Nghiên cứu về Giáo dục Đại học Tư – PROPHE (Program for Research on Private Higher Education) là chuyên mục thông tin thường kỳ trong IHE. Wondwosen Tamrat là Phó giáo sư, Chủ tịch-Sáng lập Đại học St. Mary, Ethiopia. E-mail: preswond@smuc.edu.et. Daniel Levy là Giáo sư Ưu tú tại SUNY, Khoa Chính sách Giáo dục và Lãnh đạo, Đại học Albany, Hoa Kỳ. E-mail: dlevy@albany.edu.
Bối cảnh
Với hơn 110 ngàn sinh viên (năm 2016), giáo dục đại học tư thục Ethiopia (PHE) lớn nhất nhì vùng Hạ Sahara (châu Phi). Khu vực đại học tư này phát triển lớn mạnh mặc dù chỉ mới ra đời cách đây không lâu và bất chấp những quy định hạn chế cứng nhắc của chính phủ Ethiopia.
Các chuyên gia và công chúng ở một quốc gia bất kỳ, do thiếu thông tin so sánh với các nước khác, thường giữ quan điểm thái quá về tính chất bất thường của các hệ thống trong nước. Tuy nhiên, nhữngkhảo sát kỹ có thể đưa đến kết luận rằng khu vực PHE của Ethiopia thực sự khác thường trong vùng Hạ Sahara. Sau khi dẫn ra một số điểm chung không đáng kể, chúng tôi sẽ đi sâu vào những điểm khác biệt nổi bật.
Mặc dù có số lượng sinh viên lớn, khu vực tư thục Ethiopia chiếm khoảng 14-17% tổng số sinh viên, đây là một tỷ lệ điển hình của các nước trong vùng Hạ Sahara châu Phi. Hơn nữa, ở Ethiopia có tất cả loại hình đại học tư thục như các nước khác trong vùng. Nhiều nhất là đại học tư không yêu cầu đầu vào cao, một sự kết hợp giữa nhu cầu học đại học và định hướng thị trường việc làm. Loại hình tiếp theo là các trường bán tinh hoa có yêu cầu đầu vào cao hơn và các trường tôn giáo. Một số trường đại học loại này có thể cạnh tranh với các trường đại học công lập tốt, đặc biệt trong giảng dạy và một số lĩnh vực khác nhờ tận dụng sự bất ổn của hệ thống công lập. Cũng như các nước khác trong khu vực, PHE của Ethiopia chủ yếu đào tạo các ngành có nhu cầu thị trường cao, tuy nhiên gần đây đã đa dạng hoá sang những ngành khác. Tỷ lệ sinh viên nữ trong PHE của Ethiopia cao hơn khu vực đại học công. Loại hình sở hữu cũng vô cùng đa dạng. Ethiopia và các nước ở vùng Hạ Sahara châu Phi có số lượng sinh viên tư thục tăng rất nhanh, nhưng khu vực đại học công còn tăng nhanh hơn, do đó tỷ lệ sinh viên tư thục gần đây có phần giảm sút.
Mặc dù có số lượng sinh viên lớn, khu vực tư thục Ethiopia chiếm khoảng 14-17% tổng số sinh viên là một tỷ lệ điển hình trong vùng Hạ Sahara châu Phi.
Tăng trưởng và quy định bất thường
Giáo dục đại học tư (PHE) ở châu Phi khởi sự khá trễ so với thế giới, với tỷ lệ nhập học (GER) rất thấp so với tổng sinh viên, PHE ở Ethiopia ra đời thậm chí còn trễ hơn (1998),với tỷ lệ sinh viên ban đầu thấp bất thường, chỉ 0,8%. Lý do khiến chậm hình thành PHE ở Ethiopia là sự thống trị kéo dài nhiều thập niên của chủ nghĩa Marxist sau khi chính thể chuyên chế của triều đình Haile Selassie bị lật đổ vào năm 1974, và trong giai đoạn đó, các hình thức sở hữu tư nhân bị cấm. Dẫu vậy ngày nay chỉ có Uganda theo kịp Ethiopia về số lượng sinh viên tư thục. Còn Eritrea (tách ra khỏi Ethiopia vào năm 1991) gần như là nước duy nhất ở châu Phi không có PHE.
Trong khi ở hầu hết các nước cùng khu vực PHE phát triển ngoài dự kiến của chính phủ và không được khuyến khích, chính phủ hậu Marxist ở Ethiopia đã lập kế hoạch và thúc đẩy sự hình thành và tăng trưởng của PHE. Thực tế, khuôn khổ pháp lý đã được ban hành trước khi giáo dục tư thục ra đời – và chủ yếu là sự cho phép (đối lập với quy định có tính hạn chế).
Chính phủcủa hầu hết các nước châu Phi thường ban hành những quy định “điều chỉnh muộn” nếu nhận thấy những điểm yếu về học thuật và những điểm yếu khác khi khu vực đại học tư thục phát triển quá nhanh, và thường áp đặt một số quy định riêng đối với đại học tư thục mà không áp dụng cho khu vực công. Trong khi đó chính phủ Ethiopia đưa ra những quy định cực đoan. Các trường đại học tư không được phép đào tạo chương trình Luật và Sư phạm. Sau một thời gian giữ vai trò tiên phong trong giáo dục từ xa, PHE Ethiopia bị cấm triển khai loại hình đào tạo này. Và mặc dù các trường đại học tôn giáo ở các nước châu Phi khác thường bắt đầu từ khu vực giáo dục tư nhân và sau đó phát triển mạnh mẽ, ở Ethiopia bằng cấp của các trường tôn giáo không được chính phủcông nhận. Bằng đại học của các trường này chỉ sử dụng được trong cộng đồng tôn giáo, đây là một chính sách hạn chế để phân chia thị trường lao động; chỉbằng cấp của các chương trình thế tục và được chính phủ công nhận mới được chấp nhận rộng rãi.
Cấu trúc bất thường của khu vực tư thục
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các trường đại học tôn giáo Ethiopia chiếm một thị phần trong PHE nhỏ hơn nhiều so với các nước khác trong lục địa. Cũng không phải ngẫu nhiên các trường đại học tôn giáo của Ethiopia chủ yếu là các trường chất lượng thấp. Phần lớn không phải là các trường mới thành lập, mà được nâng cấp thành đại học từ các trường ở cấp thấp hơn. Ngược lại, ở nhiều quốc gia châu Phi, các trường tôn giáo là một trong những lực lượng học thuật mạnh nhất. Nhiều nước thuộc địa cũ có nền tảng Công giáo hoặc Tin lành mạnh mẽ để phát triển giáo dục đại học, trong khi Ethiopia chưa bao giờ là thuộc địa.
Nhóm các trường tôn giáo trong PHE của Ethiopia nhỏ một cách bất thường, vậy thì nhóm nào lớn khác thường? Đó là nhómcác trường-vì-lợi-nhuận, chiếm hầu hết thị phần PHE của Ethiopia. Điều này không chỉ là điểm khác biệt giữa PHE Ethiopia và các nước Phi châu khác, mà là điểm khác biệt rất lớn. Không phải quốc gia Phi châu nào cũng cho phép tồn tại loại hình tư thục vì-lợi-nhuận, và các trường vì-lợi-nhuận thường khởi đầu từ loại hình phi-lợi-nhuận và biến thể/lách luật để trở thành vì-lợi-nhuận. Ngoài ra, ở những nước cho phép tồn tại đại học vì-lợi-nhuận, hệ thống vì-lợi-nhuận luôn song hành với hệ thống phi-lợi-nhuận. Ở Ethiopia không như vậy, ngoài các trường tôn giáo (là phi-lợi-nhuận), chỉ có một vài trường do các tổ chức phi chính phủ thành lập là phi-lợi-nhuận. Số đông PHE còn lại đều là vì-lợi-nhuận, phần lớn do các công ty tư nhân thành lập, thuộc sở hữu gia đình. Giáo dục tư vì-lợi-nhuận được cấp phép ở mọi cấp đào tạo đại học.
Giữ chính sách ổn định hay thay đổi
Như vậy, trước nhu cầu lớn về giáo dục đại học ở Ethiopia, chính sách kết hợp cả trao quyền và hạn chế đã cho phép PHE giữ một vai trò quan trọng, tuy nhiên, vai trò này vẫn bị hạn chế trong các khía cạnh trọng yếu. Chính sách sẽ phát triển như thế nào khi đất nước đang chứng kiến một nền giáo dục đại học không chỉ tăng trưởng liên tục, mà còn dự kiến tăng tốc? Nếu đúng như dự đoán, 5 năm nữa tổng số sinh viên sẽ tăng gần gấp đôi, trong đó thị phần tăng trưởng của khu vực tư nhân dự kiến sẽ lớn hơn, vấn đề lựa chọn chính sách hỗ trợ hay hạn chế PHE ngày càng trở nên quan trọng. Khu vực tư nhân, sau những thành công đạt được bất chấp những quy định hạn chế, tin tưởng rằng có thể giữ vai trò lớn hơn trong tương lai, và có thị phần tuyển sinh lớn hơn nữa nếu nhữngchính sách của chính phủ vẫn tiếp tục ổn định, ít hạn chế hơn. Không phải nhà làm chính sách nào cũng chia sẻ quan điểm này.