Hội nghị giả mạo: hiện tượng ăn thịt đồng loại trong học thuật

James McCrostie là Giáo sư Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Daito Bunka, Tokyo, Nhật Bản. E-mail: jamesm@ic.daito.ac.jp.

Xuất hiện trong lĩnh vực học thuật chưa đầy 20 năm trước, hội nghị giả mạo (predatogy conference) ngày nay còn nhiều hơn hội nghị hợp pháp do các tổ chức học thuật tổ chức. Giờ đây, tháng nào trong năm người ta cũng có thể tham dự các hội nghị giả mạo gần như ở bất kỳ thành phố lớn nào, từ Tokyo đến Toronto, từ Sydney đến Helsinki. Cạnh tranh giữa các công ty học thuật giả mạo đã trở nên khốc liệt đến nỗi các thành phố nhỏ hơn cũng trở thành mục tiêu hướng tới. Thậm chí còn xuất hiện các trang web hội nghị dành riêng để quảng bá cho các sự kiện giả mạo. Vô số các hội nghị giả mạo, đôi khi còn được gọi là hội nghị đáng ngờ, kết hợp với sự ngụy tạo tinh vi ngày càng tăng của các công ty tổ chức, dẫn đến tình trạng là bất kỳ hội nghị học thuật nào cũng nên bị coi là giả mạo cho đến khi được làm rõ là không phải.

Hội nghị giả mạo là gì?

Đơn vị tổ chức bị coi là “giả mạo” khi có ba biểu hiện sau: thường tổ chức những hội nghị có chất lượng học thuật thấp với mục đích chính là thu tiền – không tài trợ cho các báo cáo; bình duyệt báo cáo không thực sự hiệu quả, cho phép trả tiền để được báo cáo; ban tổ chức sử dụng các hình thức lừa dối, phổ biến nhất là tuyên bố sai sự thật về bình duyệt, che giấu vị trí thực của trụ sở công ty và che giấu bản chất vì lợi nhuận của công ty.

    Trừ vài trường hợp ngoại lệ, bài báo này sẽ tránh nêu tên các nhà tổ chức hội nghị giả mạo vì hai lý do. Thứ nhất, nhiều công ty theo dõi sát những gì viết về họ và nhanh chóng thay đổi diện mạo trang web của họ trong nỗ lực tránh bị gán nhãn giả mạo. Thứ hai, các công ty thường xuyên đổi tên hoặc đổi tên các hội nghị của họ. Ví dụ OMICS International – hiện đang bị Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc về lừa dối thương mại – tổ chức các hội nghị dưới ít nhất bốn tên gọi khác nhau, bao gồm Conference Series, Pulsus Group, EuroSciCon và Life Science Events.

    Một số nhà tổ chức hội nghị giả mạo thường bắt đầu hoạt động như các nhà xuất bản giả mạo và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tổ chức hội nghị. Những kẻ khác chỉ tập trung vào tổ chức hội nghị, mặc dù họ cũng có thể chuyển các báo cáo cho các nhà xuất bản giả mạo. Các giảng viên đại học sở hữu một số công ty tổ chức hội nghị giả mạo và tìm cách thuyết phục các học giả khác tham gia vào ban tổ chức của họ. Rất nhiều – nhưng không có nghĩa là tất cả – các công ty giả mạo có trụ sở tại châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Malaysia và Đài Loan. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển hơn như Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cũng có nhiều công ty hội nghị giả mạo.

Sự nguy hiểm

Khá nhiều học giả cho rằng các hội nghị giả mạo không đáng lo ngại, đặc biệt nếu như đối với lĩnh vực nghiên cứu của họ các báo cáo hội nghị hoặc bài in kỷ yếu không quan trọng bằng các ấn phẩm đăng tạp chí. Tuy nhiên, các hội nghị giả mạo đe doạ nền móng của tòa tháp ngà học thuật. Không tiến hành bình duyệt thực sự, họ cho phép bất cứ ai cũng có thể trình bày và công bố các bài nghiên cứu nghèo nàn, các công trình ăn cắp hoặc giả mạo. Tại các hội nghị giả mạo, chúng ta nghe các báo cáo về việc Liên Hợp Quốc đã tạo ra AIDS để giảm dân số thế giới, và không tồn tại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Một số nhà tổ chức hội nghị giả mạo thường bắt đầu hoạt động như các nhà xuất bản giả mạo và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tổ chức hội nghị.

    Hội nghị giả mạo thường kết hợp nhiều hội nghị với nhau trong một phòng hội nghị tại khách sạn, buộc người tham dự phải nghe thuyết trình về các chủ đề ngoài lĩnh vực của họ, những học giả có thiện chí, nhưng không biết gì bị lừa gạt tham gia, lãng phí cả tiền bạc và thời gian nghiên cứu. Những nỗ lực trung thực của họ cũng có thể bị vấy bẩn khi xuất hiện cùng với các báo cáo vô nghĩa trong các kỷ yếu hội nghị. Xa hơn nữa, khi các nhà tổ chức hội nghị giả mạo đã lớn mạnh hơn, họ mua các nhà xuất bản và công ty tổ chức hội nghị hợp pháp, làm mờ ranh giới giữa giả mạo và hợp pháp. Những cộng đồng học giả đang phải trông cậy vào hội nghị hàng năm của họ để gây quỹ cũng thấy phải cạnh tranh với số lượng ngày càng tăng của các hội nghị giả mạo.

Kẻ thù là chính chúng ta

Lý do chính khiến các hội nghị giả mạo trở thành vấn đề lớn như vậy là bởi các nhà nghiên cứu và các trường đại học hầu như không làm gì để giải quyết vấn đề. Ít hành động được thực hiện để cảnh báo các nhà nghiên cứu hoặc các trường đại học về mối nguy hiểm này, và thậm chí còn ít hơn nữa các biện pháp trừng phạt những người tham gia hoặc giúp tổ chức các sự kiện. Quan điểm cho rằng chỉ những nhà nghiên cứu trẻ hoặc từ các nước đang phát triển mới có thể bị lừa cũng là một lý do cho việc án binh bất động. Trong thực tế, các học giả từ các trường đại học phương Tây thường xuyên có báo cáo và giúp tổ chức các hội nghị giả mạo. Bị lóa mắt bởi sự phấn khích khi được mời trình bày báo cáo chính tại hội nghị, nhiều người đã bỏ qua tín hiệu đỏ cảnh báo trong tiềm thức. Thật không may là những người khác lại chủ định tham gia. Các nhà nghiên cứu ở những quốc gia hoặc những lĩnh vực coi trọng các bài thuyết trình hội nghị đã cố tình sử dụng các hội nghị giả mạo để làm phong phú thêm CV của họ với mục đích giành được công việc và hưởng chính sách khuyến khích của trường đại học. Các nhà tổ chức hội nghị thường liên kết với các nhà xuất bản giả mạo, các báo cáo hội nghị sẽ được chấp thuận xuất bản trong các tạp chí giả mạo với một khoản phí nộp bổ sung. Thật không may, nhiều nhà nghiên cứu coi các cơ hội xuất bản như vậy là một phần thưởng thay vì là một vấn đề.

    Điều đáng lo ngại là trong quá trình nghiên cứu của tôi, hiếm có học giả nào liên quan đến các hội nghị giả mạo lại thừa nhận hành vi sai trái từ phía họ hoặc từ phía ban tổ chức. Ngay cả khi phải đối mặt với các bằng chứng như giả mạo kết quả bình duyệt báo cáo, che giấu các công ty vì lợi nhuận, và đánh cắp danh tính, các nhà nghiên cứu cũng chối bỏ và khẳng định mình không liên quan đến việc này. Trái lại, những nhân viên hiện tại và cựu nhân viên cảm thấy chán ghét những hành động của công ty lại là nguồn thông tin có giá trị nhất về các nhà tổ chức giả mạo.

    Các trường đại học ở các nước phát triển thường xuyên đăng cai tổ chức các hội nghị giả mạo, và việc cho mượn các phòng hội nghị dường như không có bất kỳ rủi ro nào cho danh tiếng của họ. Ví dụ vào cuối tháng 9 năm 2016, tôi đã thông báo cho Clare College thuộc Đại học Cambridge là Hiệp hội Nghiên cứu Hoa Kỳ (ASR) – đơn vị tổ chức hội nghị giả mạo – dự kiến tổ chức Hội nghị Quốc tế về Giáo dục và Công nghệ Thông tin (ICEIT) tại đây vào tháng 3 năm 2017. Dù ASR tuyên bố là một tổ chức phi lợi nhuận, ASR đã được đăng ký là một công ty vì lợi nhuận với trụ sở chính được đặt tại Trung Quốc. Tôi cũng cảnh báo rằng một trong các hội nghị trước đó của tổ chức này đã chấp nhận một báo cáo SCIgen vô nghĩa do máy tính tạo ra và tôi nộp đăng ký, và những người chủ của hiệp hội này có quan hệ với ít nhất tám nhà xuất bản và công ty hội nghị giả mạo khác. Việc buộc ASR phải xóa logo của đại học khỏi trang web hội nghị là hành động mạnh nhất mà quản trị viên hội nghị của trường đã thực hiện. Sau khi bị bêu tên trong một bài báo, tổ chức này đổi tên thành “Hiệp hội các nhà nghiên cứu Châu Á”, và Hội nghị ICEIT tháng 3 năm 2018 dự kiến sẽ được tổ chức tại St. Anne’s College, Đại học Oxford.

    Nhiều nhà nghiên cứu xem các hội nghị giả mạo như cơ hội để chi tiêu quỹ nghiên cứu một cách dễ dàng. Có lý do để rất nhiều hội nghị giả mạo diễn ra tại các địa điểm như Bali, Miami và Hawaii. Sau một bài thuyết trình của tôi tại một hội nghị ở Nhật Bản, một người tham dự phàn nàn với tôi rằng tôi đã mạo hiểm phá hoại bữa tiệc cho tất cả mọi người. Bữa tiệc này là khả năng đi du lịch một nơi nào đó ấm áp khi mùa đông đến với tiền từ quỹ nghiên cứu. Tại các hội nghị giả mạo mà tôi đã tham dự ở Tokyo, tôi thấy hiếm khi người thuyết trình ở lại sau khi kết thúc bài thuyết trình của riêng họ. Đi cùng với các thành viên gia đình, họ mang theo sách hướng dẫn nhiệm vụ thu thập dữ liệu quan trọng tại Tokyo Disneyland.

Những gì có thể làm?

    Không có câu trả lời kỳ diệu nào. Các giảng viên đại học, sinh viên sau đại học và quản trị viên đều cần được nhắc nhở nhiều hơn về sự nguy hiểm của các hội nghị giả mạo. Những ai đã sai lầm và vô tình trình bày tại một hội nghị giả mạo cần phải cảnh báo cho các đồng nghiệp và cộng đồng học thuật. Các trường đại học cần tránh việc đăng cai các hội nghị giả mạo và từ chối việc quảng bá hoặc tài trợ cho các nhà nghiên cứu tham dự các hội nghị này.