Miguel Antonio Lim, Đại học Manchester, Vương quốc Anh, là Cố vấn tại Văn phòng Liên kết quốc tế của Đại học Philippines. E-mail: miguelantonio.lim@manchester.ac.uk. Sylvie Lomer là Giảng viên ngành Giáo dục tại Đại học Manchester, Vương quốc Anh. E-mail: sylvie.lomer@manchester.ac.uk. Christopher Millora là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học East Anglia, Vương quốc Anh, và là cựu Giảng viên tại Đại học Iloilo, Philippines. E-mail: C.Millora@uea.ac.uk.
Những tranh luận về vấn đề ai phải chi trả học phí đại học ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới. Không như những quốc gia khác, chính quyền Philippines gần đây đã thông qua đạo luật trợ cấp học phí cho sinh viên Philippine tại các trường Đại học và Cao đẳng của Nhà nước (SUC). Đạo luật Phổ cập Giáo dục Đại học Chất lượng được thông qua vào ngày 3 tháng 8 năm 2017 cam kết “cung cấp đủ kinh phí… để tăng số lượng sinh viên đại học trong tất cả các ngành đào tạo về kinh tế xã hội”. Trợ cấp này áp dụng cho sinh viên học lấy bằng đại học đầu tiên trong tất cả các trường đại học. Đạo luật cũng tăng các khoản cho vay tín chấp thu nhập sau khi ra trường cho sinh viên nghèo.
Nhiều người lo ngại chính sách này sẽ tạo ra luồng dịch chuyển sinh viên từ trường tư sang trường công. Do hiến pháp cam kết duy trì cả giáo dục công và tư, Đạo luật này cho phép trợ cấp học phí tại các trường tư tương đương với mức trợ cấp của trường SUC gần họ nhất. Sinh viên còn được hỗ trợ chi phí cho tài liệu học tập, sinh hoạt phí, phương tiện đi lại, chỗ ở và các chi phí liên quan khác. Đạo luật này đi ngược với xu hướng tăng học phí trong giáo dục đại học đã có từ lâu. Thượng nghị sĩ Philippines Benjamin Aquino IV, người ủng hộ chính của Đạo luật, cho rằng việc cung cấp giáo dục đại học miễn phí sẽ “mở ra một tương lai tươi sáng hơn”, do đó “tạo điều kiện cho nhiều người Philippines có được bằng đại học”. Tuyên bố này có tác động mạnh mẽ đến người dân Philippines vốn vẫn coi trọng bằng cấp đại học.
Mục tiêu chính của Đạo luật này là giảm tỷ lệ bỏ học: hiện nay chỉ 1/4 tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học. |
Ngân sách chính phủ dành cho cho giáo dục đại học gần đây đã tăng đáng kể, từ 484,47 triệu đô la Mỹ trong năm 2010 lên gấp đôi khoảng 1 tỷ đô la trong năm 2016, mặc dù chi tiêu bình quân đầu người vẫn còn tương đối thấp. Hiến pháp Philippines yêu cầu ngân sách dành cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngân sách quốc gia, và chính quyền liên bang đã phân bổ 793 triệu đô la Mỹ (1% ngân sách) để trợ cấp học phí trong năm 2018. Nền kinh tế quốc gia được dự đoán sẽ tăng trưởng trên 6% trong trung hạn và khoản phân bổ này có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, mặc dù các giải pháp là hợp pháp và hợp hiến, đạo luật vẫn gây ra tranh luận gay gắt.
Ủng hộ và phản đối
Mục tiêu chính của Đạo luật này là giảm tỷ lệ bỏ học: hiện nay chỉ 1/4 tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học. Đạo luật này nhằm hỗ trợ những sinh viên có nguy cơ bỏ học vì lý do tài chính. Sự hỗ trợ này không phân phối lại thu nhập, mà giúp giải quyết những khó khăn tài chính cho sinh viên trong giai đoạn cuối đại học. Đạo luật cũng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học ở Philippines được Ủy ban Phát triển Giáo dục Đại học (CHED) giám sát, đánh giá và quản lý quá trình đảm bảo và nâng cao chất lượng. Ban đầu, Đạo luật quy định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng SUC, và chỉ cho phép tăng chỉ tiêu nếu SUC đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn theo quy định. Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng của Đạo luật đã không còn quy định chỉ tiêu; các trường tự thiết lập số lượng tuyển sinh.
Các bên liên quan đưa ra ba ý kiến chỉ trích chính. Thứ nhất, Philippines đã có sẵn các chương trình để cải thiện quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục đại học. Các SUC vẫn được chính phủ bao cấp và học phí thực tế thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân. Hệ thống “học phí xã hội hóa” cũng ngụ ý rằng sinh viên chỉ phải trả học phí tương ứng với thu nhập của gia đình họ. Thứ hai, Đạo luật không mang lại lợi ích một cách công bằng cho mọi tầng lớp xã hội, do phần lớn sinh viên SUC đến từ các tầng lớp trung lưu và trên trung lưu. Chỉ 12% sinh viên SUC xuất thân từ những gia đình thuộc tầng lớp nghèo nhất và cận nghèo – trong khi 17% xuất thân từ tầng lớp thứ 9 và 10 là hai nhóm dân cư giàu nhất. Đó là “tác động hồi quy ngoài mong muốn” đặc trưng của Đạo luật này. Liên hiệp Sinh viên Quốc gia nêu lên những lo ngại rằng SUC có thể tăng các loại phí khác để bù đắp cho sự thiếu hụt từ thu học phí. Các khoản phí khác không mặc nhiên được bao cấp và sẽ trở thành gánh nặng đối với sinh viên nghèo (học phí chỉ chiếm từ 20 đến 30% tổng chi phí học đại học). Thứ ba, chi phí học tập tại SUC giảm có thể dẫn đến một cuộc dịch chuyển sinh viên từ trường tư sang trường công. Trong số 1943 cơ sở giáo dục đại học ở Philippines, 88% là trường tư và 12% là trường công. Khoảng 54% tổng số sinh viên theo học các trường tư thục và 46% sinh viên học tại các trường công lập. Người ta lo ngại rằng đạo luật này sẽ làm thay đổi đáng kể khu vực công lập vốn đã có tỷ lệ tuyển sinh cao hơn nhiều so với khu vực tư. Tuyển sinh đại học còn bị tác động bởi quá trình mở rộng giáo dục phổ thông bắt buộc từ 11 lên 13 năm trong chương trình “K-to-12”. Trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc vào năm 2018, số lượng sinh viên đầu vào đại học sẽ giảm vì trung học phổ thông kéo dài thêm 1 năm. Điều này ảnh hưởng đến tài chính của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, đặc biệt tạo áp lực lớn đối với các tổ chức tư nhân. Sinh viên dịch chuyển sang trường công kéo theo sự dịch chuyển của giảng viên, vì mức lương ở các tổ chức tư thục thường thấp hơn so với mức lương theo chuẩn của chính phủ tại các SUC.
Kết luận
Tác động tiềm năng của Đạo luật vượt ra ngoài phạm vi vật chất và ảnh hưởng đến các nhóm kinh tế cụ thể. Nó gửi một tín hiệu mạnh mẽ, đặc biệt đến những học sinh nghèo và khó khăn, rằng mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục đại học. Những lý lẽ hùng biện về “cuộc sống mơ ước” vẽ nên câu chuyện về sự thịnh vượng đạt được được nhờ năng lực và công việc, trong đó giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi về tính bền vững của sáng kiến này. Về nguyên tắc, Đạo luật cho phép mọi người dân Philippines tiếp cận giáo dục đại học chất lượng, nó cam kết “cung cấp nguồn tài chính đầy đủ”, nghĩa là thiết lập quyền được học cho mọi người. Philippines có dân số trẻ và đang phát triển: số lượng thanh niên trong độ tuổi 15-24 đã tăng từ 17,6 triệu năm 2006 lên 19,9 triệu vào năm 2016. Khi giai đoạn chuyển tiếp cải cách giáo dục phổ thông “K-to-12” kết thúc, sẽ có nhiều học sinh vào đại học hơn. Mong muốn mạnh mẽ hiện thực hóa được “giấc mơ” giáo dục đại học sẽ làm gia tăng số lượng người vào đại học, có thể vượt dự kiến ngân sách vào thời điểm xây dựng Đạo luật. Phiên bản cuối cùng của luật không đặt giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh xác nhận ý định mở rộng quy mô đào tạo, khuyến khích các lãnh đạo SUC tăng doanh thu bằng cách tăng số lượng sinh viên. Điều này có thể làm trầm trọng thêm xu hướng sinh viên và giảng viên dịch chuyển từ các trường tư sang trường công. Nhờ nền kinh tế đang phát triển, Đạo luật này có tính khả thi trong ngắn hạn đến trung hạn. Nhưng số lượng sinh viên tăng lên nhanh chóng làm dấy lên những hoài nghi vềtính bền vững lâu dài của nó.
Philippines còn cách nào khác ngoài ban hành một chính sách như vậy không? Để trở thành một nền kinh tế tri thức đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học dường như sẽ tạo ra lợi thế. Với một nền kinh tế dịch vụ lớn và công nghiệp hóa nhanh chóng, Philippines cần đầu tư tốt để khai thác lợi thế của lực lượng lao động lành nghề – là kết quả của việc mở rộng tuyển sinh đại học.