Giáo dục đại học nước ngoài tại Ấn độ: những bước phát triển mới nhất

Richard Garrett

Richard Garrett là giám đốc của Viện Quan sát Giáo dục không biên giới. E-mail: richard.garrett@i-graduate.org.

Ấn độ là một trường hợp điển hình về những nhầm lẫn và phức tạp của TNE. Từ viết tắt TNE (TransNational Education) dùng để nói đến “giáo dục xuyên quốc gia”, là việc các cơ sở hoặc chương trình giáo dục đại học của một quốc gia được thành lập hoặc cung cấp ở một quốc gia khác. Ví dụ như các phân hiệu quốc tế, các chương trình liên kết hoặc hợp tác giữa các đại học địa phương và nước ngoài. Động lực của các trường nước ngoài là tuyển sinh viên quốc tế và theo đuổi sự nhận diện quốc tế; trong khi các chính phủ và trường đối tác địa phương mong muốn tiếp cận các chương trình đạo tạo chất lượng cao và chuyên sâu.

Chính phủ Ấn độ lo ngại về năng lực và chất lượng đạo tạo của đại học trong nước, và cũng lo ngại về việc sinh viên Ấn độ đi du học sẽ không về nước, nhưng lại tỏ ra nghi ngờ những đề nghị của các đối tác cung cấp dịch vụ đào tạo nước ngoài. Chính phủ Ấn độ từ lâu đã hứa hẹn sẽ ban hành một khung pháp lý toàn diện cho giáo dục xuyên quốc gia. Những hướng dẫn đang có hiện nay là sự chắp vá từ các quy định của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, vừa mơ hồ vừa chi tiết quá mức. Mới có rất ít chương trình giáo dục xuyên quốc gia đi vào hoạt động, nhưng họ phải chiến đấu với việc không được công nhận, dữ liệu nghèo nàn, và sự áp đặt những quy định pháp lý khó đoán trước.

Ngày 23 tháng 6 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực (HRD) công bố sửa đổi quy định về hợp tác giữa các trường đại học Ấn độ và nước ngoài. Một thay đổi lớn là các trường Ấn độ có thể trực tiếp đăng ký hợp tác với nước ngoài. Theo quy định cũ ban hành từ 2012, các đối tác nước ngoài phải đăng ký. Ngài Bộ trưởng tiết lộ rằng, mặc dù vậy chưa một trường nước ngoài nào từng nộp đơn đăng ký, và đồng thời chỉ trích các thủ tục hành chính quan liêu. Bộ trưởng Irani cam kết rằng các đơn đăng ký nộp tới Uỷ ban cấp phép Đại học UGC – một đơn vị thuộc HRD – sẽ được xem xét trong vòng một tháng và hoàn tất thủ tục trong 2 tháng.

Đột phá hay thất bại?

Một yếu tố quan trọng là loại hình hợp tác nào được cấp phép. Đối với điểm này, bộ trưởng tuyên bố rằng không có gì thay đổi. Quy định từ năm 2012 cấm các hình thức giáo dục xuyên quốc gia thông thường. Hình thức nhượng quyền thương mại (nghĩa là một trường đại học nước ngoài cho phép một trường Ấn độ cấp bằng theo tên của họ) và cấp bằng liên kết đều không được phép.

Quy định khuyến khích các chương trình “kép”, tức là sinh viên tại Ấn độ nhập học tại đại học trong nước và dành một phần thời gian học tập tại trường đối tác nước ngoài. Nhưng khác với chương trình bằng kép ở những nước khác, những sinh viên này chỉ nhận một bằng từ trường của Ấn độ, không phải là bằng nước ngoài. Theo quy định sửa đổi, bảng điểm có thể bao gồm tên và biểu tượng của đối tác nước ngoài, nhưng bằng nước ngoài hoặc bằng liên kết vẫn không được phép cấp.

Chính phủ Ấn độ lo ngại về năng lực và chất lượng đạo tạo của đại học trong nước, và cũng lo ngại về việc sinh viên Ấn độ đi du học sẽ không về nước, nhưng lại tỏ ra nghi ngờ những đề nghị của các đối tác cung cấp dịch vụ đào tạo nước ngoài

Một thay đổi khác nữa được bộ trưởng nói đến là việc sinh viên Ấn độ tham gia chương trình liên kết có thể nhận được một số tín chỉ nếu họ có giai đoạn học tập tại cơ sở của trường nước ngoài. Sinh viên bậc đại học muốn lựa chọn con đường này phải học tập ít nhất hai học kỳ ở nước ngoài. Sinh viên sau đại học phải có tối thiểu một học kỳ. Cơ hội tương tự cũng mở ra đối với sinh viên nước ngoài muốn có thời gian học tập tại Ấn độ. Điều kiện phải học tập tối thiểu hai học kỳ đối với sinh viên ở bậc đại học để nhận được tín chỉ có thể là không thực tế với nhiều sinh viên ở cả hai phía.

Tại sao chính phủ không chấp nhận các chương trình liên kết? Sự dè dặt này có thể do quy định nhiều hơn là vấn đề của lập pháp hay cần lộ trình cải cách. Quan điểm của chính phủ có thể là quyền cấp bằng tại Ấn độ cần phải dành riêng cho các đại học nội địa. Khi chưa có một đạo luật mới, dù là mù mờ như các đạo luật ở Ấn độ vốn vậy, chính phủ vẫn bị trói buộc trong những quy định hiện có của UGC.

Một vấn đề phức tạp khác nữa là vai trò của Hội đồng toàn Ấn độ về Giáo dục kỹ thuật (AICTE), một cơ quan tương tự UGC. AICTE giám sát lĩnh vực kỹ thuật trong giáo dục đại học, bao gồm cả những chương trình cấp bằng. Các chương trình kinh doanh, công nghệ thông tin và kỹ sư đều chịu sự giám sát này. AICTE có quy định và quy trình cấp phép dành riêng cho các trường nước ngoài; những quy định này cho phép thành lập các cơ sở đào tạo độc lập của nước ngoài và các chương trình đào tạo từ xa, và không ngăn cấm các chương trình cấp bằng liên kết.Tuy vậy, 10 chương trình được cấp phép cho năm 2016-2017 đều là chương trình bằng kép. 10 chương trình này là của 6 trường đại học nước ngoài, bao gồm DeMontfort và Huddersfield từ Anh Quốc, Đại học Massachusetts và Valparaiso từ Mỹ. Danh sách này giảm đáng kể so với con số 21 chương trình được cấp phép trong năm 2013-2014.

Cuộc thăm dò ý kiến của chính phủ

Dự luật về cung cấp dịch vụ đào tạo nước ngoài có từ năm 1995. Dự luật gần đây nhất là vào năm 2010, có tên gọi Dự luật về các cơ sở đào tạo nước ngoài, đã không được quốc hội thông qua. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây của chính phủ do Thủ tướng Modi khởi xướng gợi ý ba hướng triển khai cấp phép cho các trường nước ngoài thành lập tại Ấn độ: 1) Quốc hội ban hành một đạo luật mới; 2) Đưa ra một định nghĩa mới về đại học, để bao gồm cả các trường nước ngoài; hoặc 3) sửa đổi quy định của UGC về hợp tác. Nếu như công bố của Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực ngụ ý là chính phủ lựa chọn cách thức thứ 3, thì khuôn khổ luật pháp dành cho đại học nước ngoài thực tế vẫn còn rất mơ hồ. Mười trong số 29 bang tại Ấn độ đồng ý cho phép các trường nước ngoài hoạt động tại Ấn độ, bảy bang lại chống lại điều này.

Ước tính có hơn 600 chương trình đào tạo nước ngoài tại Ấn độ, bao gồm mọi thể loại, từ bằng kép cho đến trao đổi giảng viên và đào tạo từ xa. Kết quả khảo sát giáo dục xuyên quốc gia của Anh Quốc do HE Global thực hiện gần đây cho thấy có ít nhất 9 trường đại học của Anh đang hoạt động tại Ấn độ, cung cấp 82 chương trình đào tạo. Điều này ngược với khẳng định của AICTE và UGC rằng họ không cấp phép cho bất kỳ trường nước ngoài nào. UGC nói rằng các chương trình hợp tác đang hoạt động phải được phê duyệt trong vòng một năm hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh phạt, nhưng những thời hạn tương tự từng được đưa ra và trôi qua mà hầu như không có hành động nào được thực hiện. Tuyên bố “phải tuân thủ” của AICTE cũng bị các nơi bỏ qua.

Trong nhiều trường hợp, không phải các trường nước ngoài cố tình coi thường quy định. Chính là cách tiếp cận khác nhau của chính phủ và các bang đối với chương trình giáo dục xuyên quốc gia, thẩm quyền chồng chéo dễ gây nhầm lẫn của các cơ quan giám sát, và việc áp dụng quy định không thống nhất khiến cho các trường khó biết được chính xác việc gì được phép và việc gì không được phép.

Động thái mới nhất của Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn lực có thể có nghĩa là một hướng áp dụng mới cho nhữngtrường đại học Ấn độ quan tâm tới vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, nó có thể làm nguội lạnh mối quan tâm của các trường nước ngoài đến hợp tác giáo dục với Ấn độ do họ không được cấp bằng của chính mình, và do ngán ngại quy trình cấp phép trong đó UGC được quyền xem xét: “cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, giảng viên, các chi phí đặc biệt, khoá học, chương trình, [và] các nguồn tài chính cần thiết cho việc đảm bảo hoạt động trong tối thiểu 3 năm (…)”. Phần lớn các chương trình giáo dục xuyên quốc gia có thể vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp quy định, chạy theo sự quan tâm của các nhà tuyển dụng hơn là sự giám sát của chính phủ.

Đối diện với vấn đề giáo dục đại học nước ngoài, Ấn độ cần tìm được cách cân bằng giữa quản lý và đổi mới. Khi chưa làm được điều đó, với chính phủ Ấn độ, giáo dục xuyên biên giới sẽ tiếp tục là một vấn đề gây đau đầu hơn là một lợi ích.