Mông Cổ: giáo dục đại học và sinh viên du học

Bryce Loo là nghiên cứu viên tại World Education Services, New York, Hoa Kỳ. E-mail: bloo@wes.org.

Số sinh viên Mông Cổ du học gia tăng chóng mặt từ khi quốc gia này chuyển từ chế độ Xô viết sang kinh tế thị trường. Những thách thức dai dẳng của hệ thống giáo dục đại học trong nước đã phần nào thúc đẩy sinh viên ra nước ngoài học tập. Trình độ giáo dục đại học ở Mông Cổ những năm gần đây đã bắt đầu gây được ấn tượng, nhưng chất lượng vẫn là vấn đề bất chấp các nỗ lực cải cách liên tục. Vẫn tồn tại các vấn về bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, nhất là đối với học sinh nghèo và từ nông thôn. Hầu hết các vấn đề này xuất phát từ sự thiếu hụt ngân sách thường xuyên của chính phủ. Do đó, Mông Cổ phải phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tài trợ quốc tế để giải quyết những khó khăn này thông qua việc nhận hỗ trợ về tài chính kỹ thuật.

Sinh viên du học nếu được quản lý hiệu quả có thể mang lại nhiều lợi ích cho Mông Cổ. Sinh viên và học giả khi về nước làm việc có thể mang lại các kỹ năng và kinh nghiệm có được ở nước ngoài, giúp quốc tế hoá cho các tổ chức họ trở về phục vụ. Trên nhiều khía cạnh, Mông Cổ thể hiện sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đối với các quốc gia ít dân trong việc quản lý du học sinh nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia.

Giáo dục đại học ở Mông Cổ

Mông Cổ có những chỉ số phát triển giáo dục ngang bằng với các nước lân cận, và từ khi chuyển đổi hệ thống, giáo dục đại học đã phát triển đáng kể. Năm 2015, toàn hệ thống đại học Mông Cổ có 162,626 sinh viên, tỷ lệ GER (Gross Enrollment Rate – tỷ lệ đi học trong độ tuổi) là 68%. Tỷ lệ này là 14% vào đầu những năm 1990. Số đông là sinh viên nữ, phản ánh ngược lại tỷ lệ nam/nữ ở quốc gia này.

Tương tự, số lượng trường đại học cũng phát triển mạnh mẽ. Trường công vẫn chiếm ưu thế, gần đây được hợp nhất từ 42 thành 16 trường. Số trường tư gia tăng nhanh chóng, có 78 trường vào năm 2015 nhưng nói chung có số lượng sinh viên ít ỏi.

Xu hướng du học nước ngoài

Dưới thời chiến tranh lạnh, sinh viên Mông Cổ đi du học chủ yếu đến Liên Xô cũ hoặc các nước trong khối XHCN. Năm 2014, danh sách điểm đến du học hàng đầu đa dạng hơn nhiều: Trung Hoa, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Nhật. Trên 15 ngàn sinh viên Mông Cổ đang du học nước ngoài. Tuy là con số nhỏ trong các nước nói trên, nhưng rất đáng kể đối với một quốc gia chỉ có 3 triệu dân.

Chỉ một số ít gia đình tầng lớp trên, chủ yếu ở thủ đô Ulaanbaatar, có khả năng chi trả kinh phí du học, nhất là đến các nước phát triển cao. Chính phủ Mông Cổ cũng cấp một số ít học bổng du học và một số lớn hơn tín dụng cho sinh viên du học. Ngoài ra một số đáng kể sinh viên du học tại Nga và Trung Hoa cũng được học bổng nhờ các chương trình hợp tác song phương về giáo dục. Một số khá ít sinh viên có thể kiếm được học bổng từ các tổ chức phi chính phủ tại Mông Cổ, các tập đoàn, chính phủ nước ngoài và các trường sở tại ở nước ngoài.

Lưu thông và thất thoát chất xám

Thất thoát chất xám là một nguy cơ lớn. Trước hết, không có thông tin đầy đủ về số sinh viên và học giả Mông cổ ở lại nước ngoài. Báo cáo gần đây nhất của chính phủ ước tính vào năm 2010 có trên 107 ngàn người Mông Cổ sống ở nước ngoài. Sinh viên di trú mở ra cơ hội ra đi cho người khác, thường là gia đình của họ. Nền kinh tế Mông Cổ bùng phát vào khoảng năm 2011, trở thành một trong các quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thời đó, chủ yếu nhờ lĩnh vực khai khoáng. Phát triển kinh tế mạnh mẽ được cho là yếu tố thu hút nhiều người sống ở nước ngoài trở về. Gần đây nền kinh tế đã chững lại, làm cho dòng người trở về từ nước ngoài giảm và thúc đẩy di cư ra nước ngoài.

Hàng năm chính phủ Mông Cổ chỉ cấp một ít học bổng toàn phần cho sinh vên du học, số sinh viên du học bằng tín dụng của chính phủ thì nhiều hơn.

Ngoài việc nắm bắt phạm vi vấn đề một cách đầy đủ, Mông Cổ cần đưa ra các giải pháp chống chảy máu chất xám. Cần khuyến khích sinh viên tốt nghiệp nước ngoài quay về. Chính phủ cần dành ngân sách để bảo vệ thất thoát tài năng sinh viên và giảng viên, tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển có thể khuyến khích các nghiên cứu sinh và học giả quay về phục vụ đất nước. Chẳng hạn ngoài lương cao, dịch vụ việc làm, sẽ có ích như trong kinh nghiệm thành công của Trung Hoa và các nước khác. Ngay cả khi họ không quay về, Mông Cổ cũng có được lợi nếu biết cách làm “lưu thông chất xám”, hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kiến thức.

Cơ hội cho sinh viên nông thôn

Cơ hội du học nước ngoài cho sinh viên/học sinh nông thôn, sinh viên/học sinh nghèo là một vấn đề. Phần lớn các đại học tập trung ở thủ đô Ulaanbaatar, chiếm đa số nguồn tài chính quốc gia và tài nguyên xã hội dành cho giáo dục đại học. Đất nước này cũng có tập quán di trú từ nông thôn ra thành thị, nhiều người cùng với gia đình của họ có xu hướng dịch chuyển từ các vùng nông thôn ra Ulaanbaatar và một số đô thị khác. Gần một nửa dân số Mông Cổ đang sống tại thủ đô.

Không rõ bao nhiêu sinh viên/học sinh nông thôn được tiếp cận cơ hội du học, nhưng thấy khá rõ rào cản đối với họ. Hầu hết học sinh trung học hoặc sinh viên cao đẳng và đại học ở nông thôn thường thiếu thông tin so với thủ đô Ulaanbaatar, nơi tập trung hầu hết các trung tâm tư vấn du học. Các em này cũng không có bạn bè hay người thân ở nước ngoài, nhất là cho mục đích du học. Tiếp xúc với tiếng Anh và những ngoại ngữ khác ở nông thôn là thấp hơn hẳn so với thành thị, mặc dù nhà nước có quy định đưa tiếng Anh vào mọi cấp học. Khả năng chi trả cho du học nước ngoài cũng là một rào cản.

Học bổng

Học bổng là một cách hữu hiệu giúp chính phủ và các bộ/ngành, hoặc địa phương khắc phục các thách thức nêu trên. Hiện nay chính phủ chỉ cấp học bổng du học cho sinh viên được chọn vào các trường top 100 theo xếp hạng của Times Higher Education. Rất ít sinh viên được cấp học bổng loại này, hầu hết ở Ulaanbaatar và một số đô thị lớn.

Chính phủ Mông Cổ có thể cấp nhiều học bổng du học ngắn hơn để gia tăng số lượng. Như chương trình Khoa học Phi biên giới của Brazil cấp học bổng 1 năm cho nghiên cứu khoa học, cộng thêm các khoảng chi phí học ngoại ngữ và thực tập. Các chương trình du học sau đại học có thể tận dụng các mối quan hệ hiện hữu giữa các đại học Mông Cổ và đại học nước ngoài. Các chương trình như thế mở thêm cơ hội du học cho cả học sinh/sinh viên khá giỏi ở vùng nông thôn. Quan hệ hợp tác với các tổ chức ở nước ngoài để nhận sinh viên vào các trường không thuộc nhóm Top cũng tạo thêm nhiều cơ hội du học. Hơn cả, có lẽ gắn việc đi học nước ngoài với bằng cấp quốc gia sẽ giúp giáo dục đại học Mông Cổ mang nhiều tính chất quốc tế hơn.

Con đường phía trước

Cần thêm nhiều dữ liệu cũng như nghiên cứu về du học và ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và giáo dục đến du học ở Mông Cổ. Các kết quả sẽ giúp quản lý tốt hơn sinh viên du học nhằm mang lại lợi ích cho đất nước nói chung và hệ thống giáo dục đại học nói riêng. Hoạch định thành công chính sách cho việc này là rất quan trọng đối với Mông Cổ, nhờ đó những công dân có học vấn quốc tế sẽ đóng góp tốt nhất cho đất nước.