Giáo dục đại học Ethiopia – cải cách và đa dạng hoá nguồn thu

Kibrome Mengistu Feleke

Kibrome Mengistu Feleke là giảng viên và nhà nghiên cứu ở Khoa Tâm lý, Đại học Bahir Dar, Ethiopia. Ông là thạc sỹ về Khoa học Quản lý. E-mail: kbmen1973@yahoo.com.

Khoảng hai mươi năm trước, đặc trưng của giáo dục đại hoc Ethiopia là chỉ dành cho số ít, bất bình đẳng, chất lượng kém, nghiên cứu yếu và thiếu kinh phí. Nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận, đảm bảo sự bình đẳng, chất lượng, sự phù hợp và hiệu quả trong giáo dục đại học, từ năm 1994, chính phủ Ethiopia đã đưa ra những chương trình cải cách và chính sách đổi mới quan trọng.

Nhờ cải cách, trong hai mươi năm qua hệ thống giáo dục đại học đã mở rộng nhanh chóng, từ 2 trường thành 36 trường đại học công lập. Đại học tư thục cũng nở rộ kể từ năm 1997, với 98 trường, đào tạo 15% tổng số sinh viên cả nước. Số lượng sinh viên đại học tăng từ 35 ngàn vào năm 1996 lên 593.571 sinh viên vào năm 2014. Tỷ lệ sinh viên nhập học đại học tăng từ 0,8% năm 1996 lên 9,4% vào năm 2014.

Một cách tổng quan, đầu tư lớn của chính phủ vào giáo dục đại học trong 20 năm đã mang lại những kết quả sau: mở thêm nhiều trường đại học, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, thêm nhiều chương trình đào tạo đa dạng, và tổng số sinh viên tăng hơn 500%. Thành quả này thật phi thường. Tuy nhiên, một hệ thống phát triển quá nhanh như thế đòi hỏi được tiếp tục nuôi dưỡng và phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách chính phủ.

Thách thức tài chính

Chính phủ Ethiopia cung cấp gần như toàn bộ nguồn tài chính cần thiết cho hoạt động của hệ thống giáo dục đại học. Hệ thống giáo dục đại học chỉ có thể duy trì sự phát triển như hiện nay nếu được cấp kinh phí đúng mức và ổn định. Vì thế, từ năm 2000, ngân sách của chính phủ dành cho giáo dục tăng dần. Tương tự như vậy, để đáp ứng sự phát triển, ngân sách dành cho giáo dục đại học cũng tăng, từ 15% lên 30% tổng ngân sách dành cho giáo dục.

Dù kinh phí dành cho giáo dục đại học tăng đáng kể trong những năm qua, ngân sách quốc gia vẫn không đủ để chu cấp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp tục mở rộng. Hệ quả là, các trường đại học đang hết sức chật vật tìm kiếm các nguồn tài nguyên phục vụ cho sự phát triển liên tục này. Áp lực tài chính trở nên găy gắt từ khi chính sách 70:30 yêu cầu giảm đào tạo các ngành khoa học xã hội chi phí thấp, và tăng đào tạo các ngành khoa học và công nghệ chi phí cao, những ngành này đòi hỏi nguồn tài nguyên lớn hơn nhiều (chính sách 70:30 hoạch định 70% sinh viên đại học công lập vào các ngành khoa học-công nghệ, còn 30% vào các ngành xã hội nhân văn). Bất chấp thiếu hụt về tài chính, hệ thống vẫn tiếp tục mở rộng, từ nay cho đến năm 2020 sẽ có 11 trường đại học mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu học tập tăng lên.

Đối mặt với những thách thức tài chính găy gắt như vậy, các trường đại học Ethiopia buộc phải tìm phương cách để có thêm nguồn thu khác ngoài ngân sách do chính phủ cấp, nhằm đáp ứng những nhu cầu to lớn của mình. Tương tự như vậy, các trường cũng cần huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng khác để củng cố năng lực tài chính của trường.

Áp lực đa dạng hoá nguồn thu

Hệ thống giáo dục đại học có đủ khả năng tài chính để đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng tăng hay không chủ yếu phụ thuộc vào khả năng huy động được nhiều nguồn thu khác nhau. Đa dạng hoá nguồn thu góp phần duy trì sự phát triển nhanh của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh ngân sách chính phủ bị giới hạn. Chủ động huy động thêm các nguồn thu khác giúp các trường đại học giảm sự phụ thuộc vào ngân sách chính phủ và không bị tác động khi chính sách công thay đổi.

Trong bối cảnh giáo dục đại học ở Ethiopia phát triển quá nhanh, nhưng ngân sách chính phủ không đủ chu cấp cho sự mở rộng này, các trường đại học công lập đã chủ động tăng thêm và đa dạng hóa thu nhập của họ bằng nhiều nguồn khác. Điều này giúp các trường đại học ở Ethiopia có thêm thu nhập, nhờ đó cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục.

Như vậy, giáo dục đại học ở Ethiopia cho phép các trường công lập huy động thêm các nguồn thu khác để bổ sung vào khoản ngân sách được chính phủ cấp. Định hướng này chi phối chính sách tổng thể cũng như các vấn đề cải cách giáo dục đại học ở Ethiopia. Chính sách thuận lợi đã tạo điều kiện để phát triển các nguồn thu bổ sung. Kết quả là các trường đại học có thể tuyển cả sinh viên đóng học phí, cung cấp các dịch vụ đào tạo thu phí, thu hút tài trợ, thành lập doanh nghiệp và tham gia các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.

Nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận, đảm bảo sự bình đẳng, chất lượng, sự phù hợp và hiệu quả trong giáo dục đại học, từ năm 1994, chính phủ Ethiopia đã đưa ra những chương trình cải cách và chính sách đổi mới quan trọng

Xu hướng của các trường đại học

Nhờ có chính sách thuận lợi khuyến khích tìm kiếm nguồn thu mới, các trường đại học Ethiopia đã xây dựng nhiều cơ chế để huy động vốn ngoài ngân sách chính phủ. Hiện tại, phần lớn nguồn thu bổ sung có được là từ học phí của các chương trình đào tạo khác nhau không được nhận ngân sách. Học phí đã trở thành một trong những nguồn thu chính của hầu hết các trường đại học. Ngoài ra, ngày càng nhiều trường đại học tạo thêm được thu nhập từ các hợp đồng nghiên cứu, đào tạo và tư vấn. Cũng có các khoản đáng kể khác từ đóng góp, tài trợ và các thoả thuận song phương.

Chính sách này cũng cho phép các tổ chức với chức năng huy động vốn hoạt động như một doanh nghiệp. Vì vậy, một số trường đại học đã thành lập những tổ chức định hướng kinh doanh để hưởng lợi từ nguồn thu bổ sung.

Nhìn chung, nhiều trường đại học đã phát triển được các quan hệ hợp tác trong giáo dục, nghiên cứu và công nghiệp để thu hút thêm tài trợ và đóng góp. Kết quả là, doanh thu tạo ra từ dịch vụ giáo dục có thu phí, từ tài trợ, hợp tác nghiên cứu, các hoạt động thương mại, và các nguồn khác đã tăng lên đáng kể trong nhiều trường đại học công lập trong cả nước.

Những khác biệt giữa các trường đại học và bất bình đẳng trong thu nhập

Nói chung, các trường đại học khác nhau về tuổi đời, vị trí địa lý, năng lực đội ngũ, lực lượng cựu sinh viên và sự đa dạng chương trình đào tạo. Những chênh lệch này dẫn đến sự bất bình đẳng trong khả năng huy động các nguồn vốn bổ sung. Các trường lâu năm, có uy tín dễ dàng huy động vốn và thu hút được tài trợ từ các ngành công nghiệp cũng như các nhà tài trợ hơn so với các trường mới thành lập. Ngoài ra, các trường ở những vùng kém phát triển có ít cơ hội tạo được nguồn thu hơn so với các trường ở vùng phát triển, vùng đô thị.

Chất lượng bị đe dọa

Các ngành học có nhu cầu cao thường thu hút được đông sinh viên trả học phí hơn. Vì thế nhiều trường đại học, nhằm tuyển sinh nhiều hơn, đã đưa ra các chương trình đào tạo định hướng thị trường, ngay cả khi họ không đủ nguồn lực cần thiết để triển khai những chương trình như vậy. Một số trường còn sẵn sàng hạ thấp tiêu chí tuyển sinh đầu vào nhằm tuyển được đông sinh viên trả học phí, với mục đích tăng doanh thu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng những sinh viên không đạt chuẩn vẫn được nhập học, và tiếp theo đó sẽ là sự thoả hiệp về chất lượng giáo dục.

Con đường phía trước

Nói chung, các trường đại học công lập ở Ethiopia có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp những dịch vụ đa dạng cho ngành công nghiệp và doanh nghiệp tư nhân, bằng cách đó tạo thêm doanh thu. Thực tế tại nhiều trường cho thấy họ quyết tâm theo đuổi những hoạt động có thể gia tăng nguồn thu khác này để đảm bảo hoạt động của trường, mà không trông chờ vào ngân sách từ chính phủ.

Bất chấp bối cảnh đầy hứa hẹn, nhiều trường đại học chỉ tập trung vào một số ít chiến lược huy động vốn mang tính truyền thống. Kết quả là, các trường chưa có được nhiều nguồn thu đa dạng. Hơn nữa, hầu hết các trường đại học chưa có được cách tiếp cận có tính hệ thống và định hướng chiến lược đối với những hoạt động tao ra doanh thu. Hệ quả là, lợi ích từ doanh thu bổ sung đã không được tái đầu tư để nâng cao năng lực của trường.

Nhằm thể chế hoá chiến lược và đa dạng hoá nguồn thu, các trường đại học cần phát triển một cấu trúc quản trị phù hợp. Ngoài ra, thu nhập từ các nguồn khác nhau nên được sử dụng tập trung vào những sứ mạng cốt lõi của trường. Muốn làm như vậy, các trường cần được quyền tự chủ để duy trì nguồn thu bổ sung: thực tế đã có sự can thiệp từ bên ngoài vào một số trường đại học. Các trường đại học cũng nên đưa ra các cơ chế ưu đãi khác nhau để khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập.

Nhìn chung, doanh thu phi chính phủ ngày càng tăng đã bổ sung đáng kể vào ngân sách công. Như vậy, đa dạng hóa thu nhập được xem là một hoạt động và một nguồn thu nhập bổ sung quan trọng. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn phải duy trì các giá trị cốt lõi của mình trong khi theo đuổi những hướng hoạt động mới tạo ra thu nhập.