Thiếu ngân sách cho giáo dục đại học Úc

 

Anthony Welch là giáo sư về giáo dục tại Đại học Sydney, Úc, là “Haiwai Mingshi” và là giáo sư hướng dẫn tiến sĩ tại Đại học Thiên Tân, Trung Quốc. E-mail: anthony.welch@sydney.edu.au.

Những cải cách ngân sách gần đây do chính phủ liên bang Úc đề xuất chỉ làm phức tạp thêm những vấn đề kinh phí mà ngành giáo dục đại học hiện đang phải đối mặt. Một số đề xuất cắt giảm tồi tệ nhất của bộ trưởng trước đây đã bị loại bỏ, như một sự thừa nhận rằng những đề xuất này sẽ không bao giờ được quốc hội chấp thuận. Nhưng thật khó để không đồng ý với kết luận của hiệu trưởng một trường đại học lớn ở Úc rằng, mặc dù cuộc khủng hoảng cụ thể đó đã bị ngăn chặn, những đề xuất hiện nay cũng đang bỏ lỡ một cơ hội khác để cấp ngân sách hợp lý cho giáo dục đại học

Ngân sách của chính phủ cho lĩnh vực này ở Úc đã giảm 4% trong thập kỷ 1996-2006, trong khi đó dữ liệu của OECD cho thấy kinh phí dành cho giáo dục đại học ở các nước thành viên đã tăng trung bình 49% trong cùng giai đoạn. Trong giáo dục đại học người ta kỳ vọng rằng thủ tướng mới, người được coi là một nhà cải cách vì trong cuộc vận động bầu cử ông đã nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên cho khoa học và đổi mới như một vấn đề trọng tâm, sẽ tăng đáng kể nguồn tài trợ cho giáo dục đại học và nghiên cứu. Với ít nhất hai giải thưởng Nobel về y học trong thời gian gần đây, và những thành tựu quốc tế hàng đầu trong các lĩnh vực đa dạng như công nghệ pin năng lượng mặt trời, công nghệ sinh học và tính toán lượng tử, có lý do để hy vọng rằng chính phủ sẽ hủy bỏ các quyết định cắt giảm trước đó để cấp ngân sách đầy đủ cho lĩnh vực này, và thực hiện lời hứa hỗ trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu. Ví dụ, các trường đại học nghiên cứu hàng đầu thuộc “nhóm Tám” thường xuyên giành được phần kinh phí nghiên cứu lớn nhất, từ lâu đã phàn nàn rằng việc các chính phủ kế nhiệm không cung cấp đủ tài trợ cho nghiên cứu đã tạo áp lực ngày càng tăng đối với ngân sách nghiên cứu của họ.

Những cải cách được đề xuất

Dù chỉ đặt ra những kỳ vọng hợp lý như vậy, ngành giáo dục đại học đã phải thất vọng sâu sắc, bởi vì các biện pháp được đề xuất, thay vì khắc phục những thất bại trong quá khứ, dường như lại làm cho tình hình xấu hơn. Một cải cách quan trọng là khôi phục sự cân bằng giữa tỷ lệ nợ công và nợ tư – những khoản cho vay theo chương trình tín dụng dài hạn của quốc gia (income-contingent loans scheme: vay để học tập và trả dần theo mức thu nhập sau khi tốt nghiệp). Theo thỏa thuận hiện tại, sinh viên chịu trách nhiệm trả 42% chi phí học tập, quá trình trả nợ này chỉ bắt đầu khi sinh viên hội tụ đủ các điều kiện cụ thể: tốt nghiệp, có việc làm, và kiếm được số tiền nhiều hơn một ngưỡng thu nhập hàng năm. Một khi có đủ những điều kiện này, sinh viên tốt nghiệp phải trả thêm một khoản nhỏ thu nhập cho đến khi xóa hết nợ. Theo các soạn thảo mới, sinh viên sẽ phải trả nhiều hơn, mỗi năm trả thêm 1,82% trong giai đoạn từ 2018 đến 2021, tổng cộng cuối cùng là hơn 7%. Điều này có nghĩa là từ năm 2021 trở đi, sinh viên sẽ phải trả 49%, thay vì 42% chi phí học tập đại học.

Hiện nay vẫn chưa thấy rõ đề xuất chuyển dịch gánh nặng chi phí về phía sinh viên có làm giảm số lượng nhập học hay không, đặc biệt là từ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Liệu các đề xuất cải cách có làm cho giáo dục đại học kém hấp dẫn hơn, và thậm chí ở ngoài tầm với của một số nhóm sinh viên, nhất là những người học bán thời gian hay không? Kiến trúc sư của chương trình tài trợ ban đầu tính toán rằng chương trình sẽ không tác động lớn đến khoản nợ của sinh viên, vì chỉ kéo dài thời gian sinh viên phải trả nợ thêm khoảng một năm. Điều quan trọng hơn nhiều là ngưỡng thu nhập để bắt đầu trả nợ giảm xuống đáng kể – từ 55 ngàn đôla xuống 42 ngàn đôla – mặc dù tỷ lệ thu nợ từ 4% giảm xuống còn 1% có nghĩa là tác động tương đối ít đối với hầu hết sinh viên.

Ngoài những thay đổi về chương trình tín dụng sinh viên, các trường đại học còn bị cắt giảm trực tiếp gần 400 triệu đôla Úc – 384,2 triệu đôla Úc trong hai năm – dưới hình thức “chia cổ tức hiệu quả” cho Chương trình Trợ cấp Khối thịnh vượng chung (Grant Scheme Commonwealth). Cái gọi là thước đo hiệu quả này là một uyển ngữ thuận tiện để cắt giảm tài trợ, và thêm vào danh sách những thất bại hiện nay của chính phủ trong việc tài trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu. Nếu đưa vào thực hiện, các đề xuất cắt giảm sẽ thể hiện mức sụt giảm của ngân quỹ chính phủ là 2,5% vào năm 2018 và giảm thêm 2,5% trong năm 2019. Nếu tính toàn bộ, ngân sách công dành giáo dục đào tạo sẽ giảm gần 2 tỷ đôla Úc trong 5 năm kể từ 2016-2017. Kết hợp với những sự thay đổi trong cách thức lập chỉ mục các khoản tài trợ cho đại học, chính phủ thể hiện ý định rõ ràng là các trường đại học sẽ được cấp ngân sách ít hơn tính theo đầu sinh viên, và do đó sẽ phải làm nhiều việc hơn với kinh phí ít hơn. Hiển nhiên, đây không phải là giải pháp cho vấn đề tài trợ; trong thực tế, nó còn làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính mà các trường đại học đã phải trải qua một khoảng thời gian.

Phi cải cách

Các đề xuất hiện tại đã loại bỏ những yếu tố xấu nhất trong ngân sách trước đó dành cho ngành giáo dục đại học năm 2014-2015. Trong những đề xuất cũ, có việc cắt giảm khoảng 20% đối với toàn ngành, cũng như đưa ra lãi suất thực tế cho các khoản nợ của sinh viên (hiện tại chỉ gắn với tỷ lệ lạm phát). Các trường đại học cũng được phép tự ấn định mức phí cho các khóa học có nhu cầu cao. Một số hiệu trưởng (phần lớn từ các trường giàu có), những người ủng hộ đề xuất linh hoạt thu phí cao hơn đối với một số khóa học, có thể thầm thất vọng. Tuy nhiên, phần lớn những người làm việc trong ngành đều thở phào nhẹ nhõm vì những biện pháp có thể làm suy yếu nghiêm trọng ngành giáo dục đại học và những nỗ lực nghiên cứu của quốc gia, đã bị loại bỏ. Thậm chí nếu việc loại bỏ những biện pháp đó chỉ là một sự thừa nhận rằng chúng chắc chắn sẽ thất bại –bởi vì quốc hội vẫn luôn kiên định từ chối cho phép thực hiện, một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn đã được ngăn chặn.

Hiện nay vẫn chưa thấy rõ đề xuất chuyển dịch gánh nặng chi phí về phía sinh viên có làm giảm số lượng nhập học hay không, đặc biệt là từ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Những vấn đề của sự thành công

Mặc dù những tác động xấu nhất của các đề xuất trước đó đã bị ngăn chặn, các biện pháp ngân sách mới vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu vốn. Vấn đề là các trường đại học Úc đã quá thành công, và đang bị trừng phạt vì điều đó. Bằng cách tự chuyển đổi thành những cỗ máy chủ lực kiếm tiền từ xuất khẩu giáo dục, và hiện đang thu được tổng cộng 20 tỷ đôla Úc mỗi năm từ học phí của sinh viên quốc tế, các trường đại học đã khiến chính phủ nhìn nhận họ như những con bò sữa có thể cho sữa bất cứ lúc nào. Hơn nữa, biện pháp “chia cổ tức hiệu quả” và việc chính phủ không tiếp tục tài trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu sẽ càng thúc đẩy các trường đại học theo hướng thu phí cao hơn từ sinh viên quốc tế, để bù đắp cho việc giảm ngân sách nhà nước. Ít nhất đã có một hiệu trưởng phản ứng bằng cách nêu ra viễn cảnh về việc số lượng sinh viên quốc tế quá lớn có thể chiếm chỗ của sinh viên trong nước. Trong quá khứ, lập luận này không được đưa ra thảo luận ở cấp quốc gia về giáo dục đại học. Nhưng một phần tư sinh viên đại học (một phần ba tại một số các trường đại học hàng đầu) là sinh viên quốc tế – đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ hệ thống giáo dục đại học lớn nào trên thế giới. Thực tế này có thể, lần đầu tiên, sẽ gặp phải sự phản kháng rộng rãi. Trong khi các yếu tố tồi tệ nhất trong đề xuất trước đó được ngăn chặn, thì đề xuất “chia cổ tức hiệu quả” lại chuyển thêm gánh nặng các khoản vay từ nhà nước sang chính sinh viên. Hơn nữa, những thay đổi trong cơ chế cấp ngân sách không giúp giải quyết được viễn cảnh này mà chỉ kéo dài thêm danh sách những thất bại của chính phủ trong vấn đề tài trợ cho giáo dục đại học.