Marcelo Knobel và Andrés Bernasconi
Marcelo Knobel là giáo sư tại Instituto de Física Gleb Wataghin(IFGW), Đại học Campinas (Unicamp), Campinas, SP, Brazil. E-mail: knobel@ifi.unicamp.br. Andrés Bernasconi là phó giáo sư, làm việc tại Khoa Giáo dục, Trường Pontifica Universidad Católica de Chile, Santiago de Chile, Chile. E-mail: abernasconi@uc.cl.
Năm 2018, các trường đại học Mỹ Latinh sẽ kỷ niệm một trăm năm Phong trào Cải cách Đại học Córdoba. Phong trào này, và hậu quả của nó đã làm thay đổi ý niệm về trường đại học ở Mỹ Latinh, và mở ra một kỷ nguyên đầy lạc quan về những mối liên hệ mang tính xã hội của các trường đại học vào đầu thế kỷ 20.
Các trường đại học của Mỹ Latinh thực tế có những đóng góp vào sự phát triển xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế của khu vực, nhưng đã không đạt được nhiều thành công (nói chung, cũng chậm chạp như sự phát triển của khu vực này). Thế kỷ 21 cho thấy giáo dục đại học trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông đang trong một quá trình thay đổi triệt để, tạo ra những “hợp đồng xã hội” mới với các cộng đồng nuôi dưỡng họ. Các trường đại học ở Mỹ Latinh thì ngược lại, có vẻ cố thủ vững chắc trong cách tư duy, trong diễn giải và thực hiện chức năng như vẫn đang ở thế kỷ 20. Vì sao như vậy? Vì sao ở các trường đại học Mỹ Latinh hiếm khi có những đổi mới căn bản, những hoạt động nghiên cứu xuất sắc, hoặc các dự án hướng tới tương lai?
Đại học Mỹ Latinh: định hình dần dần
Các trường đại học đầu tiên trong khu vực được thành lập vào thời thuộc địa Tây Ban Nha trong thế kỷ mười sáu. Phương pháp giảng dạy, học tập và quản trị độc tài vẫn tiếp tục được duy trì cho đến sau khi độc lập và sang đến thế kỷ 19. Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 18, sau khi giành được độc lập từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các trường đại học Mỹ La tinh là mô hình kết hợp vụng về giữa truyền thống Trung cổ Tây Ban Nha của trường Alcalá và Salamanca với Đại học Hoàng gia Pháp.
Một bước ngoặt diễn ra vào đầu thế kỷ 20, khi Trường Đại học Cộng hòa Uruguay cho phép sinh viên tham gia vào các cơ quan quản lý trường. Kỳ vọng về cải cách các trường đại học được thể hiện trong Hội nghị quốc tế sinh viên Mỹ đầu tiên vào năm 1908 ở Montevideo, và sau đó tại Córdoba, Argentina, nơi đã diễn ra cuộc cải cách đại học lịch sử năm 1918. Giảng viên, sinh viên đang học và đã tốt nghiệp tham gia vào công tác quản lý, tranh đấu vì một sứ mệnh nghiên cứu còn non trẻ, và quan tâm đến các vấn đề xã hội, tất cả những điều đó là phương tiện phá vỡ sự thờ ơ của trường đại học truyền thống.
Ý thức hệ của cải cách Córdoba, cùng với một tầng lớp trung lưu mới nổi, các cam kết chính trị của giảng viên và sinh viên, năng lực nghiên cứu phát triển, và đại chúng hóa và đa dạng hóa gần đây, đã chồng chất, với rất ít hoặc hoàn toàn không có ý đồ thiết kế, hết lớp này đến lớp khác lên truyền thống “giáo dục kinh điển kiểu Napoleon”. Kết quả là, mọi áp lực xã hội, chương trình nghị sự chính trị, ảnh hưởng quốc tế, cũng như các trào lưu phát triển trong khu vực đều phản chiếu trong các đặc tính của các trường đại học Mỹ Latinh. Trong các trường đại học Mỹ Latinh cũ, sự thiếu đồng nhất của các giáo sư, sinh viên, của cấu trúc trường và chức năng hoạt động, của ánh hào quang cũng như sự bất bình đều cho thấy bằng chứng về sự hình thành các lớp “địa chất” ý niệm rất khác nhau về một trường đại học.
Mỹ Latinh hôm nay và các trường đại học của khu vực
Hầu hết các trường đại học trong khu vực đều khá mới. Ở Brazil, các trường đại học thực sự đầu tiên chỉ được thành lập sau năm 1930, hơn 400 năm sau khi Bồ Đào Nha thành lập thuộc địa tại đây (năm 1531) và hơn một thế kỷ sau khi Brazil đã trở thành một quốc gia độc lập (năm 1822). Sự hình thành muộn màng này được bù đắp bởi đội ngũ cán bộ giảng viên và năng lực nghiên cứu được xây dựng nhanh chóng, điều này đã đưa các trường đại học Brazil lên vị trí dẫn đầu khoa học khu vực.
Giáo dục đại học Mỹ Latinh bao gồm gần 6000 tổ chức đào tạo sau trung học cả công và tư. Các trường đại học đủ điều kiện chỉ chiếm 15%, nhưng thu hút xấp xỉ 70% số lượng thí sinh sau trung học của khu vực. Những trường này phục vụ nhu cầu cho gần 500 triệu dân tại 19 quốc gia, với tốc độ tăng dân số hàng năm khoảng 2,1% và tuổi thọ ngày càng cao.
Mặc dù các trường đại học công lập và tư nhân có uy tín nhất (thường là lâu đời nhất) chỉ đại diện cho một phần nhỏ của hệ thống giáo dục quốc gia, những gì diễn ra ở các trường đó, với các trường đó, và dành cho các trường đó đều ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hệ thống như một tổng thể. Nhìn chung, các trường này được coi là tiêu chuẩn cho các trường còn lại, họ đào tạo giảng viên cho gần như toàn bộ hệ thống, họ thực hiện phần lớn các nghiên cứu, đào tạo phần lớn tầng lớp xã hội và chính trị ưu tú, và định hình ý thức dân tộc, bản sắc văn hóa và sự gắn kết xã hội. Ngày nay, là những ngọn cờ đầu, đáng lẽ các trường này phải trở thành nổi bật và người dẫn lối, nhưng phần lớn đã không làm được điều đó – họ chỉ đứng đầu. Thành tích và danh tiếng trong quá khứ vẫn là cơ sở để các trường này duy trì ảnh hưởng và sự tôn trọng.
Những thách thức chung
Một cách khái quát, các trường đại học hàng đầu có những đặc điểm chung có thể lý giải vì sao họ thấy khó khăn khi chuyển đổi sang thế kỷ 21, và khó xác định nhiệm vụ và cam kết của họ với các thế hệ tương lai.
Điều đầu tiên là các trường đại học trong khu vực đã đi trệch quỹ đạo so với phần còn lại của thế giới. Giáo dục đại học ở Mỹ Latinh không những không theo kịp tốc độ phát triển của các nơi khác, mà dường như đi ngược xu hướng toàn cầu. Trừ vài trường hợp ngoại lệ, các chính phủ vẫn thúc ép các tổ chức (không phải lúc nào cũng là khôn ngoan) trở thành có trách nhiệm hơn, năng suất cao hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn. Chính là các trường đại học, nhất là các trường uy tín, đã cưỡng lại sự thay đổi và cố gắng bảo vệ lợi ích của các thành phần nội bộ cụ thể. Tất nhiên, không nhất thiết là sai khi các trường đại học bỏ qua những cải cách đang diễn ra ở nơi khác, nhưng phải có một biện minh cho việc cố duy trì nguyên trạng. Khó hình dung rằng (không phải không thể, chỉ là khó) những hệ thống giáo dục đại học đang ở bên lề dòng tri thức toàn cầu như châu Mỹ Latinh, lại có những chiến lược phát triển mà các hệ thống tiến bộ hơn không biết đến.
Các trường đại học của Mỹ Latinh thực tế có những đóng góp vào sự phát triển xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế của khu vực, nhưng đã không đạt được nhiều thành công
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là cấu trúc quản lý và vận hành lỗi thời của hầu hết các trường đại học cản trở tư duy mới. Trong các trường đại học công lập, những giảng viên tích cực trong chính trị thường liên minh với sinh viên và nhân viên hành chính để ngăn cản những nỗ lực làm cho các trường đại học có trách nhiệm hơn với các bên liên quan hay phục vụ những mục đích khác ngoài bản thân họ và những quyền lợi của họ. Thông thường, các trường đại học tư nhân chịu thiệt hại do ảnh hưởng quá nhiều của người sáng lập hoặc do ban quản trị yếu kém.
Ngoài ra, thế hệ các học giả trẻ hơn, thường được đào tạo cho công việc nghiên cứu tốt hơn những người tiền nhiệm, khó tìm được một vị trí giảng dạy trong các trường đại học đang còn nhiều giáo sư già chưa muốn nghỉ hưu, bởi vì về hưu đồng nghĩa với sự mất mát về tài chính. Tình hình còn tệ hơn với những trường đại học công lập phải lấy từ ngân sách hoạt động để trả lương cho các giáo sư đã nghỉ hưu. Đáng buồn là, trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu, triển vọng nghề nghiệp trong các trường đại học định hướng nghiên cứu không đủ hấp dẫn để thu hút các tài năng trẻ xuất sắc nhất.
Tài chính cũng là một vấn đề; giáo dục đại học trong toàn khu vực luôn thiếu tiền. Nhưng các chính phủ không muốn tăng đầu tư công khi các tổ chức giáo dục không muốn (hoặc không thể) đảm bảo rằng tiền đầu tư được chi tiêu một cách minh bạch và hiệu quả. Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi thực tế phần lớn sự tăng trưởng giáo dục diễn ra trong khu vực tư nhân. Khi các tổ chức tư nhân trong khu vực trở thành đủ điều kiện để yêu cầu một phần đầu tư từ nguồn kinh phí công, sự căng thẳng giữa khu vực công và tư xuất hiện, cùng với những tranh luận về việc ai phải trả tiền cho cái gì, những dịch vụ công nào xứng đáng được trợ cấp, những quỹ nào nên được phân bổ theo cách cạnh tranh, những ngưỡng chất lượng nào cần đạt được khi nhận kinh phí công và những vấn đề khác.
Về khía cạnh chính trị, các chính phủ thiếu một sự hiểu biết về vai trò cơ bản mà hệ thống giáo dục đóng góp vào sự phát triển bền vững. Việc thiếu các chính sách toàn diện và chiến lược lâu dài hơn các nhiệm kỳ của chính quyền là rào cản đối với việc lập kế hoạch và phối hợp hành động ở cấp độ hệ thống.
Thay đổi bức tranh giáo dục đại học
Sự thật là, hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ Latinh cần một sự chuyển đổi toàn diện – một cuộc cải cách không chỉ là phản ứng ngắn hạn với hoàn cảnh cụ thể, mà phải là kết quả của sự cân nhắc có mục đích và kế hoạch hợp lý để mở rộng giáo dục, đảm bảo chất lượng phù hợp, nuôi dưỡng tính kiên trì trong sinh viên, hỗ trợ các đối tượng đa dạng , và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực tri thức cần thiết.
Một số việc đã được thực hiện. Ở một số nước đã manh nha những phong trào hướng tới sự đa dạng hệ thống, mối quan tâm đến vấn đề hòa nhập xã hội và các hoạt động khẳng định vị thế ngày càng tăng. Khu vực này cung cấp một số hình mẫu quan trọng về chương trình dự bị đại học, hỗ trợ lưu học sinh, các kỳ thi cộng thêm giá trị gia tăng, và thông tin thiết thực về cơ hội việc làm. Mặc dù khu vực giáo dục tư nhân mở rộng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ vẫn làm dấy lên các lo ngại về chất lượng, chính những trường tư nhân có vị thế vững vàng nhất đã đem tinh thần đổi mới và tính năng động vào hệ thống.
Điều thú vị là, phần lớn những thay đổi này lại diễn ra bên ngoài các trường đại học hàng đầu. Những tổ chức giáo dục không sử dụng được năng lực trí tuệ của mình để tham gia, đóng góp, hay có cách tiếp cận sáng tạo trước những nhu cầu của tương lai, sẽ bị bỏ lại phía sau, hệ thống vẫn luôn phát triển mà không cần tới họ.