Phong trào #MeToo như một thời điểm học tập toàn cầu

Joanna Regulska là Nhà nghiên cứu về giới tính, tính dục và phụ nữ, và là Phó giám đốc và Phó Hiệu trưởng, Global Affairs, Đại học California, Davis, Hoa Kỳ. E-mail: jregulska@ucdavis.edu.

Hầu hết phụ nữ trên khắp thế giới từng bị quấy rối tình dục, bị tấn công và bạo hành, hoặc đôi khi bị đẩy vào một mối quan hệ mà họ cảm thấy là không đúng đắn. Họ đã trải qua khoảnh khắc “giống nhau”, nhưng đối với mỗi người, khoảnh khắc đó là khác nhau. Đối với một số thì đó là khoảnh khắc “à, hóa ra là thế”; với một số khác đó là nỗi đau về tình cảm và thể chất, đôi khi không thể chịu nổi, kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đối với những người khác nữa khoảnh khắc đó phải được chôn sâu. Không thể nói ra vì bối cảnh văn hóa và chính trị của sự việc, nó có thể được nhận dạng nhưng bị tước đi sức mạnh có được từ việc gọi đúng tên. Chọn thời điểm nào để lên tiếng và thừa nhận tùy thuộc vào độ tuổi, khuynh hướng tình dục, tình trạng chuyển giới, chủng tộc, dân tộc, vị trí kinh tế xã hội, tôn giáo; và tùy thuộc vào các trải nghiệm văn hóa rộng hơn và nhiều kinh nghiệm khác hình thành trong hiện tại và quá khứ.

Bài viết này đặt phong trào #MeToo trong bối cảnh học tập toàn cầu. Bản chất toàn cầu của quấy rối tình dục, tấn công và bạo lực đối với phụ nữ đã được chỉ ra, nhưng cũng từ kinh nghiệm của những phụ nữ đó, chúng ta, trong vai trò các nhà giáo dục quốc tế có trách nhiệm gì? Bằng cách nào chúng ta nên biến những kinh nghiệm cá nhân này thành một nỗ lực rộng lớn hơn để cung cấp cho sinh viên sự hiểu biết mang tính toàn cầu và quốc tế? Nên khai thác các phong trào toàn cầu này như thế nào để nâng cao nhận thức văn hóa và liên văn hóa? Làm gì để khuyến khích sinh viên, giảng viên, cán bộ nhà trường tham gia khám phá những không gian trải nghiệm đầy cảm xúc, sợ hãi và đau đớn, nhưng đồng thời là những thực tế văn hóa vô cùng đa dạng, đến mức có thể gây ra sự lầm lẫn?

Sự phức tạp của thời điểm

Đây là một thời điểm mạnh mẽ nhưng cũng rất phức tạp. Mạnh mẽ vì nó gây tiếng vang với phụ nữ trên toàn thế giới và do đó tạo ra cơ hội cho những cuộc đối thoại ở các vùng khác nhau và với những người đại diện cho những trải nghiệm và quan điểm văn hóa khác nhau: đây chính là cơ hội học tập toàn cầu ở trong nước và ở nước ngoài. Giống như khi du lịch đến các quốc gia khác nhau, tôi cũng phải nghe những lời từ chối, xua đuổi và chỉ trích công khai. #MeToo không cộng hưởng với tất cả mọi người; đối với nhiều người nó được xem là một đặc quyền không dành cho những phụ nữ sống dưới mức nghèo khổ hoặc ở các nước bị chiến tranh tàn phá.

Đây là một thời điểm thu hút sự chú ý bởi phụ nữ đang xác định thế nào là quấy rối tình dục, bạo lực và hành hung. Những trải nghiệm sống ảnh hưởng thế nào đến sự hiểu biết về cơ thể hoặc vị trí của họ trong xã hội rộng lớn hơn? Nhưng đây cũng là một thời điểm phức tạp vì chúng ta buộc phải thừa nhận rằng nó được hình thành bởi bối cảnh văn hóa địa phương, khung cảnh chính trị, các thể chế mạnh mẽ, đẳng cấp, đặc quyền chủng tộc và sắc tộc, tính dị biệt và những áp lực khác từ phía các mạng lưới quyền lực và thống trị.

Các hệ thống phân cấp quyền lực theo giới tính

Nhiều nghiên cứu, bài báo, văn bản hướng dẫn pháp lý, hội nghị và hội thảo đã cố gắng định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục, là tấn công hoặc bạo hành đối với phụ nữ. Phụ nữ đã nói, đã viết, đã chứng minh và ra làm chứng, nhưng vẫn còn nhiều định nghĩa và phần lớn khung pháp lý hiện hành là do nam giới viết ra và do nam giới quyết định. Nam giới chi phối các tôn giáo đang thống trị, lập pháp và kiểm soát phần lớn các thực hành văn hóa. Nam giới chi phối hầu hết các cơ quan lập pháp và điều hành. Ngành nghề pháp lý chủ yếu cũng do nam giới kiểm soát. Các tập tục gia trưởng tạo thành các chuẩn mực.

Sự vô hình của tính đa dạng

Trong khi tìm kiếm tiếng nói và hành động, điều quan trọng nhất là chúng ta cần thừa nhận sự đa dạng. Phụ nữ khác nhau theo nhiều cách thức, màu da, sắc tộc, khuynh hướng tình dục, tình trạng chuyển giới, lứa tuổi, tín ngưỡng văn hóa và/hoặc trạng thái kinh tế. Ngoài ra, một số phụ nữ dễ bị tổn thương hơn những người khác nếu họ cùng lúc hội tụ nhiều dấu hiệu nhận dạng kể trên.Tất cả các biến thể này đòi hỏi tiếng nói của họ phải được lắng nghe, thừa nhận và được tính đến.

Đây là một thời điểm thu hút sự chú ý bởi phụ nữ đang xác định thế nào là quấy rối tình dục, bạo lực và hành hung.

Sự đa dạng vẫn là một điểm yếu của #MeToo, và cũng là của giáo dục quốc tế. Chúng ta thường nói về sinh viên như các nhóm – sinh viên nhập cư, sinh viên quốc tế, sinh viên thế hệ đầu tiên, sinh viên chuyển tiếp – và chúng ta làm như vậy mà không để tâm đến một điều, rằng tên gọi của mỗi nhóm đang cho chúng ta biết về danh tính của sinh viên, về những trải nghiệm và cuộc sống của họ. Thường thì cách phân chia sinh viên thành các nhóm có quy mô lớn dễ dẫn đến sự thiếu hiểu biết sâu sắc rằng quấy rối tình dục hoặc hãm hiếp có ý nghĩa khác nhau trong bối cảnh văn hóa và quốc gia khác nhau; những gì một số cho là một hành động tội phạm thì với những người khác chỉ là một sự cố hàng ngày.

Thông thường, chúng ta chỉ tập trung vào sinh viên, trong khi giảng viên và nhân viên dường như bị gạt sang một bên. Chúng ta cần nhìn nhận rằng cả nam giới nhiều khi cũng bị bạo hành do màu da, khuynh hướng tình dục, tình trạng chuyển giới hoặc tầng lớp xã hội của họ. Là các nhà giáo dục quốc tế, chúng ta có trách nhiệm làm việc với những người khác, trong cùng cơ sở, để nuôi dưỡng bầu không khí thân thiện hòa hợp với tất cả mọi người.

Các nhà giáo dục quốc tế là người hướng dẫn các cuộc hội thoại toàn cầu

Ngày nay, khi phụ nữ dựa vào kinh nghiệm của mình để xác định thế nào là quấy rối, bạo hành và/hoặc tấn công tình dục, thì chúng ta – các nhà giáo dục quốc tế – cần hiểu thời điểm này có ý nghĩa gì đối với các trường đại học và chiến lược tiếp cận quốc tế. Để quốc tế hóa trở thành phổ biến và toàn diện, ngoài việc thiết kế những chính sách và chương trình phù hợp, chúng ta cần tập trung tạo ra các không gian thuận lợi cho việc học tập liên văn hóa, cho các cuộc hội thoại được thông tin toàn cầu, và tạo ra những không gian trong đó những trải nghiệm khác biệt và sự đa dạng được thừa nhận.

Chúng ta nghe được điều gì từ phụ nữ – bao gồm sinh viên, giảng viên và nhân viên – và làm thế nào để biến những tiếng nói này thành một thời điểm học tập và giảng dạy mạnh mẽ? Làm thế nào để các nền văn hóa của chính chúng ta – hình thành trên nền tảng xã hội, chính trị, kinh tế – được thừa nhận, để chúng ta có thể đối mặt và học hỏi từ thời điểm này, để hiểu rõ hơn những quan điểm hoặc niềm tin khác nhau? Liệu các tổ chức và các chuyên gia quốc tế cao cấp có sẵn sàng lên tiếng và nắm lấy thời điểm này không? Làm thế nào để chúng ta có thể tự nhìn lại bản thân và nhận ra rằng các nhà quản trị giáo dục quốc tế sẽ đại diện cho những quan điểm khác nhau? Những câu hỏi này không mới, nhưng rất nhiều trong số đó vẫn đang chờ được trả lời. Phong trào #MeToo ra đời vào năm 2006 nhưng chỉ đến năm 2017 mới được nghe thấy và được công nhận.

Những thách thức còn lại

Nhiều sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên ngày nay ý thức mạnh mẽ về việc thể hiện cá tính và những phức tạp của danh tính. Đây không phải những khác biệt nhỏ trong bản sắc. Khi xem xét lại các chiến lược quốc tế hóa, chúng ta cần được trao quyền bởi sự đa dạng và sự khác biệt xung quanh. Là những nhà giáo dục quốc tế, chúng ta có nhiều công cụ sẵn có để khiến điều đó xảy ra: học tập xa hơn và học tập ở nước ngoài; cơ hội giảng dạy chung với các đối tác ở các quốc gia khác nhau; các hội thảo ngắn hạn, hội thảo tập trung vào chủ đề; hợp tác nghiên cứu và thực tập với các tổ chức phi chính phủ; các cộng đồng sống và học tập; các chủ đề hàng năm thu hút toàn bộ trường đại học tham gia đối thoại; trao đổi nhân viên, chương trình lãnh đạo toàn cầu của sinh viên; và nhiều nữa. Trong những bối cảnh như vậy, việc khám phá ý nghĩa của những thuật ngữ, cụm từ, hành động, chính sách, chiến lược khác nhau và những thực hành hàng ngày sẽ mang lại cho sinh viên cơ hội và kinh nghiệm để có thể tham gia vào những cuộc đối thoại rộng hơn và căn bản hơn; chúng ta cần sử dụng mọi công cụ mà chúng ta đang có.

Để phát triển các chiến lược mới, tập thể các nhà giáo dục quốc tế phải nhận thức được, hiểu biết và cam kết lắng nghe, học hỏi và tham gia vào các cuộc đối thoại đa văn hóa toàn cầu và cả đối thoại văn hóa địa phương, thông qua các hoạt động giao lưu giữa các trường. Điều cốt yếu là chúng ta, những nhà giáo dục quốc tế, phải hình thành được ý thức mình là người trong cuộc, bất kể những khác biệt về định kiến, tín ngưỡng và lối sống.