Hantian Wu là ứng viên tiến sĩ tại Học viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario (OISE), Đại học Toronto, Canada. E-mail: hantian.wu@mail.utoronto.ca.
Khái quát
Bài viết này tập trung vào ba tổ chức tinh hoa trẻ, có quy mô nhỏ mới ra đời ở Trung Quốc đại lục trong thập kỷ qua. Đó là SUSTech, ShanghaiTech và Westlake Institute for Advanced Study, nền tảng của Đại học Westlake trong tương lai. Bằng cách phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa các tổ chức này về chiến lược phát triển, các mô hình tài trợ và chính sách tuyển sinh, bài viết sẽ đề cập đến vấn đề liệu thành lập các tổ chức tinh hoa trẻ có thể được coi là sự đổi mới từ dưới lên trong giáo dục đại học Trung Quốc, hay đó là một lựa chọn thực dụng mới của chính quyền thành phố và các chuyên gia giáo dục đại học.
Trong thập kỷ qua, một số tổ chức tinh hoa đã được thành lập ở Trung Quốc với viễn cảnh đầy tham vọng trở thành các trường đại học nghiên cứu quy mô nhỏ, đẳng cấp thế giới. Các ví dụ tiêu biểu bao gồm Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam (SUSTech) khai trương vào năm 2011, Đại học ShanghaiTech được thành lập năm 2013 và Viện Nghiên cứu Tiên tiến Westlake (WIAS) được thành lập năm 2016 để chuẩn bị nền tảng cho Đại học Westlake. Với sự can thiệp hạn chế và không nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ trung ương – trái ngược với các trường đại học hiện có ở Trung Quốc – ba tổ chức tinh hoa trẻ này có chiến lược phát triển, mô hình tài trợ và chính sách tuyển sinh độc đáo. Những trường này ra đời chủ yếu với mục đích trở thành các trường đại học đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc dựa trên các mô hình thay thế. Nguồn tài chính chủ yếu do chính quyền địa phương hoặc khu vực tư nhân cung cấp. Chính sách tuyển sinh có xu hướng linh hoạt hơn, và độc lập ở mức độ nhất định với hệ thống tuyển sinh hiện hành ở Trung quốc vẫn dựa trên kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao). Việc thành lập các tổ chức như vậy có thể được coi là sự đổi mới từ dưới lên trong phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xem xét tầm nhìn của từng trường và chiến lược tập trung vào khoa học, điều này cũng có thể được coi là kết quả của một lựa chọn có tính thực dụng mới của chính quyền địa phương và các chuyên gia giáo dục đại học ở địa phương; một lựa chọn có lẽ được thúc đẩy bởi các bảng xếp hạng đại học toàn cầu.
Ba trường đại học tinh hoa trẻ
SUSTech là một trường đại học nghiên cứu với quy mô nhỏ, một trường công do chính quyền thành phố Thẩm Quyến thành lập vào năm 2011. Trường được Bộ Giáo dục Trung Quốc công nhận năm 2012, và được nhìn nhận là nền tảng để “thử nghiệm và thúc đẩy cải cách giáo dục đại học Trung Quốc”. Trong năm 2011, không cần sự cho phép của chính quyền trung ương, SUSTech tuyển 45 sinh viên đại học đầu tiên theo tiêu chuẩn của trường đặt ra. Năm 2016, SUSTech tuyển lứa nghiên cứu sinh đầu tiên. Hiện nay, SUSTech có 260 giảng viên và 3228 sinh viên đại học tại 14 đơn vị học thuật (là các khoa và cơ sở đào tạo), chủ yếu tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật như vật lý, hóa học, sinh học và kỹ thuật điện tử.
ShanghaiTech cũng là trường công, là một đại học nghiên cứu quy mô nhỏ ở Thượng Hải, được thành lập bởi chính quyền thành phố và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc vào năm 2013. Năm 2014, ShanghaiTech tuyển 207 sinh viên đại học lứa đầu tiên từ 9 tỉnh, dựa trên các tiêu chí tuyển sinh tự đặt ra. ShanghaiTech có bốn trường học (khoa học vật lý và công nghệ, khoa học và công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ sinh học, kinh doanh và quản lý) và hai viện nghiên cứu (Viện nghiên cứu hóa-miễn dịch và Viện iHuman). Hiện nay ShanghaiTech có 849 sinh viên đại học và 1272 sinh viên cao học, trong đó có 202 sinh viên tiến sĩ. ShanghaiTech có kế hoạch xây dựng một đội ngũ giảng viên gồm 1000 giáo sư, bao gồm 500 giáo sư được đào tạo từ các trường quốc tế.
WIAS là một viện nghiên cứu tư nhân phi lợi nhuận đặt ở Hàng Châu, tập trung vào khoa học và kỹ thuật. Nó được thành lập vào tháng 12 năm 2016 bởi chính quyền thành phố và Quỹ Giáo dục Hàng Châu Westlake – một quỹ tư nhân do một nhóm các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc khởi xướng. Một trong những người đồng sáng lập, một nhà sinh vật học nổi tiếng của Đại học Thanh Hoa, giữ vị trí chủ tịch của viện. WIAS hiện có bốn viện nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực sinh học, y học cơ bản, khoa học tự nhiên và công nghệ tiên tiến. Mục đích chính của việc thành lập tổ chức này là chuẩn bị cho việc thành lập một trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới, thuộc sở hữu tư nhân, có quy mô nhỏ – Đại học Westlake. Chính quyền thành phố hỗ trợ tài chính và chính sách, và đã thành lập một đơn vị đặc biệt để “thúc đẩy sự phát triển của viện” (tuijin xiangmu jianshe).
Những điểm tương đồng và khác biệt
Trong sứ mệnh và tầm nhìn của các tổ chức mới nói trên, có ba điểm tương đồng chính về chiến lược phát triển. Thứ nhất, cả ba đều có kế hoạch phát triển thành các trường đại học nghiên cứu quy mô nhỏ đẳng cấp thế giới, chủ yếu tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật. Thứ hai, cả ba tổ chức đều chọn mô hình hoặc kiểu mẫu là các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Ví dụ, WIAS thừa nhận rằng nó rút ra những bài học từ cả Caltech và triết lý giáo dục của Đại học Stanford trong quá trình phát triển liên tục để trở thành Đại học Westlake. Năm 2016, Chủ tịch SUSTech tuyên bố rằng trường đại học này đặt mục tiêu trở thành “Stanford của Trung Quốc”. Tuy nhiên, so với các trường đại học nghiên cứu tư nhân Mỹ, các chính quyền địa phương đóng vai trò tích cực hơn, phù hợp với hệ thống chính trị của Trung Quốc. Thứ ba, cả ba tổ chức đều cố gắng tìm kiếm các mô hình thay thế để giáo dục sinh viên và điều hành các trường học. Nhưng với SUSTech và ShanghaiTech, điều này có thể bị hạn chế bởi thực tế là hai trường này được tài trợ công khai: trong 5 năm qua, chính sách tuyển sinh của SUSTech ngày càng trở nên tương tự như các trường đại học khác của Trung Quốc.
Như đã đề cập ở trên, SUSTech và ShanghaiTech chủ yếu được các chính quyền địa phương tài trợ. Các chính phủ Thâm Quyến và Thượng Hải, hai thành phố giàu nhất Trung Quốc, có thể cung cấp nguồn tài chính đầy đủ và bền vững cho các tổ chức của họ. WIAS, trong tương lai là Đại học Westlake lại khác hẳn. Là một tổ chức tư nhân, WIAS chủ yếu nhận tài trợ từ Quỹ tư vấn Hàng Châu Westlake. Những người đóng góp bao gồm một số doanh nhân Trung Quốc nổi tiếng. Chính quyền thành phố Hàng Châu cung cấp một phần kinh phí ban đầu. Có thể mong đợi rằng, do nhận tài trợ chính từ một quỹ tư nhân, Đại học Westlake có thể có quyền tự chủ lớn hơn so với SUSTech và ShanghaiTech.
Ở một mức độ nào đó, các tiêu chí nhập học phản ánh mức độ tự trị này. SUSTech không còn là độc đáo. Mặc dù vẫn có bài kiểm tra của riêng mình (chiếm 30% trong tổng điểm chuẩn tuyển sinh) và xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông (chiếm 10%), điểm gaokao vẫn là tiêu chí chính (chiếm 60%). ShanghaiTech có tiêu chuẩn nhập học đa dạng hơn. Đơn dự thi của thí sinh, thư giới thiệu, điểm trung học và điểm gaokao đều được xem xét. Những cuộc “phỏng vấn toàn diện” được áp dụng để đánh giá “chất lượng tổng thể (zonghe suzhi)”. Mặc dù điểm thi gaokao vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiêu chí tuyển sinh của cả SUSTech và ShanghaiTech ít cứng nhắc hơn so với các trường đại học khác của Trung Quốc, nơi mà điểm gaokao là tiêu chí tuyển sinh duy nhất trong hầu hết các trường hợp. Là trường đại học tư nhân quy mô nhỏ, Đại học Westlake trong tương lai có thể có nhiều chính sách nhập học linh hoạt hơn.
Việc thành lập các tổ chức như vậy có thể được coi là sự đổi mới từ dưới lên trong phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc.
Đổi mới từ dưới lên hay một lựa chọn thực dụng?
Như đã đề cập, những tổ chức “khởi nghiệp” như vậy có thể được coi là đổi mới quan trọng từ dưới lên trong ngành giáo dục đại học của Trung Quốc. Trái ngược với các trường đại học hiện nay của Trung Quốc, nơi vẫn còn nhận thấy ảnh hưởng của Liên Xô bất chấp đã qua ba thập kỷ cải cách, các tổ chức khởi nghiệp trẻ này đi theo mô hình phương Tây ngay từ đầu, mặc dù vẫn chịu sự can thiệp khá nhiều của các chính quyền địa phương, để phù hợp với hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Tuy nhiên, động lực chính của cả học giả và chính quyền địa phương có thể mang tính thực dụng, và có lẽ được thúc đẩy bởi các bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Các tổ chức này đặt trọng tâm nghiên cứu cũng như xây dựng chiến lược phát triển theo mô hình các trường đại học hàng đầu của Mỹ và tuyển dụng các nhà khoa học nổi tiếng, đáp ứng phần lớn các tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng chính. Đối với các quan chức địa phương, việc thành lập các trường đại học hàng đầu là một “dự án phù phiếm” (zhengji gongcheng) bắt mắt, là điểm cộng thêm vào cơ hội thăng tiến của họ. Do đó, một trong những vấn đề tiềm ẩn là các nhiệm vụ thiết yếu, chẳng hạn như nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao năng lực nghiên cứu của các học giả trẻ, có thể bị bỏ qua ở mức độ nào đó. Hơn nữa, mặc dù sự can thiệp của chính quyền trung ương là tương đối hạn chế, sự can thiệp quá mức của chính quyền địa phương cũng có thể gây cản trở cho sự đổi mới thể chế. Vì chính quyền thành phố đóng một vai trò nhỏ hơn trong việc quản lý WIAS, sẽ rất thú vị để thấy trường đại học Westlake phát triển thế nào trong tương lai. Nói cách khác, những “startups” trẻ này cần được thời gian thử thách.