìm được nơi công bố nghiên cứu của họ một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Thật vậy, cách làm này có lợi cho tác giả vì công trình của họ được xuất bản nhanh hơn so với cách truyền thống. Đối với các gia đình tạp chí, việc chuyển nhượng các bài báo cũng tạo thêm lợi ích kinh doanh, giúp nhà xuất bản chiếm được thị phần lớn hơn. Một biên tập viên đã nhận xét: “Nếu bạn nhận được một bài báo, xem xét và từ chối nó, thì từ khía cạnh tài chính, bạn không kiếm được tiền, bạn đã tiêu tiền nhưng lại không làm ra tiền. Nếu bạn chuyển nó xuống, (…) và nó được xuất bản trong một tạp chí cho phép truy cập mở ở tầng thấp hơn trong cùng hệ thống, thì bạn đã kiếm được tiền từ bài báo đó”. Không có gì lạ khi các tạp chí cho phép truy cập mở thường tính phí xuất bản khá cao.
Một số biên tập viên của những tạp chí nhỏ hơn bày tỏ sự lo ngại rằng cơ chế này tăng cường sự độc quyền của những thương hiệu lớn, khi các tạp chí chị em cùng thương hiệu chấp nhận hầu hết các bài báo bị từ chối. Còn các biên tập viên của những tạp chí cấp trung, cấp thấp, và tạp chí chuyên ngành lo ngại rằng, những loại bài trước đây thường được đăng trên tạp chí của họ thì nay được công bố trong các tạp chí thuộc sở hữu của ba gia đình lớn (Cell, Nature và Science). Một biên tập viên đã bình luận về sức mạnh của Nature: “Nature là một trong những thương hiệu mạnh nhất trên thế giới, thậm chí còn mạnh hơn hầu hết các thương hiệu thời trang. Mọi người đổ xô gửi bài cho tạp chí này bằng mọi giá. Chỉ cái tên Nature đủ nói lên uy tín, chất lượng và thành công trong nghiên cứu”.
Không thể phủ nhận rằng tìm một nơi để công bố nghiên cứu khoa học của mình nhanh chóng và thuận lợi nhất có thể là điều quan trọng đối với mọi tác giả, do đó cơ chế chuyển bản thảo xuống các tầng thấp hơn là một giải pháp tốt cho tác giả cũng như nhà xuất bản. Và quả thực, tôi đã chứng kiến: một số tác giả xem điều này là mặc nhiên – ví dụ, tác giả gửi bản thảo đến Nature, trong khi vẫn biết rằng nó có thể xuất hiện trên tờ Nature Communications. Trong bối cảnh này, các tạp chí chuyên ngành nhỏ lo lắng về xu hướng đang diễn ra, họ cảm thấy đang bị các thương hiệu lớn chèn ép. Trong khi số lượng bản thảo gửi đến các tạp chí lớn tăng lên, thì những tạp chí tầng giữa, tạp chí chuyên ngành (có chỉ số ảnh hưởng nhỏ hơn 10) lại bị sụt giảm số lượng bản thảo gửi đến và thị phần. Hầu hết các tạp chí chuyên ngành nhỏ đều mong muốn tăng số lượng ấn bản, nhưng như một biên tập viên nhận xét đầy bi quan: “Tương lai của thị trường này là cuộc chiến giành giật bản thảo”.
“Tháp rượu sâm panh” các các tạp chí khoa học đời sống
“Tháp rượu sâm panh” theo tôi là ẩn dụ tốt nhất để mô tả bản chất phân tầng trong xuất bản khoa học. Giống như tháp ly sâm panh, trong xuất bản khoa học, các tạp chí uy tín nhất nằm ở tầng trên cùng (Cell, Nature, Science), còn các tạp chí hạng thấp nhất xếp ở dưới cùng. Tầng giữa dành cho các tạp chí có thứ tự giảm dần theo chỉ số ảnh hưởng của chúng. Khi bị các tạp chí ở tầng cao nhất từ chối, các bản thảo khoa học, giống như rượu sâm panh được rót từ đỉnh tháp, sẽ chảy xuống các tầng bên dưới, kèm theo hiệu ứng ẩn dụ “mất dần bọt sâm panh” trên đường chảy xuống. Các biên tập viên đôi khi thể hiện thái độ giễu cợt rằng, bản thảo nào cuối cùng cũng sẽ được công bố ở đâu đó. Vì vậy, nếu các tạp chí cấp thấp chấp nhận đăng các bài báo đã bị từ chối, thì điều cần xem xét là ai đang sở hữu những “ly sâm panh”- tạp chí cấp thấp, tạp chí chuyên ngành nhỏ này? Các hiệp hội khoa học hay các gia đình tạp chí lớn? Ai sẽ được hưởng lợi và ai bị thiệt hại từ những sắp xếp này? Tình trạng phân tầng được phân tích ở trên hiện nay đang phổ biến trong ngành Khoa học Đời sống, và ngày càng lan rộng sang Khoa học Xã hội. Theo tôi, trước khi mặc nhiên chấp nhận thực tế, các tạp chí Khoa học Xã hội nên cân nhắc cẩn thận cả hai mặt lợi hại của vấn đề.