Laura E. Rumbley và Hans de Wit
Laura E. Rumbley là phó giám đốc Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế, Boston College. E-mail: rumbley@bc.edu. Hans de Wit là giám đốc Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế, Boston College. Bài viết này dựa trên chương sách sắp được xuất bản của các tác giả với tiêu đề: “Giảng viên quốc tế trong giáo dục đại học: những động lực chung, những thực tế khác biệt và nhiều điều chưa biết” trong cuốn “Giảng viên quốc tế trong giáo dục đại học: so sánh về tuyển dụng, hội nhập và tác động” (chủ biên Yudkevich, Altbach và Rumbley, NXB Routledge, 2016).
Sự xuất hiện của giảng viên quốc tế (là người nước ngoài, không phải người bản địa và người trong nước) trong các cơ sở và hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới là một khía cạnh quan trọng của giáo dục đại học trong xã hội tri thức toàn cầu ngày nay. Cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút tài năng, tài trợ, và danh tiếng/hồ sơ/thương hiệu ngày càng khốc liệt không chỉ cho thấy đại học phải cạnh tranh để tuyển được những sinh viên đại học và sau đại học giỏi nhất và thông minh nhất, mà họ còn phải tìm kiếm những nhà nghiên cứu và giảng viên tài năng thuộc loại đẳng cấp thế giới.
Sự dịch chuyển giảng viên quốc tế cũng quan trọng đối với hiện tượng quốc tế hoá giáo dục đại học. Ở đây, chúng ta cần lưu ý rằng những yếu tố như sự dịch chuyển của sinh viên, đổi mới chương trình học, xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác đều là các khía cạnh nền tảng trong chiến lược quốc tế hoá của các trường – và trong cả 3 khía cạnh này, giảng viên đều đóng vai trò quan trọng.
Quy mô và bản chất của sự dịch chuyển quốc tế của giảng viên, đặc biệt khi liên quan đến các vị trí được bổ nhiệm vĩnh viễn hoặc dài hạn, hơn là ngắn hạn hoặc tạm thời, là một hiện tượng còn chưa được biết đến và chưa được nghiên cứu đầy đủ. So với danh sách dài các báo cáo và nghiên cứu về sự dịch chuyển sinh viên quốc tế, một điều đáng ngạc nhiên là hầu như không có dữ liệu và nghiên cứu về hiện tượng dịch chuyển của giảng viên quốc tế. Khi cố gắng tìm hiểu những động lực tiềm ẩn trong sự vận động của đội ngũ tài năng học thuật (ở mọi trình độ), chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc tìm hiểu những động lực thúc đẩy giảng viên theo đuổi các vị trí công việc vô thời hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài, vì sao các trường và các tổ chức giáo dục đại học tuyển dụng những giảng viên này, mối quan hệ giữa các giảng viên quốc tế và các trường chủ quản trong thực tế diễn ra thế nào, và những chính sách ở tầm quốc gia cũng như của các trường có tác động thế nào tới sự dịch chuyển của những giảng viên có hợp đồng làm việc dài hạn này. Thực tế là, từ những nghiên cứu gần đây về chủ đề này – với dữ liệu của 11 nước và những trường đại học cụ thể – chúng tôi có thể đưa ra nhận định rằng sự dịch chuyển của giảng viên quốc tế là một hiện tượng đang tăng lên và khá phức tạp, chứa đựng nhiều cơ hội và cả sự bất bình đẳng, và đã đến lúc cần được nghiên cứu và phân tích sâu hơn.
Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa giảng viên quốc tế thống nhất, trong khi đó loại hình các trường đang sử dụng giảng viên nước ngoài lại rất đa dạng
Nhận diện những khó khăn và phức tạp của bối cảnh
Mỗi nước trên thế giới có cách định nghĩa và phân loại sinh viên quốc tế khác nhau, với giảng viên quốc tế tình hình cũng y hệt như vậy, không có một định nghĩa thống nhất thế nào là một “giảng viên quốc tế”. Quốc tịch có phải là yếu tố để xác định không? Hay danh xưng giảng viên quốc tế phải đồng nghĩa với việc giảng viên từng được đào tạo ở nước ngoài (ví dụ đã hoàn thành bậc học tiến sĩ), bất kể xuất thân từ quốc gia nào? Giảng viên quốc tế có phải là một người được coi là “nhập cư” xét theo bối cảnh địa phương, và nếu vậy thì quá trình nhập cư này diễn ra trước hay sau khi giảng viên đặt chân vào thế giới học thuật? Khi không có một định nghĩa rõ ràng và thống nhất, rất khó để so sánh và đối chiếu cả về định lượng và định tính những thông tin liên quan đến đội ngũ này.
Trong khi đó, những trường có nhu cầu sử dụng giảng viên quốc tế cũng ở những đẳng cấp rất khác nhau. Ở một đầu phổ là những trường đại học nghiên cứu tinh hoa có sức hấp dẫn như các “siêu sao”. Vị thế của những trường này cho phép họ tuyển dụng được những giảng viên sáng giá nhất, và thực tế họ coi việc tìm kiếm giảng viên khắp toàn cầu là hiển nhiên, cũng như tìm kiếm những tài năng xuất chúng từ mọi nơi trên thế giới. Các tài liệu nghiên cứu ít ỏi về sự dịch chuyển giảng viên quốc tế cũng dành phần lớn sự quan tâm cho các trường đại học danh tiếng này. Tuy nhiên, ở đầu kia của phổ, có những trường hoặc hệ thống trong tình trạng thiếu hụt giảng viên, buộc phải tuyển giảng viên trong khu vực hoặc giảng viên quốc tế để đảm bảo những hoạt động cơ bản. Ở khoảng giữa hai cực, một số lượng nhất định các trường đại học trung bình hoặc trên trung bình cũng tích cực tìm kiếm các giảng viên quốc tế, hoặc đơn giản hơn, tuyển dụng giảng viên trong số những ứng viên không phải người địa phương.
Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa giảng viên quốc tế thống nhất, trong khi đó loại hình các trường đang sử dụng giảng viên nước ngoài lại rất đa dạng.
Phân tích theo các vòng tròn đồng tâm: quốc gia, nhà trường, giảng viên
Không thể khái quát hoá sự dịch chuyển giảng viên quốc tế nếu không phân tích sâu rộng cả quá trình. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng ý nghĩa kinh nghiệm dịch chuyển quốc tế của giảng viên ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều xoay quanh sự hiểu biết những chính sách và thực tiễn – tuy khác biệt, nhưng đan xen chặt chẽ – được vận hành ở cấp quốc gia và cấp trường; đồng thời tính đến kinh nghiệm thực tế phức tạp của cá nhân giảng viên.
Ở cấp độ quốc gia, những giảng viên nước ngoài tiềm năng được giới thiệu hàng loạt lựa chọn, những cơ hội hữu hình và vô hình. Những lựa chọn này hấp dẫn họ hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Từ việc hệ thống chính sách khuyến khích (hay cản trở) tuyển dụng giảng viên nước ngoài, vị trí pháp lý hoặc vị trí nghề nghiệp của họ trong quốc gia, cho đến các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày – như ngôn ngữ, chuẩn mực văn hoá, và thực tiễn – có thể giúp (hay cản trở) họ hội nhập, và các vấn đề lớn hơn như địa chính trị, môi trường, những điều này sẽ định hình sự đánh giá những trải nghiệm của cá nhân họ cũng như sự đánh giá của các thành viên gia đình đến cùng họ. Vì vậy bối cảnh quốc gia là một chiều kích quan trọng trong câu chuyện của giảng viên quốc tế.
Ở cấp độ trường, khi được tuyển dụng, giảng viên quốc tế sẽ đối diện với những tình huống cuộc sống vô cùng đa dạng trong một môi trường làm việc mới. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các trường đại học có nhiều lý do để tuyển dụng giảng viên quốc tế và có nhiều cách tuyển dụng. Các điều khoản của hợp đồng lao động cũng có thể khác biệt – ở một số trường điều khoản hợp đồng lao động là như nhau đối với giảng viên quốc tế và giảng viên nội địa, ở những nơi khác điều khoản hợp đồng lao động cho giảng viên quốc tế là riêng; cả hai kịch bản đều đem đến cả thách thức và cơ hội. Ngoài ra, rất ít trường đại học có hệ thống xem xét, đánh giá và khai thác mức độ và phạm vi ảnh hưởng của giảng viên quốc tế mà họ đang sử dụng.
Cuối cùng, câu chuyện về sự dịch chuyển giảng viên quốc tế cũng chưa đầy đủ nếu không xem xét hiện tượng này ở tầng nền móng – những khía cạnh cá nhân của giảng viên. Ở đây, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy động lực thúc đẩy giảng viên quốc tế là những cơ hội việc làm hấp dẫn, hoặc ý thức trách nhiệm, hoặc mong muốn đóng góp vào một “chương trình lớn” mà họ tin tưởng. Họ đánh giá cao những hỗ trợ mà trường đại học hoặc chính phủ nước chủ nhà dành cho họ. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ của những trường đại học được đề cập đến trong nghiên cứu này có khoảng cách khác biệt lớn.
Những điều chưa biết
Hiện tượng dịch chuyển giảng viên quốc tế cần được tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn. Một số vấn đề cơ bản mà theo chúng tôi có thể làm nền tảng cho các nghiên cứu sau này bao gồm: tác động của chính sách nhập cư đối với sự dịch chuyển của giảng viên quốc tế; sự dịch chuyển của giảng viên quốc tế giữa các xã hội phát triển và đang phát triển, giữa khu vực giáo dục đại học công và đại học tư và khu vực vì lợi nhuận, giữa các ngành, mối liên quan đến độ tuổi và giới tính; tác động của giáo dục trực tuyến đến sự dịch chuyển giảng viên quốc tế; và những khác biệt trong thực tế khi giảng viên dịch chuyển từ thể chế trường học này sang thể chế trường học khác.