Jason E. Lane là Chủ nhiệm Khoa Chính sách Giáo dục và Lãnh đạo tại State University of New York at Albany, Hoa Kỳ, và là đồng Giám đốc của Nhóm Nghiên cứu Giáo dục xuyên Biên giới. E-mail: Jason.Lane@suny.edu.Hans Pohl là Giám đốc Chương trình của Cơ sở Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu và Đào tạo Đại học của Thụy Điển (STINT), và là thành viên thuộc Nhóm Nghiên cứu Giáo dục xuyên Biên giới. E-mail: hans.pohl@stint.se.
Nhiều chính quyền địa phương và quốc gia với mong muốn trở nên cạnh tranh hơn về kinh tế đã tìm cách phát triển năng lực nghiên cứu địa phương của mình. Có rất nhiều cách tiếp cận được thực hiện để thúc đẩy sự quan tâm này. Một số thì tìm cách xây dựng năng lực của các cơ sở hiện có, trong khi một số khác theo đuổi các chiến lược mới, chẳng hạn như xây dựng các cơ sở mới hoặc trở thành một Phân hiệu Quốc tế (International Branch Campus – IBC) của các cơ sở nghiên cứu đang hoạt động hiệu quả.
Rất ít chính phủ có đủ nguồn lực thực hiện nhiều cách tiếp cận để xây dựng năng lực nghiên cứu. Một số ít chính phủ làm được điều này đã cung cấp cho chúng ta cơ hội để so sánh kết quả các cách tiếp cận. Một trong những nơi như vậy là Abu Dhabi, tiểu bang lớn nhất, đông dân nhất và giàu có nhất ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây là địa điểm của hơn 20 các cơ sở giáo dục đại học tư thục, một số là IBC và được thành lập chủ yếu trong 15 năm qua. Vì vậy, Abu Dhabi được xem là một ví dụ để hiểu rõ hơn hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu tại các cơ sở công lập, tư thục và nước ngoài.
Chúng tôi đặc biệt tập trung vào Đại học New York Abu Dhabi (NYUAD), một IBC được thành lập vào năm 2008, nơi có kỳ vọng nghiên cứu ngay từ ban đầu. Trước khi những sinh viên đầu tiên được nhận vào, Viện NYUAD được thành lập để hỗ trợ nghiên cứu cho các giảng viên trường đại học NYU ở UAE. Ngày nay, Viện thúc đẩy các nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo bằng việc hỗ trợ 12 trung tâm và phòng thí nghiệm. Với trọng tâm nghiên cứu và hỗ trợ nghiên cứu ngay từ ban đầu, NYUAD là một ví dụ không điển hình của IBC; nhưng như là một tổ chức nổi bật, là một trường hợp điển cứu tốt để xem xét tiềm năng đóng góp cho nghiên cứu.
Để hiểu được vấn đề này, chúng tôi sử dụng các dữ liệu trắc lượng thư mục sẵn có từ Elsevier để theo dõi số lượng và chất lượng của các kết quả nghiên cứu từ các cơ sở giáo dục đại học ở Abu Dhabi. Dữ liệu này cung cấp thông tin về tổng số công trình được đăng tải của giảng viên giảng dạy tại mỗi cơ sở, cũng như chất lượng so sánh của các công trình này được xác định bởi chỉ số trích dẫn trong một lĩnh vực (FWCI), có thể xem chỉ số này là một cách để so sánh chất lượng kết quả trích dẫn của một cơ sở, kiểm soát sự khác biệt về lĩnh vực nghiên cứu, số năm của công trình và loại công trình.
Năng suất nghiên cứu tại Abu Dhabi
Khi chỉ nhìn vào số lượng các công trình của các cơ sở đào tạo nghiên cứu tại UAE được xuất bản trong khoảng năm 2011 và năm 2015, Abu Dhabi rõ ràng là tiểu bang dẫn đầu về năng suất nghiên cứu. Trong số 10 cơ sở giáo dục có năng suất cao nhất trong nước, 6 trong số đó nằm ở Abu Dhabi, trong đó có 3 trường thuộc tốp đầu.
Tại Abu Dhabi, Đại học UAE (UAEU) ở vị trí đầu với hơn 3000 công trình. UAEU là cơ sở lâu đời nhất và lớn nhất trong nước, được thành lập năm 1976 ngay sau khi đất nước được thành lập, và từ lâu đã được coi là trường đại học nghiên cứu công lập của quốc gia. Ba cơ sở tiếp theo có năng suất cao nhất (Đại học Khalifa, Viện Masdar và Viện Dầu khí), mỗi cơ sở do tư nhân quản lý và được nhà nước tài trợ một phần, đã sở hữu gấp đôi (hoặc gần gấp đôi) số lượng công trình xuất bản so với cơ sở thứ năm – NYUAD – là IBC duy nhất nằm trong 5 cơ sở đứng đầu, bắt đầu nỗ lực nghiên cứu vào khoảng thời gian tương tự như Khalifa và Masdar.
Nên lưu ý là các phân hiệu của trường kinh doanh của Pháp INSEAD và Sorbonne, cả hai đều ở Abu Dhabi, có năng suất thấp hơn nhiều, với chưa đầy 20 công trình cho mỗi cơ sở.
Đánh giá chất lượng nghiên cứu
Khi nhìn vào chất lượng của các công trình (FWCI) của 10 cơ sở lớn nhất, kết quả có thay đổi và chúng tôi bắt đầu nhìn thấy ảnh hưởng tiềm năng của các kết nối IBC. Cơ sở có chỉ số chất lượng cao nhất ở UAE là Masdar, tiếp theo là NYUAD. UAEU tụt xuống vị trí thứ 4. Trong khi các IBC không hiệu quả về số lượng công trình được đăng tải, thì NYUAD dường như có chất lượng công trình cao. Điều gì về IBC có thể dẫn đến việc nó có chỉ số chất lượng cao hơn các cơ sở trong nước khác?
Tận dụng nguồn vốn học thuật
Một phần lợi ích của việc nhập khẩu IBC là có được lợi từ nguồn vốn học thuật của cơ sở mẹ, cho phép IBC phát triển văn hoá nghiên cứu chất lượng nhanh hơn các cơ sở trong nước mới thành lập. NYUAD không đăng tải được nhiều công trình nghiên cứu như cơ sở mẹ và nó có lẽ sẽ không bao giờ làm được như vậy. Tuy nhiên, chỉ số chất lượng của NYUAD dao động xung quanh mức chất lượng của cơ sở mẹ và thực sự cao hơn của cơ sở mẹ trong 3 trên 6 năm qua.
Cơ sở có chỉ số chất lượng cao nhất ở UAE là Masdar, tiếp theo là NYUAD.
Không thể rút ra một kết luận chắc chắn về trường hợp này, nhưng có thể có một kỳ vọng về chất lượng được lan tỏa từ cơ sở mẹ đến IBC, về loại công trình và nơi các công trình được xuất bản. Thêm vào đó, nhờ có tên tuổi đã được xây dựng của cơ sở mẹ, IBC rõ ràng được hưởng lợi ăn theo từ đó, cũng có thể giúp tăng cường sự chú ý về các công trình của họ nhiều hơn so với với công trình các đồng nghiệp tại các cơ sở trong nước vừa mới thành lập và ít được biết đến..
Sự hợp tác
Đối với NYUAD, các công trình có hợp tác quốc tế chiếm khoảng 80% vào năm 2015, cao hơn đáng kể so với cơ sở mẹ. Đối tác quốc tế lớn nhất cho đến nay chính là cơ sở mẹ – cung cấp thêm bằng chứng về việc IBC được hưởng lợi từ sự liên kết với cơ sở mẹ như thế nào. Ngoài ra, có vẻ như các giảng viên tại NYUAD thường xuyên hợp tác nhiều nhất với các cơ sở quốc tế hàng đầu trong bảng xếp hạng quốc tế như Đại học Harvard, Đại học Oxford và Đại học Giao thông Thượng Hải. Điều này cho thấy rằng các mạng lưới mà giảng viên của NYUAD tiếp cận có thể đóng góp vào các chỉ số chất lượng tương đối cao hơn so với các đồng nghiệp thuộc cơ sở trong nước.
Kết luận
Số lượng công trình được xuất bản của một cơ sở giáo dục đại học không hoàn toàn đại diện cho bức tranh tổng thể về nghiên cứu của một trường; nhưng nó có thể cung cấp một cái nhìn khái quát về mức độ tương đối của năng suất và chất lượng giữa các cơ sở và ý thức cam kết của cơ sở đối với việc xuất bản các công trình khoa học, một cấu phần điển hình của tổ chức nghiên cứu.
Trường hợp này chỉ ra rằng các IBC lấy nghiên cứu làm trọng tâm có thể không có lợi thế vốn có khi so với các cơ sở trong nước về mặt năng suất nghiên cứu với thước đo đầu ra là số lượng. Tuy nhiên, điều đó dường như không đúng khi nhìn vào chỉ số về chất lượng nghiên cứu. Trong trường hợp này, NYUAD đã nhảy lên vị trí thứ hai của bảng xếp hạng. Điều này có thể là do các kỳ vọng học thuật được thực hiện từ cơ sở mẹ, khả năng tận dụng tên tuổi đã được xây dựng của cơ sở mẹ và sự tiếp cận đến các mạng lưới mà các cơ sở trong nước có thể không có.
Tuy nhiên, điều thú vị là đối tác trong nước cộng tác xuất bản duy nhất của NYUAD là Đại học Masdar, có cả chỉ số xuất bản và chỉ số chất lượng cao hơn. Nếu lợi ích của việc nhập khẩu IBC là để xây dựng năng lực nghiên cứu trong nước, thì sự thiếu vắng của hợp tác trong nước là một câu hỏi cần phải tìm hiểu thêm. Mặc dù cần nhiều thông tin hơn để làm rõ các đóng góp nghiên cứu của các IBC, nhưng dữ liệu về phân tích trắc lượng thư mục cho thấy rằng chúng không nhất thiết là cách nhanh chóng để xây dựng năng lực nghiên cứu trong nước.