Chống tham nhũng trong học thuật: đảm bảo chất lượng và kiểm định

Judith S. Eaton là Chủ tịch của Hội đồng Kiểm định Giáo dục đại học Hoa Kỳ. E-mail: eaton@chea.org.

Năm 2016, Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học/Tổ chức Chất lượng Quốc tế (CHEA/CIQG) ban hành Tuyên bố tham vấn về thực tiễn hành vi quốc tế hiệu quả: Chống tham nhũng và nâng cao liêm chính nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng đảm bảo chất lượng và kiểm định về vấn đề tham nhũng học thuật. Tự định vị mình là “một lời kêu gọi thức tỉnh cho giáo dục đại học trên toàn thế giới – đặc biệt đối với các cơ quan đảm bảo chất lượng… ở cả các nước phát triển và đang phát triển… để thách thức và khắc phục những hành vi tham nhũng”, Tuyên bố tham vấn này đã đem lại cơ hội nêu lên và đề xuất các giải pháp cho chủ đề quan trọng này.

    Nhưng để hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định – phương tiện chủ yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên toàn thế giới – có vai trò sáng tạo và xây dựng hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng là một điều không dễ. Ngay cả việc thiết lập ranh giới giữa những khái niệm cũng là một thách thức lớn. “Tham nhũng học thuật” trong giáo dục đại học rất phức tạp và có thể bao gồm nhiều hành vi, từ hối lộ, gian lận đến tống tiền và nhiều thứ khác nữa, tùy thuộc vào việc lựa chọn sử dụng định nghĩa về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, của các từ điển tin cậy khác, hoặc chấp nhận một định nghĩa vận hành (được đưa ra bởi tổ chức Tuyên bố tham vấn và ETICO của UNESCO, một nền tảng tài nguyên dựa trên web về các vấn đề đạo đức và tham nhũng trong giáo dục).

Các vấn đề trọng tâm

Trong thời gian tới, cộng đồng đảm bảo chất lượng/kiểm định chất lượng cần xem xét ba vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, chúng ta có khuynh hướng chống tham nhũng thông qua cách thức duy trì sự liêm chính trong học thuật. Sẽ rất hữu ích nếu đặt câu hỏi liệu nâng cao tính liêm chính trong học thuật và chống tham nhũng có sử dụng cùng một loại công cụ không. Có thể cho rằng đó là hai nhiệm vụ khác nhau. Thứ hai, có thể chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của tham nhũng trong đời sống của các trường đại học và chương trình giáo dục. Có lẽ chúng ta cần công cụ để nâng cao nhận thức này. Thứ ba, để chống tham nhũng thành công, chúng ta cần thêm các phương tiện để hiểu và ứng xử trước các quan niệm khác nhau – do khác biệt văn hóa, về những gì được coi và không được coi là “tham nhũng” ở các nước khác nhau trên thế giới.

    Đồng nhất vai trò chống tham nhũng của đảm bảo/kiểm định chất lượng với duy trì sự liêm chính trong học thuật dẫn đến niềm tin chúng ta đã và đang chống tham nhũng và cũng không còn nhiều việc cần làm. Chúng ta trưng ra cam kết đáng khen của mình, với các tiêu chuẩn và chính sách đảm bảo/kiểm định chất lượng yêu cầu các trường và các chương trình giáo dục chứng minh rằng họ ủng hộ và thực hiện các bước để tăng cường tính liêm chính. Trong đó bao gồm những tiêu chuẩn và chính sách khuyến khích, ví dụ như sự trung thực trong công việc với sinh viên và công chúng, cam kết với các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu, và sự minh bạch hoàn toàn trong hoạt động kinh doanh của các trường cao đẳng hoặc đại học.

    Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và chính sách hiện nay có đầy đủ không? Phải chăng các biện pháp chống tham nhũng vẫn không nhiều như các biện pháp khuyến khích giảng viên và các nhà quản lý đảm bảo tính liêm chính trong học thuật? Đã có những hoạt động nào, ví dụ như đảm bảo rằng sinh viên hoặc giảng viên không đạo văn – ngoài việc kêu gọi sự trung thực trong các bài tập, nghiên cứu và bài viết, hoặc các hành động quan trọng tương tự? Đã có những biện pháp nào được thực hiện nhằm ngăn ngừa việc sử dụng công nghệ hiện đại để giả mạo bảng điểm hoặc các chứng chỉ khác, ngoài những tuyên bố rằng các thực tiễn như vậy không nên xảy ra? Cần có những biện pháp nào để ngăn chặn việc mua bán điểm số hoặc kết quả tuyển sinh, ngoài việc lên án các thực tiễn như vậy? Những mong muốn và những lời hô hào liên quan đến sự liêm chính trong học thuật là rất quan trọng, nhưng chúng không thể thay thế các hành động cần thiết để chống tham nhũng được đề xuất trong Bản Tuyên bố Tham vấn.

    Một số thành viên trong cộng đồng đảm bảo/kiểm định chất lượng, khi trả lời câu hỏi về tăng cường nhận thức tầm quan trọng của công cuộc chống tham nhũng, đã nói rằng điều này không cần thiết – đối với họ tham nhũng vẫn chưa trở thành vấn đề quan trọng. Trong quá trình kiểm tra và đánh giá các tổ chức hoặc chương trình giáo dục, họ hiếm khi bắt gặp hiện tượng tham nhũng. Vì sao họ phải sử dụng nguồn lực hạn chế của mình để giải quyết vấn đề này, trong khi thiếu vắng bằng chứng ban đầu về tham nhũng? Và trong những trường hợp hiếm hoi chạm trán với tham nhũng, họ cho rằng cộng đồng đảm bảo/kiểm định chất lượng không phải là người chịu trách nhiệm chính, mà là những chủ thể khác, không đúng vậy sao? Tham nhũng, ngay cả tham nhũng học thuật, là vấn đề của chính phủ, của hành pháp, hoặc của tòa án.

Khi nói đến tham nhũng học thuật, sẽ là không đủ nếu chỉ diễn giải các nguyên tắc chung ở mức tổng quát để tất cả chúng ta có thể hiểu được, và khái quát mọi biến thể thực tiễn đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới.

    Thật khó khăn khi phải thừa nhận rằng, dù nền giáo dục đại học của một quốc gia bất kỳ có mạnh đến mấy thì tham nhũng vẫn có thể xảy ra và chúng ta cần hành động. Liệu chúng ta đang coi việc tìm kiếm các hành vi tham nhũng là một phần của quá trình thẩm định ngang hàng (peer review) hay của quá trình cải tiến? Có hay không tập hợp các chỉ số hoặc cảnh báo để giám sát, phát hiện tham nhũng? Có danh mục những việc cần làm để “chống tham nhũng” không? Những dấu hiệu nào cho phép những người thẩm định phát hiện tham nhũng? Vâng, đây không phải là chủ đề dễ chịu nhất, nhưng cũng hoàn toàn không dễ chịu nếu các cơ quan chức năng lại phát hiện ra hành vi tham nhũng ở một trường cao đẳng hoặc đại học vừa mới được các tổ chức kiểm định chất lượng chứng nhận là đáp ứng được các kỳ vọng về tính liêm chính trong học thuật.

    Do khác biệt văn hoá, ở những quốc gia khác nhau những hành vi bị xem là “tham nhũng” cũng rất khác nhau. Ví dụ, đạo văn được chấp nhận ở một số xã hội này nhưng không được ở những xã hội khác. Chủ nghĩa gia đình trị là thích hợp trong một số quốc gia nhưng không phải đối với những quốc gia khác. Việc mua bán bằng cấp hoặc tín chỉ học thuật hoặc điểm thi vào đại học bị coi là tham nhũng ở một số quốc gia. Ở những quốc gia khác, những thực tiễn như vậy bị coi là xấu nhưng cần thiết. Trong khi các nhà lãnh đạo về đảm bảo/kiểm định chất lượng sẵn sàng nhất trí về những thực tiễn chung trong nhiều lĩnh vực – như vai trò hàng đầu của trường đại học trong học thuật, tầm quan trọng của học bổng và nghiên cứu, cam kết với sinh viên trong suốt quá trình học đại học – thì do những khác biệt văn hóa như vậy, thống nhất cách nhìn nhận thế nào là tham nhũng khó hơn nhiều.

Làm gì để thúc đẩy hoạt động chống tham nhũng

Khi nói đến tham nhũng học thuật, sẽ là không đủ nếu chỉ diễn giải các nguyên tắc chung ở mức tổng quát để tất cả chúng ta đều hiểu được, và khái quát mọi biến thể thực tiễn đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới.Thực tiễn chung này là hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề về đảm bảo chất lượng, nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế. Ngoài việc chú trọng tính liêm chính trong học thuật, chúng ta có thể tăng cường hoạt động chống tham nhũng bằng cách bổ sung các tiêu chuẩn và chính sách bảo đảm/kiểm định chất lượng tập trung vào tham nhũng. Chúng ta cần đào tạo bổ sung để mở rộng việc giám sát hiệu quả nhằm phát hiện tham nhũng trong các trường cao đẳng hoặc đại học như một phần của việc đánh giá chất lượng liên tục. Chúng ta có thể lập bản đồ sự biến thiên của những gì được coi hoặc không được coi là tham nhũng ở các quốc gia khác nhau. Tham nhũng trong học thuật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, gây tổn hại cho sinh viên, người lao động và công chúng – và phá hoại tính hợp pháp của giáo dục đại học.

    Tham nhũng học thuật là một lĩnh vực không dễ chịu cho đảm bảo chất lượng. Chúng ta cần dành nhiều thời gian và chấp nhận sự khó chịu này như một phần của việc thiết lập vai trò dẫn dắt cần thiết để giải quyết vấn đề tham nhũng một cách toàn diện. Thúc đẩy thực hiện các đề xuất trong bài viết này có thể là một phần hưởng ứng tích cực lời kêu gọi cảnh tỉnh của Tuyên bố Tham vấn.