Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu. Maria Yudkevich là giáo sư kinh tế học và Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Nghiên cứu Quốc gia, Moscow, Nga. Email: 2yudkevich@gmail.com. Bài viết này bắt nguồn từ nghiên cứu đã thực hiện về Giảng viên Quốc tế trong giáo dục đại học: cách nhìn tương đối về tuyển dụng, tích hợp và tác động, do M. Yudkevich, PG Altbach và LE Rumbley chủ biên (Routledge 2017).
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, việc ngày càng tăng số lượng học giả làm việc bên ngoài đất nước của họ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Chính các trường đại học cũng trở nên ngày càng toàn cầu hóa – có lẽ là toàn cầu hóa nhất trong số các tổ chức đáng chú ý trong xã hội. Mặc dù tỷ lệ toàn cầu của các học giả quốc tế còn thấp, nhưng nhóm này khá quan trọng. Chúng tôi định nghĩa giảng viên quốc tế theo nghĩa rộng, họ là những học giả có công việc ở các nước không phải là nơi sinh của họ và/hoặc không phải là nơi họ tốt nghiệp phổ thông lần đầu. Trong hầu hết các trường hợp, họ không phải là công dân của đất nước nơi họ đang giảng dạy hay nghiên cứu. Họ là những người mang tinh thần quốc tế vào trường đại học, họ thường là những nhà nghiên cứu hàng đầu, và ở một số nước, họ chiếm một tỷ lệ lớn trong lực lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Giảng viên quốc tế dường như có thể chia thành 5 loại chính. Một nhóm nhỏ nhưng dễ nhận thấy là nhóm các giảng viên quốc tế làm việc tại các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nói tiếng Anh: Úc, Canada, Hoa Kỳ, và trong chừng mực nào đó là ở Vương quốc Anh. Họ là các siêu sao toàn cầu, và một số đã đoạt giải Nobel và các giải thưởng quan trọng khác. Nhóm thứ hai làm việc cho các trường đại học từ tầm trung đến cao cấp ở một số ít quốc gia, do quy mô, vị trí địa lý, hoặc nhu cầu cụ thể, có chính sách tuyển dụng giảng viên quốc tế có chất lượng hàng đầu – như Hong Kong, Singapore và Thụy Sĩ. Nhóm thứ ba giảng dạy tại các trường đại học ở những nước còn thiếu hụt giảng viên bản địa, như Ả Rập Xê-út, các nước vùng Vịnh khác, một số nước châu Phi và vài nước khác. Ở đây, giảng viên quốc tế được thuê để dạy các khóa học cấp thấp, họ thường đến từ Ai Cập, Nam Á hoặc các vùng khác, và thường là từ các trường đại học không danh tiếng. Loại thứ tư, có trùng lăp với ba loại đầu, bao gồm các học giả gốc Do thái, di cư từ nước này sang nước khác, thường lấy quyền công dân nước đó và được lôi kéo “về nhà”. Trong một số trường hợp, họ có thể được coi là giảng viên quốc tế “thuần túy”, trong những trường hợp khác không phải như vậy. Nhóm cuối cùng gồm những người lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, có thể đã làm nghiên cứu sinh cao cấp, và tiếp tục sự nghiệp của họ ở nước ngoài – những người này được gắn mác “giảng viên tạm thời”. Có thể bắt gặp giảng viên quốc tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Quốc tế hóa và giảng viên quốc tế
Nhiều quốc gia và trường đại học xem việc sử dụng giảng viên không phải là người bản địa là một phần quan trọng của chiến lược quốc tế hóa. Thực tế, giảng viên quốc tế thường được coi là mũi nhọn của chiến lược này. Hơn nữa, tăng thêm số lượng giảng viên quốc tế được các bảng xếp hạng toàn cầu, các Bộ, các nhà hoạch định chính sách quốc gia coi là một dấu hiệu quan trọng của quốc tế hóa.
Người ta cho rằng giảng viên quốc tế sẽ mang những hiểu biết sâu sắc mới vào nghiên cứu, giảng dạy, và có lẽ cả chuẩn mực của trường đại học. Nhưng tất nhiên, hiệu quả đóng góp của giảng viên quốc tế phụ thuộc vào sự sắp xếp của tổ chức, vào kỳ vọng của cả hai bên đối với việc đóng góp vào quốc tế hóa và các yếu tố khác. Thường thì giảng viên quốc tế không được tích hợp hiệu quả vào các chương trình quốc tế hóa của nhiều trường đại học. Họ dạy trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng ít khi được yêu cầu làm gì khác cho trường. Và trong nhiều trường hợp, sự thiếu hiểu biết của giảng viên quốc tế về chuẩn mực và có lẽ cả về quan điểm chính trị của hệ thống giáo dục và các trường bản địa khiến cho sự tham gia của họ vào công tác quản lý và các chức năng khác của đại học bị hạn chế.
Giảng viên quốc tế trong môi trường không nói tiếng Anh thường là những người góp phần quan trọng vào việc tăng số lượng các khóa học và chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, và nói chung rất cần thiết cho việc thúc đẩy định hướng ngôn ngữ tiếng Anh của trường. Việc sử dụng tiếng Anh trong cả giảng dạy và nghiên cứu được nhiều người coi là yếu tố quan trọng của quá trình quốc tế hóa.
Chính sách quốc gia và đại học liên quan tới giảng viên quốc tế
Một số nước và trường đại học rất hoan nghênh giảng viên quốc tế, thậm chí đưa ra các sáng kiến để thu hút họ. Nhiều nơi khác không như vậy. Các trường đại học tại Hồng Kông, Singapore và Thụy Sĩ đặt mục tiêu một nửa số giảng viên của họ phải là giảng viên quốc tế, và hoàn toàn không phải là tình cờ, các trường này có vị trí cao trong bảng xếp hạng. Những nước khác, như Trung Quốc và Nga, dành một nguồn kinh phí bổ sung và đưa ra các sáng kiến để tuyển dụng giảng viên quốc tế.
Không ít nước, gồm cả những nước chính thức hoan nghênh giảng viên quốc tế, vẫn đặt ra nhiều hạn chế khác nhau trong tuyển dụng giảng viên quốc tế. Nhiều nước có các thủ tục vô cùng phức tạp và quan liêu liên quan đến cấp giấy phép lao động, đến quy định an ninh và các vấn đề khác, quy định về visa, đôi khi kết hợp với hạn ngạch theo loại hình công việc cụ thể, bao gồm cả các vị trí học thuật và nghiên cứu. Trong một số trường hợp, các rào cản thủ tục và pháp lý ở cấp độ quốc gia làm tổn hại nghiêm trọng đến việc bổ nhiệm giảng viên, nghiên cứu viên quốc tế, và có thể hạn chế số lượng và loại hình chuyên môn cần tuyển dụng.
Cũng có những ví dụ về các chính sách quốc gia chống lại việc tuyển dụng giảng viên quốc tế. Ấn Độ chỉ gần đây mới bãi bỏ quy định cấp quốc gia cấm tuyển dụng những người không phải là công dân Ấn Độ vào vị trí giảng dạy hay nghiên cứu dài hạn, và ngay cả hiện nay số người nước ngoài làm việc trong các trường đại học của Ấn Độ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Canada đôi khi cũng áp đặt chính sách ưu tiên tuyển dụng người Canada trước, vì thế các trường đại học phải vất vả chứng minh rằng những trường hợp tuyển dụng quốc tế cụ thể không chiếm mất chỗ của người Canada có trình độ tương ứng. Tuy nhiên, nhìn chung, Canada chào đón giảng viên quốc tế và khá dễ dàng cấp quyền công dân cho họ. Hoa Kỳ tuy khá cởi mở với việc thuê học giả quốc tế, nhưng các rào cản quan liêu về giấy phép lao động và nhập cư lại tạo thành vấn đề và đôi khi không thể vượt qua. Ả Rập Xê-út chỉ cho phép ký hợp đồng ngắn hạn với các học giả quốc tế.
Người ta cho rằng giảng viên quốc tế sẽ mang những hiểu biết sâu sắc mới vào nghiên cứu, giảng dạy, và có lẽ cả chuẩn mực của trường đại học.
Bất chấp thực tế là nhiều nước, khi nhìn nhận thực tiễn toàn cầu hóa, đã mở cửa cho các chuyên gia có trình độ cao, bao gồm cả các giáo sư, vẫn duy trì các quy tắc và quy định gây nhiều cản trở. Làn sóng chủ nghĩa dân tộc hiện nay và thái độ bài ngoại trong một số trường hợp, trong giai đoạn sắp tới có thể trở thành rào cản đối với sự dịch chuyển của giới học thuật quốc tế.
Giảng viên quốc tế là một phần của cộng đồng, hay một nhóm cư dân cô lập?
Các trường đại học muốn thu hút giảng viên quốc tế phải cân nhắc nhiều vấn đề quan trọng. Nên thuê giảng viên quốc tế để giảng dạy hay làm nghiên cứu? Có nên trả lương cho họ cao hơn đồng nghiệp bản địa hay không? Điều kiện để thăng bậc và gia hạn hợp đồng của họ và của giảng viên bản địa có nên khác nhau hay không? Có cần yêu cầu họ học ngôn ngữ bản địa hay cho phép họ giảng dạy bằng tiếng Anh? Các điều khoản hợp đồng của họ có nên khác với hợp đồng của giảng viên bản địa không?
Trong số đó, câu hỏi quan trọng nhất đối với cuộc sống học thuật là: có nên để giảng viên quốc tế tích hợp sâu vào môi trường đại học nói chung (chịu mọi chi phí liên quan và hưởng mọi lợi ích kèm theo), hay nên xếp họ vào loại “cư dân quốc tế“, với những điều kiện đặc biệt theo các chuẩn quốc tế cạnh tranh? Ở một số nước (như Úc, Canada, hay Hoa Kỳ), câu hỏi này không được đặt ra. Tuy nhiên ở nhiều nước khác- như Trung Quốc, Nga và Ả Rập Xê út – đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và không có câu trả lời rõ ràng. Sự hội nhập sâu rộng của giảng viên quốc tế vào cuộc sống đại học “bình thường” sẽ góp phần nâng cao văn hóa nghiên cứu và giảng dạy, đặt trường chủ quản và cộng đồng học thuật địa phương vào viễn cảnh mới, và nói chung ngày càng đa dạng. Đồng thời, cũng tiềm ẩn những rủi ro gắn liền với quá trình này, kể cả khả năng xảy ra căng thẳng mang tính xã hội giữa giảng viên quốc tế và giảng viên bản địa, và mức độ hài lòng thấp của các học giả quốc tế, chẳng hạn như đối với các quy định quan liêu, thiếu minh bạch vẫn chiếm ưu thế trong nhiều hệ thống giáo dục.
Kết luận
Giảng viên quốc tế là một bộ phận ngày càng quan trọng trong môi trường học thuật toàn cầu thế kỷ 21. Là một phần biểu tượng và thực tiễn của công cuộc quốc tế hóa, giảng viên và nghiên cứu viên quốc tế tạo thành một tập hợp đa dạng của lực lượng lao động học thuật toàn cầu. Ở nhóm đầu là những giáo sư cao cấp lỗi lạc làm việc cho các trường đại học nghiên cứu được xếp hạng cao trên toàn thế giới. Ở những nơi khác, giảng viên quốc tế là một bộ phận cần thiết trong đội ngũ giảng viên ở các nước thiếu hụt lực lượng học thuật địa phương. Động lực để các trường đại học – và các nước – tuyển dụng học giả quốc tế rất khác nhau, cũng như lý do khiến các cá nhân tìm kiếm vị trí công việc bên ngoài đất nước họ. Một điều rõ ràng là: đội ngũ giảng viên quốc tế ngày càng đông đảo và là một phần quan trọng của lực lượng lao động học thuật toàn cầu, mang theo sự đa dạng, triển vọng, và kỹ năng mới tới bất cứ nơi nào họ đến.