Quốc tế hóa chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng Israel

Amit Marantz-Gal

Amit Marantz-Gal là giảng viên môn Tiếng Anh cho du học sinh, trường Sapir College, Israel. Email: amita@mail.sapir.ac.il.

Nền tảng của hệ thống giáo dục đại học ở Israel được xây dựng vào giữa những năm 1920 khi nước Anh vẫn đang nắm quyền uỷ trị, và cho đến khi Nhà nước Israel thành lập vào năm 1948, cả hệ thống chỉ gồm hai tổ chức giáo dục (Technion và Đại học Hebrew). Những trường đại học còn lại được thành lập vào giữa những năm 1970. Sự thay đổi lập pháp quan trọng trong những năm 1990 cho phép mở các trường cao đẳng, đại học (tổng hợp, kỹ thuật và chuyên môn) là một cột mốc đánh dấu những thay đổi trong nhận thức về bức tranh giáo dục đại học.

Ngày nay, Israel có 63 cơ sở giáo dục đại học: bảy trường đại học nghiên cứu, Đại học oneOpen và 55 trường cao đẳng. Đầu năm học mới này dự kiến sẽ có 306.370 sinh viên ghi danh vào các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, và văn bằng khác ở tất cả các cơ sở giáo dục sau trung học. Trong số 190.400 sinh viên cử nhân (không bao gồm những người ghi danh vào Đại học Mở), 66% sinh viên sẽ học tại các trường cao đẳng (nguồn dữ liệu: Hội đồng Giáo dục Đại học Istrael). Ngày nay các trường cao đẳng ở Israel chiếm một vai trò quan trọng trong giáo dục đại học.

Mặc dù chưa có một chính sách quốc gia có thể chi phối và chỉ đạo quốc tế hóa giáo dục đại học, Israel cam kết tuyệt đối với các nguyên tắc của Tiến trình Bologna, và thể hiện cam kết này thông qua việc thành lập Văn phòng quốc gia Erasmus, một Trung tâm Đào tạo Bologna, và bồi dưỡng nhóm chuyên gia Israel về cải cách giáo dục đại học (HERE).

Các trường cao đẳng ngày càng coi quốc tế hóa như một yếu tố chiến lược, có thể thúc đẩy các cơ hội nghiên cứu và tăng cường yếu tố chất lượng trong việc xây dựng chương trình giảng dạy. Mới có rất ít trường thực hiện các bước đi thực tế đầu tiên theo hướng này. Họ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các dự án quốc tế do EU tài trợ tập trung vào sự trao đổi học thuật, xây dựng năng lực, thiết kế chương trình giảng dạy và nghiên cứu. Các trường cao đẳng thường trẻ hơn và nhỏ hơn so với các trường đại học, nên dường như có ít khả năng đương đầu với những phức tạp và thách thức của toàn cầu hoá, nhưng họ cũng có một số lợi thế riêng. Bài báo này phác thảo một vài điểm tiềm năng có thể giúp các trường cao đẳng Israel hưởng lợi từ những nỗ lực quốc tế hóa, đặc biệt khi tập trung vào quốc tế hóa chương trình giảng dạy.

Mặc dù chưa có một chính sách quốc gia có thể chi phối và chỉ đạo quốc tế hóa giáo dục đại học, Israel cam kết tuyệt đối với các nguyên tắc của Tiến trình Bologna

Văn hoá doanh nghiệp trong trường học và đa dạng sắc thái

Đối phó với thay đổi và thích ứng với nhu cầu của lực lượng sinh viên đa dạng là bản chất của các trường cao đẳng Israel. Ngay từ khi thành lập, các trường cao đẳng Israel đã xác định mục tiêu của họ là giảng dạy và đào tạo, còn nghiên cứu chủ yếu là mục tiêu của các các trường đại học. Tuy nhiên, ngày nay giảng viên các trường cao đẳng cũng được đánh giá theo các tiêu chí năng lực và trình độ nghiên cứu như giảng viên các trường đại học. Kết quả là nhiều trường cao đẳng đang bận rộn cập nhật và xác định lại chiến lược hoạt động của trường, cố gắng kết hợp và khuyến khích nghiên cứu trong văn hoá nhà trường.Tập trung vào nghiên cứu dường như khiến họ dễ chấp nhận quốc tế hoá hơn.

So với các trường đại học, cao đẳng phục vụ một lực lượng sinh viên đa dạng về nền tảng học thuật, nhân khẩu học, thành phần xã hội và dân tộc. Các trường cao đẳng trẻ hơn, nhỏ hơn và thường đóng ở vùng nông thôn. Họ cũng năng động và sẵn sàng thay đổi hơn, và lực lượng quản lý cao cấp – các học giả cũng như các nhà quản trị – thường có khá nhiều kinh nghiệm trong việc “mơ ước thực hiện những điều bất khả thi”. Nét văn hóa kinh doanh này là một trong những giá trị cốt lõi tại nhiều học xá của các trường cao đẳng, và thấm nhuần xuống mọi tầng lớp dân cư khác nhau của học xá (giảng viên, sinh viên và các quản trị viên).

Các trường cao đẳng Israel cũng cam kết với ý tưởng mở rộng cơ hội tham gia vào giáo dục đại học đến mọi thành phần xã hội Israel, đặc biệt đến các cộng đồng ở khu vực xung quanh trường. Những nhóm dân tộc thiểu số như người Ả Rập và người Do Thái từ ngoại biên, người Bedouin, người nhập cư Ethiopia và người Nga, những nhóm người cho đến nay vẫn bị loại ra khỏi nền giáo dục đại học ưu tú do các trường đại học cung cấp, có thể ghi danh vào học tại các trường cao đẳng. Kết quả là, các tổ chức này có thêm nhiều kinh nghiệm và trở nên linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu của những cộng đồng khác nhau và giải quyết các vấn đề đa dạng, trong cả chương trình giảng dạy và cũng như công tác quản lý. Do liên tục có những căng thẳng chính trị xung quanh cuộc xung đột Israel-Palestine, và xã hội Istrael coi công dân người Ả Rập và người Israel là bình đẳng, nên những vấn đề nhạy cảm này được quan tâm đặc biệt. Có thể nói rằng các trường cao đẳng Israel đã triển khai các nguyên tắc quốc tế hóa ngay trong nhà mình.

Như vậy, những gì ban đầu có vẻ là những hạn chế mang tính cấu trúc trong năng lực đáp ứng nhu cầu quốc tế hoá, có thể lại dẫn tới một cách tiếp cận sáng tạo hơn và quả quyết hơn, để cuối cùng không những không cản trở mà còn thúc đẩy nhanh hơn quá trình quốc tế hoá.

Thay đổi chương trình giảng dạy và sức mạnh của sự “Trung lập”

Xã hội Israel là một bức tranh phức tạp của các nền văn hóa, sắc tộc, và tôn giáo. Thành phần sinh viên đa dạng trong các trường cao đẳng phản ánh sự pha trộn nhiều màu sắc này; và thường xảy ra tình trạng các học giả và các quản trị viên thấy mình bị lệch hướng so với chương trình chuẩn khi phải giải quyết những vấn đề nhạy cảm, những khó khăn trong học tập, và những căng thẳng trong và ngoài lớp học. Một số trường cao đẳng ở Israel tham gia vào dự án TEMPUS do EU tài trợ đã nhận thấy rằng quốc tế hoá chương trình đào tạo có để đem đến những tiềm năng thay đổi to lớn, góp phần vào hiện đại hóa chương trình học tập, và giải quyết những căng thẳng hiện có.

Các trường cao đẳng nhận thức thuật ngữ “quốc tế hóa” có nghĩa là “trung lập”, nghĩa là đứng ngoài những vấn đề nhạy cảm của địa phương hay xã hội như những căng thẳng đặc trưng giữa người Do Thái/Ả Rập, giữa thế tục/tôn giáo, công nghiệp/học đường, và giữa trung tâm/ngoại biên. Họ sẵn sàng thừa nhận rằng khi được gắn thuật ngữ này, các hoạt động học thuật dễ được chấp nhận hơn bởi đông đảo giảng viên và sinh viên. Bằng việc kết hợp chiều kích quốc tế và liên văn hóa vào nội dung chương trình, các trường cao đẳng mong đợi sự hợp tác lớn hơn từ giảng viên, một lực lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công của trường.

Đặc điểm chung của các trường cao đẳng là xác định rõ mục tiêu của quốc tế hoá: đó là hiện đại hóa chương trình giảng dạy, kết hợp với khung ECTS, và sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy nhằm thúc đẩy sinh viên và nhân viên dịch chuyển quốc tế, chú trọng vào cách tiếp cận “trung lập “. Việc truyền bá thông tin về sáng kiến quốc tế hoá này trong khuôn viên trường khiến cho tỷ lệ giảng viên hưởng ứng nó cao hơn mong đợi.

Các trường cao đẳng Israel, khi bắt tay vào quá trình quốc tế hoá nói chung, và quốc tế hoá chương trình đào tạo nói riêng, có thể nhận được nhiều lợi ích nếu lưu ý đến một số yếu tố. Thứ nhất, khai thác tốt văn hóa doanh nghiệp học đường có thể dẫn đến thành công cho quốc tế hoá, bởi vì quốc tế hoá luôn đi đôi với văn hoá doanh nghiệp. Thứ hai, áp dụng những kiến thức học đường để giải quyết các vấn đề đa dạng trong khuôn viên trường có thể đem lại những giá trị nhất định. Cuối cùng, cần hiểu rõ quốc tế hóa được mô tả và diễn giải thế nào trong các tầng lớp cư dân khác nhau của trường. Ở châu Âu, quốc tế hoá đôi khi gợi nên những liên tưởng tiêu cực, chẳng hạn như nỗi sợ mất đi bản sắc dân tộc trong các tổ chức giáo dục, hoặc sự miễn cưỡng chấp nhận một ngôn ngữ giảng dạy không phải là bản ngữ. Điều này dường như không xảy ra với Israel. “Trung lập” có thể là một động lực quốc tế hoá mạnh mẽ. Cho đến nay, kinh nghiệm thực tế về quốc tế hóa các chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng Istrael cho thấy dường như tính “Trung lập” đặc biệt hiệu quả trong việc giải quyết những căng thẳng Do Thái-Ả Rập.