Giáo dục đại học Mauritius: những thách thức và quan điểm quốc tế hóa

Shaheen Motala Timol là cán bộ đảm bảo chất lượng và kiểm định viên tại Ủy ban Giáo dục Đại học, là học viên của chương trình học bổng Hubert H. Humphrey năm 2016-2017 tại Đại học Bang Pennsylvania, và là một học giả tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: sam776@psu.edu. Kevin Kinser là giáo sư và Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Chính sách Giáo dục tại Đại học Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ và là đồng Giám đốc của Nhóm nghiên cứu Giáo dục xuyên biên giới (C-BERT). E-mail: kpk9@psu.edu.

Trong nỗ lực điều chỉnh giáo dục đại học phù hợp các xu hướng toàn cầu, từ cuối những năm 1990 Mauritius đã xác định quốc tế hóa là chiến lược chính để đạt được vị trí trung tâm tri thức và trở thành một trung tâm xuất sắc của khu vực. Năm 2000, chính phủ đưa tầm nhìn này vào Chương trình Nghị sự Kinh tế Mới. Hòn đảo này có những lợi thế cụ thể hỗ trợ khát vọng đạt được mục tiêu này, từ vị trí chiến lược của nó ở Ấn Độ Dương đến mối quan hệ lịch sử với châu Âu và hệ thống giáo dục song ngữ. Ngay từ khi giành được độc lập vào năm 1968, Mauritius đã chứng minh vị thế toàn cầu của mình trong một số lĩnh vực bằng những sáng tạo trong cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa từ các ngành truyền thống sang các ngành dịch vụ. Bài viết này bàn về cách tiếp cận của Mauritius để củng cố giáo dục đại học như một trụ cột chính của nền kinh tế thông qua quốc tế hoá, và những thách thức mà đảo quốc này phải đối mặt.

Sự phát triển của nền kinh tế dựa trên tri thức

Chương trình nghị sự năm 2000 về phát triển Mauritius thành một trung tâm tri thức có tác dụng thúc đẩy các hoạt động quốc tế hóa hiện có trong lĩnh vực giáo dục đại học. Trong thực tế, kể từ cuối những năm 1990, các tổ chức giáo dục công lập và tư nhân ở Mauritius đã tham gia vào quốc tế hóa thông qua giáo dục xuyên biên giới, chủ yếu là hợp tác với các trường đại học từ các nước phát triển. Các tổ chức giáo dục tư nhân cung cấp các chương trình thông qua hợp tác nhượng quyền thương mại và một số tuyển sinh viên nước ngoài vào các chương trình giáo dục từ xa. Các trường đại học công lập hợp tác với các trường đại học nước ngoài để cung cấp các chương trình cấp bằng thuộc các lĩnh vực mà trong nước còn thiếu. Việc các tổ chức công lập bổ nhiệm các kiểm định viên bên ngoài là người nước ngoài cũng mang lại một khía cạnh quốc tế cho các chương trình và các khóa học, đảm bảo rằng chúng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ủy ban Giáo dục Đại học (TEC) – cơ quan quản lý giáo dục đại học – được thành lập vào năm 1988 để giám sát lĩnh vực này. Trong năm 2007, TEC đã được bổ sung một số quyền hạn khi khung pháp lý hiện hành được củng cố. Năm 2010, một Bộ riêng về giáo dục đại học được thành lập đem đến một tầm nhìn và động lực mới để biến Mauritius thành một nền kinh tế dựa trên tri thức. TEC đã xác định và thực hiện các biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu do chính phủ đề ra. Trái ngược với cách tiếp cận từng bước được áp dụng trước đây, một chiến lược mạnh mẽ hơn đã được chọn. Mục tiêu trong nước là dân chủ hoá giáo dục đại học để đạt tỷ lệ mỗi gia đình có một người tốt nghiệp đại học. Mục tiêu quốc tế hóa là thu hút 100 ngàn sinh viên quốc tế và ít nhất một tổ chức giáo dục tầm cỡ thế giới vào năm 2020. Bộ này đã tạo ra một “văn phòng một cửa”, gọi là “Học tập tại Mauritius”, để phục vụ nhu cầu của sinh viên nước ngoài. Các tổ chức tư nhân trước đây đã có kinh nghiệm trong giáo dục xuyên biên giới được khuyến khích mở rộng các chương trình của mình và hợp tác với các trường đại học danh tiếng. Các thủ tục hành chính cấp thị thực cho sinh viên quốc tế được giải quyết nhanh chóng. Ban Đầu tư tổ chức hội chợ sinh viên và các chiến lược xúc tiến đầu tư trong khu vực, phối hợp với TEC và các tổ chức giáo dục đại học.

Những trở ngại của việc quốc tế hoá

Thực hiện và thí điểm các biện pháp mới không thể tránh khỏi rủi ro hoặc những hậu quả không mong muốn. Mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục đại học bằng cách hạ thấp chuẩn đầu vào hoặc cung cấp các lựa chọn thay thế chắc chắn có ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh, và do đó, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và khả năng tìm việc làm. Chính phủ đưa ra các chương trình đào tạo khác nhau cho thanh niên thất nghiệp và sinh viên tốt nghiệp, mới nhất là chương trình đào tạo về việc làm năm 2015 cho những người tốt nghiệp, nhằm trang bị cho các cử nhân thất nghiệp những kỹ năng liên quan để nâng cao khả năng tìm việccủa họ. Số sinh viên đăng ký vào các trường đại học công lập, khoảng 9 ngàn vào năm 2000, đã tăng lên 22,8 ngàn vào năm 2014. Các trường đại học công lập đã không chuẩn bị để phục vụ nhiều sinh viên hơn do không có các nguồn lực bổ sung. Mặc dù tham gia vào các hoạt động quốc tế hóa nhưng họ không có chính sách quốc tế hóa chính thức. Thị trường của họ vẫn chỉ giới hạn trong các sinh viên trong nước, ngoại trừ các trường hợp liên kết với các trường y tư thục. Củng cố trường Đại học Mauritius – trường đại học lâu đời nhất và là trường hàng đầu trong nước – có lẽ sẽ là quyết định sáng suốt nhất trong nỗ lực trở thành một trung tâm tri thức. Một phó hiệu trưởng người nước ngoài được bổ nhiệm vào năm 2010 để mang quan điểm quốc tế đến với lãnh đạo trường đại học, nhưng ông đã từ chức vào năm 2012. Trong khi đó, có hai trường đại học mới được thành lập vào năm 2012. Một trường dành cho giáo dục từ xa. Trường còn lại là kết quả của việc sáp nhập giữa hai trường cao đẳng tổng hợp.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014, số lượng sinh viên nhập học vào các trường tư thục tăng từ 5250 lên 18 ngàn, nhưng các trường này vẫn không hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế. Trong 50 trường tư, chỉ rất ít trường có cơ sở vật chất của đại học, một yếu tố mà sinh viên quốc tế cân nhắc khi lựa chọn nơi học tập. Các khóa học tại các trường tư thục cũng đắt đỏ hơn, trở thành một rào cản tài chính đối với sinh viên chính qui. Một số tổ chức tư nhân đã lợi dụng chính sách mới của chính phủ để thu hút sinh viên quốc tế và tập trung vào các chiến dịch tuyển sinh từ các nước như Bangladesh, nhấn mạnh rằng các chương trình không đặt ra yêu cầu đầu vào chính thức. Một số sinh viên quốc tế đến Mauritius để làm việc hơn là học tập, và vẫn phải trả những khoản phí lớn cho các đại lý tuyển sinh ở nước ngoài. Điều chỉnh các vấn đề phát sinh này, cũng như đảm bảo để các tổ chức tư nhân có trách nhiệm hơn với các chiến lược tiếp thị quốc tế của họ, là vượt quá phạm vi của TEC.

Chính phủ Mauritius hiện đang trong quá trình củng cố các quy định pháp lý có tác động đến lĩnh vực giáo dục đại học.

Phân hiệu của các trường đại học là những nhân tố quan trọng để quốc tế hóa giáo dục đại học trong bối cảnh này. Đại học Middlesex và Đại học Wolverhampton ở Anh và Đại học EIILM ở Ấn Độ đã thành lập các phân hiệu ở Mauritius trước năm 2014. Theo sau các thông cáo công khai vào năm 2013 của Ủy ban Tài trợ Đại học ở Ấn Độ, về việc không cho phép các trường đại học Ấn Độ thành lập các phân hiệu ở nước ngoài, Đại học EIILM (Phân hiệu ở Mauritius) đã chấm dứt hoạt động. Phân hiệu của Đại học Wolverhampton đóng cửa vào năm 2015, có thể do số lượng sinh viên nhập học thấp. Một trường đại học khác ở Anh, trường Coventry, đã không thành công trong việc duy trì dự án hợp tác ở Mauritius.

Mặc dù số lượng sinh viên quốc tế tăng gấp ba lần từ năm 2010 đến năm 2015 từ khoảng 500 lên thành 1500 sinh viên (với số lượng nhập học từ châu Phi tăng lên), số lượng sinh viên quốc tế cần thiết để Mauritius trở thành một trung tâm tri thức còn xa mới đạt được. Ngoài ra, các quy định của TEC vẫn không thay đổi kể từ năm 2007, không đưa ra nhiều ưu đãi để có thể khiến các trường đại học tầm cỡ thế giới mạo hiểm thành lập phân hiệu ở Mauritius.

Đến cuối năm 2014, TEC phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Số lượng sinh viên quốc tế tăng lên làm phát sinh nhu cầu về các dịch vụ bổ sung ngoài chương trình giáo dục. Một số bộ phải cải tiến các chính sách của họ về y tế, lao động, nhà ở và nhập cư để hỗ trợ quốc tế hóa, và phải nỗ lực phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự xuất hiện của sinh viên quốc tế mới.

Chúng ta đang đứng ở đâu?

Với việc bầu cử một chính phủ mới vào tháng 12 năm 2014, Bộ Giáo dục Đại học bị đóng cửa và giáo dục đại học lại trở về dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục. Kể từ đó, TEC đã lựa chọn một thái độ thận trọng trong các hoạt động đảm bảo chất lượng của mình. Chính phủ Mauritius hiện đang trong quá trình củng cố các quy định pháp lý có tác động đến lĩnh vực giáo dục đại học.

Từ trường hợp của Mauritius có thể rút ra những bài học về thực hiện quốc tế hóa. Thứ nhất, kế hoạch quốc tế hoá phải có tính bền vững và bao gồm tất cả các bên liên quan. Thứ hai, các mục tiêu có thể đạt được nếu áp dụng các biện pháp quản lý lành mạnh để khuyến khích các liên doanh sáng tạo và ngăn ngừa việc lạm dụng. Thứ ba, các trường đại học công lập cần đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ thúc đẩy quốc tế hóa. Thứ tư, cần thiết kế một chiến lược phù hợp cho các tổ chức tư nhân có các chương trình nghị sự khác nhau. Thứ năm, cần có cơ sở hạ tầng hỗ trợ và các ưu đãi thích hợp cho các trường đại học nước ngoài chất lượng cao để thu hút họ đến một quốc gia mới. Và thứ sáu, giáo dục đại học xuyên biên giới phải được xây dựng bằng các hiệp định liên chính sách có lợi cho cả hai bên.

Những năm gần đây xảy ra nhiều biến động nhưng cũng mang lại những kinh nghiệm học hỏi phong phú cho quốc gia này, để lập kế hoạch tốt hơn và theo đuổi việc quốc tế hóa hệ sinh thái giáo dục đại học của mình. Mauritius cần tận dụng lợi thế bối cảnh đặc biệt của mình và thiết kế một khuôn khổ pháp lý có cân nhắc đến yếu tố văn hoá, phù hợp với lĩnh vực giáo dục đại học năng động của mình.