Nguyện cầu cho một giấc mơ: tự do học thuật bị đe dọa trong các nền dân chủ

Daniela Crăciun là nghiên cứu sinh tại Đại học Trung Âu, Budapest, Hungary. E-mail: Craciun_Daniela@phd.ceu.edu. Georgiana Mihut là nghiên cứu sinh về giáo dục đại học tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: mihut@bc.edu.

Tự do học thuật vừa là giá trị cốt lõi vừa là nguyên tắc quản trị của các tổ chức giáo dục đại học. Điều này thấm sâu vào nghiên cứu và giảng dạy – đặc biệt là ở các quốc gia dân chủ – đến nỗi được coi là mặc định. Thời gian gần đây, một số chính phủ dân chủ đã có những hành động trả đũa nhắm vào các viện nghiên cứu và các tổ chức giáo dục đại học.

Tự do học thuật và các chính phủ dân chủ

Tại Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda đang đe doạ tước bỏ huân chương nhà nước cấp cao của một nhà sử học nổi tiếng vì công trình của ông đã phát hiện sự tham gia của Ba Lan vào Holocaust. Đáng lo ngại hơn, chính phủ cánh hữu được bầu gần đây đã đề xuất điều luật có thể áp dụng hình phạt tù 5 năm đối với bất cứ ai quy cho Ba Lan trách nhiệm về tội ác của Đức quốc xã hay những người ủng hộ Stalin. Hungary đã nhanh chóng sửa đổi Đạo luật CCIV năm 2011 về Giáo dục bậc Đại học Quốc gia mà mục đích chính là nhằm kiểm soát 28 trường đại học quốc tế đang hoạt động tại đất nước này. Tuy nhiên, như các nhà quan sát đã lưu ý, mục tiêu cụ thể của sửa đổi này là một tổ chức giáo dục đại học quốc tế vốn không chịu tác động của các công cụ truyền thống: đó là Đại học Trung Âu, viết tắt là CEU. Vì thế, luật đó được mệnh danh là “Lex CEU”. CEU đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng lại nền dân chủ ở Trung và Đông Âu và tiên phong trong các ý tưởng về một “xã hội mở”.

Các chính phủ thường đối xử với các trường đại học giống như với một lực lượng chính trị đối lập. Từ khi thành lập, các trường đại học đã nuôi dưỡng tư duy phản biện, tranh luận, và hệ quả là sự bất đồng với hiện trạng xã hội. Theo truyền thống, các chính phủ dân chủ coi các trường đại học là tổ chức phản biện quan trọng và có giá trị, đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa của bất kỳ nền dân chủ lành mạnh nào. Các chính phủ phi dân chủ coi họ là mối đe dọa và cố gắng kiểm soát các hoạt động của họ thông qua nhiều phương tiện (như giảm bớt tự do học thuật, giảm quyền tự chủ về thể chế, cắt giảm quỹ, đóng cửa các trường đại học). Tuy nhiên, gần đây, các chính phủ ở những quốc gia vẫn được coi là dân chủ cũng bắt đầu nhận thức về các trường đại học như là mối đe dọa. Sự thay đổi luật pháp gần đây ở Hungary là một ví dụ đáng lo ngại.

Tự do học thuật vừa là giá trị cốt lõi, vừa là nguyên tắc quản trị của các tổ chức giáo dục đại học

Những diễn biến gần đây ở Hungary

Luật sửa đổi này trực tiếp đe doạ sự tồn tại của trường đại học ở Hungary. Nó yêu cầu CEU thành lập một phân hiệu ở bang New York, Hoa Kỳ (là nơi trường đăng ký tất cả chương trình đào tạo, nhưng không có hoạt động), khiến CEU ngừng việc cấp bằng của Hoa Kỳ cho sinh viên tốt nghiệp (mặc dù các chương trình của CEU đều được Ủy ban các trường Đại học miền Trung của Hoa Kỳ kiểm định), áp đặt giấy phép lao động do chính phủ Hungary thẩm định đối với những giảng viên CEU là người từ bên ngoài Liên minh châu Âu (hiện đang được miễn các thủ tục này) và không cho phép CEU hoạt động dưới tên hiện tại của trường.

Chính phủ Hungary lập luận rằng việc sửa đổi này nhằm điều chỉnh các chương trình giáo dục đại học xuyên biên giới để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, sự thiếu thích đáng trong việc áp dụng điều luật này nhắm vào CEU – trường đại học đứng thứ 39 trong danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới được thành lập cách đây chưa đầy 50 năm (theo xếp hạng của Times Higher Education) – khiến cho lý lẽ biện hộ nói trên khó được chấp nhận. Rõ ràng đây không phải là biện pháp đảm bảo chất lượng, mà là biện pháp hành chính cho phép chính phủ kiểm soát trực tiếp giáo dục quốc tế vốn trước đây không bị các phương pháp truyền thống (như cắt giảm trợ cấp công) tác động đến.

Các cuộc tấn công liên tục nhằm vào tự do học thuật

Sự sửa đổi luật pháp nói trên là nỗ lực chính sách mới nhất nhằm vào tự do học thuật ở đất nước này. Trước đây, chính phủ Hungary từng sử dụng chiến thuật tương tự nhằm làm giảm ảnh hưởng của các trường đại học công. Vào năm 2014, một sửa đổi khác đối với luật giáo dục đại học quốc gia đã cho phép thủ tướng quyền bổ nhiệm các chủ tịch (chancellor) với các vị trí điều hành tài chính tại các trường đại học công lập. Kết quả là, quyền hạn của các vị hiệu trưởng (rector) bị giới hạn chỉ còn trong lĩnh vực học thuật. Sự sắp xếp này được củng cố bởi một sửa đổi năm 2015 trong luật giáo dục đại học – phân quyền lập kế hoạch chiến lược các mục tiêu trung hạn và dài hạn cho các cơ quan tư vấn cấp đại học mà chủ yếu bao gồm các đại diện của chính phủ quốc gia. Lý do chính thức giải thích cho những sửa đổi này là để nâng cao hiệu quả của các trường đại học công. Tuy nhiên, các chính sách như vậy trong thực tế đã làm giảm sự tự chủ về thể chế và cho phép chính phủ kiểm soát trực tiếp các hoạt động của trường đại học.

Tự do học thuật tại các nước không tự do

Những diễn biến này là ngoài sức tưởng tưởng một thập kỷ trước. Sau sự sụp đổ của thể chế cũ vào năm 1989, Hungary đã chứng kiến sự chuyển đổi tương đối nhanh và thành công hướng đến nền dân chủ, và là một trong những quốc gia Đông Âu đầu tiên có đủ tư cách thành viên của Liên minh châu Âu. Vào năm 2014, mười năm sau khi gia nhập EU, Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố rằng để bảo vệ chủ quyền quốc gia của Hungary, ông đã lên kế hoạch từ bỏ nền dân chủ tự do để thiết lập một “quốc gia không tự do” theo mô hình thực tế của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Chỉ số Dân chủ của Economist Intelligence Unit – tổ chức đánh giá các nền dân chủ dựa vào các chỉ số như chất lượng tham gia chính trị và văn hoá chính trị, từ năm 2011, Hungary đã trở thành một “chế độ dân chủ chưa hoàn thiện”.

Các vụ tấn công nghiêm trọng vào tự do học thuật cũng diễn ra ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Nga, Đại học Châu Âu tại St. Petersburg (EUSP) đã bị thu hồi giấy phép giáo dục sau khi có khiếu nại của chính trị gia Vitaly Milonov khởi động 11 cuộc kiểm tra không báo trước từ các cơ quan quản lý, và bị phát hiện 120 vụ vi phạm bản quyền, trong số đó chỉ có một chưa được giải quyết. Một điều bất ngờ là Vitaly Milonov là kiến trúc sư trưởng của bộ luật tai tiếng cấm “tuyên truyền về người đồng giới” và EUSP là nơi có trung tâm nghiên cứu giới tính lớn nhất trong nước. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các học giả tại Risk báo cáo rằng gần 6 ngàn nhân viên khoa học và hành chính đã bị chính quyền sa thải khỏi các trường đại học, dựa trên nghi ngờ rằng họ đã tham gia vào cuộc đảo chính thất bại năm 2016.

Kết luận

Các cuộc tấn công vào tự do học thuật ở các nước dân chủ vừa là hậu quả vừa là bằng chứng mạnh mẽ về mức độ suy giảm dân chủ. Bảo vệ tự do học thuật tượng trưng cho một công cụ xã hội quan trọng có tính bao quát và chống lại sự lạm quyền. Các quốc gia như Hungary đã chứng kiến tận mắt những ảnh hưởng tàn phá của chế độ độc tài. Tự do trong giảng dạy và nghiên cứu đảm bảo rằng lịch sử không bị lãng quên, và cũng đảm bảo rằng giám sát và cân bằng là cần thiết để duy trì một nền dân chủ hoạt động. Tự do học thuật không chỉ rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của các trường đại học, mà còn với sự thịnh vượng của các quốc gia và khu vực nơi các trường này đang hoạt động.