Dougherty là giáo sư đại học tại Teachers College, Đại học Columbia, Thành phố New York, Hoa Kỳ. E-mail: dougherty@tc.edu. Claire Callender là giáo sư tại Birkbeck College và tại Học viện Giáo dục, University of London, Anh. E-mail: claire.callender@ucl.ac.uk.
Bài viết này dựa trên báo cáo Các chính sách về Tiếp cận và Hoàn tất Giáo dục Đại học của Anh và Hoa Kỳ: Các Điểm Tương đồng, Sự Khác biệt và Các bài học (Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Học viện Giáo dục UCL, 2017), có tại http://www.researchcghe.org/publications/english-and-american-higher-education-access-and-completion-policy-regime-similarities-difference-and-possible-lessons.
Anh và Hoa Kỳ có nhiều điểm tương đồng, và cả những khác biệt mang tính hướng dẫn trong chính sách tiếp cận và hoàn tất giáo dục đại học. Bài này mô tả những điểm tương đồng và khác biệt mà hai quốc gia này có thể học hỏi lẫn nhau nhằm giảm bớt những khác biệt về tầng lớp xã hội và chủng tộc/sắc tộc trong tiếp cận và hoàn tất giáo dục đại học. Chúng tôi tập trung vào Anh (England) vì Vương quốc Anh có nhiều chính sách giáo dục đại học khác nhau và Anh là nước thành viên đông dân nhất ở Vương quốc Anh.
Hệ thống giáo dục đại học ở Anh và Hoa Kỳ khác nhau ở khá nhiều điểm. Rõ ràng nhất là hệ thống Hoa Kỳ lớn hơn nhiều về số lượng các trường và số lượng tuyển sinh, và Hoa Kỳ dành nhiều tài chính hơn cho giáo dục đại học: 2,8% GDP so với 1,8% của Vương quốc Anh. Hơn nữa, hầu như tất cả các trường tại Anh đều là “trường công”, trong khi ba phần năm số trường ở Hoa Kỳ là tư thục.
Bất chấp những khác biệt này, cả Anh và Hoa Kỳ đều đặt mục tiêu tương tự cho giáo dục đại học. Cả hai nước đã cam kết gia tăng mạnh học vấn đại học cho dân chúng với sự tham gia rộng rãi của tầng lớp lao động và thanh thiếu niên thiểu số. Nền tảng cho cam kết mở rộng đối tượng tham gia học đại học là một niềm tin chung rằng đây là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng kinh tế xã hội. Sự hợp nhất định tính chức năng kinh tế và bình đẳng xã hội là nét đặc trưng trong hoạch định chính sách giáo dục tân khai phóng ôn hòa của cả Anh và Hoa Kỳ.
Các chính sách hiện tại ở 7 lĩnh vực
Chúng tôi tập trung vào bảy mảng chính sách ảnh hưởng đến việc tiếp cận và hoàn thiện giáo dục đại học: cung cấp thông tin cho sinh viên; phạm vi phủ rộng của các tổ chức giáo dục đại học; trợ giúp tài chính cho sinh viên; tuyển sinh và nhập học đại học; các biện pháp giáo dục để cải thiện việc duy trì và hoàn tất giáo dục đại học; kinh phí hoạt động; và mức độ phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo cao đẳng.
Cung cấp thông tin, tư vấn và hướng dẫn (IAG):
- Anh: Chính phủ hỗ trợ rất ít cho IAG trong trường tiểu học và trung học cơ sở. Chính phủ hỗ trợ rộng rãi hơn đối với IAG ở trường trung học phổ thông, đặc biệt khi thí sinh nộp hồ sơ xin vào đại học.
- Hoa Kỳ: Chính phủ hỗ trợ rất ít cho IAG ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Hỗ trợ IAG rộng rãi hơn nhưng vẫn chưa đủ mức cần thiết cho giáo dục trung học phổ thông, đặc biệt là thông tin về lựa chọn trường đại học.
Các nỗ lực tiếp cận của các tổ chức dục đại học:
- Anh: giữa các cơ sở giáo dục đại học có “Thoả thuậnTiếp cận đại học”, chính phủ quy định mức học phí, mức hỗ trợ tài chính của trường và phạm vị tiếp cận đến các học sinh trung học.
- Hoa Kỳ: Không có thỏa thuận tiếp cận. Phạm vi tiếp cận tùy theo từng trường.
Tài chính sinh viên:
- Anh: Học phí do chính phủ quy định. Sinh viên phụ thuộc nhiều vào các khoản vay từ chính phủ để trả học phí. Ít phụ thuộc ít hơn vào hỗ trợ không hoàn lại (từ chính phủ hoặc các trường).
- Hoa Kỳ: Học phí trường công (không phải học phí trường tư) thường được các chính phủ tiểu bang quy định. Các khoản hỗ trợ không hoàn lại (liên bang, tiểu bang và trường) vẫn đóng vai trò chính. Có rất ít các khoản cho vay tính theo thu nhập, và các điều khoản trả nợ cũng nặng nề hơn.
Chính sách ưu tiên tuyển sinh/nhập học:
- Anh: Chính sách ưu tiên nhập học tập trung vào tầng lớp xã hội và chú trọng đến những lợi ích mà xã hội nhận được từ việc thay đổi hoàn cảnh xã hội của các thí sinh khó khăn. Áp dụng không đồng đều giữa các trường.
- Hoa Kỳ: Tập trung vào chủng tộc/sắc tộc (chứ không phải tầng lớp xã hội) và chú trọng đến những lợi ích mà xã hội nhận được từ việc thay đổi hoàn cảnh xã hội của các thí sinh gặp khó khăn, đồng thời định hình thái độ của thí sinh có ưu thế thông qua tương tác với các nhóm thí sinh đa dạng khác.
Các nỗ lực giáo dục để cải thiện việc duy trì và hoàn tất học tập:
- Anh: Sự quan tâm của chính phủ và các trường tăng lên trong 10-20 năm qua.
- Hoa Kỳ: Sự quan tâm của chính phủ tăng lên trong 10-20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sự quan tâm lâu dài lại tập trung vào các trường ít được chọn.
Kinh phí hoạt động:
- Anh: Chuyển sang sử dụng rộng rãi cơ chế tài chính cấp theo tỷ lệ sinh viên hoàn tất khóa học, có việc làm, thu nhập của sinh viên khi tốt nghiệp và hiệu suất giảng dạy.
- Hoa Kỳ: Hệ thống cấp kinh phí rộng rãi, đặc biệt ở cấp tiểu bang, cấp cho các trường theo tỷ lệ duy trì sinh viên, tỷ lệ tiến bộ và hoàn tất khóa học.
Mức độ quan tâm đến các cơ sở đào tạo cao đẳng:
- Anh: Tập trung vào các trường đại học và ít quan tâm hơn đến các trường cao đẳng. Sự quan tâm đến các trường cao đẳng vì lợi nhuận đang ngày càng tăng.
- Hoa Kỳ: Tập trung vào các trường đại học, nhưng tập trung quan tâm nhiều đến các trường cao đẳng cộng đồng. Giảm quan tâm (cho đến gần đây) đối với các trường cao đẳng vì lợi nhuận.
Bài học cho Hoa Kỳ
Dựa vào kinh nghiệm của Anh, Hoa Kỳ nên nghiêm túc xem xét áp dụng các Thỏa thuận Tiếp cận giáo dục đại học, áp dụng nhiều hơn các khoản vay theo thu nhập và mở rộng phạm vi thông tin cung cấp về đại học cho người học.
Các Thỏa thuận Tiếp cận có thể khiến các trường trở nên minh bạch, chu đáo và quyết tâm hơn trong việc theo đuổi tiếp cận giáo dục đại học rộng rãi – vào thời điểm mối lo ngại ngày càng gia tăng về mức độ bất bình đẳng chủng tộc/sắc tộc và đẳng cấp trong tiếp cận giáo dục đại học nói chung, đặc biệt các trường đại học được chọn lọc. Hơn nữa, khi cam kết thực hiện và có các kết quả nhất định, các trường đại học có thể dễ dàng được đánh giá căn cứ vào thành công của họ và việc áp dụng những thực tiễn có địa chỉ và bằng chứng rõ ràng. Về nguyên tắc, chính phủ Hoa Kỳ có quyền yêu cầu thông qua Thoả thuận Tiếp cận – do hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều phụ thuộc vào các khoản tài trợ của chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của trường, cho học phí của sinh viên.
Sinh viên tốt nghiệp của Hoa kỳ hiện nợ 1,3 nghìn tỷ đô la cho các khoản vay, 7 triệu người vay nợ mất khả năng trả, và số đang nợ thậm chí còn đông hơn. Chính phủ Anh quốc giải quyết được vấn đề này bằng cách cung cấp nhiều hơn các khoản vay theo thu nhập. Với phương thức thu hồi nợ căn cứ vào thu nhập của người vay, chương trình cho vay theo thu nhập được thiết kế tốt sẽ là giải pháp cho mối quan ngại lớn ở Hoa Kỳ về tình trạng nhiều sinh viên vỡ nợ. Khi cung cấp các khoản vay dựa theo thu nhập, chính phủ liên bang có thể làm được nhiều hơn và học hỏi nhiều từ những gì Anh quốc đã làm.
Hoa Kỳ có thể sử dụng kinh nghiệm của Anh quốc cung cấp cho sinh viên tương lai những thông tin có thể so sánh được về trải nghiệm sinh viên, mức độ hài lòng của sinh viên và lợi ích kinh tế ở cấp các chương trình học chuyên sâu. Thông tin về thu nhập của một ngành học cụ thể là đặc biệt quan trọng, bởi vì thu nhập tính theo ngành học có sự khác biệt lớn hơn so với tính theo trường. Ngoài thông tin về thu nhập, Hoa Kỳ còn có thể học tập Anh trong việc cung cấp dữ liệu cụ thể về các điều kiện giảng dạy và sự hài lòng của sinh viên.
Dựa vào kinh nghiệm của Anh, Hoa Kỳ nên nghiêm túc xem xét áp dụng các Thỏa thuận Tiếp cận giáo dục đại học
Bài học cho nước Anh
Anh có thể hưởng lợi từ việc mô phỏng các khía cạnh sau trong chính sách của Hoa Kỳ: tập trung nhiều hơn vào vai trò của các trường cao đẳng và cân nhắc thận trọng triển khai giáo dục đại học vì lợi nhuận; sử dụng nhiều hơn các khoản trợ cấp trong gói trợ giúp tài chính cho sinh viên; quan tâm nhiều hơn đến chính sách thông tin cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở về những quyết định ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho giáo dục đại học; áp dụng nhiều hơn chính sách nhập học theo điều kiện cụ thể ; và xem xét cẩn thận những nhược điểm có thể có của cơ chế cấp kinh phí theo hiệu quả hoạt động. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ tập trung vào một số điểm này.
Các trường cao đẳng giáo dục nâng cao (FE) không đóng vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách giáo dục đại học của Anh quốc như là các trường cao đẳng cộng đồng trong giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các trường cao đẳng giáo dục đại cương chiếm một phần mười số sinh viên đại học. Vì thế, là một lý do quan trọng để chính phủ quan tâm hơn đến chính sách và hỗ trợ tài chính cho các trường cao đẳng, như trường hợp với các trường cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cũng cho thấy cần đề phòng những ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh từ việc mở rộng quy mô cho giáo dục đại học vì lợi nhuận. Hoa Kỳ đã phải xây dựng các quy định để điều tiết sự trợ giúp tài chính của chính phủ cho các sinh viên theo học các trường cao đẳng vì lợi nhuận và những nguy cơ chất lượng thấp của các trường này.
Anh nên cân nhắc triển khai rộng hơn chương trình hỗ trợ của chính phủ cho IAG ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Lựa chọn trường đại học bắt đầu sớm, từ khi học sinh, phụ huynh và giáo viên quyết định những lĩnh vực nào học sinh nên chuẩn bị trong trường trung học phổ thông để đủ điều kiện nhập học vào các trường đại học được chọn. Ngoài ra, học sinh cần đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển quốc gia thường được thực hiện ở tuổi 16 và một lần nữa ở tuổi 18, để đủ điều kiện vào các trường đại học có mức độ chọn lọc cao nhất.
Các trường đại học Anh quốc có thực hiện chính sách ưu tiên nhập học nhưng họ có thể làm nhiều hơn thế. Các trường đại học chọn lọc nhất ở Anh ít thành công trong việc đa dạng hóa tầng lớp, chủng tộc/sắc tộc, điều này một phần bắt nguồn từ việc họ chỉ chấp nhận các sinh viên được chuẩn bị kỹ lưỡng theo các phạm trù văn hoá nổi bật. Do đó, các trường đại học ở Anh sẽ có lợi nếu xem xét lại những gì tạo nên thành công trong tuyển sinh đại học. Có cách nào khác đo lường khả năng hưởng lợi từ nền giáo dục đại học để tạo ra những cơ hội mới cho những sinh viên có nền tảng học tập kém hay không? Những câu hỏi này đã được thảo luận rộng rãi ở Hoa Kỳ, và các trường đại học được lựa chọn đã phát triển một loạt các biện pháp nâng cao thành tích học tập.
Cuối cùng, khi Anh tiếp tục dựa vào Khung đào tạo xuất sắc (TEF) để tài trợ cho các trường dựa trên chất lượng đào tạo, điều quan trọng là phải cẩn thận theo dõi các tác động có chủ định và các tác động không mong đợi của TEF. Nỗ lực giám sát này có thể có lợi từ việc nghiên cứu những trở ngại và các phản ứng phụ mang tính tiêu cực mà chính sách hỗ trợ tài chính đại học dựa trên hiệu suất hoạt động của Hoa Kỳ đã phải trải qua.