Marcelo Knobel là giám đốc phòng thí nghiệm quốc gia Brazil về công nghệ nano, giáo sư Học viện Física Gleb Wataghin, Đại học Campinas (UNICAMP), São Paulo, Brazil. E-mail: knobel@ifi.unicamp.br. Robert Verhine là giáo sư khoa giáo dục, Đại học liên bang ở Bahia, đồng thời là thành viên cao cấp Trung tâm Kinh doanh và Đổi mới giáo dục Lemann ở Brazil, thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ. E-mail: rverhine@gmail.com.
Brazil là quốc gia đứng thứ 9 thế giới về tổng thu nhập nội địa (GDP), cư dân 195 triệu phân bố trên một lãnh thổ có 5 ngàn thành phố trong 26 bang và một quận liên bang. Quốc gia Brazil có hệ thống giáo dục đại học khá kỳ lạ, chỉ có ít trường công lập tập trung vào nghiên cứu, còn đa số là trường tư. Hệ thống giáo dục đại học ở Brazil phát triển nhanh chóng trong 15 năm qua, nâng con số sinh viên đại học lên 7,5 triệu, với gần 20% thanh niên trong độ tuổi 18-24 đi học đại học. 75% sinh viên học tại các đại học tư thục, một nửa trong số đó học tại các trường vì lợi nhuận.
Năm mươi năm trước, giáo dục đại học Brazil cũng như ở hầu hết các quốc gia khác chủ yếu là trường công lập. Các đại học công định hướng nghiên cứu và không thu học phí đã dần dần bị hạn chế phát triển do chi phí tăng cao và nguồn lực từ chính phủ bị giới hạn. Từ những năm 1970, các nhà làm chính sách bắt đầu dựa vào khu vực tư nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục đại học, đã tạo thuận lợi cho việc mở trường tư và đưa ra các ưu đãi tài chính hấp dẫn. Chính phủ liên bang đã tăng cường chính sách này vào cuối những năm 1990, điều chỉnh luật để cho phép thành lập các trường vì lợi nhuận. Các nhà đầu tư và kinh doanh giáo dục nhanh chóng mở thêm các trường vì lợi nhuận mới và chuyển đổi các trường phi lợi nhuận trước đây sang mô hình mới này. Đại học Phoenix (Mỹ) hiện diện ở Brazil từ năm 2001, mặc dầu đã rút ra khỏi thị trường Brazil vào năm 2006, sự hiện diện của nó đã mở đường cho các tổ chức giáo dục đa quốc gia khác vào thị trường này. Xu hướng chuyển sang loại hình vì lợi nhuận từ sau năm 2005 đã được chính quyền liên bang thúc đẩy bằng các chính sách như mở rộng chương trình tín dụng sinh viên, gây quỹ đầu tư thông qua thị trường chứng khoán, và miễn thuế đối với các trường tư có cung cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Việc thắt chặt các quy định về lợi nhuận của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây dưới thời Obama cũng thúc đẩy một số tổ chức giáo dục Bắc Mỹ chuyển hoạt động sang các nước thuận lợi hơn về môi trường pháp lý, dường như cũng góp phần vào sự tăng trưởng khu vực giáo dục vì lợi nhuận ở Brazil.
Các xu hướng trong giáo dục đại học tư thục
Nhiều quốc gia không cho phép giáo dục đại học vì lợi nhuận. Sự mở rộng giáo dục vì lợi nhuận ở Hoa Kỳ được nhiều người biết đến qua báo chí/truyền thông (và phê phán), tuy nhiên các trường vì lợi nhuận ở Hoa Kỳ cũng chỉ chiếm 10% tổng số sinh viên nhập học. Giáo dục đại học vì lợi nhuận thịnh hành ở Trung quốc, tuy nhiên chủ yếu là hệ dạy nghề không cấp bằng cử nhân/kỹ sư. Trên bình diện toàn cầu, các trường tư thục vì lợi nhuận thường có vị thế thấp, chủ yếu tuyển các sinh viên “phi truyền thống” không đủ điều kiện vào trường công hoặc trường tư phi lợi nhuận. Dữ liệu điều tra dân số của Brazil cho thấy so với toàn thể sinh viên đại học, sinh viên các trường vì lợi nhuận có tuổi trung bình cao hơn, nhiều khả năng là người đi làm, xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp (nghịch lý), bố mẹ không có học vấn đại học.
Brazil lúc này đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các khoản tín dụng sinh viên theo chương trình liên bang từ năm 2015 bị cắt giảm đáng kể. Nhiều trường vì lợi nhuận gặp khó khăn nặng nề về tài chính, dẫn đến một số nhà quản lý đã phải nghĩ đến khả năng bán trường (sáp nhập với trường đối thủ cạnh tranh). Những vụ mua bán-sáp nhập đang tái định hình giáo dục đại học tư thục ở Brazil, góp phần hình thành các tổ chức khổng lồ đã chứng minh được khả năng sinh lợi lớn. Năm 2015, khu vực giáo dục đại học vì lợi nhuận của Brazil có lợi nhuận ròng khoảng 14 tỷ USD, 36% số đó thuộc về 12 tập đoàn giáo dục lớn chiếm 30% thị phần, có tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên 21%. Giáo dục tư thục là thành phần đứng thứ 10 trong nền kinh tế Brazil. Thương vụ sáp nhập mới đây giữa Kroton và Estáciode Sá sẽ hình thành tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới với hơn 2 triệu sinh viên.
Bảy mươi lăm phần trăm sinh viên Brazil nhập học vào các trường tư, một nửa số đó học ở các trường vì lợi nhuận.
Những người khổng lồ mới trong giáo dục đại học
Các tổ chức khổng lồ mới sẽ làm thay đổi bức tranh chung của thị trường, lập ra các tổ chức lớn để thôn tính đối thủ cạnh tranh, tập trung phần lớn tín dụng chính phủ dành cho sinh viên vào một số trường trong tay mình. Mặc cho các tuyên bố rằng mục tiêu tài chính không bao giờ được ưu tiên hơn các cam kết xã hội, nhưng bài học từ các lĩnh vực khác (ngoài giáo dục) và từ khắp nơi trên thế giới cho thấy trong hầu hết các trường hợp, lợi nhuận ngắn hạn luôn chi phối các mục tiêu giáo dục dài hạn. Điều này có nghĩa quan điểm giáo dục là một dịch vụ công ích đang bị lợi ích làm giàu nhanh huỷ hoại.
Chất lượng của giáo dục đại học vì lợi nhuận ở Brazil rất đáng ngờ. Các trường này thường có thứ hạng thấp về chỉ số học tập của sinh viên; họ cũng có những vấn đề về cơ sở hạ tầng, trình độ giảng viên và tài chính bền vững. Cũng nhấn mạnh rằng, hầu hết các ngành đào tạo ở trường vì lợi nhuận đều có chi phí thấp như luật, sư phạm, hành chính và nhân văn.
Các trường này thường tổ chức lớp học sĩ số đông, trả lương giảng viên thấp, hạ thấp tiêu chuẩn của bằng tốt nghiệp đại học, và thiếu những biện pháp hỗ trợ sinh viên nhằm giảm tỷ lệ bỏ học. Chất lượng đào tạo ở các trường này còn bị đe doạ nặng nề bởi áp lực tăng trưởng nhanh đã vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ nhằm duy trì các tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng giáo dục đại học quốc gia thông qua một hệ thống đánh giá phức tạp. Hệ thống kiểm định quốc gia cũng né tránh các tiêu chí cụ thể đối với hiện tượng vì lợi nhuận, chỉ đưa ra những điều nhằm áp dụng cho giáo dục đại học nói chung. Thêm vào đó, hệ thống đánh giá cấp quốc gia chỉ nhằm vào sinh viên đã tốt nghiệp mà không tính đến toàn bộ số sinh viên đang theo học. Nhiều sinh viên ở các trường vì lợi nhuận không hoàn thành chương trình để tốt nghiệp, số lượng lớn bị bỏ sót này làm khó khăn hơn cho việc phát hiện nhược điểm của toàn bộ hệ thống. Mặc dù các nhà vận động vì lợi nhuận cho rằng đóng góp của khu vực kinh tế này thật đáng kể: đưa ra công cụ quản lý tốt hơn, cung cấp ngân quỹ cho hạ tầng cơ sở vật chất lớn hơn và mở rộng cơ hội giáo dục đại học cho đông đảo dân chúng hơn, phải kiểm tra nghiêm ngặt sự thật của những công bố này.
Rõ ràng rằng xu hướng phát triển vì lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục đại học làm phát sinh nhiều mối quan ngại. Tác động xã hội của những tập đoàn giáo dục đại học khổng lồ mới nổi vẫn còn chưa rõ ràng. Liệu các trường cao đẳng và đại học nhỏ, tư nhân, phi lợi nhuận có thể cạnh tranh và tồn tại? Các yêu cầu công ích địa phương sẽ được đáp ứng trong bối cảnh này như thế nào? Các cơ sở vì lợi nhuận có kế hoạch mở rộng sang các nước châu Mỹ Latin khác hoặc xa hơn? Chính phủ đối phó trong bối cảnh cuộc chơi với những ông lớn bằng những quy định và đánh giá như thế nào? Những gì bị ảnh hưởng bởi lobby và các hoạt động chính trị do những tập đoàn giáo dục khổng lồ đầy thế lực? Đây chỉ là một số trong nhiều vấn đề Brazil phải đối mặt. Thế giới nên theo dõi những gì đang xảy ra, bởi vì sự phát triển của khu vực giáo dục đại học vì lợi nhuận ở Brazil là một dấu hiệu chắc chắn của xu hướng toàn cầu.