Rủi ro của chính sách miễn học phí căn cứ trên thu nhập

Alex Usher là chủ tịch Hiệp hội chiến lược giáo dục đại học, Toronto, Canada. E-mail: ausher@higheredstrategy.com.

Một thời đã từng có hai luồng quan điểm chính về học phí trong giáo dục đại học công lập. Quan điểm thứ nhất khá đơn giản: miễn phí. Không thu học phí tại các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục đại học công, giáo dục là một dạng dịch vụ công ích… cho những người may mắn được trợ cấp (nhìn chung, những quốc gia “miễn” học phí thường ít sinh viên hơn vì không đủ tiền để chu cấp học phí cho số đông). Quan điểm thứ hai là thu phí, nhưng kết hợp cho vay và hỗ trợ học phí cho những người cần giúp đỡ, do đó tạo ra sự phân biệt đối tượng được hưởng lợi: những gia đình giàu phải trả nhiều tiền hơn so với gia đình nghèo.

Vấn đề của cách tiếp cận thứ hai với học phí là ở sự phức tạp. Sinh viên và gia đình đều biết rằng có một mức học phí quy định, nhưng không phải lúc nào cũng biết, hoặc hiểu về các khoản trợ cấp khác được chính phủ bù đắp. Đôi khi những khoản này lại rất lớn. Ví dụ ở Canada, tổng giá trị hỗ trợ tài chính và học bổng tương đương với tổng học phí thu được từ sinh viên trong nước, tuy nhiên nhiều người vẫn cảm thấy học phí là một rào cản tài chính lớn. Miễn giảm học phí có thể trở thành lãng phí ở chỗ hỗ trợ cho cả những người đủ khả năng theo học không cần tài trợ, nhưng để truyền thông thì vấn đề đơn giản hơn nhiều.

Cách tiếp cận mới

Nhưng giờ đây, “quan điểm thứ ba” về học phí đang nổi lên khắp Tây bán cầu: ta gọi đó là “miễn giảm học phí căn cứ vào thu nhập”. Cách này rõ ràng thuộc sân chơi miễn học phí, nhưng kèm theo yêu cầu kiểm tra thu nhập. Xuất hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh vào cuối những năm 1990, khi đó mức học phí được tính căn cứ vào kiểm tra sơ bộ thu nhập (từ 1998 đến 2005, sinh viên thuộc những gia đình có thu nhập dưới 20 ngàn bảng không phải trả học phí, trong khi đó những người có thu nhập từ 20 ngàn đến 30 ngàn bảng phải trả một nửa học phí). Giờ đây, cách tiếp cận này đã xuất hiện ở những nơi xa xôi như Fredericton, New Brunswick và Santiago, Chile.

Ở Chile, cách tiếp cận này là ngẫu nhiên. Tổng thống Bachelet khi thắng cử năm 2012, hứa miễn học phí cho tất cả sinh viên Đại học Chile. Tuy nhiên chính sách cải cách thuế lẽ ra sẽ bù vào khoản này, lại thu được quá ít tiền so với dự kiến (quặng đồng bị giảm giá cũng là một lý do). Cuối cùng, chính phủ chỉ đủ tiền để trả “gratuidad” (hỗ trợ học phí) cho sinh viên từ các gia đình thuộc 6 nhóm thu nhập thấp nhất, hoặc khoảng một phần ba tổng số sinh viên.

Ở Canada, cách tiếp cận này có chủ đích hơn. Đầu năm 2016, chính phủ Ontario khi xây dựng kế hoạch cải tiến hệ thống tài trợ của chính phủ liên bang (ở Canada, nguồn tài trợ được cung cấp bởi cả hai cấp chính quyền, làm việc chủ yếu theo phương thức song song), đã quyết định “rejig” (sắp đặt lại) hệ thống xóa nợ vay và tín dụng thuế có phần phức tạp của họ thành đảm bảo “miễn giảm học phí” cho sinh viên đại học từ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Thực ra các cơ sở đào tạo không bị cấm thu học phí, khoảng 6500 đôla Canada đối với hầu hết chương trình; đúng hơn, chính phủ cam kết sẽ trả tiền trợ cấp bằng với học phí trung bình trong tỉnh cho tất cả sinh viên có thu nhập gia đình dưới 50 ngàn đôla Canada. Nếu thu nhập gia đình trên mức đó, sinh viên vẫn được nhận trợ cấp nhưng giảm dần, thấp nhất là 1800 đôla Canada nếu thu nhập gia đình vào khoảng 100 ngàn đôla và hoàn toàn không được trợ cấp nếu thu nhập gia đình ở mức 160 ngàn đôla. Chính phủ New Brunswick đến nay vẫn áp dụng các chương trình tương tự; sẽ không phải là điều bất ngờ nếu trong kế hoạch ngân sách năm nay của các tỉnh có các chương trình giống thế.

Các sáng kiến của Mỹ

Ý tưởng này cũng đã bắt rễ tại Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bà Hillary Clinton đề xuất một hệ thống kiểu Chile, trong đó chính phủ liên bang sẽ cấp kinh phí cho hệ thống giáo dục đại học của tiểu bang nếu họ đồng ý không thu học phí đối với sinh viên từ các gia đình có thu nhập dưới 125 ngàn đôla Mỹ (hoặc xấp xỉ cho 80% tổng số sinh viên). Ý tưởng đó luôn có vẻ là một “chiếc bánh vẽ” nhìn từ quan điểm liên bang: nhiều người chỉ ra rằng, gói trợ cấp của liên bang không bao giờ có thể đảm bảo các mức học phí nhất định khi chúng chịu sự kiểm soát của chính quyền tiểu bang. Nhưng mặc dù đề xuất của bà Clinton đã chết yểu khi Pennsylvania tuyên bố Trump trúng cử ngày 8 tháng 11, ý tưởng này tiếp tục gây được tiếng vang ở cấp tỉnh thành, quan trọng nhất là ở New York, nơi Thống đốc Cuomo đã đề xuất một dạng “học phí” cho bất cứ ai học ở City University of New York (CUNY) hoặc State University of New York (SUNY), nếu thu nhập gia đình của họ ít hơn 125 ngàn đôla.

Đề nghị của Thống đốc Cuomo không hoàn toàn giống của Bộ trưởng Clinton – nó giống với kế hoạch Ontario hơn là kế hoạch Santiago. Về cơ bản, ông sẽ tài trợ cho sinh viên từ các gia đình có thu nhập dưới ngưỡng 125 ngàn đôla khoản kinh phí họ cần để trả học phí. Như vậy, khoản thanh toán này, được biết đến như là “học bổng Excelsior”, sẽ tương đương với học phí trừ đi những khoản tài trợ bất kỳ nào sinh viên đã được nhận từ chính phủ liên bang hoặc tiểu bang thông qua hệ thống tài trợ Pell.

Mặc dù các sáng kiến này đều có chung một dòng tư tưởng, kết quả phân phối lợi ích lại rất khác nhau.Trong trường hợp của Canada, sáng kiến đem lại lợi ích cho sinh viên từ các gia đình thu nhập dưới 60 ngàn đôla; những gia đình kiếm được hơn 100 ngàn đôla lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn trước do các khoản tín dụng thuế trước đây vẫn được trả như một loại trợ cấp thì giờ đây bị loại bỏ. Tương tự như vậy, ở Chile, lợi ích gần như hoàn toàn dành cho sinh viên từ gia đình có thu nhập dưới mức trung bình (tuy nhiên, ở đây cũng vậy, họ không nhận được 100% do quỹ tài trợ học phí đang phải chịu tổn thất). Còn ở New York, nguồn kinh phí hỗ trợ đem lại lợi ích hầu như hoàn toàn cho các gia đình có thu nhập trong khoảng giữa 80 ngàn đô la và 125 ngàn đô la, bởi vì dưới mức đó, học phí đã được chi trả thông qua các khoản tài trợ khác theo một cách thức nào đó. Như vậy, đối tượng được hưởng lợi hàng đầu từ phần lớn các quỹ hỗ trợ học phí lại là nhóm thu nhập hiếm khi gặp khó khăn trong việc chi trả cho giáo dục đại học (ít nhất tại các trường công).

Các bài học chính sách

Chìa khóa để chính sách miễn giảm học phí căn cứ vào thu nhập vừa hiệu quả vừa tối ưu là không đặt ngưỡng quá cao. Ngay cả chính phủ Chile, từng rất quan tâm đến “gratuidad” cho tất cả, mới đây cũng nhận ra điều này. Vì lý do ngân sách, chính phủ đã buộc phải hạn chế chính sách “miễn giảm” học phí đã công bố gần đây cho sinh viên từ các gia đình thuộc 6 nhóm thu nhập thấp nhất. Mùa hè này, Bộ Tài chính Chile đã công bố dự toán chi phí cho việc mở rộng chương trình. Theo bảng dự toán hiện tại, chi phí toàn bộ chương trình sẽ là 607 tỉ peso (khoảng 950 triệu đôla Mỹ). Nếu bổ sung 4 nhóm thu nhập còn lại vào chương trình sẽ làm chi phí tăng thêm khoảng 350 tỷ peso, hoặc 58% cho mỗi nhóm. Có nghĩa là, miễn học phí cho tất cả mọi người sẽ tốn hơn 2 nghìn tỷ peso, hoặc gấp 3 lần chi phí cho 6 nhóm thu nhập thấp nhất. Con số chênh lệch này bằng 1,5% GDP. Và để làm gì? Chi phí rất lớn phản ánh thực tế rằng tỷ lệ tham gia vào giáo dục đại học của các nhóm này đã cao đến mức họ không cần đến sự hỗ trợ từ chính phủ.

Nói tóm lại, mặc dù miễn giảm học phí có căn cứ có nhiều ý nghĩa, thực sự căn cứ lại không cần thiết. Nếu căn cứ yếu, chương trình sẽ tốn kém hơn và ít hiệu quả hơn. Rõ ràng là kế hoạch của New York bị ảnh hưởng vì xác định căn cứ không phù hợp. Kế hoạch của Canada và kế hoạch không tính trước của Chile hầu như là đúng. Khi ngày càng nhiều chính quyền muốn thử nghiệm chính sách miễn giảm học phí có căn cứ, việc nắm bắt những bài học này càng trở nên quan trọng.