Bạo lực tình dục trong giáo dục đại học Ethiopia

Ayenachew A. Woldegiyorgis là Nghiên cứu sinh và là Trợ lý cho mảng đại học tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Đại học Boston, Hoa Kỳ. E-mail: woldegiy@bc.edu.

Giáo dục đại học ở châu Phi bị kìm hãm bởi tình trạng bạo lực tình dục. Ví dụ, Đại học Makerere ở Uganda – một trong những tổ chức giáo dục hàng đầu của lục địa – gần đây liên tục xuất hiện trên tiêu đề các tờ báo quốc tế và bị lung lay tận gốc rễ khi một cuộc điều tra kéo dài hai tháng tiết lộ những sự thật kinh hoàng. Một cái nhìn cận cảnh về tình hình ở Ethiopia có thể giúp hiểu được bản chất và mức độ trầm trọng của vấn đề.

Một ví dụ về trường đại học

Hanna Tefera từng là Giám đốc của Văn phòng Các vấn đề Giới tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Adama từ tháng 11 năm 2013. Vào ngày 18 tháng 1 năm 2018, cô nhận được một lá thư cách chức vì lý do không rõ ràng. Tefera cho biết cô bị cách chức đột ngột và không rõ lý do. Trong khi đó, theo tạp chí Addis Standard, Tefera bị cách chức liên quan đến một vụ việc cô đang điều tra. Tháng 12 năm trước, cô đã viết một bức thư gửi cho Hiệu trưởng trường đại học báo cáo về trường hợp một nữ sinh viên bị tấn công tình dục và yêu cầu tiến hành điều tra ngay lập tức. Bức thư viết rằng một người đàn ông lạ mặt có vũ trang đột nhập vào ký túc xá và tấn công nữ sinh viên nói trên.Viện dẫn các quy định liên quan của hiến pháp và quy định của trường đại học, Tefera lên án tội ác này. Cô nhấn mạnh rằng, nếu cần thiết khám xét ký túc xá, thì việc này nên để các nữ quân nhân thực hiện (do những bất ổn chính trị trong vài năm qua, quân đội đã được triển khai tại các trường đại học để ngăn ngừa các cuộc biểu tình và bạo động). Trong thư, Tefera cũng bày tỏ sự lo ngại về việc văn phòng của cô nhận được báo cáo về nhiều vụ quấy rối tình dục, và yêu cầu trường đại học áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt.

Cũng có thông tin rằng Tefera bị sa thải bởi một lệnh trực tiếp từ một thành viên hội đồng quản trị của trường đại học, cũng là một sĩ quan cao cấp trong Lực lượng quốc phòng quốc gia. Trường hợp này cho thấy tình hình chung và sự thờ ơ của lãnh đạo trường đại học. Trong bối cảnh như vậy, trường đại học có phải là môi trường học tập an toàn cho sinh viên nữ không? Các chuyên viên công tác sinh viên có thể làm gì để khắc phục tình trạng này?

Tầm quan trọng của vấn đề

Tập tục gia trưởng bén rễ sâu ở Ethiopia; thiên vị giới tính, bất bình đẳng và bạo lực tình dục cản trở xã hội phát triển. Giáo dục đại học không phải là ngoại lệ. Ví dụ một nghiên cứu gần đây tại Đại học Wolaita Sodo đã báo cáo rằng trong số 462 nữ sinh viên tham gia nghiên cứu, có 36.1% cho biết họ là nạn nhân của bạo lực tình dục sau khi vào trường đại học, trong khi 45.4% đã từng bị bạo lực tình dục trong đời. Một nghiên cứu khác tại Đại học Madawalabu cho thấy trong số 411 nữ sinh viên tham gia vào nghiên cứu, có 41.1% từng là nạn nhân của bạo lực tình dục trong đời và 25.4% đã trải qua bạo lực tình dục trong 12 tháng trước đó. Khi tìm hiểu lý do sinh viên nữ bỏ học, một nghiên cứu tại Đại học Jimma phát hiện ra rằng 82.4% sinh viên (trong số 108 sinh viên đã bỏ học) cho biết nguyên nhân liên quan đến quấy rối tình dục; 57.4% cho biết mang thai là một trong những lý do khiến họ bỏ học. Các nghiên cứu tại các trường đại học khác cũng cho thấy tình trạng bạo lực tình dục tương tự và phổ biến. Bạo lực tình dục được thực hiện bởi sinh viên, giảng viên và nhân viên trong trường đại học, và cả những người không liên quan đến các trường đại học. Một số sinh viên vào trường đại học với quá khứ đã từng bị bạo hành tình dục. Điều này, cùng với tình trạng thiếu các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ, khiến họ rất khó vượt qua được chấn thương tâm lý và không cảm thấy thoải mái trong môi trường đại học.

Các nghiên cứu về vấn đề này đều thống nhất rằng dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên nữ rất hạn chế. Một mặt, các quy tắc văn hóa và những điều cấm kỵ ngăn cản sinh viên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ; mặt khác, trong trường hợp sinh viên vượt qua được rào cản, thì các trường đại học lại không đủ nhân lực hỗ trợ và các dịch vụ hỗ trợ thường kém hiệu quả. Khía cạnh tâm lý của môi trường học tập nói chung chưa được quan tâm đúng mức.

Vấn đề lớn hơn: Thiên vị giới tính

Thập kỷ qua đã có một số tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách giới tính cả trong tuyển sinh (từ 24.4% sinh viên nữ năm 2005 lên 32% năm 2015) và thành phần giảng viên (từ 10.3% là nữ năm 2005 đến 12% trong năm 2015). Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử rất lớn. Mặc dù sinh viên nữ được ưu đãi hơn khi nhập học, tình trạng thiên vị giới tính và bạo lực tình dục vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến trải nghiệm học tập và ngăn cản họ thành công.

Tập tục gia trưởng bén rễ sâu ở Ethiopia, sự thiên vị giới tính, bất bình đẳng và bạo lực tình dục cản trở xã hội phát triển.

Sinh viên nữ cũng tập trung đông hơn trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thậm chí còn có thông tin rằng các trường đại học chủ động ngăn cản sinh viên nữ lựa chọn các ngành khoa học khó, như một chiến lược nhằm giảm tỷ lệ bỏ học của nữ sinh viên – trớ trêu thay, điều này lại được coi là một biện pháp trong “chính sách nâng đỡ các thành phần thiệt thòi”.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy cơ hội để phụ nữ được tuyển dụng vào vị trí giảng viên ít hơn 50%, và được bổ nhiệm chức vụ giáo sư phụ tá hoặc giáo sư ít hơn 72% so với nam giới. Sự khác biệt đáng kinh ngạc này được giải thích bởi một loạt yếu tố ngăn cản phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp, bất chấp số liệu thống kê cho thấy đã có những cải thiện tổng thể.

Cần phải làm gì?

Cách tiếp cận từ trên xuống nhằm thay đổi hành vi được cho là chậm và kém hiệu quả, vì vậy cách tiếp cận ngang hàng dường như là một lựa chọn khả thi, mặc dù không có nghĩa đó là phương án duy nhất. Thay đổi thái độ trong cộng đồng đại học là rất quan trọng để ngăn chặn bạo lực tình dục và khuyến khích nạn nhân lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhiều thập kỷ nghiên cứu về xã hội/tâm lý đã chỉ ra rằng người ngoài sẵn sàng can thiệp hơn khi họ hiểu rõ về bạo lực và có các kỹ năng cần thiết để tham gia vào những hành vi xã hội tích cực mà không gây nguy hiểm cho chính họ. Nhiều trường hợp cho thấy trao quyền can thiệp cho sinh viên và những người lãnh đạo sinh viên là một cách hiệu quả để chống lại bạo lực tình dục trong phạm vi nhà trường.

Điều này đòi hỏi triển khai các chương trình nhận thức toàn diện và liên tục trong trường đại học. Để làm như vậy, cần cân nhắcnhững điểm sau. Thứ nhất, chương trình cần được triển khai đến toàn bộ cộng đồng đại học. Chỉ triển khai đến những người được cho là thiếu nhận thức hoặc những người quan tâm đến vấn đề này là không đủ. Thứ hai, do một số khía cạnh thiên vị giới tính và bạo lực tình dục có nguồn gốc sâu xa từ các chuẩn mực xã hội, nên điều quan trọng là phải bắt đầu từ việc định nghĩa thế nào là bạo lực tình dục và các biểu hiện của nó. Thứ ba, chương trình nên có các cơ chế triển khai và khuyến khích khác nhau để tăng số lượng người tham gia và đảm bảo tính bền vững.

Tình trạng thiếu tài nguyên và hạn chế nguồn nhân lực đủ trình độ có thể được giải quyết bằng cách sử dụng các giảng viên tình nguyện để đào tạo đội ngũ huấn luyện, cùng với tài liệu được chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng đào tạo; cách thức này cần nhân rộng theo mô hình kim tự tháp để tiếp cận mọi bộ phận của trường đại học trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ khi đã đạt được điều đó mới nên chuyển sang bước tiếp theo là đào tạo bắt buộc cho tất cả sinh viên mới và nhân viên mới để đảm bảo tính bền vững.

Cách tiếp cận ngang hàng không phải là phương án thay thế cho các chiến lược khác, và chỉ mình nó là chưa đủ. Cách này nên được sử dụng như một thành phần tích hợp của các phương pháp tiếp cận trên diện rộng, cả từ trên xuống và từ dưới lên. Điều đáng chú ý là cam kết rõ ràng của lãnh đạo cấp trường và cấp hệ thống là một động lực quan trọng để thành công. Tạo ra môi trường làm việc an toàn và thân thiện cho phụ nữ ở các vị trí quản lý cấp cao, cho các nữ giảng viên và nữ nhân viên, cũng như đẩy mạnh công tác sinh viên với đội ngũ nhân viên có trình độ và nguồn lực đầy đủ, là những biện pháp cần được các tổ chức giáo dục và chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, các phòng công tác sinh viên và văn phòng về các vấn đề giới tính cũng cần nỗ lực thay đổi, dù thiếu vắng những cam kết thực sự từ cấp cao hơn, và điều kiện hiện tại còn khó khăn.