Tạo lập các nhà vô địch quốc gia ở Pháp: khi Égalité ít đi, thì Sélectivité có nhiều hơn không?

Ludovic Highman là cộng tác viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Giáo dục Đại học toàn cầu, Institute of Education, University Col­lege London, Anh Quốc. E-mail: l.highman@ucl.ac.uk.

Rất ít trường đại học có thể khẳng định từng có một lịch sử sống động như Đại học Paris đã ngừng hoạt động, sau khi tách ra thành 13 trường đại học tự trị vào năm 1970, sau các sự kiện tháng 5 năm 1968. Hai trường đại học “kế thừa” là Paris-Sorbonne (Paris IV) và trường Đại học Pierre và Marie Curie (Paris VI) đã tuyên bố sẽ thúc đẩy sự hồi sinh từ tro tàn bằng cách sáp nhập và trở thành một trường duy nhất, đa ngành. Sự sáp nhập nên được hiểu trong bối cảnh của Pháp, cũng như trong xu hướng sáp nhập toàn cầu của châu Âu nhằm củng cố hệ thống giáo dục đại học, mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao vị thế của các trường đại học (HEI) trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Hệ thống giáo dục đại học của Pháp có tính chất đặc trưng là không chia bậc, tuy nhiên vẫn mang những yếu tố của hệ thống giáo dục hai bậc, kể từ khi Napoleon thành lập các Grandes Écoles uy tín, chủ yếu là các viện định hướng nghề nghiệp, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật và kinh doanh. Đối lập với sự phân chia hai bậc, nhiều trường đại học trở thành các cơ sở đào tạo chuyên sâu, sau khi trải qua quá trình tái cấu trúc tổ chức từ sau năm 1968 và tách ra theo ngành đào tạo. Việc thống nhất các trường đại học lâu đời được coi là nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ trong những năm gần đây, tiếp theo xu hướng sáp nhập diễn ra ở châu Âu từ năm 2005.

Một trong những vụ sáp nhập này là sự tái sinh của Đại học Sorbonne “cũ”, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng 1 năm 2018. Bảng Xếp hạng các Trường Đại học Thế giới (2018) của tạp chí Times Higher Education (THE) đặt Paris IV ở vị trí 197, và Paris VI xếp thứ 123. Hai trường đại học chuyên ngành này đạt điểm cao hơn trong Bảng xếp hạng theo ngành: trong Bảng xếp hạng Các trường Đại học Thế giới năm 2017 theo Ngành đào tạo của QS, Paris IV đạt vị trí thứ 26 theo các ngành Khoa học nghệ thuật và nhân văn, còn Paris VI đứng thứ 55 theo các ngành khoa học tự nhiên và đứng thứ 94 về khoa học đời sống và y học. Chúng ta có thể mong đợi điều gì từ việc sáp nhập hai trường đại học chuyên ngành hàng đầu này thành một tổ chức đa ngành lớn, khi viện dẫn vào lịch sử và phả hệ học thuật của một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới?

Xu hướng gần đây ở châu Âu

Sáp nhập thường được các chính phủ trình bày như một cách để hợp lý hóa và củng cố các ngành giáo dục đại học, đồng thời giảm sự trùng lắp trong các khóa học và kết quả là giảm được chi phí. Hơn nữa, sáp nhập làm tăng quy mô, đặc biệt là quy mô của các kết quả nghiên cứu và có thể cho phép các trường đại học thể hiện tốt hơn trong bảng xếp hạng toàn cầu. Nghiên cứu của Hiệp hội Đại học châu Âu cho thấy các vụ sáp nhập đã trở nên phổ biến hơn bắt đầu vào năm 2005, sau khi Đan Mạch và Estonia thiết lập xu hướng này. Tại Đan Mạch, số lượng các trường đại học giảm từ 12 xuống còn 8. Tại Estonia, Đại học Tallinn đã sáp nhập 8 cơ sở xung quanh và số trường đại học trong nước giảm từ 41 xuống 29 trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2012.

Sáp nhập và hình thành các nhà vô địch quốc gia

Năm 2008, Pháp theo đuổi chương trình Opération Campus trị giá 5 tỷ euro, nhằm thúc đẩy 12 trung tâm nghiên cứu và giáo dục, sau đó được gọi là Pôles de Recherche et d’Enseignement Supérieur (trung tâm nghiên cứu và giáo dục) hay là PRES. Các trung tâm này ngưng hoạt động vào năm 2013 và được thay thế bởi các Communautés d’Universités et Établissements (cộng đồng các trường đại học và HEI) hoặc COMUE. Cơn xoáy lốc các từ viết tắt tiếng Pháp khó dịch khiến cho những tổ chức này hoặc những ý nghĩa tiềm ẩn của chúng trở nên khó hiểu đối với các nước khác. Năm 2011, những người sáng lập Bảng xếp hạng Học thuật Các trường Đại học Thế giới (Thượng Hải) thông báo cho chính phủ Pháp rằng họ sẽ không chính thức xếp hạng PRES như chính phủ mong đợi. Chỉ các cơ sở giáo dục đại học đã chính thức hợp nhất thành các trường đại học độc lập mới được xem là đủ điều kiện để xếp hạng.

Sáng kiến để trở thành xuất sắc

Từ đó trở đi, chính phủ Pháp khuyến khích hợp nhất, thúc đẩy việc sáp nhập các trường đại học đa ngành, chuyên ngành và Grandes Écoles, đặc biệt là thông qua chương trình Sáng kiến để trở thành xuất sắc (IDEX) đầy tham vọng được khởi xướng vào năm 2010. Chương trình này là một phần của Chương trình Quốc gia Programme d’Investissement d’Avenir (PIA), hay Chương trình Đầu tư cho Tương lai, nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của Pháp. Quyết định phân bổ 7,7 tỷ Euro cho tám nhóm đại học đầu tiên do Chương trình này lựa chọn gây tác động như một cơn bão cấp 5 quét qua hệ thống giáo dục đại học vốn theo chế độ bình quân kiểu truyền thống – chính phủ Pháp thường tránh bất kỳ chính sách phân biệt rõ ràng giữa các trường đại học.

Hai trường đại học này đều là thành viên sáng lập của đại học Sorbonne trong COMUE, được gắn mác IDEX vào năm 2012.

IDEX tạo ra cơn bão thứ hai vào năm 2015. Hai nhóm khác được đề cử vào năm 2016, và một cụm trường đại học cuối cùng gia nhập câu lạc bộ vào năm 2017. Các tổ chức được IDEX lựa chọn phải chịu sự kiểm tra kỹ lưỡng và quá trình sáp nhập được xem xét định kỳ bởi một hội đồng quốc tế có toàn quyền thu hồi danh hiệu. Điều này đã từng xảy ra với một số cụm trường đại học, bao gồm cả Đại học Liên bang Toulouse, vào năm 2016, tạo thành một cơn bão chính trị trong khu vực và buộc Thủ tướng Manuel Valls phải can thiệp và cung cấp một quỹ thay thế, mặc dù ít hơn, để hỗ trợ cho trường.

Kỳ vọng đối với Đại học Sorbonne “Mới”

Việc sáp nhập Paris IV và Paris VI diễn ra trong khuôn khổ chương trình IDEX. Hai trường đại học này đều là thành viên sáng lập của đại học Sorbonne trong COMUE, được gắn mác IDEX vào năm 2012. Các mô hình sáp nhập đa dạng – bao gồm thống nhất các trường đại học trong nước và các vụ sáp nhập diễn ra ở nước ngoài như Manchester (2004) hay Helsinki (2010) – đem đến nhiều lợi ích.

Cụm Đại học Sorbonne “mới” ban đầu gồm ba trường chính đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và y khoa. Tiếp theo, dự kiến rằng Đại học Công nghệ Compiègne, phía bắc Paris, khi tham gia vào liên minh, sẽ mở rộng phạm vi đào tạo của trường sang các ngành kỹ thuật. Cũng có hy vọng rằng Đại học Panthéon-Assas (Paris II), từng là thành viên sáng lập của liên minh, sẽ tham gia lại vào Sorbonne “mới” với tư cách là Trường Luật.

Đại học Sorbonne “mới” có chiến lược thống nhất và toàn diện, xây dựng trên một nền tảng lịch sử lâu đời chỉ Oxbridge ở châu Âu mới sánh ngang được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Quản lý một siêu đại học với gần 60.000 sinh viên, trong đó 18% là sinh viên nước ngoài, 7700 giáo sư và nghiên cứu viên, 45 chủ nhiệm chương trình nghiên cứu do công nghiệp tài trợ và 200 phòng thí nghiệm là công việc không đơn giản. Trường Paris II – định hướng đào tạo về luật – đầu tiên rời khỏi liên minh vì những căng thẳng trong quyền tự chủ và lãnh đạo; họ muốn được độc lập, hoặc hợp nhất với một trường đại học luật khác (Paris I) để tránh bị gộp vào một tổ chức lớn hơn trong đó Paris VI và các ngành khoa học thống trị. Nhưng trong giáo dục đại học ngày nay không có chỗ đứng cho sự cạnh tranh giữa các ngành học. Như giáo sư Valérie Pécresse, cựu bộ trưởng giáo dục cao cấp của Pháp từng tuyên bố “giờ đây chúng ta biết rằng để nghiên cứu tốt và giảng dạy tốt cần có một trường đại học đa ngành” (2011).

Kết luận

Những thách thức toàn cầu ngày nay không thể giải quyết bởi một quốc gia, một trường đại học hoặc một ngành. Hợp tác liên ngành, hợp tác liên quốc gia và hợp tác quốc tế xuyên biên giới là cần thiết để giải quyết những thách thức toàn cầu của xã hội và để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Pháp đang phá bỏ di sản bình đẳng. Khoảng cách giữa các trường trong IDEX và các trường đại học không được lựa chọn tham gia chương trình này đang lớn dần. Trong Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2018, các trường thuộc IDEX vượt trội hơn các tổ chức khác của Pháp, như Paris Sciences et Lettres, xếp thứ 72, đứng đầu cả nước, trong khi nhóm các trường đại học có mác IDEX như Aix-Marseille (251-300), Bordeaux (301-350), Grenoble Alpes (301-350), Côte d’Azur (351-400) và Strasbourg (351-400) nối tiếp theo. Thứ hạng của họ chắc chắn vẫn làm các quan chức Pháp và lãnh đạo các trường thất vọng. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy IDEX đang tiến về phía trước, chậm chạp nhưng vững vàng.