Giáo dục đại học ở Nam Sudan: sống chung với những thách thức

Kuyok Abol Kuyok là phó giáo sư của Trường Cao đẳng Giáo dục, Đại học Juba, Juba, Nam Sudan. E-mail: kuyokabol64@hotmail.com.

Nam Sudan mới giành được độc lập từ Sudan vào tháng 7 năm 2011, có một trong những hệ thống giáo dục đại học nhỏ nhất, nhưng nhiều vấn đề nhất ở tiểu vùng Sahara châu Phi. Quốc gia mới nhất này của thế giới có 5 trường đại học công lập: Đại học Juba, Đại học Bahr el Ghazal, Đại học Upper Nile, Đại học Khoa học và Công nghệ Dr. John Garang Memorial và Đại học Rumbek – với gần 20 ngàn sinh viên, trong đó có 1040 sinh viên đã tốt nghiệp. Ngoài ra còn có bốn “dự án” hoặc “đề xuất” thành lập các trường đại học công lập: Đại học Western Equatoria (Yambio), Đại học Bắc Bahr el Ghazal, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Torit và Đại học Bantiu.

Hệ thống đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt bởi cơ sở vật chất nghèo nàn và thiếu nhân viên; xung đột và kinh tế trì trệ còn khiến cho tình trạng thêm trầm trọng. Những điểm yếu này tác động nặng nề đến năng lực của các trường đại học. Sự thất bại của các trường đại học công trong việc đáp ứng nhu cầu khổng lồ đối với giáo dục đại học đã khuyến khích sự xuất hiện của khu vực đại học tư nhân không được kiểm soát. Nam Sudan có 13 trường đại học tư nhưng chỉ có 4 trường được công nhận.

Trọng tâm của bài viết này là kinh nghiệm của 5 trường đại học công lập đang hoạt động. Đối mặt với các vấn đề còn tồn tại, các trường không còn lựa chọn nào khác ngoài sống chung với những thách thức. Bốn cách tiếp cận chính đánh dấu sự hồi phục của khu vực giáo dục này: nhân viên chuyên trách, quan hệ đối tác giữa các trường, sự ủng hộ từ chính quyền và hỗ trợ quốc tế.

Nhân viên chuyên trách

Trong năm 2012, chỉ có 721 giảng viên được tuyển dụng tại các trường đại học, cho thấy số lượng sinh viên khá khiêm tốn: với tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 28:1. Nhưng các trường đại học rất thiếu những giảng viên có trình độ. Chiếm tới 66% tổng số sinh viên, nhưng Đại học Juba, trường đại học lớn nhất trong nước, đã mất đi 561 cán bộ giảng viên là người bắc Sudan khi Nam Sudan giành được độc lập. Tương tự, một số lượng đáng kể các giảng viên của Đại học Upper Nile và Đại học Bahr el Ghazal – những trường thành lập sau năm 1991, vẫn ở lại Khartoum khi các trường đại học được chuyển về miền Nam vào tháng 12 năm 2010.

Hơn nữa, hệ thống này bị chi phối bởi các giảng viên không đủ trình độ. Ví dụ, về trình độ học vấn, chỉ có 86 người trong số tất cả giảng viên là có trình độ tiến sĩ vào năm 2012. Hơn nữa, thống kê cùng năm các hồ sơ nhân sự cho thấy chỉ có 36 người là giáo sư chính thức, trong khi đó 62 người là giáo sư thỉnh giảng, 76 giáo sư trợ giảng, 242 giảng viên và 262 trợ lý giảng dạy. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực này, các trường đại học tuyển dụng trợ giảng bán thời gian. Như vậy, 31% và 60% các giảng viên của Juba và Bahr el Ghazal với thứ tự tương ứng chỉ là giảng viên bán thời gian theo số liệu cuối năm 2016. Tình hình nhân viên ở 3 trường đại học còn lại cũng đáng báo động.

Tuy nhiên, các trường đại học đang sử dụng lực lượng lao động có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và tài năng nhất trong nước. Thủ tục tuyển dụng khắt khe bảo vệ các trường đại học khỏi các hành vi tham nhũng vẫn diễn ra trong các tổ chức dân sự. Quan trọng hơn, lòng trung thành của các nhà nghiên cứu đối với các tổ chức nhấn mạnh khả năng truyền đạt kiến thức và cung cấp các dịch vụ quan trọng khác. Sự cống hiến của lực lượng học thuật làm giảm các mối đe dọa do thiếu hụt giảng viên có trình độ. Ví dụ, một giáo sư của trường Bahr el Ghazal hướng dẫn cho 12 sinh viên ở bậc tiến sĩ.

Quan hệ hợp tác giữa các trường

Nói chung, thiếu thốn cơ sở hạ tầng là thách thức lớn nhất đối với các trường đại học. Những trang thiết bị phòng thí nghiệm của 3 trường đại học lâu đời hơn hoặc bị bỏ lại ở Khartoum khi các trường này được chuyển giao cho miền Nam, hoặc bị cướp bóc trong cuộc xung đột diễn ra sau đó vào tháng 12 năm 2013, như trường hợp của trường Upper Nile và John Garang.

Hệ thống đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt bởi cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn và thiếu nhân viên; xung đột và kinh tế trì trệ còn khiến cho tình trạng thêm trầm trọng.

Để giải quyết vấn đề này, các hiệu trưởng đã thiết lập quan hệ hợp tác, điều này tác động tích cực đến năng lực của các trường. Ví dụ mặc dù trường John Garang đã được mở lại ở Bor, do sự thiếu an toàn hiện tại ở Malakal, trường Upper Nile đã di dời sang Juba. Trường đại học di dời sử dụng một số cơ sở của trường Juba, và các giáo sư của Juba hướng dẫn sinh viên và giảng dạy bán thời gian tại John Garang. Ngoài ra, các sinh viên khoa học của Đại học Rumbek tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của Đại học Bahr el Ghazal ở Wau, và sinh viên khoa học của John Garang đến trường Juba để thực hành.

Ngoài ra, các giáo sư ở các trường đại học khác hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp của trường Juba. Để đảm bảo sự phát triển của đội ngũ nhân viên, các trường đại học gửi nhân viên của họ vào các khóa học sau đại học do các trường Juba và Bahr el Ghazal cung cấp.

Chính quyền sẵn lòng hỗ trợ

Giáo dục đại học ở Nam Sudan được quản lý thông qua Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học và Công nghệ. Bộ này giám sát mọi vấn đề chính sách, kỹ thuật và hành chính. Mặc dù Bộ trưởng là một người được chỉ định theo mục tiêu chính trị, sự có mặt của các nhà khoa học, chẳng hạn như các thư ký dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, đảm bảo rằng quan điểm của các trường đại học về những vấn đề mà họ đang phải đối mặt sẽ được xem xét.

Bộ Giáo dục hỗ trợ các trường đại học chủ yếu bằng cách cung cấp ngân sách chính phủ. Bộ Giáo dục đã tăng mức thù lao của giảng viên vào năm 2014, một biện pháp thu hút một số học giả trở lại các trường đại học. Số lượng nhân viên chính thức của trường Juba tăng từ 251 trong năm 2011 lên 574 vào năm 2016. Mặc dù con số này cho thấy mức tăng ấn tượng, 56% so với năm 2011, nhưng chưa đạt tới con số 700 nhân viên vào thời gian trước khi Nam Sudan giành độc lập. Ngoài ra, thông qua nỗ lực của Bộ, một số nước châu Âu và châu Phi hỗ trợ các chương trình phát triển nhân lực cho các trường đại học. Hiện tại, thông qua sáng kiến này, nhiều nhà nghiên cứu theo học các chương trình sau đại học tại Đại học Makerere, Uganda, Đại học Zambia và Đại học Zimbabwe.

Hơn nữa, đại diện của các trường đại học trong Hội đồng Giáo dục Đại học Quốc gia (NCHE) tăng cường mối quan hệ giữa các trường và cung cấp cho các tổ chức một nền tảng quốc gia. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo trường đại học đã giới thiệu một phong cách quản lý tập thể tại các trường đại học. Giảng viên, sinh viên và nhân viên trong trường được tư vấn về các vấn đề thể chế quan trọng, giúp tăng khả năng giao tiếp trong nội bộ. Về mặt này, các trường đại học xác định và phản ánh được những vấn đề rộng lớn hơn ở bên trong và cả bên ngoài trường.

Các hiệu trưởng dựa trên các mối quan hệ và hiểu biết chính trị để tiếp cận các nguồn lực cho các trường đại học. Họ kêu gọi các thành viên của các hội đồng trường đại học, thường là các bộ trưởng hoặc các nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng, để đưa vấn đề đến tận các bộ trưởng. Ở một nước mà cách làm việc phi chính thức năng động hơn các thủ tục quan liêu, phương thức này thường mang lại kết quả.

Hỗ trợ quốc tế

Giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực nhận được tài trợ từ chính phủ ít nhất. Các trường đại học chỉ nhận được ít hơn 1% ngân sách phân bổ hàng năm. Khoản vốn ít ỏi này hạn chế hoạt động của các trường đại học. Ban quản trị các trường đại học sử dụng nguồn quỹ eo hẹp này để trả thù lao cho nhân viên, mua sắm các dịch vụ thiết yếu và các thiết bị học tập như sách báo tạp chí. Do chính phủ không đủ khả năng tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển nhân viên, các trường đại học phải dựa vào hỗ trợ của nước ngoài.

Hỗ trợ quốc tế là cơ chế thực tiễn nhất để giải quyết hai thách thức quan trọng đối với đại học: thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu hụt cán bộ. Với sự hỗ trợ quốc tế, các trường đại học có thể giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng. Trước khi độc lập, Juba có được 6,5 triệu đô la từ các đối tác phát triển quốc tế – Na Uy và USAID – để xây dựng cơ sở cho trường đại học luật năm 2010. Các tòa nhà mới đủ chỗ cho cả các trường cao đẳng khác và trung tâm nghiên cứu sau đại học.

Vào thời điểm đó, 87,6% giảng viên không có bằng tiến sĩ. Do đó, phát triển nhân lực là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình hỗ trợ quốc tế. Vào đầu năm 2011, Juba đã đồng ý hợp tác với trường Đại học Bách khoa Virginia và Đại học Bang Virginia trong 3 năm để đào tạo nhân viên của Juba. Juba cũng đã ký một bản ghi nhớ với Đại học Mở Tanzania vào tháng 8 năm 2015 để thúc đẩy các chương trình học từ xa giữa hai tổ chức. Đại học Bahr el Ghazal đã ký một thoả thuận tương tự với Đại học Makerere ở Uganda và Đại học Oslo ở Na Uy. Ngoài ra, Đại học A&M của Texas và Đại học New York đã ký biên bản ghi nhớ với Đại học Memorial John Garang vào tháng 6 năm 2010. Tuy nhiên, khi chiến tranh bùng nổ, cộng đồng quốc tế đã ngừng hỗ trợ các trường đại học bởi vì họ chuyển sự quan tâm sang vấn đề khủng hoảng nhân đạo.

Kết luận

Giáo dục đại học của Nam Sudan đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù các trường đại học không giải quyết hoàn toàn được các vấn đề, họ áp dụng chiến lược sống chung với nó. Kinh nghiệm này cung cấp những bài học vô giá cho các hệ thống giáo dục đại học ở trong bối cảnh sau xung đột tương tự.