Lisa Anderson
Lisa Anderson nguyên là hiệu trưởng Đại học Mỹ tại Cairo, và là nghiên cứu viên chính tại Đại học New York tại Abu Dhabi. E-mail: la8@columbia.edu.
Các đại học Mỹ tại các nước Ả rập từ lâu vẫn tranh luận một cách hài hước về việc họ thuộc về (of) hay chỉ đơn giản đóng tại (in) thành phố mà họ có cơ sở đào tạo. Cái tên kiểu Đại học Mỹ tại Cairo chỉ là số ít; phần lớn các đại học khác, ví dụ các trường Đại học Mỹ tại Beirut, Sharjah, Kuwait và Iraq, trong tên gọi đều dùng từ thuộc về và địa danh nơi họ có trụ sở. Câu hỏi này không chỉ dành cho các trường đại học Mỹ, mặc dù phần lớn các trường đại học từ các nước khác đều xác định là họ đóng tại thành phố nơi họ có trụ sở, ví dụ như Đại học Đức tại Cairo; một số phân hiệu đại học quốc tế né tránh vấn đề này, và sử dụng dấu cách trong tên gọi (như NYU Abu Dhabi), dấu hai chấm (như Northwestern University: Qatar campus) hoặc một giới từ khác hoàn toàn (như Texas A&M University at Qatar).
Đằng sau cuộc thảo luận có vẻ khá vô bổ này lại là một câu hỏi quan trọng: đâu là chỗ đứng của các trường đại học với những yếu tố quốc tế rõ ràng như vậy tại các nước Ả rập ngày nay?
Các đại học này đến từ đâu
Trường đại học lâu đời nhất trong số này được thành lập với mục đích truyền giáo: Đại học Mỹ thuộc Beirut (AUB) ra đời năm 1866 với tên gọi Trường Tin lành Syria. Trước khi Đại học Mỹ tại Cairo (AUC) được thành lập vào năm 1919, các thành viên hội đồng tín thác của trường thường gọi tắt là Đại học Cơ đốc giáo Cairo. Tuy vậy, vào thời gian AUC được thành lập, mục tiêu tôn giáo rõ ràng của các trường đại học này đã đặt nền móng cho sự chuyển giao một nền giáo dục thế tục, có thể coi là áp đặt, hướng đến giáo dục phẩm chất đạo đức và ý thức công dân.
Những năm giữa thế kỷ 20 đã chứng kiến sự ra đời một loạt đại học công tại các nước Ả rập với mục tiêu đào tạo đội ngũ quản trị cho các quốc gia mới thành lập và nhiều tham vọng. Khu vực này chưa biết đến giáo dục đại học tư, ngoại trừ Lebanon, và giáo dục đại học công miễn phí trở thành cột trụ cho các nước phát triển trong khu vực. Tuy vậy, cũng như bản thân các nhà nước, các trường đại học công nhanh chóng trở nên thiếu hiệu quả và không đáp ứng kịp nhu cầu của dân số tăng quá nhanh (kết cục là tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tại các nước Ả rập cao nhất thế giới, khoảng 30%). Nhằm đối phó với thách thức này, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, chính phủ tại các nước trong khu vực đã quay sang giáo dục đại học tư: 70% trong số khoảng 600 trường đại học thuộc khu vực này được thành lập sau năm 1990, và khoảng 40% trong số này là đại học tư, chiếm khoảng 30% quy mô tuyển sinh đại học. Và trong thời đại của toàn cầu hoá tân khai phóng, khu vực giáo dục đại học tư định hướng ra thế giới.
Vậy là nhiều đại học tư tại các nước Ả rập đưa ra quảng cáo là họ liên kết, được thành lập theo mô hình hoặc hợp tác với các đại học nước ngoài. Chỉ riêng tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất đã có gần 40 trường đại học mang tên gắn liền với Mỹ, các nước châu Âu hoặc Australia. Chỉ một vài cơ sở trong số đó là các trường nghề và các cơ sở đào tạo định hướng thị trường một cách thông minh, phần lớn số còn lại chỉ cố gắng cung cấp dịch vụ đào tạo bậc đại học có chất lượng hợp lý, và thường dựa trên mô hình đại học khai phóng truyền thống của Mỹ. Một số trường mong muốn tổ chức các chương trình đào tạo sau đại học và nghiên cứu nghiêm túc, trong những nỗ lực đạt chuẩn kiểm định quốc tế, chủ yếu là của Mỹ. Tương tự như vậy, sự hình thành các cơ sở đào tạo tại nước ngoài, đặc biệt là tại khu vực Vịnh Ba Tư – từ các tiền đồn của chương trình kỹ sư Carnegie Mellon và Trường Dịch vụ Đối ngoại của Đại học Georgetown tại Qatar Education City, cho đến Phân hiệu của Đại học New York tại Abu Dhabi (NYUAD) – và những nỗ lực đầy tham vọng như Đại học Khoa học và Công nghệ Mang tên Vua Abdullah (KAUST), đều có vẻ là những dấu hiệu đầu tư hứa hẹn sẽ đem đến cho khu vực này giảng viên quốc tế, chương trình đào tạo quốc tế, phương pháp sư phạm quốc tế và thực hành quản trị về giáo dục và nghiên cứu quốc tế.
Đằng sau cuộc thảo luận có vẻ khá vô bổ này lại là một câu hỏi quan trọng: đâu là chỗ đứng của các trường đại học với những yếu tố quốc tế rõ ràng như vậy tại các nước Ả rập ngày nay?
Những trường đại học này làm gì
Tuy nhiên, vai trò xúc tác của những trường đại học này lớn đến mức nào vẫn là một câu hỏi mở. Rõ ràng họ sẽ không bao giờ đáp ứng được hàng ngàn nhu cầu học đại học phát sinh mới tại khu vực. Còn trong vai trò hình mẫu đối với các trường đại học địa phương – cả công và tư – các trường đại học quốc tế này thường tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc chuyển giao công nghệ, bởi không dễ vượt qua được rào cản để áp dụng rộng rãi mục tiêu, chính sách, phương pháp thực hành và sản phẩm của các trường đại học này.
Đầu tiên, ngôn ngữ giảng dạy của các đại học quốc tế này (ngay cả các đại học Đức trong khu vực) là tiếng Anh, nhằm đảm bảo tuyển được giảng viên quốc tế có trình độ và hạn chế việc tuyển sinh sinh viên bản địa ồ ạt. Danh tiếng chuyên môn của giảng viên quốc tế được tạo nên từ những đánh giá của đồng nghiệp trong ngành trên toàn thế giới, nên các kết quả nghiên cứu của họ thường được công bố bằng tiếng Anh, điều này cũng khiến cho việc phổ biến nghiên cứu trong khu vực bị hạn chế. Khi cố gắng đạt được chuẩn chuyên sâu của lĩnh vực và ngành nghiên cứu, họ cũng thường lựa chọn các vấn đề và phương pháp nghiên cứu từ quan điểm và kỹ thuật hàn lâm – là những giá trị có thể đo lường theo biểu mục tổng số trích dẫn và chỉ số tác động, hơn là các chỉ số khó đo lường như giá trị xã hội hay tác động công. Về phần mình, các trường đại học sẵn lòng tưởng thưởng cho các nhà khoa học có nhiều công bố, bởi công trình khoa học của họ sẽ đóng góp vào việc nâng cao thứ hạng của trường, và thứ hạng cao giúp tăng thêm các nguồn tài trợ, tăng số lượng hồ sơ ứng tuyển, sự ủng hộ của chính phủ và sự tôn trọng quốc tế. Trong hệ thống giáo dục đại học toàn cầu với tính tự chủ cao, tất cả những điều trên đều có ý nghĩa.
Những trường đại học này không làm những gì
Nhưng nhìn từ góc độ khu vực, điều này cũng có nghĩa là đang tồn tại một vực sâu ngăn cách giữa các tổ chức đại học quốc tế được giới thiệu để cải thiện giáo dục đại học tại các nước Ả rập và những tầng lớp xã hội lẽ ra được hưởng lợi từ điều đó. Thực tế, khách hàng của các đại học này bao gồm các thí sinh, khách đến thăm trường trong các buổi triển lãm nghệ thuật và trình diễn âm nhạc, các nhà tuyển dụng quan tâm đến sinh viên tốt nghiệp, các cựu sinh viên và các nhà tài trợ, đều thuộc tầng lớp tinh hoa quốc tế, xa lạ với những cộng đồng ở bên ngoài các bức tường. Họ thấy thoải mái ở những nơi như New York hay London, hơn là trong các khu trung tâm Cairo hay ngoại ô Beirrut. Trong thực tế, với mục tiêu thu hút sự phát triển – các trung tâm công nghệ, các khu dân cư mới, các trung tâm văn hoá – một số cơ sở đào tạo của các đại học này còn được đặt gần với sân bay quốc tế hơn là thành phố mà họ mang tên.
Và ngày nay, tình trạng cô lập này càng trở nên trầm trọng ở các nước Ả rập từ các cuộc nổi dậy rộng khắp trong năm 2011, tội ác hồi phục và nội chiến đẫm máu lan rộng. Ngoài những điều đó, rất ít chính phủ muốn các vị khách nước ngoài của họ rơi vào tình cảnh nguy hiểm, và chính các trường cũng không muốn mạo hiểm. Vì vậy, từ Cairo đến Beirrut, từ Doha đến Dubai, các trường đại học dần dần bỏ qua nhu cầu khu vực để hướng ra toàn cầu, vừa nhiều tiềm năng hơn vừa ít mạo hiểm hơn. Một số đại học thành lập đã lâu thực tế vẫn thể hiện định hướng phục vụ khu vực: AUB công bố mục tiêu của họ là “phục vụ con người khu vực Trung Đông và rộng hơn”. AUC cam kết “nỗ lực đóng góp cho Ai Cập và cộng đồng quốc tế (…)”. Đại học Mỹ tại Sharjah – một trong những đại học quốc tế lâu đời nhất tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – tuyên bố đã “bén rễ trong nền văn hoá khu vực Vịnh Ba Tư”. Nhưng rất nhiều trường khác không cảm thấy chắc chắn về chỗ đứng của họ tại nơi họ đang đặt trụ sở. Đại học Mỹ tại Iraq đào tạo sinh viên cho một “xã hội hiện đại, đa nguyên và môi trường toàn cầu”. NYUAD trang bị cho sinh viên những kỹ năng để đối mặt với “những thách thức và cơ hội trong một thế giới đa liên kết”. Đại học Mỹ tại Kuwait đặt ra mục tiêu đơn giản “làm giàu cho xã hội”.
Rất nhiều vấn đề cần đề cập đến khi bàn về việc cung cấp một nền giáo dục tốt nhất có thể cho giới tinh hoa toàn cầu, cho những người mà chúng ta tin tưởng giao phó tương lai. Nhưng sự bối rối của chúng ta trước thế giới Ả rập ngày nay cũng cho thấy rằng, nền giáo dục đó là không hoàn chỉnh nếu như nó không bắt rễ vào – hoặc không sinh ra từ, thậm chí nếu không đặt mục tiêu hướng đến các thành phố và cộng đồng nơi các trường đó đặt trụ sở.