Ellen Hazelkorn là Giáo sư đã nghỉ hưu và là Giám đốc của bộ phận Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học (HEPRU), đồng thời là Nhà tư vấn chính sách giáo dục của BH Associates, Ireland. E-mail: ellen.hazelkorn@dit.ie và info@bhassociates.eu.
Đầu năm 2018, phiên tòa xử tội danh cưỡng hiếp liên quan đến một phụ nữ trẻ – khi sự việc xảy ra mới 19 tuổi – và hai cầu thủ bóng bầu dục Ireland nổi tiếng đã thu hút nhiều sự chú ý đến hòn đảo Ireland. Không giống như các phiên tòa tương tự ở Cộng hòa Ireland, các vụ cưỡng hiếp ở Bắc Ireland thuộc quyền tài phán pháp lý của Vương quốc Anh. Do đó, không chỉ danh tính của bị cáo được tiết lộ, mà cả các chi tiết tình dục cũng được lên báo hàng ngày. Danh tính của người phụ nữ được giấu kín, nhưng người ta nhanh chóng xác định được cô ta là ai và các phương tiện truyền thông xã hội đã hoạt động hết công suất. Sau 9 tuần, hai người đàn ông và bạn bè của họ đều được tha bổng. Như các nhà bình luận phát biểu, đó là một tòa án của pháp luật nơi mà tội lỗi cần phải được chứng minh chứ không chỉ dựa trên nghi ngờ hợp lý, và đó không phải là tòa án về đạo đức hay hành vi lỗ mãng.
Đó là thời khắc ảm đạm với phong trào #MeToo. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức, từ khóa #IBelieveHer có xu hướng dành vị trí số một, và Trung tâm Khủng hoảng Cưỡng bức Dublin báo cáo sự gia tăng số lượng các cuộc gọi. Sự phẫn nộ của công chúng đối lập với thái độ khoan dung thường thấy khi liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục và phân biệt giới tính.
Quấy rối tình dục trong các tổ chức giáo dục
Quấy rối tình dục trong các trường đại học ít được chú ý hơn, mặc dù các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến sự cần thiết giải quyết “vấn nạn” nhân viên quấy rối sinh viên và sinh viên quấy rối sinh viên. Cuộc khảo sát năm 2017 do tờ The Guardian (ngày 6 tháng 3 năm 2017) tiến hành cho thấy từ năm 2011 đến 2017 có ít nhất 169 trường hợp sinh viên Anh cáo buộc nhân viên trường đại học có các hành vi tình dục sai trái. Và có ít nhất 127 trường hợp nhân viên than phiền bị đồng nghiệp quấy rối.
Theo báo cáo của các trường đại học của Vương quốc Anh, vấn nạn sinh viên quấy rối sinh viên được ngăn chặn hiệu quả nhất khi những sinh viên khóa trên hoạt động tích cực, nhưng ít hiệu quả trong việc giải quyết các trường hợp bạo hành, quấy rối do thù ghét và hành vi tình dục sai trái của nhân viên đối với sinh viên. Cũng đưa ra những đánh giá chung tương tự, nghiên cứu của Liên minh Sinh viên Quốc gia (NUS) tập trung sự chú ý vào các mối quan hệ quyền lực bên trong khối học thuật và đặc biệt là hành vi tình dục sai trái của nhân viên đối với sinh viên.
Bắt nạt và quấy rối, bao gồm cả quấy rối tình dục, cũng là vấn nạn trong các tổ chức giáo dục của Ireland. Các trường đại học đều có nội quy riêng, nhưng quan điểm chung vẫn coi sinh viên là những người đã trưởng thành và phải chịu trách nhiệm về hành động của chính họ – điều này cho phép trường đại học thoát khỏi trách nhiệm. Những nội quy này, áp dụng cả với nhân viên, cấm quấy rối tình dục, bạo hành, bắt nạt, gian lận thi cử hoặc đạo văn và hút thuốc trong trường. Trong các trường hợp vi phạm nặng, sinh viên có thể bị đuổi học. Trong năm 2017, tờ The Irish Times (6/11/2017) đã ghi nhận một số khiếu nại liên quan đến sinh viên, phần lớn những người bị cáo buộc là nam giới.
Vấn nạn này đã thúc đẩy những cuộc đối thoại rộng rãi hơn trong công chúng về giáo dục giới tính, đặc biệt là xung quanh khái niệm “đồng thuận”. Ở Ireland, Bộ trưởng Giáo dục tuyên bố đang xem xét đưa chương trình giáo dục giới tính (RSE) vào các trường tiểu học và cấp hai. Các trường đại học ở Ireland và Vương quốc Anh quy định sinh viên năm nhất phải được giáo dục khái niệm “đồng thuận”. Hội thảo Giáo dục Khái niệm Đồng thuận của Đại học quốc gia Ireland Galway (NUIG) đặt mục tiêu “giúp bạn khám phá những khía cạnh khác biệt của sự đồng thuận”.
Là một chuyên gia, tôi khá quen thuộc với các trường hợp quấy rối liên quan đến mối quan hệ quyền lực giữa học viên sau đại học và các giảng viên hướng dẫn của họ. Hành vi này ảnh hưởng đến cả sinh viên nam và nữ, nó thường bị bình thường hóa và rất khó theo dõi. Cũng có những trường hợp quấy rối khi văn hóa tranh luận biến thành thứ mà tôi gọi là cưỡng bức bằng lời nói. Các lớp dạy trực tiếp một thầy một trò, như dạy nhạc hay thanh nhạc trong các nhạc viện, hoặc các buổi hướng dẫn sinh viên, nên được tiến hành trong các phòng học có cửa sổ hoặc cửa ra vào phải để mở để bảo vệ tất cả những người có liên quan. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi những tổ chức kép (đào tạo cùng lúc cả bậc đại học và cao đẳng), hoặc dùng chung cơ sở vật chất gộp sinh viên bậc cao đẳng và sinh viên đại học vào một chỗ với mục đích làm phong phú thêm môi trường học tập hoặc chỉ đơn giản là hiệu quả hơn về mặt kinh tế, nhưng mỗi đối tượng lại được hướng dẫn hành vi khác nhau.
Thường người ta rất miễn cưỡng đưa ra xử lý những vụ việc quấy rối, khi mà tính chính trực và hạnh kiểm của ai đó bị nghi ngờ hay triển vọng nghề nghiệp tương lai của họ bị đe dọa, đặc biệt đối với phụ nữ. Mặc dù vẫn luôn xảy ra những sự vụ riêng lẻ, ở châu Âu nạn quấy rối tình dục trong các trường đại học chậm thu hút sự chú ý hơn so với ở Hoa Kỳ. Cuối cùng là việc thiếu nghiên cứu, cùng với sự thiếu hiểu biết, điều này có nghĩa là quy mô của vấn nạn này chưa được biết rõ, và thiếu các hướng dẫn cơ bản trong các trường đại học. Định nghĩa hẹp về sự xuất sắc cũng góp phần định hình văn hóa và hành vi trong các tổ chức học thuật.
Khoảng cách thu nhập giữa hai giới
Thăng tiến và thu nhập là một vấn đề khác. Là một trong số ít phụ nữ nắm giữ chức vụ phó chủ tịch đại học ở Ireland trong 20 năm qua, tôi có thể chứng thực rằng những thay đổi diễn ra rất chậm. Thực tế cho thấy, trong sự nghiệp học thuật điển hình, nấc thang càng cao thì càng có ít các đại diện phụ nữ. Dữ liệu là không thể chối cãi.
Hàng năm EU công bố số liệu của SHE Figures – Ủy ban châu Âu theo dõi khía cạnh giới tính trong nghiên cứu và đổi mới trong toàn Liên minh châu Âu. Năm 2002, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp bậc học sau phổ thông trung học (tertiary) là tương tự cho cả hai giới, tuy nhiên tỷ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp đã tăng gần gấp đôi trong thời gian qua. Trong năm 2016, khoảng cách giới tính trong Liên minh châu Âu, có nghĩa là tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 30–34 đã tốt nghiệp bậc học sau phổ thông trung học, nhiều hơn nam giới 9.5%, với số lượng phụ nữ vượt trội hơn nam giới ở hầu hết các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn 16% so với nam giới. Chỉ 20% trong số những người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học châu Âu là phụ nữ. Năm 2013, phụ nữ chiếm 21% trong tổng số các nhà nghiên cứu hàng đầu, tăng rất ít từ sau năm 2010. Trong số các nhà lãnh đạo khoa học và quản trị, phụ nữ chỉ chiếm 22% và chỉ 28% thành viên các hội đồng quản trị là nữ. Sự khác biệt lớn nhất là ở cấp giáo sư, hầu hết các trường đại học ở các nước EU không có nữ giáo sư.
Bắt nạt và quấy rối, bao gồm cả quấy rối tình dục, cũng là vấn nạn trong các tổ chức giáo dục của Ireland |
Gần đây, khi số liệu năm 2018 được công bố, vấn đề chênh lệch trong thu nhập giữa hai giới đã trở thành các tiêu đề báo chí ở Vương quốc Anh. Những bài báo này đề cập đến sự khác biệt giữa thu nhập trung bình của nam giới và phụ nữ với thu nhập của nam giới cao hơn. Mặc dù số liệu không cho chúng ta biết thêm điều gì mới – rằng nam giới thống trị các vị trí có thu nhập cao nhất – kết quả vẫn thật ấn tượng. Khác biệt trong thu nhập trung bình toàn quốc giữa hai giới là 9,8%, nhưng trong các trường đại học là 18,4%. Có hai trường đại học trong đó thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn 37,7% so với nam giới. Theo báo cáo của BBC, trong số các trường thuộc nhóm Russell uy tín, Đại học Durham là tệ nhất với khoảng cách thu nhập là 29,3%.
Tại Ireland, Cơ quan Giáo dục Đại học (HEA) công bố Đánh giá Quốc gia về Bình đẳng giới trong các tổ chức giáo dục đại học Ireland (2016), trong đó đưa ra các khuyến nghị khác nhau. Cho đến nay Ireland chưa có bất kỳ một nữ chủ tịch nào tính từ khi trường đại học đầu tiên được thành lập 426 năm trước, và hiện tại chỉ có hai nữ chủ tịch cấp viện thuộc lĩnh vực công nghệ. Trong các ngành học khác nhau khoảng cách thu nhập trung bình cũng khác nhau; chênh lệch lớn nhất là trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y học (STEMM). Việc xem xét bổ nhiệm giáo sư luôn gặp phải sự phản đối kịch liệt nếu ứng cử viên là nữ; năm 2009 đánh dấu một sự kiện bước ngoặt khi Hội đồng Bình đẳng giới trao giải thưởng cho một phụ nữ ở Đại học Quốc gia Ireland (NUIG).
Tuy nhiên, Ireland cũng là một ví dụ về việc chính sách và tài trợ định hình hành vi. Hiến chương Athena SWAN được công nhận tại Vương quốc Anh vào năm 2005 để khuyến khích và công nhận những trường đại học cam kết thúc đẩy sự nghiệp của phụ nữ trong các ngành STEMM. Hiến chương này được thông qua ở Ireland và được mở rộng đến tất cả các ngành học. Có ba mức giải thưởng, giải Đồng là “mức nhập môn”, chứng nhận các tổ chức cam kết tuân thủ 10 nguyên tắc chính, và yêu cầu trường cung cấp một bản tự phân tích đánh giá và kế hoạch hành động. Đáng chú ý nhất, ba hội đồng tài trợ nghiên cứu của Ireland đều đặt ra điều kiện để các đại học được nhận tài trợ nghiên cứu là đạt được giải Đồng vào năm 2019, và giải Bạc vào năm 2023.
Kết quả là, tất cả các trường đại học đều tích cực xem xét bổ nhiệm một nữ Phó Chủ tịch để tạo sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập, và bổ nhiệm thêm nữ vào các vị trí quản lý cấp cao. Ireland đưa ra những chương trình đào tạo nhằm xóa bỏ thành kiến giới tính vô thức, và đây là chương trình bắt buộc đối với các quản lý cấp cao. Nhưng mọi việc tiến triển rất chậm. Có thể sẽ phải mất nhiều thập kỷ để đạt được tỷ lệ cân bằng giới tính được khuyến nghị là 40%. Do đó, người ta bắt đầu bàn đến việc đặt ra hạn ngạch. Kết luận rút ra là không gì thúc đẩy các tổ chức vận động nhanh như tiền. Tôi cảm thấy thất vọng về việc các trường đại học bổ nhiệm phụ nữ đơn giản chỉ vì các quy định mới –điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ khi bổ nhiệm nam giới.